Một trong những điểm nhấn quan trọng của Đại hội XIII là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Để đạt được mục tiêu đó, tại Đại hội XIII Đảng ta đã đưa ra nhiều định hướng. Một trong những định hướng quan trọng là phát huy giá trị văn hóa Việt Nam. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò to lớn của phát huy giá trị văn hóa trong việc hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước giai đoạn hiện nay.
Văn hóa có vai trò to lớn trong hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước giai đoạn hiện nay. Ảnh: tuoitrethudo
Điểm nhấn của Đại hội XIII về phát huy giá trị văn hóa trong việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước
Ở Đại hội XIII, trong chủ đề của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[1]. Đây là một mục tiêu cao đẹp, thể hiện tập trung ý chí, khát vọng và bản lĩnh của con người Việt Nam, sẵn sàng vượt qua những khó khăn thử thách.
Đại hội XIII khẳng định, phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển và sức mạnh của nhân dân. Thực tế qua thời gian phòng, chống đại dịch Covid-19 và khắc phục hậu quả thiên tai, muốn thành công phải khơi dậy được tinh thần đoàn kết, nhân ái của nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, cùng chung tay hành động, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân, an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân và các giá trị văn hoá dân tộc. Đây là bài học kinh nghiệm rất quý giá được rút ra từ quá trình tổng kết thực tiễn phát triển đất nước thời gian qua, nhất là trong giai đoạn phòng chống Covid-19.
Do đó, tại Đại hội XIII, Đảng ta đã xác định một trong những đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2030 là: “Phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hoá phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật”[2].
Phát huy giá trị văn hóa là cơ sở, động lực để từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước
Có ý kiến cho rằng: “Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Vǎn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc”[3]. Do đó, văn hóa Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.
Giá trị văn hoá chính là nguồn lực cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Ảnh: hanoimoi
Trước hết, phát huy giá trị văn hóa là cơ sở để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước của con người Việt Nam. Vì sức mạnh văn hóa bao gồm cả sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam được tích lũy qua hàng ngàn năm lịch sử nên khi giá trị văn hóa được phát huy, con người Việt Nam sẽ được gia tăng thêm năng lực, phẩm chất để vượt qua những khó khăn, thử thách; vươn đến những mục tiêu lớn hơn, khát vọng cao đẹp hơn.
Ở góc độ kinh tế, giá trị văn hoá chính là nguồn lực cho sự phát triển của mỗi quốc gia bởi văn hoá chính là “sức mạnh mềm” của một dân tộc. Văn hoá giúp quảng bá hình ảnh đất nước, tạo ra sự hấp dẫn cho không chỉ các sản phẩm và dịch vụ văn hoá, mà còn cho cả các dịch vụ kinh tế - xã hội khác. Chính vì lý do đó, nhiều nước trên thế giới coi văn hoá, công nghiệp văn hoá là một bộ phận của nền kinh tế.
Ngoài ra, phát huy giá trị văn hóa còn là động lực để hiện thực khát vọng phát triển đất nước. Vì con người không chỉ là chủ thể sáng tạo ra văn hóa mà còn là đối tượng thụ hưởng các giá trị văn hóa nên khi giá trị văn hóa được phát huy, con người sẽ được nhân lên sức mạnh của chính mình, nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của bản thân. Có thể nói, phát huy giá trị văn hóa là cách thức khơi dậy những mặt tích cực của con người, làm cho mỗi người phát huy được ưu điểm, thế mạnh của bản thân, từ đó có thêm nhiều điều kiện để thực hiện được khát vọng phát triển của bản thân nói riêng và khát vọng phát triển đất nước nói chung.
Sở dĩ phát huy sức mạnh văn hóa trở thành vấn đề được đặc biệt chú trọng trong giai đoạn hiện nay vì trước những thời điểm có tính bước ngoặt trong tiến trình phát triển của dân tộc, truyền thống văn hóa lại trở thành cơ sở và động lực để con người Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thời gian qua, mặc dù Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do số người mắc bệnh ngày càng tăng lên, cơ sở vật chất, thuốc men còn nhiều hạn chế nhưng giá trị văn hóa Việt Nam đã được tỏa sang hơn bao giờ hết. Đó là truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đặc biệt là trách nhiệm xã hội của đội ngũ y bác sĩ, công an, quân đội… Đó chính là cơ sở, động lực để Việt Nam từng bước vượt qua những giai đoạn cam go, số người mắc bệnh và tử vong do dịch bệnh đã từng bước giảm, nhiều địa phương đã dần trở lại cuộc sống bình thường mới với phương châm “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Với mức tăng trưởng 2,91% trong năm 2020, Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát toàn cầu. Đó là cơ sở hiện thực để Đảng ta tiếp tục đưa ra những mục tiêu phát triển đất nước trong những năm tiếp theo như “đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Trong giai đoạn hiện nay, khát vọng phát triển đất nước là cái đích cao đẹp mà cả dân tộc cần hướng tới. Trên con đường đến với cái đích ấy, tuy có nhiều khó khăn, thách thức nhưng giá trị văn hóa với những truyền thống tốt đẹp được cha ông hun đúc từ đời này qua đời khác sẽ là động lực to lớn để “biến nguy thành cơ”, chuyển hóa những khó khăn thành cơ hội để cả dân tộc vươn lên. Do đó, không thể xem nhẹ hoặc cố tình phủ nhận những mục tiêu cao đẹp mà Đảng ta đã đưa ra nhằm xây dựng Việt Nam thành một quốc gia phồn vinh, hạnh phúc.
Văn hoá chính là “sức mạnh mềm” của một dân tộc. Ảnh: tapchicongsan
Như vậy, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam chính là cách thức quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước. Những mục tiêu và định hướng của Đảng ở Đại hội XIII đánh dấu bước phát triển mới trong việc đổi mới tư duy về phát triển đất nước. Điều đó phản ánh sự nỗ lực và quyết tâm của Đảng trong việc lãnh đạo toàn dân tộc vượt qua những khó khăn, thử thách để hướng đến những mục tiêu tốt đẹp hơn - vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đai hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.206
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1 tr.221-222
[3] Trần Ngọc Thêm (2020), “Xây dựng hệ giá trị Việt Nam trong bối cảnh mới”, Tạp chí Triết học, số 7, tr.22
Chiên Lê