“Sao Tháng Tám” của cố đạo diễn, NSND Trần Ðắc đạt giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 (năm 1977), không phải là bộ phim duy nhất nhưng cho đến nay vẫn là bộ phim thành công nhất về Cách mạng Tháng Tám. Bộ phim cũng được đánh giá là một trong những tác phẩm về chiến tranh có sức sống mãnh liệt nhất của điện ảnh Việt Nam. Đã gần 50 năm trôi qua, bộ phim vẫn thể hiện sức sống trường tồn cùng lịch sử, có lẽ bởi vì giá trị của nó không chỉ gắn liền với một cuộc cách mạng cụ thể, đó là bản bi ca và tráng ca của một dân tộc đau thương mà bất khuất anh hùng.
Ảnh bìa phìm. Nguồn: Internet
Khúc bi ca của lầm than, nô lệ
Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bộ phim điện ảnh nào phản ánh thành công những ngày sôi sục trước cách mạng tháng Tám năm 1945 và đặc biệt là nạn đói kinh hoàng năm Ất Dậu như “Sao Tháng Tám”. Bằng thủ pháp nghệ thuật tương phản được sử dụng đắc địa, những hình ảnh sinh động giàu biểu trưng, những lời thoại đắt giá, sự biểu cảm nhập vai xuất sắc của các diễn viên, bộ phim đã là trang sử chân thực nhất về thảm cảnh lầm than của dân ta với những bi thương tột cùng.
Người đạo diễn tài năng đã sử dụng bối cảnh và tạo hình phim hết sức chân thực, ám ảnh. Khán giả khó mà quên được khung cảnh hoang sơ, u ám như hồ nước tù đọng quanh làng, cây đa cằn cỗi, mái chợ quê bằng rạ khô, mái nhà tranh xiêu vẹo, con đường đất lá rụng ngổn ngang, những chiếc xe chất đầy xác người chết đói mang đi chôn... Trong khung cảnh đầy âm khí đó lại chập chờn những bóng người “da bọc xương” đói khát lang thang khắp mọi nẻo đường như những bóng ma. Nơi làng quê phố chợ đã thế, lại thêm cảnh trong các hầm lò, nhà máy với hàng trăm công nhân lao động sống cảnh cơ cực với đồng lương rẻ mạt, bị đánh đập, bóc lột hàng ngày như cơm bữa.
Kỹ thuật âm thanh được sử dụng đầy ám gợi, giữa cảnh im lìm, thiếu sinh khí, chốc chốc lại vang lên một thứ âm thanh đầy ma mị: tiếng rên, khóc, tiếng kêu than ai oán của con người lầm than, đau khổ. Nỗi bi thương, sự uất ức căm phẫn càng được nhân lên khi bộ phim đã đặt cảnh tượng bi thương đó với những bộ áo dài lộng lẫy và ngôi nhà sang trọng của các “bà lớn”, “ông Tây”, những tên tay sai, mật thám béo tốt đẫy đà, phục sức xa hoa, sẵn sàng chà đạp đồng bào không một chút nương tay thương xót. Đó là những âm thanh, hình ảnh mang tính biểu trưng cao, giúp tái hiện mồn một hiện thực xã hội đương thời với sự bất công giữa cái đói nghèo, lầm than cùng cực của nhân dân ta và sự xa hoa tột cùng của kẻ cuớp nước, bán nước, hại dân. Những xung đột, mâu thuẫn đó chính là những ngọn lửa âm ỉ chỉ chực chờ thời cơ bùng lên dữ dội.
Cùng với những cảnh quay diện rộng, là sự tài tình trong những điểm dừng ống kính đắt giá làm mãn nhãn cả khán giả khó tính. Đó là khi người thợ quay phim lia máy quay từ trên cao để tạo khuôn hình với cảnh tượng cuồng phong dưới gốc đa cằn cỗi, lá rụng tứ tung, nắm gạo rơi lả tả trong nỗi tiếc nuối của người nghèo. Đó là pha dừng máy đủ lâu ở hai khuôn hình đồng thời và tương phản: hình nhân giấy đốt cho người chết và bà lão như bộ xương khô...
Để tái hiện hết thực cảnh và dụng ý của kịch bản, vai trò của diễn viên được phát huy tối đa kết hợp với những cận cảnh đủ diễn tả thật sâu nội tâm nhân vật, có sức biểu cảm hơn tất cả mọi lời thoại. Đôi mắt – cửa sổ tâm hồn đã được biên kịch và đạo diễn dùng làm tâm điểm. Người xem khó mà quên được ánh mắt vừa đau đớn vừa căm phẫn của nhân vật Kiên khi trúng đạn, ngẩng lên bắt gặp ánh mắt kinh hoàng của người chị ruột Việt gian - kẻ đã gián tiếp khiến quân Nhật nổ súng vào mình. Còn đôi mắt của Nhu thì cũng vô cùng ám ảnh, lúc đau đớn tột độ - khi nghe tiếng súng Nhật giết chồng, lúc đầy kiên nghị, tỏ rõ chí khí mạnh mẽ - khi giao nhiệm vụ cho đồng đội, lúc lại yêu thương, xót xa đầy nước mắt - khi từ biệt con trong bệnh viện để trốn ra tiếp tục hoạt động...
Một cảnh phim "Sao Tháng Tám". Ảnh: Internet
Nhưng nếu khi cần dùng lời thoại, phim lại tung ra những lời thoại đắt giá, giản đơn mà nhiều hàm ý, nhói vào sâu thẳm trái tim khán giả. Đó là tiếng cháu bé khóc thảm thiết “Các bác ơi! Cứu bà cháu với!”. Đó là cuộc thoại bi hài giữa cụ già thều thào: “Tôi chưa chết, đừng chôn tôi!” và tiếng cười mỉa lạnh lùng của hai thanh niên: “Đằng nào cụ chả chết, cụ đi sớm cho mát mẻ!”… Cuộc sống con người đã đến đỉnh cao khốn cùng và sinh mạng chưa bao giờ mong manh và rẻ rúng đến thế.
Bản hùng ca của khát vọng đổi đời
Như dân tộc Việt Nam đau khổ, lầm than mà không yếu hèn, bi luỵ, “Sao Tháng Tám” như ngôi sao vụt sáng lên giữa bầu trời đêm với tất cả khí thế, quyết tâm của một dân tộc anh hùng, lạc quan luôn hướng về ánh sáng.
Khác với những thảm cảnh ở phần trên, phần sau của bộ phim ngập tràn hào khí với sự xuất hiện của hệ thống nhân vật đời thường nhưng không còn đau khổ mà hết sức can trường. Bao trùm lên phim không còn là những bộ xương khô của những sinh mạng hấp hối, tuyệt vọng mà là những con người hành động với sự quyết đoán, nhiệt thành cách mạng. Không còn là cảnh tượng tang thương như âm phủ ở làng quê mà thay vào đó là không khí khẩn trương, sôi sục của cái ngày nông dân, công nhân, trí thức sát cánh vùng lên phá kho thóc, giành lại chính quyền, thay đổi vận mệnh. Điều đó góp phần lý giải sức mạnh thần kỳ của dân tộc Việt Nam trong công cuộc vùng lên đạp đổ bất công, bạo tàn giành lấy tự do, độc lập.
Bộ phim có khá nhiều nhân vật, nhưng người xem không cảm giác bị loãng bởi mỗi nhân vật đều được giao trọng trách là đại biểu cho một tầng lớp tham gia kháng chiến: từ đảng viên đến quần chúng, từ đàn ông đến đàn bà, từ người già đến người trẻ, từ sĩ, nông, công, đến binh, thương..., tất cả đều chung sức đồng lòng quyết tâm làm cách mạng. Ta bắt gặp trong phim hình ảnh người chiến sĩ cộng sản khéo léo vận động quần chúng rải truyền đơn, huy động công nhân đình công ở các nhà máy, xí nghiệp, liên lạc truyền tin, hay trực tiếp chống lại Việt gian. Ta nhìn thấy đồng chí cán bộ Việt Minh trí dũng, những thanh niên trí thức nhiệt thành như Kiên (NS Dũng Nhi) hay người phụ nữ nông dân như cô Mến (NSƯT Thanh Hiền). Lại có cả người phụ nữ bụng mang dạ chửa vẫn gan dạ tham gia kháng chiến như Nhu (NSƯT Thanh Tú) thậm chí cả cụ già đói rách, những đứa trẻ ngây thơ… đều không sợ hy sinh, sẵn sàng tham gia kháng chiến. Trong đó, còn có cả những nhân vật biểu trưng cho thế lực thù địch của cách mạng như tên chỉ điểm Kiều Trinh, hay Công – tên mật thám cáo già…
Trong phim, Nhu là nhân vật chính đồng thời là vai diễn thành công, ấn tượng hơn cả. Ở Nhu, vừa là cô nữ sinh Đồng Khánh thanh lịch, vừa là chị công nhân lam lũ, vừa là người tu hành từ bi, lại là cô gái đi khâu thuê, người đánh giậm, người bán bánh cuốn có tài ăn nói... NSƯT Thanh Tú vào vai rất đạt, biến hoá khôn lường để cho nhân vật Nhu vừa có thể che mắt mật thám, vừa liên lạc thông suốt với đồng đội, đồng chí của mình, góp phần gây dựng cơ sở cách mạng để chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa.
“Sao Tháng Tám” không đặt trọng tâm vào việc tái hiện một cuộc cách mạng long trời lở đất. Nhưng những gì mà bộ phim phản ánh, từ cái bất công trong xã hội, sự chuẩn bị chu đáo cho cuộc tấn công, tuyến nhân vật ở mọi tầng lớp đoàn kết, kiên trung... lại khiến người xem hình dung ra viễn cảnh tất yếu sẽ diễn ra của ngày đồng khởi. Trong cảnh lầm than đói khổ kiệt cùng, cuộc đối đầu giữa nhân dân với những kẻ xâm lược bạo tàn đang chực chờ bùng nổ như một tất yếu khách quan. Bộ phim đã tái hiện rất xuất sắc cuộc đấu tranh cam go này bằng việc sử dụng thời gian, không gian nghệ thuật đắt giá: thời gian chiến đấu (tính từng giờ, từng phút) và không gian nhỏ hẹp, đầy o ép hiểm nguy (ở nội và ngoại thành Hà Nội), đó chính là sự thu nhỏ của cuộc chiến của dân tộc ta để giành chính quyền tính từ tháng 2 đến tháng 8 năm 1945 – thời kì căng thẳng nhất của cuộc kháng chiến. Cuộc đấu trí giữa Việt Minh với các lực lượng như thực dân Pháp, phát xít Nhật và hệ thống mật thám, chỉ điểm thực sự căng thẳng, quyết liệt... Khán giả có những phút giây nín thở khi chị Nhu và các đồng đội đối mặt với những thời khắc hiểm nguy trốn tránh sự truy lùng gắt gao của bọn Việt gian và phát xít Nhật, để rồi cảm xúc vỡ òa khi nhìn thấy chị dẫn đầu đoàn người đi cướp kho thóc, khởi nghĩa giành chính quyền. Cảnh cuối bộ phim là cách mạng thành công, đoàn người cầm cờ đỏ sao vàng, giơ cao khẩu hiệu chiến thắng trên đường phố Hà Nội, gương mặt hân hoan trong niềm vui chiến thắng, bước đi hào sảng trong những khúc tráng ca cách mạng của nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Ðình Thi cùng giai điệu “Quốc tế ca”... là hình ảnh đẹp, bừng sáng trong lòng người, vang vọng mãi trong trái tim con người.
Hiện thực được tái hiện trong phim vừa đạt đến trình độ nghệ thuật cao của hư cấu lại vừa chân thực như những trang sử và thước phim tài liệu, có điều là một thứ tài liệu sống động bằng ngôn ngữ của điện ảnh... khiến cho khán giả ngày nay vốn xa lạ với giai đoạn lịch sử cả gần thế kỷ được sống lại cùng lịch sử. Phim không chỉ đi sâu vào tâm thức những người lớn tuổi, đi qua những thời khắc lịch sử trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ngày ấy, mà còn gây ấn tượng mạnh với thế hệ trẻ hôm nay, được họ truyền nhau xem, chia sẻ một cách chân thành, nồng nhiệt. Hậu thế mỗi lần xem là một lần thấm thía, cảm thông, thương xót với những lầm than của cha ông, tri ân công lao to lớn mà tiền nhân đã hy sinh đánh đổi vì độc lập tự do, sự trường tồn của dân tộc. Để rồi chúng ta biết trân trọng hơn cuộc sống bình yên, độc lập tự do mà mình đang được hưởng, từ đó sống có trách nhiệm, sống xứng đáng hơn trong ngày hôm nay và cả mai sau.
Không phải ngẫu nhiên mà “Sao Tháng Tám” đạt giải danh giá, trở thành tác phẩm điện ảnh chưa thể thay thế của Việt Nam về đề tài Cách mạng Tháng Tám, có sức ảnh hưởng vượt tầm thời đại, như ngôi sao sáng chói mãi trong nền điện ảnh Việt Nam, bất chấp những bước tiến thần kỳ của công nghệ điện ảnh và độ lùi thời gian gần nửa thế kỷ. Với bối cảnh nghệ thuật đắc địa, phục trang phù hợp, những cảnh quay ấn tượng, với kỹ xảo tuyệt vời của âm thanh, ánh sáng, với sự hoá thân xuất thần của diễn viên,... bộ phim đã đưa người xem sống lại cùng thời khắc lịch sử vĩ đại không thể nào quên của dân tộc với tất cả bi thương và nước mắt cũng như sự hào sảng và những nụ cười. Người xem đã trải qua mọi cung bậc cảm xúc từ xót thương không thể cầm nước mắt, từ hồi hộp lo âu, đến khâm phục, hy vọng tràn trề và niềm tin quyết thắng. Giá trị lịch sử, giá trị hiện thực, giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật... thấm trong từng thước phim, làm nên sức sống trường tồn của tác phẩm kinh điển này.
Quang Hoa