Văn học nghệ thuật luôn gắn bó đồng hành với dân tộc, đất nước, trong thời kỳ cả nước lên đường ra mặt trận chống giặc ngoại xâm, và thời kỳ đổi mới xây dựng, phát triển đất nước. Hiện nay, khi nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của đất nước là chống đại dịch Covid-19 thì văn học, nghệ thuật tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến này.
Tranh cổ động tuyên truyền phòng chống dịch Covid- 19. Ảnh: dangcongsan.vn
Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) ngày 16-8-2008 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã khẳng định một trong những thành tựu của văn học nghệ thuật nước nhà là “văn học, nghệ thuật đã nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân, có nhiều tác phẩm tốt trong tất cả các loại hình nghệ thuật từ văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật đến nhiếp ảnh, múa, kiến trúc... thể hiện qua những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và những vấn đề thời sự của đất nước”.
Tất cả mọi người đều thừa nhận rằng trong cuộc chiến chống Covid -19, một dịch bệnh có tính lây lan nhanh và rộng, vai trò của người dân là rất quan trọng, thậm chí mang tính quyết định như lãnh đạo Nhà nước đã khẳng định xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, mỗi người dân là “chiến sĩ” trên mặt trận chống dịch Covid cũng cam go, lâu dài như chống giặc. Người dân phải có kiến thức, có ý thức, quyết tâm mới có thể chiến thắng được đại dịch. Vì vậy, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức, ý thức, quyết tâm chống dịch của người dân là rất cần thiết và là một nội dung của công tác phòng chống dịch. Trong đó văn học, nghệ thuật với chủ trương gắn bó, đồng hành cùng đất nước, phục vụ nhân dân đã tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền, động viên tinh thần ngay từ những ngày đầu xuất hiện dịch bệnh ở Việt Nam.
MV Màu áo anh hùng cổ vũ các lực lượng chống dịch Covid-19. Ảnh: Internet
Nghệ thuật gồm nhiều loại hình khác nhau như tranh, ảnh, âm nhạc, phim...Có thể nói, tất cả các loại hình nghệ thuật đều tích cực tham gia tuyên truyền, động viên tinh thần chống dịch của người dân ngay từ những ngàu đầu có dịch, và trong bối cảnh đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, diễn biến phức tạp, kéo dài ở nhiều địa phương trên cả nước, cần phải tiếp tục nâng cao tinh thần, quyết tâm của toàn dân, của những người tuyến đầu chống dịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2226 ngày 3/8/2021 về kế hoạch triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19. Mục tiêu của kế hoạch này là thông qua các hoạt động tuyên truyền cổ động, triển lãm, văn hóa, văn nghệ, điện ảnh… góp phần động viên toàn dân lan tỏa các thông điệp, hiệu ứng tích cực, tạo sự tin tưởng, đồng lòng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các văn nghệ sĩ tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền, khích lệ động viên tinh thần của nhân dân. Tranh cổ động với ưu thế là khẩu hiệu ngắn gọn, dễ nhớ, hình ảnh bố cục có ấn tượng mạnh có hiệu quả lớn trong việc truyền tải các thông điệp, thông tin đã từng phát huy tác dụng to lớn trong nhiều thời điểm lịch sử của đất nước và hiện nay dù có nhiều loại nghệ thuật mới, tranh cổ động vẫn có ưu thế riêng trong việc truyền tải chủ trương, đường lối chính sách của Đảng đến nhân dân. Vì vậy, trong cuộc chiến chống Covid-19, tranh cổ động đã tham gia rất tích cực trong công tác tuyên truyền. Trong những ngày đầu có dịch, chỉ trong một thời gian ngắn từ ngày 10-15/3/2020, khi Cục Văn hóa Cơ sở phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động về phòng chống dịch Covid-19 đã nhận được 103 tác phẩm tranh cổ động của 23 họa sỹ hưởng ứng. Từ đó đến nay nhiều địa phương, đơn vị trên cả nước đã phát động nhiều cuộc thi sáng tác tranh cổ động, đã có hàng nghìn tranh cổ động đã được sáng tác, hàng trăm bức tranh đã được lựa chọn để đưa vào tuyên truyền trên phạm vi cả nước. Âm nhạc cũng tham gia tích cực vào cuộc chiến chống Covid 19 trong những ngày đầu chống dịch với bản cover “Ghen Cô Vy” đình đám của nhạc sĩ Khắc Hưng không chỉ phổ biến trong nước mà còn lan ra phạm vi khu vực và nhiều nơi trên thế giới. Hơn một năm qua, đã có hàng trăm tác phẩm âm nhạc tuyên truyền, cổ vũ công tác phòng, chống dịch Covid-19 do các nhạc sĩ chuyên và không chuyên sáng tác đã đến với công chúng. Không chỉ nhạc trẻ xông pha trên mặt trận chống Covid-19 với nhiều MV âm nhạc như “Bao la những trái tim hồng”, “Màu áo anh hùng” “Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa”, “Covid nhanh đi đi” “Việt Nam sẽ chiến thắng”, “Chung tay Việt Nam”, “Chung tay phòng chống corona” mà nghệ thuật truyền thống cũng tích cực tham gia như hát văn, cải lương, ca trù như “Cô hồn, cô vít, cô đơn/ Trong ba cô ấy sợ hơn cô nào?”, “Sợ cô nào”, “Cuộc chiến Covid trường kỳ”, “Kinh Bắc chung lòng chống dịch”, “Niềm tin quyết thắng Covid”, “Sài Gòn, ngày vui trở lại”, “Ông bà anh thời Covid-19”... Không chỉ âm nhạc mà nhiều tiểu phẩm sân khấu như chèo, xiếc, kịch ngắn về nội dung phòng chống dịch đã ra đời và đưa lên nền tảng số. Thậm chí cả phim điện ảnh dài tập cần sự chuẩn bị công phu với nội dung phòng, chống Covid -19 cũng đã được quay và chiếu tới khán giả trên truyền hình như “Những ngày không quên”, “Ngày mai bình yên”...Các tác phẩm nghệ thuật này có nội dung truyền tải các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phòng chống dịch, cung cấp kiến thức về phòng, chống dịch, giới thiệu những tấm gương điển hình tiên tiến trong phòng chống dịch cả những người dân bình thường cũng như những người trên tuyến đầu chống dịch, những tấm gương là kết tinh của những giá trị văn hóa Việt Nam như yêu nước, đoàn kết, tương thân tương ái, đoàn kết, động viên khích lệ tinh thần, quyết tâm và niềm tin vào ngày chiến thắng đại dịch của cả dân tộc. Đảng và Nhà nước ta có nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau nhưng nghệ thuật với ưu thế của mình, bằng ngôn ngữ nghệ thuật, có cách tuyên truyền đi vào lòng người rất tự nhiên và nhẹ nhàng, khó quên. Trong những ngày giãn cách xã hội, chỉ ở trong nhà, những tác phẩm nghệ thuật này không chỉ có tác dụng tuyên truyền, cỗ vũ tinh thần mà còn là một món ăn tinh thần, giúp người dân được thư giãn, tạm quên đi những bức bối, lo toan trong cuộc sống do đại dịch gây nên. Những tác phẩm nghệ thuật được đưa lên môi trường internet nên mức độ phổ biến lớn, hiệu quả cao và phù hợp với bối cảnh giãn cách xã hội.
Văn nghệ sĩ thời gian qua cùng với tác phẩm của mình đã thực sự là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, không chỉ nâng cao nhận thức, hiểu biết, kiến thức của người dân mà còn làm tỏa sáng những giá trị văn hóa Việt Nam, cổ vũ tinh thần quyết tâm và niềm tin chiến thắng đại dịch Covid -19 của cả dân tộc. Sức mạnh tinh thần là động lực để chúng ta chiến thắng giặc ngoại xâm và sức mạnh tinh thần ấy hiện nay cũng sẽ tiếp tục giúp Việt Nam vượt qua đại dịch, mang lại cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho mọi người.
Thùy Dương