Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, phụ nữ miền Nam đóng vai trò không nhỏ trong công tác chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần vào thắng lợi của cách mạng miền Nam trong năm 1968 và tô thắm truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam
Mùa Xuân năm 1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam chống đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã nổ ra. Mặc dù có những hạn chế, khuyết điểm, kết quả không đạt được như kế hoạch dự kiến ban đầu và phải chịu nhiều tổn thất nhưng ta đã tiến công vào các trung tâm sào huyệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, tiêu diệt một phần không nhỏ sinh lực địch, làm lung lay ý chí xâm lược của chúng, góp phần quyết định làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và phải ngồi đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.
Cuộc tổng tiến công oanh liệt đó là kết tinh sức mạnh của lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân miền Nam, trong đó không thể không kể đến vai trò và những đóng góp to lớn của phụ nữ miền Nam. Các chị không chỉ tham gia công tác chuẩn bị cho chiến dịch, binh địch vận, là nòng cốt trong các phong trào đấu tranh chính trị mà còn trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần làm suy yếu lực lượng địch về mọi mặt, phát triển và tăng cường sức mạnh cho cách mạng miền Nam.
Ngay từ giữa năm 1967, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, phụ nữ toàn Miền hăng hái tham gia công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Khắp các tỉnh, thành phố, thị xã, các hội phụ nữ đã phát huy vai trò của mình trong việc vận động chị em và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đi dân công, tăng gia sản xuất, quyên góp, tìm vị trí làm kho; vận chuyển, cất giấu lương thực, vũ khí, thuốc men; xây dựng lực lượng chính trị, đấu tranh chính trị; tham gia du kích.
Ở Bình Dương, cùng với nam dân công, phụ nữ các xã Phú Hòa, Hòa Lợi, Bình Mỹ, Thới Hòa, Lai Hưng, Long Nguyên, Thanh An… với hàng trăm xe đò, xe đạp thồ, gồng gánh vận chuyển hàng từ các căn cứ hậu cần đến các vị trí tập kết của lực lượng vũ trang, dọc theo các hướng tiến quân. Nhờ đó, đến tháng 01/1968, Phân khu 5 đã chuẩn bị được 1.500 tấn lương thực, 750[1] tấn vũ khí, đạn dược, bố trí thành nhiều kho để phục vụ bộ đội chiến đấu.
Nữ thanh niên Thủ Dầu Một dũng cảm xung phong vào các đơn vị “Bình Giã chiến thắng”, “Phú Lợi căm thù” phục vụ các đơn vị chiến đấu từ tuyến trước đến tuyến sau.
Để phục vụ bộ đội giải phóng ăn no, đánh thắng, 7.000 chị em tỉnh Trà Vinh ngày đêm liên tục xay, giã hàng ngàn giạ lúa cung cấp cho bộ đội.
Tải đạn phục vụ tổng tiến công và nổi dậy (Ảnh tư liệu)
Nữ thanh niên xung phong Đoàn Thị Liên (Cà Mau) không sợ hy sinh tham gia 12 trận chiến đấu bên cạnh Sư đoàn 9 ở Phước Long, Đồng Xoài, Nhà Đỏ, Bông Trang, Bàu Bàng, Lai Khê, Lộc Ninh, Cần Đâm, Cần Lê,…
Liên đội I thanh niên xung phong của Khu đoàn Khu 9 có 462[2] đồng chí nữ, suốt 29 ngày đêm đầu năm 1968 thay nhau vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, thuốc men, lương thực phục vụ bộ đội chiến đấu.
Ở các vùng tranh chấp, vùng ven, mặc cho bom đạn bắn phá, chị em vẫn tìm mọi cách tăng gia, sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Ở các thành phố, thị xã và các vùng nông thôn, các chị còn đảm nhiệm vai trò vận động, tổ chức lực lượng quần chúng để phối hợp với lực lượng vũ trang nổi dậy đấu tranh giành quyển làm chủ. Nhiều chị tham gia dân quân du kích, biệt động trong các đô thi và đã trở thành những người chỉ huy dũng cảm tài ba.
Ở Bạc Liêu, Hội phụ nữ Hồng Vân tập hợp mỗi xã 100 chị, riêng xã Phú Đông tập hợp được 300 chị[3] do chị Ba Nhung, Ba Phương, Ba Giác đứng đầu, đấu tranh quyết liệt chống chính quyền địch tại thị xã Bạc Liêu.
Ở Bình Dương, nhiều cán bộ nữ xung phong đi sâu vào vùng yếu, phát động quần chúng nổi dậy, điển hình là chị Năm Nhà, Chín Hiền, Út Tâm…, nhiều chị em đã nằm lại chiến trường.
Ngày 31/01/1968, cùng với du kích Châu Thành, các mẹ, các chị vùng ngoại ô thị xã Thủ Dầu Một và nhân dân địa phương nổi dậy bao vây, bức rút bốt Nhà Hơi, tua Úp Nồi, tập kích đồn Biến Thế, Cây Điệp, Bưng Cầu, cây Dầu Đôi, Phú Hữu, tua Ngã Tư Sở Sao…, giải phóng vùng ngoại ô thị xã. Tại Lái Thiêu, chị em vận động người nhà binh sĩ ngụy đấu tranh kịch liệt chống địch càn quét và bắn phi pháo bừa bãi. Ở nhiều địa phương, lực lượng phụ nữ tích cực tham gia xây dựng các “lõm” chính trị, nút giao liên, những điểm ém quân, cất giấu vũ khí, lương thực, tổ chức may cờ, in truyền đơn, dán khẩu hiệu. Các chị cũng đóng vai trò chính trong các tổ cứu thương, tải đạn, chăm sóc thương binh, tiếp tế, thông tin liên lạc.
Đội nữ du kích Củ Chi (Ảnh: Dương Thanh Phong)
Trong thành phố Sài Gòn, nhiều chị em âm thầm chiến đấu trong lòng địch, dũng cảm đảm nhận những nhiệm vụ nguy hiểm như phụ trách hầm vũ khí. Điển hình là chị Bùi Thị Lý (bà Hai) đã hiến toàn bộ số vàng dành dụm được mua một căn nhà vừa làm nhà ở, vừa làm nơi cất giấu vũ khí cho quân giải phóng. Hằng ngày, vừa nuôi con, vừa lo tiếp nhận và chuyển vũ khí xuống hầm an toàn. Ngôi nhà của ông bà Phở Bình, số 7 Yên Đổ được dùng làm sở chỉ huy của quân giải phóng. Gia đình bà Phan Thị Bản là cơ sở chứa hầm vũ khí, nuôi giấu cán bộ phục vụ cho các trận đánh của Biệt động Sài Gòn. Nhà chị Đặng Thị Huệ (Hai Phê) ở 59 Phan Thanh Giản là nơi tập kết quân và vũ khí đánh vào Tòa đại sứ Mỹ. Nhà chị Nguyễn Thị Hảo, Đặng Thị Thiệp nhiều năm làm hầm chứa vũ khí trong nhà để đánh vào Dinh Độc Lập. Bà Trần Thị Út, trong vai chủ tiệm may Quốc Anh tại 65 Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cùng chồng giữ kho vũ khí đánh vào Đài Phát thanh Sài Gòn. Nhà bà Đặng Thị Hai, cơ sở giấu vũ khí, hầm bí mật đánh vào Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy. Bà Bùi Thị Lý cùng chị Phan Thanh Thúy giữ kho vũ khí số nhà 99/1c Trương Minh Ký[4] dùng để đánh vào mục tiêu Bộ Tổng Tham mưu chính quyền Sài Gòn. Ngoài ra, nhiều nữ thanh niên dũng cảm dẫn đường cho bộ đội tiến công chiến dịch trong thành phố. Chị em Quận 7 xung phong chở bộ đội qua kênh Đôi, tiến sâu vào nội đô Sài Gòn. Các chị đã chiến đấu hết sức dũng cảm: chị Tám Gờ, một mình diệt 5 ác ôn ở phường Rạch Cát; chị Hiếu, công nhân hãng rượu Bình Tây, chỉ có một tay, dùng súng ngắn diệt 2 ác ôn[5] ở cầu số 3, phường Bình Đông. Các mẹ, các chị, các em huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), Củ Chi (Hóc Môn), Thủ Đức, Nhà Bè (Sài Gòn - Gia Định), Lái Thiêu (Bình Dương), Long Thành ( Biên Hòa) không quản hiểm nguy xung phong tiếp tế cơm nước cho bộ đội trong vùng chiến sự. Nhiều mẹ, nhiều chị cùng gia đình đào hầm nuôi thương binh trong nhà, có gia đình nuôi 3-5 cán bộ, chiến sĩ[6].
Tại mặt trận Tây Nam Bộ, chị em phụ nữ Mỹ Tho, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp cùng hàng ngàn quần chúng nhân dân liên tục phục vụ chiến đấu trong 30 ngày đầu của cuộc nổi dậy. Các chị thay nhau tải đạn, tải lương, tải thương, đào công sự, xây chướng ngại vật. Nữ du kích Bến Tre cùng bộ đội tấn công đồn Tua; lái ghe, xuồng, đò chở bộ đội, lương thực, vũ khí qua kênh, rạch. Ở Kiến Tường, Kiến Phong, Châu Đốc (tỉnh An Giang), chị em tích cực ủng hộ, giúp đỡ bộ đội bám trận địa tiêu diệt địch. Tháng 2-1968, chị em chiến sĩ giao liên Rạch Giá tham gia đánh sập cầu Quằng, cầu Rạch Chanh, cầu Đúc,… Các chị nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Nhơn, Dương Thị Nghệ và mẹ Lâm Thị Chi… là những tấm gương kiên cường trong những trận chiến đấu đó. Đội biệt động nữ Bạc Liêu dũng cảm dẫn đường bộ đội dưới làn bom đạn của kẻ thù. Cũng tại đây, các chị, các cô trong đội phục vụ chiến trường đã một lòng chuyển thương binh ra vùng an toàn; tổ chức, vận động đồng bào chôn cất những anh em không qua khỏi một cách chu đáo. Trong vùng giải phóng, các mẹ, các chị tích cực vận động nhân dân ủng hộ lương thực, thực phẩm để tiếp tế cho mặt trận.
[1] Ban Chấp hành Hội phụ nữ tỉnh Bình Dương: Phụ nữ Bình Dương 45 năm đấu tranh giải phóng (1930-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.239
[2] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Những vấn đề chính yếu trong Lịch sử Nam Bộ kháng chiến 1945-1975, Nxb. Chính trị quốc gia– Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.801
[3] Hội Liên hiệp phụ nữ Bạc Liêu: Truyền thống cách mạng phụ nữ tỉnh Bạc Liêu (1927-1975), Xuất bản năm 2004, tr.224
[4] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Những vấn đề chính yếu trong Lịch sử Nam Bộ kháng chiến 1945-1975, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.827
[5] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II, 1954-1975, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2010, t. II, tr.610
[6] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II, 1954-1975, Sđd, tr.611