Thời đại Hùng Vương là thời kỳ đầu tiên của dòng chảy lịch sử dân tộc, gắn với sự ra đời của nhà nước Văn Lang và nền văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn. Mặc dù đã cách ngày nay hàng mấy ngàn năm nhưng văn hóa thời đại Hùng Vương vẫn để lại những dấu ấn đậm nét, cần được giữ gìn và phát huy.
Nghi lễ giỗ tổ Hùng Vương. Ảnh: Internet
Nét đặc sắc nổi bật của văn hóa thời đại Hùng Vương
Thời đại Hùng vương có niên đại khoảng từ cuối thiên niên kỷ thứ III TCN đến thế kỷ III TCN (tức là khoảng từ năm 2879 TCN đến năm 258 TCN). Tương ứng với khoảng thời gian này là sự tồn tại của thời đại đồng thau đến thời sơ kỳ đồ sắt mà khảo cổ học đã phát hiện ra các nền văn hóa đặc trưng là: văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn. Trên cơ sở của các nền văn hóa, nhà nước Văn Lang dần được hình thành.
Nhà nước Văn Lang của thời đại các vua Hùng được hình thành trên cơ sở của sự phát triển cao về kinh tế với sự ra đời và phát triển nhanh chóng củanghề luyện kim, đúc đồng, luyện sắt… Sự phát triển về kinh tế đã dẫn đến những phân hóa trong xã hội, tạo nên những mâu thuẫn và đặt ra yêu cầu cần phải có một tổ chức, một cơ quan và cao hơn là nhà nước ra đời. Trên nền tảng của xã hội gồm liên minh các bộ lạc đã hình thành nhà nước Văn Lang.
Cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội, đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân thời kì Hùng Vương đã đạt tới trình độ tương đối cao. Kĩ thuật và nghệ thuật, văn hóa vật chất và tinh thần tương đối phong phú (nhảy múa, thổi khèn, hóa trang, hội mùa, đua thuyền...). Một đặc trưng của văn hóa thời Hùng Vương là tục thờ cúng tổ tiên và sùng bái anh hùng cứu quốc.
Thời đại Hùng Vương còn có sự ra đời của những truyền thuyết lịch sử như “Con Rồng cháu Tiên”, “Bánh chưng bánh dày”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh... và những hình thái văn hóa dân gian như những lễ hội với các trò diễn, nghi lễ, diễn xướng dân gian độc đáo như: Hội cày tịch điền ở Minh Nông (TP Việt Trì), hội rước Chúa gái ở Chu Hóa, Hy Cương (huyện Lâm Thao); những dân ca lễ nghi tín ngưỡng, mà cụ thể là hát xoan, món ăn tinh thần không thể thiếu trong cộng đồng dân cư Phú Thọ... Đó là những giá trị văn hóa phi vật thể đã làm nên những nét đặc sắc trong văn hóa thời đại Hùng Vương.
Thời đại Hùng Vương là thời kỳ mở đầu cho tiến trình lịch sử của dân tộc nên văn hóa thời đại Hùng Vương được gọc là “văn hóa gốc” hay “văn hóa nguyên Việt”. Mặc dù đã trải qua hàng ngàn năm với nhiều thăng trầm nhưng những truyền thống được hình thành từ thời Phùng Nguyên - Đông Sơn vẫn tồn tại và phát triển. Tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc và sự cố kết dân tộc như những mạch nước ngầm trong lịch sử dân tộc. Cho đến ngày nay, văn hóa thời đại Hùng Vương vẫn còn hiện diện qua tục thờ cúng Tổ tiên, thờ cúng Vua Hùng, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”…
Phát huy giá trị văn hóa Hùng Vương trong thời đại ngày nay
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, để phát huy sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước, Đảng ta đã đưa ra nhiều chủ trương, đường lối về phát triển văn hóa, trong đó có việc phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Đó là “lan tỏa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại…”[1]. Do đó, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc nói chung và văn hóa thời đại Hùng Vương là việc làm cần thiết để khơi dậy sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam.
Để phát huy giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương trong bối cảnh hiện nay, cần chú ý đến những giải pháp cơ bản sau:
Một là, nâng cao nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài hướng về cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên, thắt chặt tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Đó là cách để khơi dậy sức mạnh của con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Hai là, có chiến lược để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thời đại Hùng Vương trong giai đoạn hiện nay. Cần xây dựng các quy định pháp lý, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể thời đại Hùng Vương. Có quy định cụ thể cho việc tổ chức các lễ hội hàng năm tỏ lòng thành kính đối với Quốc tổ Hùng Vương, đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào cả nước. Cần phải có sự thống nhất những yếu tố mang tính lễ, còn phần hội sẽ mang đặc điểm riêng biệt của địa phương.
Ba là, xây dựng hệ thống hồ sơ khoa học hoàn thiện cho các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thời đại Hùng Vương. Cần có những nghiên cứu chuyên sâu về thời đại Hùng Vương, xâu chuỗi các di tích, di sản liên quan đến thời đại Hùng Vương để tạo nền móng cho các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị, nhất là trong tổ chức giáo dục lịch sử, văn hóa, tổ chức các tuyến du lịch nhằm đem lại hiệu quả cho việc giữ gìn, phát huy và giới thiệu văn hóa truyền thống địa phương đến với khách du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa hệ thống dữ liệu về di sản văn hóa thời đại Hùng Vương, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, khai thác di sản văn hóa và phát triển du lịch di sản văn hóa thời đại Hùng Vương.
Bốn là, tiếp tục tu bổ, tôn tạo khu di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng khang trang, to đẹp để tri ân công đức tổ tiên. Tăng cường đầu tư xây dựng, tôn tạo các công trình trọng điểm như Tháp tưởng niệm các vua Hùng, làng văn hóa Hùng Vương, bổ sung mở rộng rừng quốc gia Đền Hùng và hệ thống kết cấu hạ tầng, cảnh quan trong khu di tích… Đó là cũng cách để thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế nhằm tiếp tục lan tỏa, quảng bá giá trị của khu vực Đền Hùng.
Từ bao đời nay, cứ đến ngày giỗ Tổ vua Hùng, mỗi người dân Việt Nam ở trong nước cũng như khắp nơi trên thế giới lại nhớ đến câu ca:
- Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
- Dù ai buôn bán gần xa
Nhớ ngày giỗ Tổ tháng ba mùng mười
Đó là những câu ca để gợi nhắc mỗi chúng ta về cội nguồn dân tộc với những nét đặc sắc về văn hóa cần được giữ gìn và phát huy.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đai hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.206
Thu Giang