Trong cuộc đấu tranh của nhân dân đô thị miền Nam Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không thể không kể đến vị trí, vai trò đấu tranh của phụ nữ, trong đó có Phong trào phụ nữ đòi quyền sống, một tổ chức yêu nước và cách mạng thành lập năm 1970
Thành lập
Trong phong trào đấu tranh hết sức sôi động của nhân dân đô thị miền Nam, trong đó có phụ nữ, đến năm 1970, một mặt trận đấu tranh công khai, rộng lớn, độc đáo của phụ nữ thành phố Sài Gòn đã ra đời và nhanh chóng lan rộng cả miền Nam, đó là Phong trào phụ nữ đòi quyền sống, tên ban đầu là Ủy ban phụ nữ đòi quyền sống.
Ủy ban phụ nữ đòi quyền sống ra mắt ngày 2/8/1970 tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn, là cuộc tập hợp và biểu dương lực lượng hùng hậu của nữ giới thành phố.
Cuộc ra mắt có đầy đủ đại diện tiêu biểu cho mọi tầng lớp, nghề nghiệp, các hội đoàn như bà Thanh Thu, đại diện Liên quận; cụ Nguyễn Phước Thành Công, tư sản dân tộc; cụ bà Diệu Đàn và Diệu Trí, Liên đoàn Phật tử Việt Nam và Hội phụ nữ Phật Tử Long Hoa; bà Ngô Bá Thành, tiến sĩ luật khoa; chị Trần Thị Lan, nữ sinh viên, cùng đại diện của giới phụ nữ tiểu thương, công nhân, nông dân.
Ủy ban phụ nữ đòi quyền sống quy tụ sự tham gia của 15 đoàn thể phụ nữ, tạo niềm phấn khởi vững tin cho những người tham gia phong trào.
Sau khi ra mắt một thời gian, Ủy ban phụ nữ đòi quyền sống đổi tên thành Phong trào phụ nữ đòi quyền sống.
Phong trào vừa xây dựng cơ sở rộng rãi trong quần chúng lao động, vừa tìm mọi cách vận động, thu hút càng nhiều càng tốt những nữ trí thức, nữ công chức cao cấp, kể cả những mệnh phụ, phu nhân của quan chức chính quyền.
Dần dần, trong phong trào phụ nữ đòi quyền sống, bên cạnh những chị em phụ nữ tiểu thương, nông dân, công nhân lao động, tín đồ các tôn giáo, chủ yếu là đạo Phật, còn có nhiều nữ sinh viên, trí thức, nữ tiến sĩ, chủ hãng, thậm chí cả phu nhân Bộ trưởng trong chính quyền Sài Gòn, Chủ tịch Hội phụ nữ thiện chí (một tổ chức phụ nữ ra đời từ thời Trần Lệ Xuân).
Các phân chi hội phụ nữ của Phong trào phụ nữ đòi quyền sống nhanh chóng hình thành tại Sài Gòn, Chợ Lớn, Bình Hòa, Thạnh Mỹ Tây.. Chủ tịch phân chi hội thường là những nhân sĩ, trí thức có uy tín.
Từ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Phong trào phụ nữ đòi quyền sống lan dần ra các địa phương, trước hết là các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bà Ngô bá Thành, chị Trần Thị Lan Ni sư Huỳnh Liên cùng một số chị em khác xuống Mỹ Tho phát động phong trào trong nữ giáo chức, xây dựng lực lượng nòng cốt cho tổ chức phụ nữ đòi quyền sống ở tỉnh Định Tường. Các hội phụ nữ đòi quyền sống ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Vĩnh Bình lần lượt ra đời, trong đó hoạt động đều đặn và mạnh mẽ nhất là phong trào phụ nữ ở tỉnh Vĩnh Bình và Thành phố Cần Thơ.
Tại miền Trung, Phong trào phụ nữ đòi quyền sống khởi đầu từ Đà Lạt, tiếp đó là các thành phố Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng, Huế… Sau một năm thành lập, trên toàn miền Nam, hệ thống chân rết của Phong trào phụ nữ đòi quyền sống đã được xây dựng đều khắp. Phong trào đã tranh thủ được sự tham gia của các nữ doanh nhân nổi tiếng hoặc phu nhân của một số quan chức cấp tỉnh, thành.
Một cuộc đấu tranh của nữ sinh miền Nam (Ảnh tư liệu)
Đấu tranh yêu nước và cách mạng
Ngay sau khi ra đời, phong trào phụ nữ đòi quyền sống đã tổ chức được hàng chục, hàng trăm cuộc đấu tranh lớn nhỏ, diễn ra trên nhiều mặt trận kinh tế, chính trị, binh vận, ngoại giao, văn hóa, bằng nhiều hình thức như mít tinh, biểu tình, hội thảo với khẩu hiệu đòi quyền dân chủ, dân sinh, đòi hòa bình, chống chiến tranh xâm lược, chống bắt lính. Chị em phụ nữ đã vào tận các cơ quan của chính quyền Sài Gòn, các cơ sở sản xuất công thương nghiệp để tiến hành đấu tranh.
Một số cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ gây tiếng vang lớn và giành thắng lợi như buộc giới chủ Nhà máy bột giặt Viso, hãng Pin con Ó, Tân cảng phải đáp ứng những yêu cầu chính đáng của anh chị em công nhân về cải thiện điều kiện làm việc, tăng lương, tăng phụ cấp, chống sa thải vô cớ...
Phong trào phụ nữ đòi quyền sống phối hợp với các tổ chức yêu nước khác đấu tranh chống sự đàn áp của chính quyền Sài Gòn. Phong trào còn tổ chức các nhóm đại biểu thường xuyên thăm viếng các trại giam tù chính trị ở Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp, Côn Đảo, Cần Thơ, kịp thời động viên tinh thần và ủng hộ vật chất cho các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước đang bị chính quyền Sài Gòn giam giữ.
Tháng 5/1971, Phong trào phụ nữ đòi quyền sống đã đứng ra tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế tại số 2 Cao Bá Quát, Sài Gòn, nhà riêng của bà Ngô Bá Thành, Chủ tịch Phong trào, với sự tham gia của đại diện phụ nữ 5 quốc gia Úc, Pháp, Canada, New Zealand và Hoa Kỳ. Hội thảo ra quyết nghị, cũng là Tuyên ngôn chính trị đầu tiên của Phong trào phụ nữ đòi quyền sống Việt Nam, lên án Tổng thống Mỹ Nixon và Nguyễn Văn Thiệu đưa thanh niên ra chiến trường, đòi Mỹ rút quân, lập chính phủ nhiều thành phần, đòi bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm cho phụ nữ… Bản Tuyên bố chính trị này có tiếng vang lớn, được nhiều hãng thông tấn nổi tiếng giới thiệu và bình luận.
Tháng 8/1971, Phong trào phụ nữ đòi quyền sống huy động lực lượng chống trò hề độc diễn bầu cử tổng thống của Nguyễn Văn Thiệu. Cuộc đấu tranh này bị đàn áp dã man, Chủ tịch Phong trào phụ nữ đòi quyền sống Ngô Bá Thành và Tổng thư ký Trần Thị Lan bị bắt giam.
Có thể nói, trong những năm 1970-1971, Phong trào phụ nữ đòi quyền sống đã tập hợp được quần chúng rộng rãi, không chỉ là phụ nữ, và đã tiến hành đấu tranh có hiệu quả làm cho tình hình chính trị Sài Gòn rối ren, phối hợp với phong trào đấu tranh của công nhân lao động, thanh niên, học sinh sinh viên, giáo giới, ký giả.
Luật sư Ngô Bá Thành (giữa) trong một cuộc biểu tình ngồi trước Hạ viện Sài Gòn năm 1972 (Ảnh tư liệu)Trong những năm sau đó, mặc dù bị gặp nhiều khó khăn do chính quyền Sài Gòn đàn áp, phong trào vẫn bền bỉ vượt qua những tháng ngày khó khăn, thử thách, duy trì đội ngũ và tổ chức các cuộc đấu tranh. Đó là hoạt động đấu tranh chống bắt lính, hoạt động đấu tranh binh vận, là những đợt quyên góp lương thực, thuốc men, tiền bạc gửi ra vùng căn cứ, là những cuộc mít tinh, biểu tình đòi Mỹ - Thiệu thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris, là những đợt vận động ủng hộ anh chị em công nhân các hãng công nghiệp đấu tranh chống sa thải, chống lăng nhục và hành hung nữ công nhân, phản đối các cơ quan của Mỹ xâm phạm nhân phẩm nữ giới, biểu thị nguyện vọng thống nhất đất nước.
Trong năm 1973, Phong trào phụ nữ đòi quyền sống đã gửi những chiếc áo dài ba màu cờ giải phóng và lời chào mừng đến Đại hội phụ nữ tại Hà Nội. Phong trào phụ nữ đòi quyền sống còn phối hợp với Ủy ban cải thiện chế độ lao tù do chị Cao Thị Quế Hương làm Chủ tịch, đấu tranh đòi chính quyền Sài Gòn thả tất cả các tù chính trị, trong đó có cả những người lãnh đạo của Phong trào phụ nữ đòi quyền sống.
Mặc dù bị bắt giam nhưng những lãnh đạo của Phong trào phụ nữ đòi quyền sống bà Ngô Bá Thành, Trần Thị Lan vẫn tiếp tục đấu tranh trong nhà tù, trải qua các nhà tù của địch, bất chấp những trận đòn tàn bạo, các chị vẫn giữ vững phẩm cách và ý chí. Trong nhà giam Chí Hòa, các chị đã xây dựng chương trình phát thanh phụ nữ đòi quyền sống đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc, đòi cải thiện chế độ lao tù…
Năm 1974, phong trào phụ nữ đòi quyền sống tiếp tục hòa cùng cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân miền Nam chống bắt lính, chống quân sự hóa học đường, chống đàn áp học sinh sinh viên, ủng hộ giới báo chí miền Nam trong “Ngày ký giả đi ăn mày”..
Đầu năm 1975, Phong trào phụ nữ đòi quyền sống mở nhiều hội thảo ủng hộ bản cáo trạng của 23 tổ chức đấu tranh chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đòi Mỹ chấm dứt viện trợ cho chính quyền Sài Gòn.
Đến ngày chuẩn bị chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hầu hết chị em của Phong trào phụ nữ đòi quyền sống đều tham gia các hoạt động cách mạng như may cờ, ém nuôi cán bộ cách mạng xâm nhập nội thành, tích trữ lương thực, thuốc men, góp phần cho ngày toàn thắng.
Hình thành và hoạt động trong phong trào đấu tranh của nhân dân đô thị miền Nam chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, Phong trào phụ nữ đòi quyền sống là tổ chức công khai, rộng rãi, tập hợp và đoàn kết các thành phần nữ giới thuộc nhiều xu hướng nhưng đều có chung tình cảm yêu nước, yêu hòa bình, căm ghét chiến tranh, phản đối chính quyền Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đấu tranh sôi nổi, bền bỉ, kiên cường trên rất nhiều mặt trận kinh tế, chính trị, binh vận, ngoại giao, văn hóa, góp phần vào phong trào đấu tranh của nhân dân đô thị nói riêng, vào thắng lợi vĩ đại của toàn dân tộc Việt Nam nói chung.
An Lê