Một trong những phong trào cách mạng sôi động mở đầu trong những năm 1958-1960 là phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, được Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) chính thức phát động, đã chi phối sản xuất nông nghiệp miền Bắc trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Ngay sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, từ nửa cuối năm 1954, miền Bắc được giải phóng, đã tập trung ngay vào công tác khôi phục kinh tế, từng bước phát triển kinh tế hợp tác xã. Qua đó, đến năm 1956, nông nghiệp miền Bắc đã sản xuất được hơn 4 triệu tấn lương thực, vượt 2 triệu tấn so với năm 1939; nạn đói kéo dài nhiều năm ở khắp miền Bắc đã bước đầu được giải quyết. Hình thức tổ chức sản xuất tập thể như tổ đổi công, hợp tác xã nông nghiệp đã thu hút đông đảo nông dân tham gia. Đến giữa năm 1958, toàn miền Bắc có 134 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và 41% số nông hộ nông dân tham gia tổ đổi công. Với các tổ chức sản xuất mới, tổng sản lượng lương thực năm 1958 tiếp tục tăng lên đạt trên 4,5 triệu tấn.
Tháng 4/1959, Hội nghị lần thứ 16 (mở rộng) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam thông qua Nghị quyết về vấn đề hợp tác hóa nông nghiệp1. Nghị quyết cho rằng, việc thực hiện hợp tác hoá nông nghiệp không những nâng cao đời sống vật chất mà còn nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của của nông dân; đồng thời cổ vũ phong trào xây dựng dân quân, du kích và lực lượng hậu bị ở địa phương, góp phần củng cố miền Bắc, cổ vũ nhân dân miền Nam ra sức đấu tranh thống nhất nước nhà.
Nghị quyết xác định phương châm tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp là: “Tích cực lãnh đạo, vững bước tiến lên; quy hoạch về mọi mặt, sát với từng vùng; làm tốt, vững và gọn"2; nguyên tắc xây dựng và củng cố hợp tác xã là: tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Đây là 3 nguyên tắc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với trong trào hợp tác hóa nông nghiệp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã cho rằng việc xây dựng, phát triển hợp tác xã cần phải chú ý: “Giữ đúng nguyên tắc tự nguyện và cùng có lợi; Phải có cán bộ để giúp các hợp tác xã về các mặt tổ chức, quản lý...; Phải coi trọng chất lượng. Làm đến đâu phải chắc chắn đến đấy, rồi phát triển dần ra”3.
Nhằm đưa công tác quản lý hợp tác xã vào nền nếp, ngày 17/12/1959, Phủ Thủ tướng ban hành Thông tư số 449-TTg “về việc ban hành Điều lệ mẫu hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp”4. Điều lệ xác định hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp là hình thức quá độ chuyển lên hợp tác xã nông nghiệp bậc cao, là hình thức đưa nông dân từ sản xuất cá thể đi vào con đường sản xuất tập thể xã hội chủ nghĩa.
Khởi công xây dựng hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải tháng 10/1958 (Ảnh tư liệu)
Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp là hình thức tổ chức thích hợp nhất đưa nông thôn từ sản xuất cá thể đi vào con đường sản xuất tập thể xã hội chủ nghĩa. Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có hai hình thức: hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc cao. Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp là hình thức quá độ chuyển lên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc cao. Trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp, quyền sở hữu của xã viên về những tư liệu sản xuất chủ yếu còn được thừa nhận, khác với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc cao, trong đó những tư liệu sản xuất chủ yếu đã chuyển thành của tập thể.
Về mục đích, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp là tổ chức kinh tế tập thể có tính chất nửa xã hội chủ nghĩa, do nông dân lao động tự nguyện lập ra, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, nhằm đẩy mạnh một bước sản xuất nông nghiệp, dần dần xóa bỏ bốc lột, nâng cao đời sống ở nông thôn, góp phần đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà.
Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp thống nhất sử dụng những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã viên như ruộng đất, trâu bò, nông cụ, tổ chức xã viên lại để cùng lao động và thống nhất phân phối hoa lợi cho xã viên. Trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp, trừ một phần tư liệu sản xuất thuộc của chung ra, xã viên vẫn có quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và được hưởng một phần hoa lợi về những thứ đó.
Điều lệ khẳng định lại 3 nguyên tắc: tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Việc phân phối theo nguyên tắc: làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít.
Nhiệm vụ của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp là:
a) Trên cơ sở lao động tập thể và cải tiến kỹ thuật (bao gồm cải tiến công cụ sản xuất và phương pháp sản xuất) mà phát triển sản xuất về nhiều mặt, nâng cao thu nhập của hợp tác xã và của mỗi xã viên, đồng thời xây dựng quỹ tích lũy chung của hợp tác xã.
b) Luôn luôn nâng cao trình độ xã viên về mọi mặt chính trị, kỹ thuật, tổ chức, quản lý và văn hóa, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế của các xã viên.
c) Gương mẫu trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước và thi hành mọi chính sách của Đảng và Chính phủ, đoàn kết nội bộ hợp tác xã và đoàn kết với tổ đổi công, với nông dân còn làm riêng lẻ, giúp đỡ họ đẩy mạnh sản xuất và đi vào con đường hợp tác hóa nông nghiệp. Đặc quan hệ mật thiết với các hợp tác xã khác và các cơ quan kinh tế quốc doanh để thực hiện nhiệm vụ của mình và thực hiện nhiệm vụ chung.
d) Đấu tranh với mọi hình thức bóc lột, chống lại mọi hành động phá hoại lợi ích của hợp tác xã và phá hoại lợi ích chung.
Những thiếu niên dưới 16 tuổi chưa được kết nạp làm xã viên, nhưng có thể được nhận tham gia lao động trong hợp tác xã và được trả công theo năng suất lao động như các xã viên.
Trong khi kết nạp xã viên, cần chú ý kết nạp các quân nhân phục viên, gia đình thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, bộ đội, cán bộ thuộc thành phần nông dân lao động và có kế hoạch thu hút dần những người thiếu sức lao động (già yếu, mồ côi, góa bụa, v.v…) thuộc thành phần đó.
Một cảnh lao động tập thể của nông dân miền Bắc (Ảnh tư liệu)
Về ruộng đất của xã viên, phải giao cho hợp tác xã thống nhất sử dụng, nhưng để chiếu cố nhu cầu sinh hoạt riêng của xã viên như để cho xã viên trồng rau, trồng hoa quả, trồng chàm, v.v… ngoài đất làm nền nhà, sân, chuồng trâu, chuồng lợn, đống rơm, cần để lại cho mỗi gia đình xã viên một ít đất, theo mức mỗi nhân khẩu không quá 5% diện tích bình quân của một nhân khẩu trong xã. Riêng đối với miền núi, đất để lại cho xã viên có thể nhiều hơn, miễn là không ảnh hưởng đến việc quản lý lao động của hợp tác xã. Nơi nào, xã viên dân tộc thiểu số yêu cầu để lại một ít ruộng đất để tự tay họ trồng cấy lấy lúa gạo dùng vào việc thờ cúng, thì cũng cần chiếu cố.
Chủ trương đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa của Đảng và Nhà nước đã tác động to lớn việc tổ chức sản xuất và đời sống của nông dân miền Bắc. Đến cuối năm 1960, 84,8% tổng số hộ nông dân và 76% diện tích canh tác đã gia nhập hợp tác xã nông nghiệp; trong tổng số 41.000 hợp tác xã có 4.346 hợp tác xã bậc cao, chiếm 12%. Nghề cá có 520 hợp tác xã, chiếm 77,2% tổng số hộ ngư dân. Nghề muối có 269 hợp tác xã, chiếm 85% tổng số hộ làm muối5.
Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp đã xóa bỏ quan hệ người bóc lột người ở nông thôn, đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể, xây dựng, củng cố khối liên minh công nông trong điều kiện mới.
Thắng lợi của hợp tác hóa nông nghiệp đã thúc đẩy quá trình thuỷ lợi hóa trong sản xuất nông nghiệp. Một số công trình thủy lợi lớn như công trình Bắc - Hưng - Hải (Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương) cùng nhiều công trình thủy lợi nhỏ và vừa được xây dựng và đưa vào sử dụng, bảo đảm tưới, tiêu cho đồng ruộng. Bên cạnh đó, hợp tác hóa nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi trong áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như việc cải tạo đất, làm phân xanh, giống cây trồng vật nuôi có năng suất, sản lượng cao,….
Với sự phát triển của phong trào xây dựng hợp tác xã, trong 3 năm (1958-1960), sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hằng năm đạt 5,6%; cơ cấu cây trồng, vật nuôi có nhiều thay đổi, trong đó tỷ lệ cây công nghiệp và chăn nuôi tăng nhanh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.
Hải Đăng
________________
1.Https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-ii/nghi-quyet-cua-hoi-nghi-trung-uong-lan-thu-16-mo-rong-thang-4-nam-1959-ve-van-de-hop-tac-hoa-nong-nghiep-804.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 20, tr.376
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 578- 589
4. Https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Thong-tu-449-TTg-dieu-le-mau-hop-tac-xa-san-xuat-nong-nghiep-bac-thap-21655.aspx
5. Toàn bộ các số liệu cải tạo xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ 1958-1960 đều lấy của Tổng cục thống kê (30 năm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, số liệu thống kê Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Dân số toàn miền Bắc năm 1960 là: 16.100 000 người (miền Nam 14.072 000 người), nhân khẩu nông thôn miền Bắc 14.699.000 chiếm 91,3% tổng dân số. Diện tích canh tác nông nghiệp miền Bắc 1à 2.232.600 ha.