Trong đợt tiến công và nổi dậy lần 2, tại mặt trận Sài Gòn - Gia Định, cùng với tấn công quân sự, hội phụ nữ cùng nhiều chị em trong các tổ chức đoàn thanh niên, Hoa vận, Tuyên huấn tích cực tham gia diệt ác, phá kìm, treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng, rải truyền đơn, xé cờ ba sọc, tờ khai gia đình. Các nhà báo nữ đưa tin chiến sự trên báo công khai, góp phần cổ động phong trào. Đội biệt động nam nữ mang tên “Tiểu đoàn Lê Thị Riêng” ém quân và chiến đấu quyết liệt ở khu vực quận 1. Nhóm trung tâm gồm 13 nam, nữ do chị Sáu Xuân và Lê Thị Hồng Quân chỉ huý ém quân ở hẻm 83 Đề Thám, tấn công đánh địch hơn 1 nửa ngày. Phần lớn các anh chị đã hy sinh và bị bắt, trong đó có chị Lê Thị Hồng Quân. Nữ tự vệ các quận 1, 2 cùng với các nam tự vệ tham gia truy lùng, diệt ác, chiến đấu với bộ binh, xe tăng của quân đội Sài Gòn nhiều ngày tại khu vực Cô Giang, Cô Bắc, Đề Thám… Chị Bạch Thị Cát, Bí thư Đoàn Quận 2 đã hy sinh trên đường vào Cô Giang, nhiều đồng chí nam, nữ bị bắt. Chị em phụ nữ Quận 3, 5 cùng đông đảo nhân dân lao động đã nổi dậy kết hợp với lực lượng vũ trang tấn công đánh địch, làm chủ nhiều khu vực.
Cùng với Sài Gòn, chị em các tỉnh tích cực tham gia dân công: tỉnh Long An có từ 300 đến 700[1] dân công, trong đó có nhiều phụ nữ; Bình Chánh, có 400 thanh niên Vĩnh Lộc, trong đó có nhiều nữ thanh niên hình thành 3 đoàn dân công hỏa tuyến. Chị em hăng hái tải đạn, tải thương, vận chuyển lương thực, vũ khí trên con đường dài hơn 20 cây số và liên tục bị địch bắn phá. Ngày 15-6-1968, trong đoàn dân công đưa thương binh về Đức Hòa, tải đạn về Sài Gòn, 28[2] chị đã hy sinh. Chị em cùng gia đình vùng ngoại ô Sài Gòn xung phong nuôi dưỡng, chăm sóc hàng trăm thương binh. Gia đình bà Phan Thị Thêm, phường Tân Phước (quận Tân Bình) đã nuôi giấu hơn 40 cán bộ,[3] chiến sĩ trinh sát và biệt động thành. Chị em và nhân dân xã Long Phước thu hoạch mùa, góp được 40[4] tấn thóc nuôi quân. Bà Từ Thị Láng, Lý Tú Cầm là hai cơ sở cốt cán người Hoa đã vận động bà con buôn bán ở chợ Long Điền ủng hộ tiền mua thuốc tây và các nhu yếu phẩm thiết yếu giúp đỡ bộ đội. Một bà mẹ ở Đồng Nai liên lạc, tiếp tế cho cách mạng trong rừng, một mình chặn đứng 13 xe tăng Mỹ, bảo vệ an toàn căn cứ.
Một đơn vị vũ trang vùng ven Sài Gòn trước giờ tiến công (Ảnh tư liệu)
Tại Bình Dương, nhiều đội nữ du kích được thành lập ở Lái Thiêu, Bến Cát, Dĩ An… Các đội nữ du kích đã sát cánh cùng bộ đội chủ lực và quần chúng nhân dân tấn công tiêu diệt địch. Chị Út Trung là du kích xã Thuận Giao vừa theo dõi tình hình địch, vừa làm nhiệm vụ hướng dẫn chị em gỡ mìn và pháo sáng địch gài xung quanh ấp chiến lược, dọn đường cho lực lượng bên ngoài vào ấp. Trung đội nữ du kích Lái Thiêu do chị Lê Thị Trung làm đội trưởng chiến đấu nhiều trận, giành nhiều chiến công tại tua Dốc Dài An Thạnh, tua Hưng Định, tua Cây Me Bình Nhâm. Chị em phụ nữ Dĩ An tích cực dẫn đường cho bộ đội đột nhập đánh địch ở nội thành. Đảng ủy Quận Dầu Tiếng đã chỉ đạo xây dựng được lực lượng nòng cốt đấu tranh chính trị gồm 1.000 chị em; trong đó có 22 tổ làm công tác binh vận với 213 chị em; tổ chức một đội dân công dài hạn gồm 80 chị và khoảng 200 dân công[5] ngắn hạn.
Trong công tác binh vận, chị em được giao nhiệm vụ vận động người thân, xây dựng nội tuyến, kêu gọi binh sĩ bỏ súng về nhà, giúp binh sĩ ổn định cuộc sống sau khi bỏ ngũ. Trong cả 3 đợt tiến công, chị em đã vận động được nhiều binh sĩ bỏ súng. Má Tư Nhâm ở Đồng Nai vận động được hàng chục binh sĩ mang súng về với nhân dân. Nhiều chị tham gia làm nội ứng cho bộ đội diệt đồn, tập kích sân bay, đốt kho xăng. Vừa vận động binh sĩ bỏ súng, các chị vừa tung tin làm rối loạn tinh thần quân địch. Với công tác binh vận, các chị đã góp phần làm suy yếu lực lượng quân đội Sài Gòn.
Bên cạnh các hoạt động trên, chị em còn hăng hái tham gia đấu tranh chính trị, trở thành nòng cốt trong phong trào khắp các đô thị miền Nam. Ngày 22/01/1968, tại trường tiểu học Hùng Vương, Liên hiệp giáo chức và phụ huynh học sinh Sài Gòn, trong đó có nhiều phụ nữ đã tổ chức “Cây gậy mùa Xuân Mậu Thân” thu hút hơn 7.000[6] người tham gia. Các chị cùng các thành viên trong tổ chức đã hướng dẫn học sinh treo bản đồ to hình nước Việt Nam thống nhất, bất chấp quy định của chính quyền Sài Gòn chỉ được treo bản đồ miền Nam Việt Nam.
Một tổ may cờ ở Gia Định chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy (Ảnh tư liệu)
Ngày 26/01/1968, tại Trường Đại học Quốc gia Hành chánh, nhiều nữ sinh viên phối hợp với Tổng Hội sinh viên tổ chức “Đêm văn nghệ mừng Tết Quang Trung”, thu hút 12.000[7] sinh viên nam, nữ thành phố về dự, hát vang những bài ca truyền thống như: Lên đàng, An Phú Đông, Thăng Long hành khúc, Hội nghị Diên Hồng, Hát cho đồng bào tôi nghe… Đêm văn nghệ mừng tết Quang Trung làm sống dậy khí thế sục sôi của tuổi trẻ thành phố trước giờ hành động, khích lệ mạnh mẽ tinh thần bí mật chuẩn bị hưởng ứng kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy của học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân Sài Gòn. Cũng trong thời gian này, nhiều chị em trực tiếp tham gia tiến công đài phát thanh Sài Gòn, tham gia các đội biệt động tấn công nhiều mục tiêu quan trọng của địch trong thành phố.
Khắp các mặt trận, cùng với tiến công quân sự, đông đảo chị em các vùng nông thôn kéo vào thành phố, thị xã cùng với đồng bào tại chỗ nổi dậy đấu tranh trực diện với địch. Ở các khu 1,4, Đạo Thạnh, Tân Mỹ Chánh (Mỹ Tho), chị em cùng nhân dân địa phương nổi dậy, phối hợp với lực lượng vũ trang phá hệ thống ấp tân sinh, giải phóng hai xã Đạo Thạnh, Mỹ Phong. Hội phụ nữ Vính Châu (tỉnh Bạc Liêu) tổ chức xuống đường kết hợp với lực lượng vũ trang bao vây dinh quận, hai chị người Khơmer đã hy sinh anh dũng.
Ban Phụ vận thành phố Sài Gòn còn có có vai trò to lớn trong việc thành lập, chỉ đạo các tổ chức yêu nước đẩy mạnh đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, đòi hòa bình. Hội Bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ đã tích cực tổ chức cứu trợ nạn nhân chiến tranh, giúp đỡ đồng bào bị nạn, giáo dục quần chúng đoàn kết, xây dựng lực lượng, sẵn sàng tổ chức chị em đấu tranh khi cần thiết. Nhiều thành viên trong Hội đã trở thành nòng cốt cho Hội Phụ nữ Việt Nam như cụ Phan Đình Đàn, bà Đặng Thị Ngọc, Kiều Thị Thịnh, Ngô Thị Hoa. Đoàn nữ Phật tử Giáo chức - thành viên khối Phật Tử Ấn Quang, do bà Dư làm đoàn trưởng với tờ nội san Bút Nghiên đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh cho các thành viên và các tầng lớp nhân dân miền Nam. Các chị em trong Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ cùng các đoàn Nữ Phật tử Long Hoa, Nữ Phật tử Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chị em và nhân dân đấu tranh đòi hòa bình.
Tiến công quân sự của lực lượng vũ trang, trong đó có những đóng góp của phụ nữ miền Nam, sau 3 đợt tổng tiến công và nổi dậy, quân và dân ta giành thắng lợi to lớn: loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 tên địch; tiêu diệt, đánh thiệt hại nặng 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh; 18 chi đoàn xe thiết giáp, phá hỏng, phá hủy 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu xuồng chiến đấu; tiêu diệt, bức hàng, bức rút 15.000 đồn bốt, chi khu; phá 1.200 ấp chiến lược, vùng kiểm soát của địch ở nông thôn tan rã từng mảng lớn; địch chỉ còn kiểm soát 1.140 ấp sát các đô thị và dọc các đường giao thông lớn[8].
Tinh thần và những đóng góp to lớn của phụ nữ miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 đã cổ vũ mạnh mẽ ý chí tiến công tiêu diệt đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn của các tầng lớp nhân dân, góp phần đưa cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi. Những đóng góp to lớn đó khẳng định trên thực tế nghệ thuật phát huy vai trò của phụ nữ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng ta.
Xuân Nguyễn
[1] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II, 1954-1975, Sđd, t. II, tr.642
[2] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II, 1954-1975, Sđd, t. II, tr.643
[3] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II, 1954-1975, Sđd, t. II, tr.644
[4] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Những vấn đề chính yếu trong Lịch sử Nam Bộ kháng chiến 1945-1975, Sđd, tr.828
[5] Ban Chấp hành Hội phụ nữ tỉnh Bình Dương: Phụ nữ Bình Dương 45 năm đấu tranh giải phóng (1930-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.247
[6] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II, 1954-1975, Sđd, t. II, tr.585
[7] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II, 1954-1975, Sđd, t. II, tr.585
[8] Viện Nghiên cứu chủ Nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.411