Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Việt Nam đã chủ trương và vận dụng sách lược “vừa đánh vừa đàm”. Đây là chủ trương đúng đắn, linh hoạt của Đảng Lao động Việt Nam trong lãnh đạo chiến tranh cách mạng Việt Nam 1954-1975
Vì sao Việt Nam phải “vừa đánh vừa đàm” trong kháng chiến chống Mỹ và thời điểm nào là thích hợp để “vừa đánh vừa đàm”?
Trước hết, phải nói rằng "vừa đánh vừa đàm" là sách lược không mới trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Phần lớn trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, Việt Nam phải đánh đuổi kẻ thù mạnh hơn mình nhiều lần, nên phải "vừa đánh vừa đàm". Đánh để thể hiện thực lực và quyết tâm của mình. Đàm để dùng lý lẽ phân tích điều hơn lẽ thiệt để địch nghe ra mà rút quân, tránh cho cả hai bên thêm thương vong không đáng có và giữ thể diện cho địch.
Cho đến cuối năm 1966, các nhà lãnh đạo Việt Nam chủ yếu nhấn mạnh quyết tâm đánh thắng chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Về ngoại giao, Việt Nam tập trung khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, vạch trần âm mưu của Mỹ trong các chiến dịch vận động ngoại giao “hòa bình”, qua đó kêu gọi nhân dân tiến bộ thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến.
Tuy nhiên, chủ trương “vừa đánh vừa đàm” đã được Việt Nam tính đến từ trước đó. Trong thư gửi Trung ương Cục miền Nam ngày 18/7/1962, Bí thư thứ nhất BCHTW Đảng Lê Duẩn phân tích tình hình cách mạng Lào sau chiến thắng Nậm Thà để làm bài học cho cách mạng miền Nam và lưu ý đến phương châm “có tác chiến và có đàm phán”, “Đế quốc Mỹ phải thua nhưng phải thua đến mức nào, ta có thể thắng nhưng phải thắng đến mức nào".
Tháng 2/1965, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn tính đến khả năng dùng đấu tranh chính trị đòi thành lập ở Sài Gòn một chính phủ thực hiện chính sách trung lập, thương lượng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, giao thiệp với Pháp, Mỹ và đặt vấn đề yêu cầu quân đội Mỹ rút; yêu cầu hai chủ tịch Hội nghị Geneva năm 1954 triệu tập ngay hội nghị để bàn về bảo đảm trung lập cho miền Nam và đình chỉ chiến sự. "Làm như trên đây là tạo điều kiện để Mỹ chấp nhận việc rút lui".
Tháng 3/1965, Mỹ đưa quân viễn chinh vào miền Nam Việt Nam. Trong hai ngày 12 và 13/3/1965, Bộ Chính trị họp để nhận định tình hình. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Phải thấy trong quá trình tiến hành chiến tranh chống Mỹ, phải vừa kiên quyết vừa khéo léo. Lúc nào Mỹ muốn đi ra thì tạo điều kiện cho Mỹ rút”.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thủy, Cố vấn Lê Đức Thọ gặp gỡ phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Hội nghị Paris năm 1973 (Ảnh tư liệu)
Kinh nghiệm kháng chiến chống Pháp cho thấy khi quân địch đang còn tin tưởng vào sức mạnh quân sự, chưa bị tiêu diệt nhiều sinh lực và chưa nhận thấy cần phải thương lượng, thì chưa phải là lúc Việt Nam có thể đàm phán với kẻ thù.
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương họp vào cuối tháng 3/1965, chủ trương nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, “chống tư tưởng sợ Mỹ, đánh giá địch quá cao, hoặc chủ quan khinh địch, tư tưởng hoang mang, dao động, cầu an, tư tưởng muốn đàm phán khi chưa có điều kiện có lợi, muốn kết thúc chiến tranh với bất cứ giá nào, tư tưởng ỷ lại vào sự giúp đỡ của nước ngoài và không tin tưởng vào sức mình”.
Tại hội nghị, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn nói rõ: “ngoại giao chỉ thắng lợi khi cách mạng ta thắng lợi... Nhưng để chủ động có thể lúc nào đó vừa đàm (miền Bắc) vừa đánh (miền Nam)”. “Lúc nào đó” nghĩa là chưa phải lúc này. Tháng 5/1965, trong thư gửi Trung ương Cục miền Nam, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn yêu cầu “chúng ta phải đánh mạnh, đánh trúng hơn nữa chứ chưa phải lúc nói chuyện thương lượng, đàm phán”.
Từ tháng 7/1965, Bộ Chính trị bắt đầu nghiên cứu các khả năng đàm phán với Mỹ. Tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 7/8/1965, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn nêu lên một kế hoạch ba bước đấu tranh ngoại giao:
1- Ta với Mỹ thăm dò,
2- Miền Bắc với Mỹ ngồi nói chuyện, miền Nam cứ đánh,
3- Mỹ phải nói chuyện với cả miền Bắc, miền Nam.
Bước một - bước thăm dò, chưa phải là thương lượng, đã được thực hiện khi Mỹ mở cuộc vận động ngoại giao “Dự án XYZ”. Nhưng qua hai cuộc tiếp xúc với đại diện của Mỹ, Việt Nam thấy dã tâm xâm lược của Mỹ vẫn chưa thay đổi khi Mỹ đòi chỉ ngừng ném bom miền Bắc nếu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấm dứt đưa quân vào miền Nam và rút quân số hiện có tại miền Nam ra miền Bắc.
Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương họp từ ngày 21 đến 27/12/1965 nhận định: hiện nay, đế quốc Mỹ còn ngoan cố, đang âm mưu tăng cường và mở rộng chiến tranh xâm lược nước ta. Do đó, lúc này chưa có điều kiện chín muồi cho một giải pháp chính trị về vấn đề Việt Nam. Chỉ khi nào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ bị đè bẹp, những mục tiêu độc lập, hòa bình, dân chủ, trung lập của nhân dân miền Nam được bảo đảm thì ta mới có thể thương lượng để giải quyết vấn đề Việt Nam".
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “hướng của ta là không phải thắng rồi mới đàm mà có thể đàm rồi mà vẫn tiếp tục đánh như Điện Biên Phủ”.
Như vậy, cho đến Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương, tư tưởng vận dụng sách lược “vừa đánh vừa đàm” trong kháng chiến chống Mỹ đã hình thành và được khẳng định.
Tháng 10/1966, Bộ Chính trị đã họp trong nhiều ngày để đánh giá những thắng lợi chung của cả hai miền Nam, Bắc và đề ra phương hướng cho năm 1966-1967. Bộ Chính trị chủ trương: trong khi tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, cần đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, tích cực chủ động và tích cực tạo điều kiện vận dụng sách lược vừa đánh vừa đàm nhằm mục đích tranh thủ dư luận thế giới, cô lập đế quốc Mỹ, gây thêm khó khăn cho địch, làm cho chúng bị động, lúng túng và nội bộ mâu thuẫn hơn nữa.
Trong khi thảo luận, các ý kiến đều đánh giá cao tầm quan trọng của đấu tranh ngoại giao, coi đó “là một mặt trận... là một chiến trường phục vụ đắc lực cho đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị, góp phần vào thắng lợi và góp phần vào kết thúc chiến tranh”.
Phát biểu ý kiến về vấn đề đánh - đàm trong đợt họp Bộ Chính trị lần này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở “đánh là chính, ... không sa đà, không mơ hồ vào việc giải quyết tình hình thông qua đàm phán, trước hết ta phải giành thế mạnh thì mới có điều kiện để đàm phán được”.
Đến ngày 18/10/1966, ba bước thực hiện sách lược “vừa đánh vừa đàm” được Bộ Chính trị nhất trí là: 1. Miền Bắc tiếp xúc với Mỹ nếu Mỹ ngừng ném bom và chỉ bàn đến các vấn đề liên quan giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ; 2. Miền Bắc và Mặt trận, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đàm phán, giải quyết những vấn đề thuộc miền Nam và vấn đề thống nhất đất nước; 3. Tổ chức một hội nghị quốc tế xác nhận về mặt quốc tế đã thực hiện ở bước hai.
Quá trình “vừa đánh vừa đàm” trong kháng chiến chống Mỹ đã diễn ra theo đúng thứ tự ba bước mà Bộ Chính trị đề ra lần này.
Để có một hậu phương quốc tế thống nhất với Việt Nam trước khi bước vào thời kỳ “vừa đánh vừa đàm”, cuối tháng 10/1966, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dẫn đầu đoàn đại biểu đi Bắc Kinh và giữa tháng 12/1966, Uỷ viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ, dẫn đầu đoàn đại biểu đi Moscow. Hai đoàn đại biểu Việt Nam đã nói rõ quyết tâm chiến lược và sách lược của mình trong cuộc kháng chiến với các nhà lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc. Đối với Việt Nam, việc thiết lập một mặt trận nhân dân thế giới chống Mỹ là điều rất cần thiết. Qua hai chuyến đi, Việt Nam thấy quan điểm của Liên Xô và Trung Quốc về sách lược “vừa đánh vừa đàm” của Việt Nam vẫn còn khác nhau. Liên Xô lên án cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ, viện trợ cho Việt Nam đánh Mỹ, nhưng từ năm 1965 đã có ý muốn thúc đẩy Việt Nam đàm phán với Mỹ.
Liên Xô muốn Việt Nam nhanh chóng đàm phán với Mỹ, tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề Việt Nam để cải thiện quan hệ Xô - Mỹ trong điều kiện quan hệ Xô - Trung ngày càng căng thẳng.
Ngược lại với quan điểm của Liên Xô, Trung Quốc lại cho rằng Việt Nam nên đánh lâu dài và không đàm phán, không nên đòi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc; hoặc Trung Quốc không phản đối đánh đến một lúc nào đó thì đàm phán nhưng hiện tại thời cơ chưa chín muồi, nếu hiện tại muốn đàm thì phải đặt điều kiện thật cao.
Vượt lên trên những bất đồng về quan điểm đánh - đàm của hai nước viện trợ chính cho mình, Việt Nam quyết tâm thực hiện đường lối kháng chiến đã đề ra. Từ sau hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1966, Việt Nam chủ động từng bước hình thành cục diện “vừa đánh vừa đàm” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tết Mậu Thân năm 1968, quân và dân ta ở miền Nam mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy long trời lở đất. Chủ trương “vừa đánh vừa đàm” đi vào hiện thực với việc Hội nghị hòa bình Paris được mở ra ngày 13/5/1968 và cục diện “vừa đánh vừa đàm” diễn ra trong suốt hơn 4 năm tiếp theo, đến khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973.
Viết Sang