Nguyễn Thành Trung tên thật là Đinh Khắc Chung, sinh ngày 9-10-1947, tại xã An Khánh (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình có 5 anh em. Cha ông là Đinh Văn Dậu (còn gọi là Tư Dậu), từng là Bí thư huyện ủy Châu Thành, hoạt động cách mạng cùng thời kỳ với bà Nguyễn Thị Định.
Năm 1957, khi vừa học xong lớp nhất (năm cuối của bậc tiểu học), mẹ dẫn ông lên Tòa án tỉnh Bến Tre để làm lại giấy khai sinh. Trong buổi đó, ông còn nhớ có ông Bảy Được và chú Ba Phan, người cùng làng ra làm chứng để thủ tục được công nhận hợp pháp. Từ đó, trong tờ giấy khai sinh của ông mang tên Nguyễn Thành Trung, lý lịch ghi rõ chỉ có một mẹ một con và mục "tên cha" đề là "vô danh".
Trong suy nghĩ của một cậu bé lên 10, Đinh Khắc Chung hoàn toàn không lý giải được vì sao mẹ mình lại phải làm điều này mà không hề biết rằng, đó là sự sắp đặt rất chặt chẽ, có tính toán kỹ càng để nuôi dưỡng và đào tạo ông hoạt động cho cách mạng.
Năm 1963, ông Tư Dậu đã hy sinh trong một trận biệt kích của địch. Đinh Khắc Chung nghe tin cha mất khi đang ngồi trong lớp học. Ông lặng đi, nhìn vô định lên bảng đen, lời cô trên bục giảng hư ảo xa xôi và ông bất động, gần như không chớp mắt cho đến cuối buổi học.
Ngay sau đó, ông và người anh chạy vội về làng để mong được nhìn thấy xác cha nhưng mọi lối về đã bị bao vây. Hai anh em đành ngồi trên phà, đi hết từ bờ bên này sang bờ bên kia cho đến khuya. Có lẽ đó là khoảnh khắc khủng khiếp nhất của cuộc đời Đinh Khắc Chung. Nhưng đó cũng là phút giây hun đúc ngọn lửa căm hờn, thôi thúc và quyết chí bằng mọi giá: Mình phải trở thành phi công để ném bom vào dinh thự của Ngô Đình Diệm, trả thù cho cha. Thời khắc ấy, Đinh Khắc Chung không còn là cậu bé 14 tuổi non nớt, sợ hãi mà đã trở nên vững chãi hơn, mạnh mẽ hơn và sắc bén hơn.
Sau này, trước khi trút những quả bom vào Dinh Độc lập, Đinh Khắc Chung nhớ đến cha, nhớ đến chiếc phà chông chênh đêm ấy. Và ông đã phần nào toại nguyện lời hứa trước linh hồn cha, người đã để lại di sản vô cùng quý giá cho ông, đó là trí tuệ, lòng dũng cảm và tình yêu sâu nặng với Tổ quốc.
Năm 1965, Nguyễn Thành Trung tốt nghiệp Tú tài đôi và thi vào khoa Toán-Lý-Hóa, Trường Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh). Năm 1968, khi hoàn thành 3 chứng chỉ cử nhân đại học thì xảy ra sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, việc học hành của ông đành dở dang.
Cuộc chiến tranh giữa ta và địch đang ở giai đoạn ác liệt, nhiều cơ sở hoạt động của ta ở khu 8 đã bị lộ. Cấp trên chỉ đạo Nguyễn Thành Trung thi tuyển vào ngành không quân của Không lực Việt Nam Cộng hòa.
Việc trúng tuyển phi công để hoạt động trong hàng ngũ của địch cũng là một câu chuyện đấu trí ngoạn mục mà phần thắng thuộc về người chủ động và thông minh hơn.
Cũng giống như các cuộc sát hạch tuyển phi công quân sự khác, Nguyễn Thành Trung phải trải qua vòng tuyển lựa gắt gao về thể lực, tiếng Anh, trình độ văn hóa… Mọi yêu cầu ông đều vượt qua dễ dàng.
Ngày 1-6-1969, Nguyễn Thành Trung nhận được giấy báo trình diện nhập ngũ. Trước đó một ngày, ngày 31-5, Nguyễn Thành Trung nhận chỉ thị của Ban Binh vận khu 8, quyết định kết nạp ông vào Đảng Lao động Việt Nam. Buổi lễ kết nạp được tổ chức đơn giản, bí mật và nhanh chóng. Từ nay trong trái tim ông có một chỗ trang trọng dành cho Đảng và ông hiểu trách nhiệm của mình trước niềm tin mà Đảng giao phó.
Sau hơn một năm huấn luyện tại Nha Trang, Nguyễn Thành Trung được đưa đi đào tạo phi công ở các căn cứ Hoa Kỳ tại các bang Texas, Louisiana và Mississippi. Ông học rất giỏi và được xếp thứ 2 trong tổng số 40 học viên của khóa. Trong thời gian học bên Mỹ, mọi liên lạc của Nguyễn Thành Trung với tổ chức Đảng vẫn diễn ra thông suốt và thường xuyên bằng những cánh thư tay, ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ thông tin.
Ngày 8-4-1975, tổ chức của ta quyết định để Nguyễn Thành Trung thực hiện việc ném bom vào Dinh Độc Lập. Quyết định nằm ngoài dự kiến vì tình hình hoạt động bí mật của Nguyễn Thành Trung đang có nguy cơ bị lộ do một cán bộ của ta bị địch bắt và khai ra.
Tất cả các tình báo của ta hoạt động ở cơ sở pháo binh của địch đều đã bị bắt. Cán bộ này cũng khai luôn việc có biết một tình báo của ta hoạt động bên không quân, mặc dù không biết tên nhưng có một chi tiết rất quan trọng là phi công đó người Bến Tre. Thuộc dạng "máu lạnh", nhưng đây quả là một cái tin khủng khiếp đối với Nguyễn Thành Trung.
Phi công Nguyễn Thành Trung (phải) và đồng đội tại sân bay Phước Long
Cuộc chiến đang ở trong giai đoạn căng thẳng, quyết liệt và nếu ông bị lộ sẽ dở dang mọi kế hoạch. Những ngày này, Nguyễn Thành Trung như ngồi trên đống lửa và ông đã tính đến phương án chạy bộ hoặc đánh cắp máy bay của Mỹ để trở về phía mình.
Ông nhận được lệnh từ Bí thư Trung ương Cục miền Nam Phạm Hùng: "Nếu chạy bộ thì phải chạy vào rừng, còn nếu đánh cắp được máy bay thì phải bay ra Lộc Ninh, nhảy dù xuống để máy bay tự rơi và anh em sẽ đón. Nhưng đó là phương án cuối cùng mà tất cả mọi phương án đã chuẩn bị đều không thực hiện được".
8 giờ sáng ngày 8-4-1975, Nguyễn Thành Trung nhận được lệnh xuất kích từ sân bay Biên Hòa, lái máy bay F5-E ném bom ở Phan Thiết. Nguyễn Thành Trung đã suy nghĩ rất nhiều, vì đây là cơ hội tốt làm tròn nhiệm vụ tuyệt mật mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó, nhưng làm được là rất khó khăn.
Khi đang bay thì không thể tách rời phi đội. Một mình cũng không thể lấy máy bay trong căn cứ với cả một ê kíp phục vụ, khởi động rồi lái ra đường băng để cất cánh.
Theo quy định, máy bay sau phải cất cánh theo máy bay trước 5 giây và tối đa là 10 giây. Nguyễn Thành trung đã quyết định dùng 10 giây quý giá để đánh lạc hướng phi tuần trưởng, đài quan sát mặt đất.
Quy định của hàng không quân sự, khi chuẩn bị cất cánh cũng như khi bay, phi đội không trao đổi với nhau qua máy vô tuyến điện mà chỉ được ra hiệu bằng tay điều muốn nói.
Chỉ riêng phi tuần trưởng mới được trao đổi với đài chỉ huy mặt đất. Đây chính là lỗ hổng mà ông thừa thông minh để khai thác, tạo ra sự hiểu lầm giữa phi tuần trưởng và đài chỉ huy.
Khi hai chiếc máy bay số 1 và số 3 đã cất cánh, thay vì phải ở lại theo lệnh của phi tuần trưởng, Nguyễn Thành Trung chờ đúng giây thứ 10 và ông cất cánh bay lên, nhưng thay vì nhập đội ông đã bay ngược về Sài Gòn, tiến đánh vào Dinh Độc Lập. Cú lừa ngoạn mục và bất ngờ đến mức khi ông đã thực hiện xong việc ném bom, 2 phi công bay cùng và đài chỉ huy mặt đất vẫn còn chưa biết gì.
Máy bay F5-E mang theo 4 quả bom, mỗi quả nặng 500 pound (1 pound = 0,45359237kg) và việc cho nổ hay không là quyết định của phi công. Nguyễn Thành Trung biết rằng, trong dinh thự to lớn này sẽ có rất nhiều người vô tội đang ở đó nên ông quyết định không cho bom nổ hết trong dinh và thầm vái trời không có ai bị thương vong. Sau này, ngày 2-5-1975, Nguyễn Thành Trung quay lại dinh và biết chính xác không có ai bị chết mà chỉ có 1 người bị thương nhẹ, ông thở phào.
Mục đích lớn nhất của việc làm này chỉ là để đánh động vào cơ quan đầu não của địch, nên hai quả bom đầu tiên Nguyễn Thành Trung cho phát nổ ở ngoài sân, hai quả cuối cùng ông cho nổ một trong dinh và một quả không cho nổ. Sau đó, ông quay về bắn 300 viên đạn 120 ly vào kho xăng Nhà Bè.
Hoàn thành nhiệm vụ ném bom vào Dinh Độc Lập và kho xăng Nhà Bè, Nguyễn Thành Trung còn một nhiệm vụ quan trọng khó khăn nữa là phải hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long.
Vòng tròn đánh dấu quả bom nổ trên tầng thượng Dinh Độc Lập. Bên cạnh là chiếc trực thăng UH-1 Iroquois của tổng thống Thiệu
Máy bay F5-E là loại máy bay chiến đấu tối tân nhất của Mỹ, đòi hỏi đường bay cất và hạ cánh tối thiểu 3.000m, nhưng sân bay dã chiến Phước Long lúc này chỉ có đường băng 1.000m và rất gồ ghề. Để chuẩn bị cho giây phút này, trước đó Nguyễn Thành Trung đã thử hạ cánh trong khoảng cách 1.000m trong lúc đang tập.
Cuộc thử nghiệm đã được tính toán rất kỹ nhưng không thành công và kết quả là máy bay sụp càng, nổ lốp nhưng nó giúp ông rút ra bài học là ít nhất máy bay có thể dừng lại được, nhờ bật dù hãm ở phía đuôi máy bay với tốc độ hợp lý.
Nguyễn Thành Trung không bao giờ quên phút giây hạ cánh an toàn xuống sân bay dã chiến Phước Long. Qua cả ngàn giờ bay nhưng có lẽ đây mới là những giờ bay hạnh phúc nhất của đời ông.
Nguyễn Thành Trung lúc đó vừa tròn 28 tuổi, mang quân hàm Trung úy Không quân Việt Nam Cộng hòa. Trở về với cách mạng, ông được phong quân hàm Đại úy quân Giải phóng, tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả trên bầu trời.
P.V