Nếu cuộc khởi nghĩa Thanh La (Tuyên Quang) ngày 10/3/1945 là cuộc khởi đầu tiên mở đầu phong trào khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa tại khu vực miền núi phía Bắc thì trận đánh đồn Bần-Yên Nhân (Hưng Yên) chính là phát pháo hiệu đầu tiên trong phong trào khởi nghĩa từng phần, tiến lên tổng khởi nghĩa tại đồng bằng Bắc Bộ
Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta
Đêm 9/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng tại Từ Sơn, Bắc Ninh, phân tích tình hình và quyết định phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa.
Ngày 12/3/1945, Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta được ban hành với những nội dung chính như sau: Xác định kẻ thù chính, cụ thể, trước mắt của nhân dân Đông Dương là phátxít Nhật; thay đổi khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật, Pháp” bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phátxít Nhật” chống lại chính quyền Nhật và chính phủ thân Nhật. Đông Dương đang ở vào "một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc”, tuy nhiên, “những điều kiện khởi nghĩa chưa thực chín muồi”. Phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa và sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện. Toàn bộ nội dung của bản Chỉ thị đã thể hiện tính thời sự, khả năng nắm bắt và xử lý thông tin, thể hiện tư dy chính trị nhạy bén, bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược của Đảng.
Thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, cao trào kháng Nhật, cứu nước bùng nổ khắp nơi, trong đó trận đồn Bần (Hưng Yên) như là phát pháo hiệu mở đầu phong trào khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở đồng bằng Bắc Bộ.
Đồng chí Nguyễn Bình, chỉ huy trận đánh đồn Bần-Yên Nhân
Đồn Bần-Yên Nhân và trận đánh du kích kiểu mẫu
Bần-Yên Nhân nằm ngay cạnh đường 5, cách Hà Nội 25km, cách thành phố Hải Dương 30km.
Chính quyền thực dân-phong kiến đã thiết lập tại Bần-Yên Nhân một đồn binh mang số hiệu 16 trong hệ thống phòng thủ Bắc Kỳ được gọi là Đồn Đại Lý (Poste délégué) nhưng binh lính thời đó gọi theo tiếng tây bồi là “đồn bót-xe”.
Đồn được xây dựng gồm 1 lô cốt chính 3 tầng, kết cấu bằng bê-tông đúc, tường dày tới 0,6 m, vừa là nơi chỉ huy của đồn, vừa là nơi đồn trú của binh lính, vừa là trung tâm đề kháng có lỗ châu mai bắn ra bốn phía; ở hai góc đồn có hai chòi canh. Đồn cấu trúc theo hình chữ nhật có diện tích khoảng 20.000m2 với chiều dài 200m và chiều rộng 100m. Đồn nằm về phía Bắc đường 5, cổng đồn cách mặt đường hơn 10m. Ngoài lô cốt chính, trong đồn còn có khu nhà ở của tên Tây chỉ huy đồn, nhà kho, nhà bếp, nhà lính và một “xà lim” để giam giữ người bị bắt.
Nằm trên trục đường giao thông huyết mạch Hà Nội đi Hải Phòng, đồn Bần -Yên Nhân (Hưng Yên) có vị trí quân sự quan trọng. Mặc dù là đồn nhỏ, số lượng binh lính không nhiều, được trang bị vũ khí thông thường gồm 3 khẩu trung liên FM15, 26 súng trường, 2 súng săn và 1 súng lục, nhưng binh lính đồn Bần đã gây ra nhiều tội ác, làm tổn thất phong trào cách mạng trong vùng cũng như gây sách nhiễu, khó khăn cho nhân dân.
Cuối năm 1943, Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ đạo Hưng Yên thành lập An toàn khu (ATK) Bãi Sậy để đẩy mạnh công cuộc chuẩn bị cho khởi nghĩa gồm các thôn, xã thuộc phía Bắc huyện Yên Mỹ, Tây Mỹ Hào và Tây Nam Văn Lâm mà khu vực Bần là trung tâm.
Ngay từ khi tiếng súng của Nhật đảo chính Pháp đêm ngày 9/3/1945, qua nắm được tin tức từ những người yêu nước giác ngộ trong hàng ngũ binh lính địch, Ban Chỉ huy Việt Minh ở an toàn khu Bãi Sậy đã nắm được chỉ huy và binh lính trong đồn đều đã hoang mang, dao động. Lực lượng Việt Minh nhận thấy thời cơ thuận lợi để tiêu diệt đồn Bần đã đến.
Chi bộ Đảng và Ban chỉ huy lực lượng Việt Minh ở đây khẩn trương đề xuất ý kiến đánh đồn Bần với trên. Sau khi nhận được đề xuất đó, Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp là đồng chí Nguyễn Khang, quyết định phải nhanh chóng đánh úp đồn Bần trước khi quân đội Nhật về chiếm đồn từ tay quân đội Pháp.
Đêm ngày 12/3/1945, tại Quán Chuột, đồng chí Nguyễn Khang và đồng chí Bang (Lê Liêm) đọc Chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh, phổ biến kế hoạch đánh đồn[1].
Lực lượng tiến công đồn Bần gồm các đội viên du kích, thanh niên cứu quốc, tự vệ của các làng trong ATK thuộc Yên Mỹ do đồng chí Học phụ trách. Lực lượng từ Mỹ Hào sang do đồng chí Ngạnh phụ trách. Lực lượng từ Văn Lâm xuống do đồng chí Huỳnh (tức Lê Trần Trừ, Bí thư chi bộ ATK) phụ trách, tất cả đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Lê Liêm, Xứ ủy viên Bắc Kỳ.
Đúng giờ hẹn với cơ sở cách mạng trong đồn, lực lượng Việt Minh khu Bãi Sậy và du kích, tự vệ đóng giả sĩ quan và binh lính Nhật, trong đó có đồng chí Nguyễn Bình đóng vai sĩ quan Nhật được trang bị giống sĩ quan Nhật (mặc binh phục Nhật, đeo kiếm dài, đi ghệt) nhanh chóng tiến thẳng vào cổng đồn và hô lớn “Quan Nhật về tước súng”, ở ngoài phố Bần, cơ sở cách mạng đốt pháo giả tiếng súng nổ để nghi binh và dọa địch. Một bộ phận khác được bố trí trên đường 39, đoạn từ Vực Lưu (Thư Thị) đến Lưu Trung, có nhiệm vụ cắt dây điện thoại ngắt sự liên lạc giữa đồn Bần với chỉ huy Bảo an binh ở thị xã Hưng Yên và tìm cách ngăn chặn làm chậm bước tiến của lực lượng ứng cứu.
Một góc đồn Bần -Yên Nhân còn lại đến ngày nay
Lực lượng ta nhanh chóng tiến vào đồn. Binh lính địch bị động, bất ngờ kẻ bỏ chạy người xin hàng. Chưa đầy 5 phút sau, hầu hết binh lính đã tự động nộp vũ khí và đầu hàng lực lượng cách mạng. Quân cách mạng thu được 24 khẩu súng trường, 6 hòm đạn... [2]. Ngay sau đó, lực lượng ta tập trung binh lính địch, giải thích rõ chủ trương của Mặt trận Việt Minh và chính sách khoan hồng của cách mạng rồi thả hết toàn bộ binh lính. Trận đánh kết thúc nhanh chóng, lực lượng vũ trang của ta khu vực Bãi Sậy nhanh chóng rút khỏi đồn.
Phát pháo hiệu đầu tiên của phong trào khởi nghĩa từng phần tại đồng bằng Bắc Bộ
Chiến công diệt đồng Bần -Yên Nhân tiếp nối tinh thần của Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883-1892), cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất của nhân dân đồng bằng Bắc Kỳ cuối thế kỷ XIX.
Từ bài học bổ ích, nhất là về phương thức hoạt động và các hình thức đấu tranh du kích của nghĩa quân ở một vùng đồng bằng đất hẹp, người đông, trong bối cảnh hết sức đặc biệt, Nhật đảo chính Pháp, chớp thời cơ thuận lợi, trận Đồn Bần là thắng lợi quân sự đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Hưng Yên kể từ khi xây dựng an toàn khu và lực lượng vũ trang.
Chiến thắng đồn Bần-Yên Nhân tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng trong vùng. Quần chúng nhân dân thêm tin tưởng vào Mặt trận Việt Minh, tin vào thắng lợi của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Chiến thắng có ý nghĩa như một phát pháo hiệu mở đầu phong trào đấu tranh vũ trang tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở đồng bằng Bắc Bộ.
Trận đánh đồn Bần được đồng chí Võ Nguyên Giáp đánh giá cao, coi đó là trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Sau chiến thắng đồn Bần-Yên Nhân, nhiều địa phương ở đồng bằng Bắc Bộ như Ninh Bình, Vĩnh Phúc đã vận dụng cách đánh này trong cao trào kháng Nhật, cứu nước, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Điều đặc biệt là trận Đồn Bần cách nơi diễn ra Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng không xa và cũng đúng ngày ra đời bản Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Điều đó cho thấy sự nhạy bén nắm bắt tình hình và chủ động hành động của Ban Chỉ huy Việt Minh khu Bãi Sậy và lực lượng vũ trang ở đây. Chiến thắng này cũng thể hiện quan điểm dùng phương pháp bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân để đập tan bạo lực phản cách mạng trong cách mạng Việt Nam.
Mai Nguyễn