Sự nghiệp đổi mới ở nước ta đang đi vào chiều sâu và đạt được những thành tựu to lớn. Đó là tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển sáng tạo, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đua ghe Ngo thể hiện bản sắc văn hóa, sự giao lưu và tình đoàn kết của người Khmer Nam Bộ. Ảnh: nhandan.vn
Qua 35 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, chính trị - xã hội đất nước ổn định; quốc phòng an ninh được tăng cường; văn hóa - xã hội có bước phát triển tích cực; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy và mở rộng, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Sức mạnh của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền của đất nước được giữ vững. Quan hệ đối ngoại rộng mở và đang đi vào chiều sâu, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao.
Tuy nhiên, để tạo đột phá chiến lược để tới dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng năm 2030 và kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước năm 2045 đưa nước ta thành nước phát triển, đòi hỏi chúng ta phải phát huy mạnh mẽ sức mạnh Việt Nam. Trong đó, việc phát huy giá trị văn hóa, con người như lòng tự tôn, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường… trong điều kiện cơ đồ, vị thế đất nước có nhiều thay đổi, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Phát huy giá trị văn hóa, con người chính là khơi dậy, ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc trong thời kỳ mới.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá VIII) đã chỉ ra những đặc điểm cơ bản tạo nên bản sắc dân tộc Việt Nam đồng thời cũng là của con người Việt Nam, “Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống...”[1]. Ngoài những đặc điểm cơ bản trên người Việt Nam còn nhiều đặc điểm khác, như tinh thần lạc quan, sự sáng tạo, hiếu học, coi trọng gia đình, hiếu khách, cởi mở, mềm dẻo và linh hoạt trong tư duy...
Trong điều kiện hiện nay, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam để đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển đất nước cần hướng đến những nội dung sau:
Thứ nhất, phát huy lòng yêu nước với ý chí, khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng
Yêu nước là truyền thống nổi bật trong hệ giá trị của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy là mẫu số chung, là nguồn lực nội sinh của cộng đồng dân tộc. Lòng yêu nước của người Việt Nam không chỉ là tư tưởng, tình cảm mà đã trở thành triết lý, là chủ nghĩa yêu nước, là ý chí, khí phách, quyết tâm và hành động của mỗi con người.
Ngày nay, lòng yêu nước là tinh thần phấn đấu, hy sinh vì dân, vì nước; vượt qua khó khăn, thử thách; có tinh thần hợp tác trong lao động, sản xuất; có thái độ lạc quan, dám nghĩ, dám làm; có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng đạo lý; có sự sáng tạo trong tư duy, hăng say học tập, không ngừng nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, vì sự phát triển của đất nước. Tinh thần yêu nước của người lao động là tinh thần xung kích trong phát triển kinh tế; năng động, nhạy bén, sáng tao trong nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao để xây dựng và phát triển đất nước.
Văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển. Ảnh: Internet
Những phong trào thi đua như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” (công nhân); “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”; “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh” (nông dân); “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” (cán bộ, công chức); “Thi đua dạy tốt, học tốt” (giáo dục); “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” (phụ nữ); “Cựu chiến binh gương mẫu” (Cựu chiến binh); “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; “Sinh viên tình nguyện” (thanh niên); “Thi đua quyết thắng” (quân đội); “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” ... đang phát huy cao độ lòng yêu nước của con người Việt Nam. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các phong trào cách mạng của quần chúng, cần xây dựng, đề xuất những phong trào mới để huy động sức mạnh, sức sáng tạo của nhân dân.
Thứ hai, phát huy tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý của người Việt Nam để tạo động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước
Cùng với lòng yêu nước thì tinh thần đoàn kết cũng là truyền thống nổi bật của dân tộc Việt Nam. Tinh thần đoàn kết trở thành giá trị vững bền, là “chất keo” kết dính tự nhiên, là mạch nguồn của sức mạnh Việt Nam.
Ngày nay, tinh thần đoàn kết được thể hiện qua việc chung tay góp sức xây dựng quê hương, đất nước, vì cuộc sống cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho toàn xã hội, quan tâm đến việc xóa đói giảm nghèo, đến những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, quan tâm giúp đỡ cùng nhau làm kinh tế…. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, không chỉ người Việt Nam trong nước mà cả người Việt Nam ở nước ngoài đã phát huy tốt truyền thống đoàn kết tốt đẹp của dân tộc, cùng chung tay góp sức hướng về xây dựng và phát triển đất nước. Trong thời đại mới, tinh thần đoàn kết của Việt Nam đã mở rộng ra đoàn kết quốc tế. Việt Nam đang là kiểu mẫu cho các mối quan hệ tin cậy, tiến bộ, và văn minh. Điều đó tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam.
Người Việt Nam có lòng tự trọng, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý. Phẩm chất này giúp cho người lao động biết yêu quý, tôn trọng lẫn nhau, biết giúp đỡ nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày, biết quý trọng của công, biết quan tâm đến nỗi bất hạnh của người khác, biết ngăn chặn cái ác, phát huy cái thiện. Với truyền thống nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý sẽ giúp cho người lao động không ngừng nâng cao nhận thức, tự giác sống tốt đẹp hơn, biết lấy lợi ích tập thể, lợi ích dân tộc làm định hướng cho cuộc sống của mình, góp phần hình thành và phát triển toàn diện nhân cách con người xã hội chủ nghĩa.
Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam để đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển đất nước. Ảnh: Internet
Thứ ba, phát huy tính sáng tạo, nhạy bén trong lao động sản xuất của người Việt Nam để phát triển đất nước
Trong lao động, sản xuất và cuộc sống, ngưởi Việt Nam luôn thể hiện tính sáng tạo, linh hoạt tiếp thu cái mới, cái tích cực, tiến bộ. Trong điều kiện hiện nay, những đặc tính đó tiếp tục góp phần giúp cho người lao động Việt Nam dễ học hỏi, dễ tiếp thu cái mới, cái tích cực, cái tiến bộ. Điều này rất cần thiết để mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế, nhất là trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với tính sáng tạo, nhạy bén người Việt Nam có thể tiếp thu nhanh thành tựu của khoa học và công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo tạo ra sự phát triển nhanh, đột phá cho đất nước trong những thập kỷ tới của thế kỷ XXI.
Tất cả những điều đó cho thấy, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần khơi dậy mạnh mẽ các giá trị trong tầng sâu văn hóa của mình trong thời kỳ mới để cùng nhau xây dựng một đất nước giàu mạnh, hùng cường, văn minh. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta khi nguồn lực tài chính và nguồn lực vật chất cho sự phát triển còn hạn hẹp, trong khi nguồn lực con người lại vô cùng phong phú, đất nước đang ở thời kỳ dân số vàng, nếu biết phát huy sẽ là nguồn sức mạnh to lớn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ.
[1] Đảng Cộng Sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ V, Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.56.
Vy Lan