Xã hội hóa các hoạt động văn hoá là yêu cầu tự thân, đồng thời là mục tiêu hàng đầu của sự nghiệp phát triển văn hóa dân tộc. Bản chất sâu xa của việc ban hành và thực thi chính sách xã hội hoá các hoạt động văn hoá chính là thay đổi động năng trong mối quan hệ giữa ba thành tố cốt lõi của quốc gia hiện đại, bao gồm Nhà nước, thị trường và xã hội, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp cho phát triển văn hóa Việt Nam hiện nay.
Di tích lịch sử - văn hóa Đền Ghềnh (Gia Lâm, Hà Nội) là công trình được tu bổ chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng. Ảnh: baokiemtoannhanuoc
Tính tất yếu của việc ban hành và thực thi chính sách xã hội hoá các hoạt động văn hoá
Hai Nghị quyết quan trọng mở đầu cho chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ ở nước ta là Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 21/8/1997 về “Phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa” và Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 về “Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao”. Đây là cơ sở để thực hiện chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn hoá trên cả hai bình diện từ sáng tạo và hưởng thụ các sản phẩm văn hoá trong nền kinh tế thị trường.
Về cơ bản, có thể hiểu: “Xã hội hoá hoạt động văn hoá là sự vận động và tổ chức nhằm thu hút toàn xã hội, mọi lực lượng trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động sáng tạo, cung cấp và phổ biến văn hoá, tạo điều kiện cho văn hoá phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, phong phú và nâng cao dần mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân trên cơ sở tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của nhà nước trên lĩnh vực văn hoá”[1]. Việc ban hành và thực thi chính sách xã hội hoá các hoạt động văn hóa là yêu cầu tất yếu, thể hiện trên ba phương diện:
Như vậy, chính sách xã hội hoá các hoạt động văn hoá là xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, thu hút sự tham gia của nhiều chủ thể vào quá trình hoạt động văn hoá. Bản chất sâu xa của chính sách xã hội hoá các hoạt động văn hoá là việc thay đổi động năng trong mối quan hệ giữa ba thành tố cốt lõi của quốc gia hiện đại, bao gồm Nhà nước, thị trường và xã hội. Những kết quả tích cực của quá trình xã hội hóa sẽ đưa Nhà nước- chủ thể nắm giữ vai trò quan trọng trong hệ thống văn hóa, chuyển dần từ vị trí người chỉ huy sang vai trò quản lý, bảo trợ và kiến tạo. Trong khi đó, các cá nhân, nhóm và cộng đồng với tư cách là chủ thể của quá trình sáng tạo, sản xuất, phân phối và tiêu dùng văn hóa - nghệ thuật sẽ nắm giữ vị trí trung tâm của các hoạt động này. Mối quan hệ giữa Nhà nước và xã hội sẽ vận hành dựa trên các nguyên lý cơ bản của thị trường và sự hợp tác thay vì cơ chế bao cấp và phụ thuộc như trước đây.
Những vấn đề đặt ra trong thực thi chính sách xã hội hoá các hoạt động văn hoá ở Việt Nam hiện nay
Nhận thức chưa đầy đủ về chính sách xã hội hoá, coi xã hội hoá là biện pháp giảm nhẹ gánh nặng ngân sách của Nhà nước đã ảnh hưởng không tốt đến tiến trình xã hội hoá hoạt động trong lĩnh vực văn hoá đời sống. Tự thân các hoạt động văn hoá đã là hoạt động của cộng đồng, hoạt động mang tính xã hội, nay chủ trương xã hội hoá như một sự thừa nhận, khuyến khích việc tham gia của mọi tầng lớp vào hoạt động này để cộng đồng tự tổ chức đời sống văn hoá của mình. Xã hội hóa hoạt động văn hóa chính là xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp dân cư trong xã hội, tự nguyện tham gia tạo lập và cải thiện môi trường kinh tế, xã hội lành mạnh, thuận lợi cho phát triển kinh tế cũng như giữ gìn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa.
Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật còn hạn chế, bao gồm việc huy động các nguồn lực phục vụ cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật của nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Sự chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn nhiều cách biệt, chưa huy động tối đa nguồn lực trong vận hành các thiết chế văn hoá. Hiện nay, trên cả nước có 67 thiết chế văn hóa (Trung tâm văn hóa, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Trung tâm Thông tin triển lãm...) cấp tỉnh; Cấp huyện có 683 quận, huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc Nhà văn hóa (NVH), đạt tỷ lệ khoảng 91,3%; Cấp xã là 7.194 xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa - Thể thao đạt tỷ lệ khoảng 73,2%. Cấp thôn là 75.327 làng, thôn, ấp, bản... có NVH, đạt tỷ lệ 74,4%.[3]. Bản chất hoạt động của nhà văn hoá, trung tâm văn hoá là hoạt động văn hoá của cộng đồng. Mọi người dân tham gia vào hoạt động của các thiết chế, huy động tiềm năng trí tuệ, vật chất của toàn xã hội đầu tư vào đó, đồng thời họ được hưởng lợi bằng chính sự tham gia của mình.
Các chính sách, phương hướng và cách thức xã hội hóa từng loại hình nghệ thuật chưa được khái quát, cụ thể để áp dụng đặc thù, việc triển khai được áp dụng ở quy mô rộng lớn, không đáp ứng các điều kiện, yêu cầu ở từng địa phương. Bên cạnh đó, cơ chế đầu tư công của Nhà nước cũng chưa đủ sức hấp dẫn cho các chủ thể đầu tư. Các chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần xã hội tham gia đầu tư phát triển văn hóa như miễn, giảm thuế, ghi công cho các khoản đóng góp, tài trợ… còn hạn chế, chưa thực sự tạo ra động lực cho các cá nhân, nhóm và cộng đồng.
Mặc dù sự tham gia của các thành phần xã hội vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã được mở rộng, song vẫn chưa thật sự trở thành người đồng kiến tạo văn hóa cùng với bộ máy Nhà nước. Chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa hiện nay không chỉ là vận động “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, mà còn nhằm xác lập vai trò tự quản của các cộng đồng, để cho cộng đồng có đủ khả năng tự tổ chức, vận hành và trang bị các thiết chế văn hóa để tự mình hoàn thiện, phát triển đa dạng các phương diện hoạt động trong đời sống xã hội. Mặc dù chỉ riêng hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã có 200 tổ chức, cá nhân hoạt động theo phương thức xã hội hóa trong đó có 80 đơn vị đăng ký hoạt động thường xuyên, có 700 doanh nghiệp đăng ký chức năng tổ chức biểu diễn và hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong đó có 150 đơn vị doanh nghiệp tham gia ở loại hình ca múa nhạc[4]… song những hoạt động văn hoá khác dấu ấn của xã hội hoá vẫn còn chưa thực sự rõ nét.
Một số giải pháp căn bản để phát huy hiệu quả của chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hoá
Một là, nâng cao nhận thức và đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Khai thác và phát huy các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các chuyên mục về công tác xã hội hoá hoạt động văn hóa trên các báo, đài, hệ thống truyền thanh các cấp, đưa nội dung xã hội hoá hoạt động văn hóa vào chương trình, mục tiêu hoạt động của đội thông tin lưu động.
Hai là, tăng cường đầu tư và hoàn thiện thể chế. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các thiết chế văn hóa, đặc biệt là các thiết chế văn hoá cơ sở. Khuyến khích các nguồn lực đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, trung tâm vui chơi giải trí cho các tầng lớp nhân dân. Khuyến khích các hộ tư nhân tham gia các hoạt động phát triển các nghề truyền thống tại địa phương, ứng dụng khoa học kỹ thuật để thực hiện bảo tồn và phát triển các ngành, nghề truyền thống.
Ba là, bảo đảm công bằng và bình đẳng về sự đóng góp sức sáng tạo và nguồn lực cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Việc huy động đóng góp công, góp của theo hình thức xã hội hoá phải vận dụng mức huy động đa dạng, tùy theo khả năng điều kiện của từng người, từng vùng, từng đặc điểm địa lý, đặc điểm dân cư.
Chính sách xã hội hoá các hoạt động văn hoá thực chất là đưa văn hoá thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm huy động sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội để xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Về tổng thể, hệ thống các giải pháp nêu trên phải hướng tới mục tiêu căn bản là xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích sự hợp tác, và bảo đảm sự công bằng cho các bên liên quan.
[1] Đinh Xuân Dũng, Xã hội hoá hoạt động văn hoá – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung Ương, Hà Nội, 2000, tr.21.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 52, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 513.
[3] Kỉ yếu Hội thảo Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, Quảng Ninh, 6-2020, tr.5-7.
[4] Đào Duy Quát, Nhìn lại chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, Tạp chí Cộng sản số 1/2019.
Minh Trang