Trận Ấp Bắc diễn ra ngày 2/1/1963, lần đầu tiên quân lực Việt Nam Cộng hòa được sự cố vấn và hỗ trợ hỏa lực mạnh mẽ của Hoa Kỳ đã nếm trải thất bại cay đắng trước quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” mới phát huy hiệu quả cách đó không lâu đã bị đánh bại
Trận đánh
Ngày 28/12/1962, qua tín hiệu điện đài, Hoa Kỳ phát hiện một lực lượng quân giải phóng đóng tại Ấp Bắc. Tin tức tình báo cũng cho biết bảo vệ điện đài này có khoảng 120 quân giải phóng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Một kế hoạch tiến công tiêu diệt lực lượng này được Hoa Kỳ, trực tiếp là Trung tá Jhon Paul Vann, xây dựng và phối hợp với Sư đoàn 7 Quân lực Việt Nam Cộng hòa do Đại tá Bùi Đình Đạm làm Tư lệnh.
Trên thực tế, lực lượng quân giải phóng tại Ấp Bắc có khoảng 350 tay súng, thuộc hai tiểu đoàn 261 và 514, còn lực lượng Hoa Kỳ và quân lực Việt Nam Cộng hòa huy động khoảng 1.400 quân, với sự yểm trợ của pháo binh, 13 xe thiết giáp M113 và 20 máy bay trực thăng, một số máy bay ném bom và tàu chiến.
Trận đánh diễn ra ác liệt trong ngày 2/1/1963 với thiệt hại nặng nề về phía Hoa Kỳ và quân lực Việt Nam Cộng hòa. 3 cố vấn Mỹ và 83 lính Việt Nam Cộng hòa tử trận, hơn 100 người khác bị thương, 14/15 chiếc trực thăng bị bắn trúng, trong đó có 5 chiếc bị bắn rơi tại chỗ, 3 xe bọc thép M113 bị phá hủy. Thiệt hại về phía quân giải phóng hầu như không đáng kể nếu tính đến so sánh lực lượng, với 18 người thiệt mạng và 39 người bị thương. Sau khi bẻ gãy 5 đợt tiến công của quân đội Sài Gòn, đêm 2/1/1963, quân giải phóng đã rút lui an toàn. Ngày 3/1/1963, quân đội Sài Gòn với khí thế phục hận hừng hực tiến quân vào trận địa không người.
Thay đổi bất ngờ làm phá sản kế hoạch của cố vấn Mỹ
Cho đến năm 1962, lực lượng cố vấn Mỹ tại miền Nam Việt Nam đã tăng lên gần 11.000 người, cố vấn Mỹ được biến chế đến tận đại đội quân lực Việt Nam Cộng hòa. Vai trò của cố vấn Mỹ không chỉ dừng ở việc cố vấn mà trên thực tế đã trực tiếp tham chiến và trực tiếp vạch ra kế hoạch hành quân, lực lượng Việt Nam Cộng hòa chỉ là người thi hành.
Trong năm 1962, Hoa Kỳ đã đưa vào miền Nam Việt Nam một khối lượng phương tiện chiến tranh khá lớn, trong đó có nhiều máy bay trực thăng và xe bọc thép M113. Những loại vũ khí này giúp tăng sức mạnh đáng kể cho các cuộc càn quét bởi hỏa lực cũng như tính cơ động của nó. Với sự hỗ trợ của trực thăng và xe bọc thép, quân lực Việt Nam Cộng hòa đã tạo ra các phương thức chiến tranh hiện đại như “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, “bủa lưới phóng lao”, gây thiệt hại lớn cho quân giải phóng, đặc biệt là tại địa hình đồng bằng Nam Bộ. Trong năm 1962, Tiểu đoàn 502 bộ đội giải phóng đã bị thiệt hại nặng khi đối đầu với chiến thuật thiết xa vận của quân đội Sài Gòn.
Chính vì thế, chủ trương chung của quân giải phóng cho đến cuối 1962 là chủ động rút lui bảo toàn lực lượng khi phải đối mặt với lực lượng lớn quân số và phương tiện hiện đại của đối phương. Quân giải phóng hầu như ít khi dàn trận đánh tay đôi với quân lực Việt Nam Cộng hòa có cố vấn Mỹ chỉ huy.
Chính vì thể, như mọi lần, khi phát hiện lực lượng quân giải phóng tại một địa hình đồng bằng, tương đối trống trải là xã Tân Phú Trung, Cai Lậy, Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), Mỹ và Việt Nam Cộng hòa huy động một lực lượng lớn với các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, càn quét vào căn cứ của ta.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 514 tham gia trận Ấp Bắc (Ảnh tư liệu)
Các cánh quân được Hoa Kỳ xây dựng kế hoạch sẽ tiến công ngôi làng từ ba phía và phía thứ tư được bỏ trống, sẽ là một cái bẫy cho quân giải phóng rút lui và bị tiêu diệt bởi hỏa lực pháo binh, không quân và quân nhảy dù. Tướng Mỹ Paul Harkin trực tiếp duyệt kế hoạch này và Trung tá cố vấn Jhon Paul Vann trực tiếp chỉ huy trận đánh từ máy bay trinh sát L19. Kế hoạch được xây dựng hoàn hảo và như mọi lần, chiến thắng được cho là giành được khá dễ dàng.
Nhưng điều bất ngờ là lần này, quân giải phóng không tránh né đụng độ lớn như những lần khác. Mặc dù bị thiệt hại nặng nề, nhưng quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã bước đầu có kinh nghiệm đối phó với các chiến thuật tân kỳ của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn. Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy Khu 8 chủ trương đứng lại, xây dựng trận địa và chủ động chống càn quét. Từ chủ trương biến thành quyết tâm và trên thực tế, với trận địa được chuẩn bị khá kỹ càng, quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại Ấp Bắc đã gây cho đối phương thương vong lớn đến kinh ngạc và làm phá sản toàn bộ kế hoạch hoàn hảo của cố vấn Mỹ xây dựng.
Đổ lỗi cho đồng minh
Thất bại lớn của Hoa Kỳ và quân lực Việt Nam Cộng hòa đã làm chấn động dư luận thế giới lúc đó. Nó cho thấy những báo cáo về sức mạnh của quân lực Việt Nam Cộng hòa được sự cố vấn và chi viện hỏa lực của Hoa Kỳ từ trước đến lúc đó là gian dối. Một cuộc chiến tranh thực sự với quân giải phóng miền Nam Việt Nam đang diễn ra chứ không phải là những thắng lợi bình định như những báo cáo vẫn vẽ ra gửi về Mỹ.
Thất trận, thiệt hại lớn về phương tiện và nhân mạng, Hoa Kỳ tập trung đổ lỗi cho quân đội và chính quyền Sài Gòn. Hoa Kỳ cho rằng trình độ chỉ huy, tác chiến của quân đội Sài Gòn rất đáng lo ngại. Các sĩ quan chỉ huy của quân đội Sài Gòn, ít nhất tại đồng bằng Nam Bộ, được cất nhắc do sự trung thành về chính chị với chế độ gia đình trị họ Ngô, chứ không phải được cất nhắc do sự xuất sắc trong chỉ huy chiến đấu. Thậm chí một bộ phận quân lực Việt Nam Cộng hòa bất luân lệnh cố vấn Mỹ khi Trung tá Jhon Paul Vann ra lệnh cho lực lượng thiết giáp M113 tham chiến, nhưng sĩ quan của thiết đoàn này (Đại úy Lý Tòng Bá) chần chừ đến mức cố vấn Mỹ phải dọa đưa sĩ quan Việt Nam Cộng hòa ra tòa án binh để xử bắn. Quân lực Việt Nam Cộng hòa bị đổ lỗi là “ngại chịu thương vong, tình trạng huấn luyện kém cỏi, không có khả năng tận dụng ưu thế trên không một cách hiệu quả, thiếu kỷ luật trong chiến đấu”. Lý Tòng Bá thì sau này bào chữa rằng, địa hình tại Ấp Bắc với những con kinh rất sâu, nhiều bùn, không thuận lợi cho xe M 113 tác chiến.
Xe thiết giáp M 113 không còn phát huy tác dụng trong trận Ấp Bắc (Ảnh tư liệu)
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng đổ lỗi cho tinh thần chiến đấu kém của binh lính Việt Nam Cộng hòa. Hàng nghìn binh lính được tung vào trận đánh nhưng không đạt được bước tiến nào đáng kể trong chiến đấu, hầu hết nằm im đợi sự hỗ trợ của hỏa lực chi viện, và cuối cùng để lực lượng quân giải phóng, sau khi giành thắng lợi, đã rút lui một cách an toàn.
Cố vấn Jhon Paul Vann trực tiếp chỉ huy trận đánh đã phải thừa nhận: “ Đó là màn trình diễn chết tiệt, thảm hại… họ lặp đi lặp lại cùng một sai lầm theo cùng một cách”.
Tuy nhiên, theo Mark Moyar, trong cuốn sách Triumph Forsaken: The Vietnam War 1954-1965, Nhà xuất bản Đại học Cambridge thì “Khi đổ lỗi cho Nam Việt Nam, Vann muốn che giấu sự thiếu sót trong tình báo và khả năng lãnh đạo kém cỏi của Mỹ”. Trên thực tế, tin tình báo của Hoa Kỳ ước lượng quân giải phóng có chừng 120 người tại Ấp Bắc với vũ khí cá nhân cỡ nhỏ, trong khi đó, quân giải phóng có đến hơn 350 người và có hỏa lực mạnh súng máy M 1919 Browning, súng cối 60 mm, khiến cho quân đội Việt Nam Cộng hòa bị bất ngờ lớn.
Dư luận phương Tây nói về thất bại Ấp Bắc
Báo chí phương Tây nhận xét: “Khác với những lần trước, Việt cộng có xu hướng cắt đứt liên lạc và tháo chạy khi tiến trình quá khó khăn, lần này, Bộ Chỉ huy cộng sản tại Ấp Bắc đã trực tiếp ra lệnh đứng vững và chiến đấu, bằng bất cứ giá nào. Họ chỉ đơn giản là phải giành chiến thắng, đặc biệt là trước những chiếc trực thăng đáng sợ, nếu họ muốn duy trì bất kỳ sự tín nhiệm nào đối với dân chúng, những người họ phụ thuộc rất nhiều vào sự ủng hộ”.
“Việt cộng đã chứng minh rằng quân du kích của họ có thể chống lại công nghệ quân sự vượt trội của Mỹ. Các sĩ quan miền Nam Việt Nam do Mỹ đào tạo liên tục thất bại trong việc chủ động và phản công quân nổi dậy kém hơn về quân số”.
Bộ Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương đã báo cáo trận chiến với Bộ Tham mưu Liên quân là “một trong những trận chiến đẫm máu và tốn kém nhất của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam”, nó “sẽ mang lại cho kẻ thù (Việt cộng) một chiến thắng tinh thần to lớn”. Việt cộng giành chiến thắng “là nhờ sự chuẩn bị, động cơ và kỷ luật trong thực hiện chiến thuật đơn vị nhỏ”. Đây là “chiến thắng quan trọng đầu tiên của Việt cộng trong cuộc chiến”.
Báo chí Hoa Kỳ như The Washington Post và The New York Times ngày 3 và ngày 4/1/19963 tường thuật trận Ấp Bắc “là một thất bại nặng nề”, trong đó, “quân du kích cộng sản đã bắn hạ một đoàn trực thăng Hoa Kỳ chở quân Việt Nam vào trận”.
Dư luận phương Tây cũng cho rằng “Trận Ấp Bắc là một chiến thắng tâm lý lớn. Đó là bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến. Nó gây tiếng vang khắp Đông Nam Á và Châu Mỹ trong nhiều năm sau đó”. Các phương tiện truyền thông đã mô tả “một nhóm du kích đã đánh bại quân đội Hoa Kỳ và Nam Việt Nam được yểm trợ bằng hỏa lực mạnh với các phương tiện chiến đấu hiện đại, bốn chiếc trực thăng bị bắn hạ chỉ trong 5 phút”.
Một số người thậm chí còn cho rằng thất bại của Việt Nam Cộng hòa tại Ấp Bắc có liên hệ đến cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm cuối năm 1963 và sự can thiệp ngày càng sâu của Hoa Kỳ vào chiến trường Việt Nam, mở ra những trang bi thảm hơn trong lịch sử nước Mỹ.
Bình Nguyễn
Tài liệu tham khảo
1. https://vietnamtheartofwar.com/1963/01/02/2-january-1963-the-battle-of-ap-bac/
2. https://www.vietnamwar50th.com/1945-1964_the_road_to_war/Battle-Of-Ap-Bac/
3. https://history.state.gov/historicaldocuments/frus1961-63v03/d1
4. https://www.amazon.com/Battle-Ap-Bac-Vietnam-Everything/dp/1591148537
5. https://historica.fandom.com/wiki/Battle_of_Ap_Bac
6. https://parallelnarratives.com/vietnam-battle-of-ap-bac-january-2-1963/
7. https://www.fkgaming.eu/articles.html/extras/military-history-ap-bac-vietnam-war-1963-r122/