Trên cơ sở đường lối của Trung ương Đảng, các cấp ủy Đảng tại miền Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ cuộc đấu tranh chính trị tại các đô thị miền Nam. Tiếp nối phong trào trong những năm 1954-1964, phong trào đấu tranh chính trị trong giai đoạn 1965-1968 diễn ra hết sức sôi nổi và mạnh mẽ
Đầu năm 1965, tại Sài Gòn, Phong trào dân tộc tự quyết do Luật sư Nguyễn Long làm Chủ tịch và Ủy ban vận động hoà bình do bác sĩ Phạm Văn Huyến làm Chủ tịch, giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ làm Tổng thư ký, quy tụ 358 nhân vật trong giới trí thức Sài Gòn hoạt động mạnh mẽ, sau đó bị chính quyền Sài Gòn đàn áp.
Ngày 17-3-1965, Hội đồng bảo vệ tinh thần thanh thiếu niên ra đời, quy tụ 17 hội, đoàn tôn giáo, chính trị, văn hóa, giáo dục, xã hội tham gia, đấu tranh đòi cải tiến nền giáo dục, chống ấn phẩm khiêu dâm, bạo lực đang tràn lan trong xã hội.
Từ cuối tháng 3- 1966, tại Sài Gòn, nhiều cuộc hội thảo được tổ chức tại các xí nghiệp, ngành nghề, xóm lao động, chợ , trường học, các tổ chức nghiệp đoàn nội dung xoay quanh việc tố cáo tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn dùng chất độc hóa học, chà xát nông thôn, đòi Mỹ rút quân, vận động trốn lính... trong đó có 3 cuộc hội thảo lớn tại trụ sở Tổng Liên đoàn lao động, mỗi cuộc tập trung hàng nghìn người.
Năm 1966, tại Đà Nẵng, công nhân Đà Nẵng gần như làm chủ cảng trong 76 ngày từ 10-3 đến cuối tháng 5-1966.
Tại Đà Lạt, công nhân và sinh viên học sinh Đà Lạt xuống đường đấu tranh trực diện với thị trưởng Nguyễn Thị Hậu bằng hình thức bãi công, bãi khóa, bãi thị, tuyệt thực. Lực lượng đấu tranh đã chiếm đài phát thanh, một số địa điểm nội đô, kiểm soát một phần quốc lộ 20 về Sài Gòn, làm chủ một số vùng, tạo ra tình trạng hai chính quyền song song tồn tại ngay tại Đà Lạt kéo dài gần hai tháng (5-6/1966). Sinh viên đấu tranh đòi giảm học phí, chống kìm kẹp trong nhà trường, đòi bãi bỏ thiết quân luật, bãi bỏ quân sự hóa học đường, kết hợp với các khẩu hiệu chính trị như đòi Nguyễn Khánh hủy bỏ Hiến chương Vũng tàu, đòi Thiệu - Kỳ từ chức, đòi Mỹ rút quân, chấm dứt chiến tranh. Phong trào thu hút hiều trường đại học, trung học với các hình thức phong phú như hội thảo, đốt lửa truyền thống, đêm không ngủ, mít tinh, biểu tình, biểu tình ngồi, biểu tình bằng xe gắn máy, tuyệt thực, đốt xe Mỹ...
Ngày 10-3-1966, Hội đồng quân sự do Thiệu - Kỳ cầm đầu cách chức Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh quân đoàn 1. Một ngày sau, sĩ quan, binh lính phe cánh Nguyễn Chánh Thi ở Huế, Đà Nẵng tuyên bố ly khai chính quyền Sài Gòn, hàng nghìn học sinh, sinh viên thành phố Đà Nẵng xuống đường phản đỗi Thiệu - Kỳ, tiếp theo hàng nghìn tăng ni Phật tử tại Đà Nẵng nổi dậy cùng học sinh, sinh viên đấu tranh trên các đường phố. Phong trào đấu tranh của Phật giáo bắt đầu từ Đà Nẵng, lan ra Huế và nhanh chóng lan ra khắp 29 thành phố, thị xã trên toàn miền Nam. Các khẩu hiệu chống Mỹ viết bằng tiếng Anh xuất hiện trên các đường phố Huế, Đà Nẵng. Một cuộc tổng bãi công làm tê liệt thành phố phố Đà Nẵng, đặc biệt cuộc đấu tranh ngày 3-4-1966 của hơn 3.000 binh lính hô to khẩu hiệu đòi lật đổ Chính phủ Sài Gòn. Tại Huế, Đà Nẵng, tăng ni Phật tử đem bàn thờ Phật ra đường ngăn chặn, phản đối đàn áp. cuộc khủng hoảng kéo dài đến tháng 6-1966.
Một cuộc đụng độ của học sinh, sinh viên với cảnh sát (Ảnh tư liệu)
Ba tháng đầu năm 1966 có 125 cuộc đấu tranh của nhân dân lao động đô thị các thành phố lớn, nhân dân đã tổ chức liên tiếp 6 đêm không ngủ để tố cáo tội ác của Mỹ, mỗi đêm có hàng vạn người tham gia. Đỉnh cao của đợt đấu tranh này là ngày 7-4-1966 hàng chục vạn người tại Sài Gòn bất chấp lệnh giới nghiêm của chính quyền, kéo đến bao vây dinh Thủ tướng, đòi Thiệu- Kỳ từ chức, nhiều ngày sau đó quần chúng tiếp tục mít tinh, biểu tình, xung đột với cảnh sát, lập hàng rào trên phố.
Tháng 4-1966, Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc được thành lập, bao gồm nhiều giới đồng bào trong đó có 70 giáo sư, văn nghệ sĩ có tên tuổi tham gia, do nhà giáo Lê Văn Giáp làm Chủ tịch, đấu tranh chống văn hóa Mỹ ngụy đồi trụy, lai căng, mất gốc.
Ngày 1-5-1966, tại Sài Gòn, một cuộc biểu tình lớn tập trung khoảng 4 vạn người, tập trung trước Đại sứ quán Mỹ yêu cầu Mỹ rút quân, đưa yêu sách cho chính quyền Sài Gòn, diễu hành biểu dương lực lượng, hô to các khẩu hiệu đòi Mỹ rút về nước và cổ động tinh thần ngảy Quốc tế lao động 1-5 bất diệt.
Đánh giá cuộc đấu tranh ngày 1-5-1966, Khu ủy Sài Gòn Gia định đánh giá: “Trong mấy năm qua, đây là lần đầu tiên quần chúng đô thị biểu thị một khí thế chống Mỹ mạnh mẽ nhất, với nội dung đúng đắn nhất. Công nhân lao động đã thu hút xung quanh mình nhiều lực lượng học sinh, sinh viên, phụ nữ, trí thức, tín đồ các tôn giáo... biểu thị một Mặt trận dân tộc dân chủ chống đế quốc Mỹ, do giai cấp công nhân làm nòng cốt rất rõ ràng...”.
Đêm 10-5-1966, hàng vạn đồng bào lại nổi đuốc xuống đường biểu tình, kéo đến ngã Bảy Sài Gòn, mang theo hình nộm Jhonson, lập tòa án xử tội rồi đốt hình nộm trên đường phố.
Trong suốt tháng 4 và 5 năm 1966, nhiều cuộc đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật diễn ra liên tục.
Sáng 9-5-1966, tại Viện Hóa đạo, Phật giáo tổ chức Lễ cầu siêu cho những người tử vị đạo pháp và dân tộc, sau đó tổ chức tuần hành đến công trường Quách Thị Trang, mang theo 200 biểu ngữ chống Mỹ và Thiệu - Kỳ, hàng trăm xe xích lô hỗ trợ cuộc đấu tranh.
Tháng 6-7 năm 1966, khắp nội thành, Phật tử đưa bàn thờ ra phố phản đối đàn áp, xây dựng các chướng ngại vật trên nhiều tuyến phố.
Phong trào đấu tranh từ tháng 3-6-1966 tại 4 thành phố lớn đã thu hút 3 triệu 30 vạn lượt người tham gia, riêng Sài Gòn có 800.000 lượt người đủ các giai cấp, tầng lớp đấu tranh đòi Mỹ rút quân, đòi dân sinh, dân chủ.
Tại Sài Gòn, quan trọng nhất là cuộc đấu tranh của 3.000 công nhân khuân vác từ bến Bình Đông đến bến Nhà Rồng và 8.000 công nhân hỏa xa, xe buýt làm tê liệt ngành giao thông vận tải. Cuộc tồng bãi công của 5.000 công nhân hàng thầu RMK và BRJ đang xây dựng cảng Sài Gòn làm đình trệ công trình. Công nhân còn liên kết đấu tranh như cuộc đấu tranh của 15.000 công nhân lao động trên 10 công trường từ Tân Sơn Nhất đến Biên Hòa, Cam Ranh, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Chu Lai ...làm tê liệt các công trình xây dựng quân sự của chính quyền Sài Gòn.
Nghiệp đoàn xe lam Đà Nẵng đình công năm 1966 (Ảnh tư liệu)
Năm 1966, một số tổ chức chính trị của trí thức Sài Gòn-Chợ Lớn ra đời, góp thêm tiếng nói vào cuộc đấu tranh chính trị. Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ Việt Nam kêu gọi bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Tháng 9-1966, Liên hiệp giáo chức Việt Nam ra mắt, kêu gọi chấn hưng nền giáo dục, chống lại mọi khuynh hướng giáo dục suy đồi.
Ngày 26-12-1966, 5.000 công nhân cảng Sài Gòn đình công phản đối việc sa thải công nhân vô cớ, cuộc đấu tranh được nhiều nghiệp đoàn ủng hộ và làm đình trệ việc bốc dỡ hàng hóa, buộc địch phải nhượng bộ
Năm 1967, tại các đô thị lớn miền Nam, từ ttháng 7 đến tháng 9, hàng nghìn học sinh, sinh viên, phật tử và nhân dân lao động đã tổ chức đấu tranh tuần hành, biểu tình, mít tinh đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh, Thiệu -Kỳ từ chức. Phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng từ đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi tăng lương, giảm giờ làm trong những năm trước đây nay đã mang nội dung cách mạng là chống đế quốc Mỹ xâm lược, chống Thiệu- Kỳ độc tài, giành độc lập dân tộc.
Ngày 16-5-1967, nhân ngày Phật đản 2511, nữ Phật tử Nhất Chi Mai tự thiêu tại chùa Từ Nghiêm để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Cuộc đấu tranh đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân thành phố.
Một tổ chức mới ra đời là Lực lượng quốc gia tiến bộ, tập hợp đồng đảo các tầng lớp nhân sĩ, trí thức, các tín đồ tôn giáo, trong đó có nhiều viên chức cao cấp chính quyền Sài Gòn cùng đấu tranh yêu cầu hòa bình, dân chủ.
Ngày 23-7-1967, tại trụ sở Tổng hội sinh viên Sài Gòn, phong trào đòi tự do báo chí và bầu cử quy tụ 300 người lên án Luật báo chí lỗi thời và chế độ kiểm duyệt báo chí quá khắt khe.
Từ ngày 9 đến 21-9-1967, trong kỳ bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ 2, hàng nghìn học sinh, sinh viên bỏ thi xuống đường biểu tình, tổ chức mít tinh tẩy chay trò hề bầu cử của Thiệu -Kỳ. Ngày 28-9-1967, hơn 300 nhà sư từ chùa Ấn Quang kéo đến Dinh tổng thống, đòi Thiệu - Kỳ hủy bỏ Hiến chương Phật giáo do Thích Tâm Châu đề ra. Cuối tháng 9, học sinh, sinh viên Sài Gòn, Đà Lạt và Cần Thơ mở Đại hội đòi rút quân Mỹ về nước, gửi thư cho Tổng thống Mỹ và Tổng thư ký Liên hiệp quốc.
Tháng 11-1967, học sinh, sinh viên lại mở đợt đấu tranh kêu gọi lật đổ Thiệu - Kỳ, rút quân Mỹ về nước.
Các nghiệp đoàn và trường đại học ra hàng chục tờ bảo để tuyên truyền, cổ động cuộc đấu tranh như báo Sinh viên, Học sinh và hàng chục tờ báo, nội san của các trường Đại học Vạn hạnh, Đại học Y khoa, Đại học Văn khoa...có tác dụng hướng dẫn cổ vũ học sinh, sinh viên đấu tranh.
Giữa những ngày khói lửa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, theo chủ trương của Đảng, một tổ chức chính trị hết sức quan trọng ra đời, góp phần mở rộng mặt trận đoàn kết dân tộc chống Mỹ và tay sai. Đó là liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam, quy tụ nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng ra đời ngày 20-4-1968. Cùng với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Liên minh đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị, kêu gọi vãn hồi hòa bình, đòi Mỹ rút quân, lập Chính phủ liên hiệp.
Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, công nhân Sài Gòn tiếp tục khơi ngòi cuộc đấu tranh.Riêng tại Quận 6 chỉ trong tháng 10-1968 có 11 cuộc đấu tranh.
Cuộc đấu tranh nổi bật thời gian này đòi Mỹ ngụy bồi thường thiệt hại do bom đạn chúng gây ra tại Quận 6 và Quận 8 do Tổng liên đoàn lao động và Liên hiệp các nghiệp đoàn tự do phát động, kéo dại hơn một tháng, buộc địch phải chấp nhận bồi thường.
Ngày 27-10-1968, cuộc hội thảo tại chùa Ấn Quang thu hút hàng trăm đại biểu của 24 đoàn thể và tổ chức quần chúng tham gia và gần 1.000 quần chúng dự, đề cập đến vãn hồi hòa bình, chấm dứt ném bom miền Bắc.
Tháng 10-1968, học sinh, sinh viên đấu tranh đòi thả Nguyễn Thành Công, đòi trụ sở, đòi duy trì Tổng hội sinh viên Sài Gòn, chống Ủy ban Thường trực lâm thời sinh viên do chính quyền lập ra, đòi tự trị đại học, chống tổng động viên, đòi chấm dứt chiến tranh, đàm phán hòa bình...
Ban Phụ vận Thành ủy phối hợp với Phật giáo lập Hội phụ nữ phật tử và thành lập chi hội trong các tầng lớp công chức, sinh viên...đưa ra các khẩu hiệu cầu nguyện cho hòa bình, cầu nguyện cho nạn nhân chiến tranh....
Ban Phụ vận phối hợp với các tầng lớp nhân dân thành lập Ủy ban đòi cải thiện chế độ lao tù, Ủy ban òi quyền sống của thương phế binh và đặc biệt là Ủy ban đòi quyền sống của phụ nữ do bà Ngô Bá Thành làm Chủ tịch.
Ngày 10-11-1968, Phong trào đấu tranh đòi hòa bình ở Sài Gòn ra đời lên tiếng ủng hộ lập trường 5 điểm của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Từ ngày 24 đến ngày 29-12-1968, nhân dân Sài Gòn tiếp tục một đợt đấu tranh mới đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh, rút quân Mỹ về nước, lật đổ Thiệu-Kỳ-Hương....
An Lê