Di sản văn hoá là tài sản vô giá của cộng đồng dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Người đã có những quan điểm mang tính định hướng về giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về di sản văn hóa dân tộc. Ảnh sưu tầm.
Cần thiết phải bảo tồn di sản văn hoá dân tộc
Hồ Chí Minh quan niệm việc bảo tồn vốn quý đó có ý nghĩa quan trọng, cần thiết cho sự nghiệp phát triển đất nước: “Xét rằng việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”[1]. Theo Người, coi trọng giá trị văn hoá truyền thống là yêu cầu tất yếu đối với người cộng sản như thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin: “Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin thì càng phải coi trọng những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cha ông”[2]. Khi nói chuyện với nghệ sĩ, Người căn dặn phải quan tâm đến di sản như điều kiện cần để hoạt động nghệ thuật: “Làm công tác văn nghệ mà không hiểu sâu vốn dân tộc thì không làm được đâu”[3], “Nghệ thuật của cha ông ta tốt lắm, hay lắm. Chúng ta phải cố mà giữ gìn”[4]. Người luôn nhắc nhở mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên phải biết quý trọng vốn cổ dân tộc: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Ý thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 65/SL “ấn định nhiệm vụ Phương Đông Bác cổ học viện” có nhiệm vụ “bảo tồn tất cả các cổ tích trong toàn cõi Việt Nam”. Sắc lệnh trong những ngày đầu cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị như những tuyên ngôn và pháp luật của chính quyền nhân dân, là sự khởi đầu đặt nền móng cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa ở nước ta.
Bảo tồn là bảo vệ, khôi phục vốn cổ
Theo Hồ Chí Minh, bảo tồn cổ tích trước hết là “khôi phục vốn cổ”, là bảo vệ, giữ gìn cho vốn cổ đó tồn tại, không bị mất đi, không bị phá huỷ, hư hỏng. Người yêu cầu: “Nghiêm cấm việc phá hủy những đình chùa, đền miếu hoặc nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, có ích cho lịch sử, nhưng chưa được bảo tồn”[5].
Việc khôi phục vốn cổ, theo Bác là trên toàn cõi Việt Nam, nhưng không phải là chung chung. Bác nhấn mạnh trách nhiệm của từng địa phương trong bảo tồn di sản của chính quê hương mình, như thế mới thuận lợi, thiết thực: “Người địa phương nào trước hết phải biết hát dân ca của địa phương mình, đó là điều thuận lợi hơn người ở địa phương khác”[6].
Theo Bác, bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Việt Nam không thể coi nhẹ văn hoá dân tộc thiểu số. Khi nghe nghệ sĩ Kim Nhớ (ca sĩ người Hơrê) hát bài hát theo làn điệu dân ca Hơrê, Bác khen: “Cháu hát hay lắm… Cháu ở ngoài này phải chịu khó học tập, luyện tập cho giọng hát thật hay, cho mọi người biết nghệ thuật của người Hơrê mình… Bác rất thích nghe những bài hát dân tộc”[7]. Như vậy, muốn giữ gìn di sản quá khứ, cần phải để cho di sản đó được sống cùng hiện tại, gắn liền với đời sống của con người hôm nay: “Ta không diễn văn nghệ dân tộc của ta thì diễn văn nghệ nào? Theo Bác thì phải là dân tộc tất cả”[8].
Bảo tồn phải “gạn đục khơi trong”
Chủ trương khôi phục “vốn cũ”, nhưng Bác nhấn mạnh rằng không nên giữ nguyên xi những yếu tố cũ mà phải lựa chọn, sàng lọc những yếu tố tích cực để phù hợp với thời đại mới: “Nói là khôi phục vốn cũ, thì nên khôi phục cái gì tốt, còn cái gì không tốt thì phải loại dần ra”[9].
Năm 1958, khi tổng kết tình hình văn hoá, Người đã phân tích rõ những hạn chế khi không biết gạn đục khơi trong: “Xem ra thì năm nay tương đối khá, còn như năm ngoái khi khôi phục vốn cũ, thì khôi phục cả đồng bóng, rước xách thần thánh. Vì khôi phục như thế nên ở nông thôn, nhiều nơi quên cả sản xuất, cứ trống mõ bì bõm, ca hát lu bù. Có những xã góp đến mấy triệu đồng đi mua áo, mua mũ, mua hia. Như thế nói là khôi phục vốn cũ có đúng hay không?”[10]. Người căn dặn: “phát huy vốn cũ quý báu của dân tộc nhưng tránh “phục cổ” một cách máy móc”[11].
Quy luật kế thừa di sản văn hoá được Bác Hồ tổng kết một cách giản dị, mà sâu sắc: “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ…; Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý…; Cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm; Cái gì mới mà hay thì phải làm”[12].
Bảo tồn gắn với đấu tranh chống lại cái cũ kỹ, hư hỏng
Hồ Chí Minh chủ trương bảo tồn văn hoá dân tộc của không tách rời công cuộc đấu tranh tẩy trừ tác hại của các tàn dư của chế độ phong kiến và văn hoá nô dịch của đế quốc, thực dân.
Người kêu gọi nhân dân đấu tranh chống lại tác hại của văn hoá nô dịch: “Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hoá đế quốc”[13]. Trong Bài nói chuyện với các đại biểu nhân dân Hải Phòng, Bác đề ra nhiệm vụ: “Văn hóa dân tộc của ta, tẩy trừ văn hóa trụy lạc của đế quốc, giáo dục con em thành những công dân tốt”[14]. Người còn lên án chính sách ngu dân của thực dân Pháp: “Phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại, như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ”[15].
Người coi trọng văn hoá dân tộc anh em, mong muốn tạo dựng “một vườn hoa đa sắc”. Nhưng người cũng chỉ rõ những yếu tố lạc hậu cần phải loại bỏ, hạn chế của văn hoá dân tộc thiểu số: “Vệ sinh còn kém, lấy vợ lấy chồng quá sớm… Những hủ tục khác như cúng bái, ma chay còn nhiều. Có nơi nuôi gà, nuôi lợn được bao nhiêu giết để cúng gần hết”[16]. Điều đáng lo ngại là những hủ tục đó đã ăn sâu bám rễ vào lối sống, nếp nghĩ của bà con, trở thành “phong tục tập quán đã lâu đời”. Vì vậy, theo Người, “Muốn cải tạo phong tục tập quán được tốt, thì tuyên huấn phải làm, mà phải làm bền bỉ liên tục, làm dần dần, chứ không thể chủ quan nóng vội, muốn làm hết ngay một lúc”[17]. Đây là không phải là một việc dễ dàng, có thể giải quyết nhanh chóng, mà là “một cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”[18].
Bảo tồn đi liền với phát triển và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại
Theo Hồ Chí Minh, bảo tồn văn hoá dân tộc gắn liền với phát huy, phát triển vốn quý của dân tộc trong hoàn cảnh mới của đất nước. Người nhiều lần nhắc nhở: “cần xây dựng và phát triển thuần phong mỹ tục”[19], “Nên chú ý phát huy cốt cách dân tộc”[20].
Bàn về âm nhạc dân tộc với nghệ sĩ Đinh Thìn, Bác dặn dò: “Âm nhạc dân tộc ta rất độc đáo, Bác đã đi nhiều nước trên thế giới nhưng Bác vẫn nhớ những câu hát của dân ta. Ta có nhiều câu hát dân ca hay lắm. Bây giờ phải khai thác, phát triển nó lên... Cháu là thanh niên, cháu phải làm nòng cốt tiếp thu và phát triển âm nhạc dân tộc”[21].
Khi nêu yêu cầu phát triển văn hoá dân tộc, Người nhấn mạnh việc giữ gìn bản sắc dân tộc: “Phát triển nhưng không làm sai lạc, mất đi cái tinh tuý, cái bản sắc của nó”, chớ có “gieo vừng ra ngô”[22]. Trong tác phẩm Đời sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ xây dựng lối sống mới phải phù hợp với điều kiện mới trên cơ sở kế thừa những tinh hoa truyền thống dân tộc: “Sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”.
Với tinh thần khoan dung văn hoá, Người chủ trương coi trọng giữ gìn bản sắc văn hoá không tách rời với tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới: “… phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính dân tộc, khoa học và đại chúng”[23]. Theo Bác, phát triển giá trị văn hoá dân tộc là cơ sở để chúng ta giao lưu, hội nhập với văn hoá thế giới: “Phát triển hết cái hay, cái đẹp của dân tộc tức là chúng ta cùng đi tới chỗ nhân loại”.
Những quan điểm sâu sắc, biện chứng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc không chỉ là sự kết tinh truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam mà còn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Những di huấn của Người đã thành những chỉ dẫn quý báu cho Đảng và nhân dân trong việc nhận thức và giải quyết những vấn đề mới đặt ra trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Và điều đáng nói hơn, bản thân cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách của người cũng chính là di sản văn hoá vô giá của dân tộc và nhân loại, sống mãi và lan toả mãi trong tâm thức người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
[1] Sắc lệnh 65
[2] Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, tr.554.
[3] Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb Văn học, 1985, tr.83
[4] Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb Văn học, 1985, tr.217
[5] Sắc lệnh 65
[6] Vĩnh An: Bác Hồ của chúng ta với vốn văn nghệ dân tộc (Nội san “Những vấn đề âm nhạc và múa”, Vụ Âm nhạc và Múa, 1972). Dẫn theo Tú Ngọc: Bác Hồ với âm nhạc dân tộc, sách Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá, Ban Tư tưởng Trung ương, Hà Nội, 2003, tr.226.
[7] Bác Hồ với văn nghệ sĩ: NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1980, tr.166.
[8] Vĩnh An: Bác Hồ của chúng ta với vốn văn nghệ dân tộc, sdd.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.557, tr.92
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1995, tập 8, tr.196.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.514
[12] Hồ Chí Minh: Tuyển tập văn học (tập 2), Nxb Văn học, Hà Nội, 1995, tr.169.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.40
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 9, tr.504
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.185
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1989, tập 9, tr.560.
[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1989, tập 9, tr.561.
[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.617
[19] Đại học Quốc gia Hà Nội (1998), Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hoá Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.173.
[20] Hồ Chí Minh, Văn hoá nghệ thuật là một mặt trận, Nxb Văn học, Hà Nội, 1981, tr.359.
[21] Bác Hồ với văn nghệ sĩ: NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1980, tr.155.
[22] Bác Hồ với văn nghệ sĩ, sđd, tr.141.
[23] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.40
Quang Hoa