Quá trình phòng, chống dịch Covid-19 đã thể hiện rõ việc phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Những giá trị yêu nước, nhân văn, đoàn kết, sáng tạo đã thúc đẩy toàn dân tộc hướng đến mục đích chung, đẩy lùi dịch bệnh và tạo nên sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết chiến đấu với đại dịch Covid-19. Ảnh: baonghean
Đại dịch Covid-19 đã gây ra hậu quả nghiêm trọng về mọi phương diện. Đến nay, đại dịch vẫn diễn biến phức tạp bất chấp những nỗ lực của các chính phủ và người dân. Việt Nam thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 rất quyết liệt và đã có những thành tích đáng ghi nhận. Những thành tích đó đã thể hiện sâu sắc những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà Đảng và Nhà nước ta truyền tải vào từng quan điểm, chủ trương, hành động phòng, chống Covid-19.
Phát huy tinh thần yêu nước
Ngay từ khi dịch Covid-19 mới vào Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (2020) đã phát động tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân đều là chiến sỹ”. Tinh thần ấy đã được người dân trên khắp mọi miền đất nước đón nhận, chuyển hóa vào trong những hành động cụ thể. Những nhân viên y tế tình nguyện xung phong lên tuyến đầu chống dịch, những cán bộ cần mẫn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, những doanh nghiệp dù doanh thu sụt giảm vẫn hăng hái tham gia các hoạt động thiện nguyện ủng hộ cho ngành y tế, cho cộng đồng chống dịch, người dân góp từng mớ rau, cân gạo gửi đến vùng dịch… Khi dịch bệnh có xu hướng lan rộng trong cộng đồng, Chính phủ kêu gọi người dân ở nhà để ngăn chặn dịch lây lan trong xã hội. Tất cả mọi người cùng hưởng ứng “Ở nhà là yêu nước”, “Ở nhà là chung tay cùng cả nước chống dịch”. Rõ ràng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe của người dân cũng chính là bảo vệ Tổ quốc.
Có thể thấy, tinh thần yêu nước là nguồn sáng dẫn đường cho những mục tiêu, phương thức, hành động của mỗi cá nhân và cộng đồng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Mỗi người dân là một “chiến sĩ”, mỗi gia đình là một “pháo đài”, mỗi cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị là một “lô cốt” chống dịch. Vậy là khi Tổ quốc cần, tinh thần yêu nước trở nên sôi nổi, cuốn hút tất cả mọi người đi theo một định hướng chung, mục tiêu chung. Với nhiều hành động khác nhau, mỗi người dân Việt Nam đều tham gia vào cuộc chiến “chống dịch” theo khả năng của mình.
Phát huy giá trị nhân văn
Trong đại dịch, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đặc biệt là những người nghèo và dễ bị tổn thương với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Nhiều mô hình, cách làm thể hiện truyền thống tương thân, tương ái xuất hiện khắp nơi. Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, những cây “ATM gạo”, “ATM oxy”, “siêu thị 0 đồng”, suất ăn miễn phí… hình thành trên khắp cả nước. Chính tinh th tương thân tương ái này đã góp phần giúp Việt Nam vượt qua nhiều “làn sóng” Covid-19.
Giá trị nhân văn không chỉ được thể hiện trong nước mà còn mở rộng ở tầm quốc tế. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam đã chủ động, tích cực chia sẻ kinh nghiệm và biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, đóng góp vào nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh. Việt Nam đã viện trợ nhân đạo, cung ứng vật tư trang thiết bị y tế, lương thực cho các nước bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Indonesia, Myanmar, Anh, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Nhật Bản, Nga, Thụy Điển, Mỹ, Cu Ba... Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng vượt qua những kỳ thị, sự thiếu thốn về nguyên vật liệu, huy động mọi nguồn lực để may khẩu trang, tấm chắn giọt bắn, nấu nhiều suất ăn… tặng các nhà dưỡng lão, nhà trẻ, trường học, người dân sở tại...
Giữa lúc dịch bệnh đang bùng phát dữ dội, công dân nhiều quốc gia phản đối chính phủ đưa người từ vùng dịch về nước, thì Việt Nam đã hỗ trợ đưa những công dân nước ngoài bị mắc kẹt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 về nước, đưa người Việt Nam ở các nước trở về an toàn. Những chuyến bay đó đã lay động lòng người, xóa đi sự kỳ thị, những lo sợ về dịch bệnh. Đó là những chuyến bay của tình người, tình đoàn kết dân tộc và tinh thần nhân văn lớn lao.
Một nhóm công dân Việt Nam trở về nước vừa bước xuống máy bay tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: qdnd
Phát huy tình đoàn kết
Trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tất cả các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết và trước hết. Do đó, cả hệ thống chính trị và mọi người dân đều vào cuộc với khẩu hiệu “Việt Nam quyết thắng đại dịch”.
Ngay trong những ngày đầu chống dịch, mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã tham gia phòng, chống dịch theo nhiều cách thức khác nhau. Tình đoàn kết càng đậm nét khi những cộng đồng dân cư lớn thực hiện cách ly ở Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng, các tỉnh phía Nam..., thậm chí là thực hiện giãn cách trên toàn quốc, đều được người dân đồng tình ủng hộ, sẵn sàng hy sinh những lợi ích kinh tế, nhu cầu cá nhân để ngăn chặn dịch. Cả nước hướng tới, chăm lo về vật chất lẫn tinh thần, chia sẻ, động viên người trong vùng dịch vững vàng vượt qua khó khăn. Khi dỡ bỏ cách ly, không chỉ người dân địa phương mà người dân cả nước đều vỡ òa trong niềm sung sướng, hạnh phúc.
Có thể thấy mỗi người dân ở những vị trí khác nhau nhưng đều hành động như một người “chiến sỹ” đầy tin tưởng và đồng hành cùng Chính phủ trong chiến dịch chống đại dịch Covid-19. Tổ chức Dalia Research đã tiến hành cuộc khảo sát quy mô lớn nhất toàn cầu về đánh giá của người dân trước phản ứng của chính phủ với dịch Covid-19. Kết quả khảo sát cho thấy: “So với các nơi trên thế giới, Việt Nam có tỉ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch Covid-19 của Chính phủ cao nhất thế giới”[1]. Kết quả ấy đã khẳng định sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, chung sức của toàn xã hội trong cuộc chiến chống Covid-19.
Phát huy sự sáng tạo của người Việt Nam
Phòng, chống dịch Covid-19 không có tiền lệ nên hầu hết chúng ta vừa làm vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm và đặc biệt là phát huy sức sáng tạo của tất cả các chủ thể. Khi sức sáng tạo được phát huy, những kết quả mang lại giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả với những biến đổi của đại dịch. Ông Takeshi Kasai, Giám đốc WHO ở Tây Thái Bình Dương, khẳng định: “Việt Nam đã đề ra được kế hoạch phù hợp và thực hiện nó đúng với những gì đã dự đoán trước, trong mỗi giai đoạn”[2]. Bên cạnh việc thực hiện “khử trùng, tẩy độc, truy vết, khoanh vùng, dập dịch”, chúng ta cũng thay đổi phương thức tùy theo những diễn biến của dịch bệnh: từ thực hiện 5K rồi đến 5K + vacxin, 5K + vacxin + thuốc + công nghệ... Tính sáng tạo và linh hoạt đã giúp Việt Nam có những phương thức ứng phó, dập dịch hiệu quả, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực ra cộng đồng, xã hội.
Có thế nói, tinh thần yêu nước, nhân văn, đoàn kết, sáng tạo của truyền thống văn hóa dân tộc đã tạo nên sức mạnh Việt Nam trong trận chiến chống dịch Covid -19, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội. Thời gian qua, toàn dân ta đã đồng lòng, cùng chung sức với Đảng, Nhà nước ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh bước đầu có hiệu quả....”[3].
[1]http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Chinh-phu-Viet-Nam-dat-tin-nhiem-cao-nhat-the-gioi-trong-ung-pho-COVID19/391677.vgp
[2]https://ncov.moh.gov.vn/-/who-viet-nam-co-su-lanh-ao-hieu-qua-trong-phong-chong-dich-covid-19.
[3]https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/loi-keu-goi-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-gui-dong-bao-dong-chi-chien-si-ca-nuoc-va-dong-bao-ta-o-nuoc-ngoai-453738/
Thanh Bình