Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Phùng Chí Kiên, ngày 8-5-2021, Hội thảo “Đồng chí Phùng Chí Kiên với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An” được Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp tổ chức. Hội thảo đã đã đánh giá cao công lao to lớn, cuộc đời sôi nổi, sự hy sinh oanh liệt của đồng chí Phùng Chí Kiên
Sớm tham gia cách mạng
Đồng chí Phùng Chí Kiên, tên khai sinh là Nguyễn Vỹ, còn có tên khác là Mạnh Văn Liễu, sinh năm 1901 tại làng Mỹ Quan, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tham gia học tập và lao động từ rất sớm, nhất là trong phong trào công nhân, vì vậy, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu - Trung Quốc, Phùng Chí Kiên là một trong những người đầu tiên tham gia Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu - Trung Quốc (1925-1927). Tháng 10-1926, Phùng Chí Kiên cùng một số Hội viên được giới thiệu sang Quảng Châu, dự lớp huấn luyện đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc tổ chức rồi vào học Trường Quân sự Hoàng Phố. Trường Quân sự Hoàng Phố là nơi đào tạo nhiều nhà lãnh đạo quân sự nổi tiếng của cả Quân đội Trung Hoa Dân quốc và Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc. Tuy trường chỉ đào tạo được 5 khóa và sau đó phải đóng cửa, song đã có một số người Việt Nam tham gia học tập ở ngôi trường nổi tiếng này như Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Lê Hồng Phong, Phùng Chí Kiên, Vương Thừa Vũ, Nam Long, Phùng Thế Tài v.v…Năm 1927, Tưởng Giới Thạch khủng bố cộng sản, nhà trường bị đóng cửa. Phùng Chí Kiên cùng với một số cán bộ Việt Nam gia nhập Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo và tham gia khởi nghĩa Quảng Châu (ngày 12-12-1927) do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, làm Đại đội trưởng Hồng quân công nông Trung Quốc. Cuộc khởi nghĩa thất bại, quân cách mạng rút về xây dựng khu Xô viết ở hai huyện Hải Phong và Lục Phong.
Đồng chí Phùng Chí Kiên
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, Phùng Chí Kiên gia nhập Đảng và được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu đi học tại trường đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản ở Moscow vào tháng 02-1931. Tuy nhiên, khi đến Mãn Châu, ông bị phát xít Nhật bắt giam gần một năm. Ra tù, Phùng Chí Kiên đổi tên là Can rồi tiếp tục lên đường sang Liên Xô học. Từ năm 1933 đến năm 1934, ông học tại Trường Đại học Phương Đông. Năm 1934, ông về Hương Cảng, tham gia Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương, cùng Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập chuẩn bị và tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương tại Ma Cao (Trung Quốc) vào năm 1935; được Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Trung ương phụ trách công tác Đảng ở nước ngoài. Năm 1936, Phùng Chí Kiên về Sài Gòn hoạt động, cùng Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Đông Dương theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII của Quốc tế cộng sản và Nghị quyết hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 16-7-1936, nhằm đòi tự do dân chủ, cơm áo và hoà bình.
Một cuộc đời cách mạng sôi nổi
Từ năm 1938, Phùng Chí Kiên tham gia hoạt động và xuất bản báo Đồng thanh ở Côn Minh (Trung Quốc). Đầu năm 1940, Phùng Chí Kiên hoạt động với Nguyễn Ái Quốc ở Côn Minh và nhiều lần đưa Nguyễn Ái Quốc đến các nơi như Mông Tự, Nghi Lương, Khai Viễn, Chi Thôn... thuộc tỉnh Vân Nam. Trong tập Hồi ký Đầu nguồn, tác giả Vũ Anh cho biết Phùng Chí Kiên là người thường xuyên đi lại giữa Việt Nam và Trung Quốc để báo cáo tình hình cách mạng Việt Nam cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “về tình hình Vân Nam, về Bộ Hải ngoại do anh làm bí thư, về tờ báo Đ.T. Anh nói rõ ràng, mạch lạc như đã được chuẩn bị trước. Bác vừa hút thuốc - loại thuốc là Trung Quốc - vừa nghe anh Kiên nói với một vẻ chăm chú đặc biệt”.
Tháng 6-1940, Phùng Chí Kiên cùng Nguyễn Ái Quốc về Tĩnh Tây, một thị trấn thuộc tỉnh Quảng Tây giáp biên giới Trung Quốc - Việt Nam để chuẩn bị về nước khi có thời cơ. Ngày 28-01-1941, Phùng Chí Kiên cùng Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó, tỉnh Cao Bằng. Ông tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ Việt Minh cho các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và các tỉnh miền xuôi. Ông tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (tháng 5-1941) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương; được cử trực tiếp tổng chỉ huy Khu căn cứ Bắc Sơn, thành lập và chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân 1, tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn.
Trong trận chống càn khi thực dân Pháp tiến công căn cứ địa tháng 6-1941, Phùng Chí Kiên đã chỉ huy đội Cứu quốc quân Bắc Sơn chiến đấu, chống một số trận càn lớn của Pháp. Tuy nhiên sau đó vào ngày 21-8-1941, đơn vị của ông lại bị phục kích và bị bao vây tại xã Bằng Đức trên đường đi Cao Bằng, mặc dù bị thương nặng, Phùng Chí Kiên vẫn bắn chặn quân đối phương để đồng đội thoát khỏi vòng vây. Bắn hết viên đạn cuối cùng, ông bị đối phương bắt. Ngày 22-8-1941, thực dân Pháp đã xử tử ông bằng cách chặt đầu rồi đem cắm ở đầu cầu Ngân Sơn để hòng uy hiếp tinh thần cán bộ, nhân dân địa phương. Đây là một giai đoạn khó khăn của cách mạng Việt Nam bởi vì sau đó đúng 5 ngày, tại Sài Gòn, thực dân Pháp đã xử bắn nhiều nhà lãnh đạo tối cao của Đảng như các Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Bí thư và Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ Võ Văn Tần và Nguyễn Hữu Tiến, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An dâng hoa tưởng niệm nhân dịp 120 năm ngày sinh
đồng chí Phùng Chí Kiên (Ảnh báo Nghệ An)
Nhà lãnh đạo quân sự đầu tiên
Đối với lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, năm 1948 được ghi dấu ấn là năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong tướng cho các vị chỉ huy đầu tiên của Quân đội, trong đó có Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ; Sắc lệnh số 107/SL bổ nhiệm Thiếu tướng Lê Thiết Hùng làm Tổng Thanh tra Quân đội; sắc lệnh phong quân hàm Trung tướng cho ông Nguyễn Bình; các ông Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong quân hàm Thiếu tướng.
Tuy nhiên, Phùng Chí Kiên mới là vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Để lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cùng với việc xây dựng các tổ chức, lực lượng cách mạng, Đảng Cộng sản Đông Dương khi ấy đã quyết định thành lập lực lượng vũ trang. Tổ chức vũ trang đầu tiên do Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập chính là Đội du kích Bắc Sơn. Đội du kích Bắc Sơn chính thức được thành lập trong một buổi lễ tổ chức tại khu rừng Khuổi Nọi (thuộc xã Vũ Lễ, châu Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) ngày 14-02-1941. Ban đầu, các đồng chí Chu Văn Tấn và Lương Văn Tri là những nhà lãnh đạo của Đội du kích Bắc Sơn, từ tháng 6-1941, đồng chí Phùng Chí Kiên là người chỉ huy tổ chức quân sự này. Ngày 19-5-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Cùng với sự kiện này là việc đổi tên các tổ chức quần chúng yêu nước chống đế quốc trước đây thành các hội cứu quốc. Đồng chí Phùng Chí Kiên tiếp tục được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách quân sự, trực tiếp chỉ huy khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai và Trung đội Cứu quốc quân. Sau đó, các Trung đội Cứu quốc quân thứ hai và thứ 3 lần lượt được thành lập và đến ngày 15-5-1945, sau Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, theo chủ trương của Đảng, các Trung đội Cứu quốc quân sáp nhập với Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành Việt Nam Giải phóng quân.
Như vậy, có thể thấy, Phùng Chí Kiên là nhà lãnh đạo quân sự đầu tiên của cách mạng Việt Nam sau khi có Đảng. Vì vậy, sau ngày đồng chí Phùng Chí Phùng Chí Kiên hy sinh, ngày 23-7-1947, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 89/SL truy phong cấp tướng cho đồng chí Phùng Chí Kiên. Đây là sắc lệnh phong tướng đầu tiên của Nhà nước ta (truy phong).
Phùng Chí Kiên là nhà cách mạng mà cả lúc sinh thời cho tới khi đã oanh liệt hy sinh vẫn luôn được đánh giá cao về tài năng và nhiệt huyết cách mạng. Hai năm sau ngày đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh, trong báo Cờ giải phóng, số 2, ra ngày 26-8-1943, đồng chí Trường Chinh - Tổng bí thư của Đảng khi ấy đã viết: “Anh Phùng hay anh Lý vĩnh biệt chúng ta đã hai năm rồi!... Thế là một chiến sĩ tài ba, lỗi lạc đã bỏ mình nơi ngàn cây dặm cỏ…Cái chết của anh là một sự thiệt thòi cho Đảng. Nó còn gieo biết bao nỗi thương tiếc cho các đồng chí. Anh Phùng đã khuất. Nhưng tinh thần anh vẫn sống mãi với non sông, cây cỏ. Chúng ta càng nhớ đến anh, càng phải nỗ lực chiến đấu để chóng hoàn thành sự nghiệp vĩ đại của Đảng mà anh đã hoàn toàn ký thác nơi chúng ta”.
Hội thảo khoa học kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Phùng Chí Kiên ghi nhận:“Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Phùng Chí Kiên đã vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hai lần bị bắt giam, đày ải trong chốn lao tù tàn bạo của chính quyền Tưởng Giới Thạch và thực dân Anh, đồng chí luôn vững vàng tinh thần cách mạng, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Hoạt động trong hoàn cảnh bí mật, đầy gian nguy, thách thức, đồng chí vẫn luôn kiên định với mục tiêu, lý tưởng và con đường đã chọn, hết mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, nêu tấm gương sáng về tinh thần kiên trung, bất khuất của người cộng sản…”.
Hồng Phúc