Lễ hội truyền thống luôn là một phần quan trọng trong niên lịch của các cộng đồng tại chỗ Tây Nguyên. Tuy nhiên hiện nay, nguy cơ mai một của nhiều lễ hội truyền thống đang là thực tế diễn ra khiến đa dạng văn hóa tộc người bị đe dọa nghiêm trọng. Trước bối cảnh đó, cần hết sức coi trọng nguyên tắc của UNESCO trong việc phát huy vai trò cộng đồng vừa là chủ sở hữu văn hóa vừa là chủ thể có đủ các điều kiện để bảo vệ văn hóa truyền thống nhất.
Lễ hội ở Tây Nguyên. Ảnh: Internet
Lễ hội truyền thống là tài sản văn hóa do các thế hệ trước truyền lại cho các thế hệ tiếp nối, là tài sản vô giá gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, là cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới và giao lưu văn hóa.
Lễ hội truyền thống luôn là một phần quan trọng trong niên lịch của các cộng đồng tại chỗ Tây Nguyên. Có thể xem lễ hội là một khoảng thời gian đầy ắp các hoạt động làm thay đổi đời sống thường ngày của cộng đồng, làm biến đổi các cá nhân và cộng đồng; là những cột mốc thời gian về tín ngưỡng, xã hội, văn hóa, kinh tế quan trọng của cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay, nguy cơ mai một của nhiều lễ hội truyền thống đang là thực tế diễn ra tại các cộng đồng tại chỗ Tây Nguyên. Các nguyên nhân như: môi trường thiên nhiên, môi trường sống bị thu hẹp; phương thức kinh tế truyền thống thay đổi; sự chuyển đổi niềm tin tôn giáo; nền tảng, thiết chế xã hội cổ truyền dần bị biến đổi; ý thức của chính chủ thể vốn văn hóa ấy cũng dần biến chuyển theo... đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong lễ hội, đến giá trị của lễ hội.
Trong công ước bảo vệ di sản văn hóa năm 2003, UNESCO đã khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng trong bảo tồn di sản văn hóa: “không có văn hóa nếu không có người dân và cộng đồng” (1), có nghĩa là cộng đồng là chủ sở hữu văn hóa và cũng là người có đủ các điều kiện để bảo vệ văn hóa truyền thống nhất. Họ là người xác định, gìn giữ, duy trì, trao truyền và bảo vệ văn hóa truyền thống của họ trong mối quan hệ của họ với lịch sử và môi trường tự nhiên chung quanh. Đồng thời UNESCO cũng đánh giá cao sự tham gia tích cực và những tri thức sâu sắc về di sản của người dân trong việc thực hành, truyền dạy và bảo vệ di sản văn hóa, coi đó là nguồn lực quan trọng nhất có tính quyết định trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa.
Thực tế đời sống lễ hội ở Tây Nguyên vừa qua cho thấy chúng ta chưa nhận thức một cách đầy đủ về vai trò của chủ thể, tiếng nói của người trong cuộc trong quá trình bảo tồn lễ hội truyền thống. Thời gian vừa qua, mặc dù ngân sách Nhà nước đầu tư đáng kể (kể cả nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp) để phục dựng và tổ chức lễ hội hầu khắp các địa phương nhưng hiệu quả mang lại cho đồng bào lại không như mong muốn. Hay nói cách khác, chính cách tổ chức lễ hội theo kiểu “ấn từ trên xuống” và người đứng ra tổ chức đóng vai trò “ông bầu” đã khiến cho lễ hội của đồng bào mất đi tính chân xác, tính nguyên bản, tính không thực chất. Và hệ quả là sự phản ứng của người dân trước điều này. Nghệ nhân dân gian Điểu Klung (xã Krông Na-huyện Buôn Đôn) chia sẻ: “Cứ như lễ hội Buôn Đôn ấy, hai năm tổ chức một lần chỉ để cho người khác xem mà thôi. Bà con trong buôn làng ít tham gia vì đến đó không biết làm gì!”. Gìa làng Y Bhiu Niê (xã Cư Bao- thị xã Buôn Hồ) bận lòng: “Cán bộ làm văn hóa của tỉnh, của huyện xuống buôn làng tìm hiểu đã lâu, nhưng không hiểu sao họ chẳng biết chúng tôi đang muốn gì và cần gì? Cũng chẳng thấy hỏi han ai, các vị cứ theo ý mình bắt bà con tổ chức lễ hội, cúng bến nước, ăn cơm mới…”. Thậm chí Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn xã huyện Buôn Đôn-Y Si Thắk trả lời: “Lần nào cũng vậy, huyện giao cho phòng văn hóa lên “kịch bản”, sau đó phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện. Còn ý kiến của người dân thế nào, qua 4 kỳ lễ hội diễn ra, chúng tôi vẫn chưa thấy gì…” (?!).
Không chỉ chưa thực sự coi trọng vai trò của chủ thể, vấn đề kịch bản lễ hội, việc sân khấu hóa lễ hội cũng làm cho các lễ hội hiện tại xa lạ với cộng đồng, mất đi ý nghĩa tôn giáo và biểu tượng của chúng. Điều này khiến lễ hội ở Tây Nguyên ngày càng bị giải thiêng mạnh mẽ. Ở buôn Kmrông Prông A, gần thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, người già trong làng cho biết, ngay sau giải phóng Miền Nam năm 1975, làng đã không cúng bến nước. Tuy nhiên, do vị trí gần thành phố lại vẫn còn bến nước, nên nơi đây trở thành địa bàn để các đoàn ở Hà Nội và ở tỉnh tổ chức diễn cúng bến nước để quay phim chụp ảnh. Bản thân người trong buôn thấy không nên làm như vậy: “Có đoàn Hà Nội tới bảo làm, vì muốn biết phong tục tập quán, mình thấy cúng như vậy không được nghiêm túc. Chính tôi nói, các anh làm như vậy không đúng. Chúng tôi sợ thần linh ở đây phạt chết đấy. Đôi khi muốn cho đẹp, nhưng cũng không phải là đẹp, là phong tục tập quán, vậy mà ông quay muốn coi như là hoành tráng mà” (2).
Cũng cần nhận thấy rằng mặc dù lễ hội ngày càng được chú trọng để phát triển văn hóa và kinh tế, bao gồm cả du lịch, thì điều này không có nghĩa là lễ hội phải từ bỏ chức năng chính của nó. Tính toàn vẹn của lễ hội cần được gìn giữ từ quan điểm của cộng đồng bởi nếu không đạt được điều đó, lễ hội sẽ đánh mất “sức hút” của mình. Để cộng đồng phát huy tốt vai trò của mình, cần đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản: trước hết là không áp đặt chủ quan, duy ý chí từ trên xuống, ngược lại phải tôn trọng ý kiến, sáng kiến, quan điểm từ cộng đồng; đồng thời phát huy dân chủ, tính tự chịu trách nhiệm của cộng đồng.
Vai trò quan trọng của cộng đồng chỉ có thể phát huy tối đa trong trường hợp chúng ta tạo dựng và duy trì được sự đồng thuận cao nhất trong cộng đồng ở các khía cạnh sau: Đầu tiên là đồng thuận trong nhận thức về sứ mạng và vai trò quan trọng của cộng đồng, về mục tiêu và chiến lược phát triển hướng tới con người, hướng tới cộng đồng. Hơn ai hết, cộng đồng là người hiểu rõ nhất về bản sắc văn hóa của họ và có quyền trước hết trong việc quyết định lựa chọn đối tượng văn hóa mà họ muốn bảo tồn. Cộng đồng cũng cần tự nhận thức được vai trò quan trọng của chính mình, đồng thời được khuyến khích trong vấn đề lưu truyền và gìn giữ các lễ hội truyền thống; Cùng với đó, bản thân các lễ hội khi được bảo vệ cũng sẽ quay trở lại phục vụ cộng đồng, thông qua các hoạt động du lịch, phát triển hàng hóa, dịch vụ, mang lại nguồn lợi thiết thực về kinh tế. Đặc biệt, cần trao những thông tin cần thiết cũng như những kiến thức đúng, đủ về lễ hội để cộng đồng có cơ sở khoa học, pháp lý nhằm hạn chế những sai phạm trong các hoạt động bảo tồn lễ hội; Bên cạnh đó, cần đồng thuận về việc chia sẻ lợi ích trong việc đương đầu với khó khăn, thách thức trong đó quan trọng là xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể; Hơn nữa, cần đồng thuận thực hiện các chủ trương chính sách, quy định pháp luật đảm bảo các mục tiêu, chiến lược phát triển của cộng đồng; Cuối cùng là xây dựng tình cảm gắn kết cộng đồng, góp phần củng cố định hướng giá trị văn hóa chung của cả cộng đồng dân cư địa phương.
Sự kết hợp sức mạnh tổng hợp của các nhà quản lý, nhà khoa học, của doanh nghiệp (chủ yếu trong lĩnh vực du lịch) và cộng đồng có vai trò quyết định sự tồn vong của lễ hội. Vì thế, Nhà nước chỉ nên đóng vai định hướng và hướng dẫn. Việc nhận diện giá trị, lựa chọn các lễ hội cần được bảo vệ, phương pháp bảo vệ và phát huy giá trị của lễ hội nên được trao nhiều hơn nữa cho chính các chủ thể văn hóa - những người đã sáng tạo và hiện đang sử dụng, khai thác và bảo vệ chúng.
Chú thích:
1. Công ước 2003 của UNESCO về bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể.
2. Phạm Quỳnh Phương (2014), "Sự biến đổi tâm thức tôn giáo truyền thống của người Tây Nguyên hiện nay", Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 4.
Trường Sơn