Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời ngày 17/4/1945, hơn một tháng sau cuộc đảo chính của Nhật ngày 9/3/1945. Về danh nghĩa, đây là chính phủ độc lập, được thành lập sau khi Nhật tuyên bố “trao trả độc lập” cho Việt Nam. Vậy quan điểm, thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh về chính phủ này như thế nào ?
Ngay khi Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp hội nghị mở rộng để dự báo diễn biến của tình hình do cuộc đảo chính tạo ra, trên cơ sở đó đưa ra những quyết sách để lãnh đạo cuộc vận động cách mạng trong thời điểm có tính chất bước ngoặt của lịch sử dân tộc.
Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra bản chỉ thị lịch sử “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Lúc đó quân Nhật vừa mới cho phép Bảo Đại tuyên bố nền “độc lập” của Việt Nam và ở một số nơi, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Sài Gòn và Hà Nội một số nhóm người thân Nhật đang ráo riết tranh thủ thời cơ, tăng cường hoạt động.
Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương dự đoán có khả năng quân Nhật sẽ dựng ra ở Việt Nam một chính phủ thân Nhật làm công cụ mê hoặc quần chúng và hỗ trợ cho chính sách cai trị của chúng ở Việt Nam. Vì vậy, ngay trong bản chỉ thị ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ đã xác định rõ, dù quân Nhật có dựng nên một chính phủ như thế nào chăng nữa thì đó cũng chỉ có thể là một chính phủ bù nhìn, thân Nhật. Do đó, chính phủ này phải bị coi là đối tượng của cách mạng và phải đấu tranh lật đổ nó. Bản chỉ thị viết: “… chống lại chính quyền Nhật và chính phủ bù nhìn của bọn Việt gian thân Nhật”[1].
Tiếp đó, từ ngày 15 đến ngày 20/4/1945 Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức cuộc Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ. Lúc này, ở Huế, Hoàng đế Bảo Đại đã “tự cầm quyền chính”, ban hành một số đạo Dụ để tuyên bố chính sách trị quốc, an dân mới. Ngày 17/4/1945, Nội các Trần Trọng Kim đã được lập ra, tuy chưa nhậm chức, nhưng đã được thông báo rộng rãi trên các báo công khai. Trước tình hình đó, Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ đã phân tích và nhận định tình hình như sau:
“Sau khi truất quyền Pháp, phát xít Nhật tích cực thi hành chính sách lừa gạt dân ta. Nào tuyên bố cho Đông Dương độc lập, cho bọn Việt gian đứng ra lập chính phủ bù nhìn, ra sức gây một cuộc vận động thân Nhật. Chúng định thi hành triệt để mưu mô mê hoặc dân Việt Nam và dùng người Nam để trị người Nam. Nhưng chẳng bao lâu, chúng phải tự vạch mặt nạ. Sự tàn bạo và chính sách bóc lột của chúng đã làm tỉnh ngộ những phần tử trong nhân dân trước còn do dự chưa đứng vào hàng ngũ kháng Nhật. Cao trào kháng Nhật ngày càng bành trướng, Nhật càng cảm thấy thiếu cán bộ Việt gian. Sự cần thiết phải củng cố địa vị ở Đông Dương một cách nhanh chóng đã buộc chúng phải nắm lấy chính quyền, phải bám vào bộ máy phong kiến cũ đã bị quốc dân chán ghét, phải dùng lại bọn viên chức người Pháp thuộc địa. Do đó nhiều phần tử lúc đầu còn bị Nhật và bọn Việt gian lôi kéo với lời hứa hẹn giải phóng, độc lập, nay đâm ra thất vọng, bỏ hàng ngũ bọn Việt gian ngả sang mặt trận kháng Nhật của toàn dân. Tuy thế, giặc Nhật chưa bỏ hẳn mưu mô lừa gạt của chúng đâu. Trái lại, chúng càng ráng sức vận động bọn Việt gian tương đối bị bôi nhọ trong trường chính trị[2] đứng ra lập chính phủ bù nhìn. Và sau sự thất bại không tăm tiếng của bọn Đại Việt và Ủy ban hành chính lâm thời Bắc Kỳ, chúng đã cho thành lập Nội các Trần Trọng Kim. Nhưng dân chúng Đông Dương sẽ nhận thấy rằng không phải vì sự thay đổi nhân viên mà tính chất phản quốc hại dân của chính phủ bù nhìn có thể giảm bớt. Cho nên nhiệm vụ của chúng ta là phải vạch cho dân chúng Đông Dương chóng nhìn nhận chỗ đó”[3].
Hội nghị Toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương (ngày 14-15/8/1945) chủ trương phản đối Nội các Trần Trọng Kim, lập chính quyền nhân dân. Nghị quyết Hội nghị ghi: “Đối với các hạng chính phủ bù nhìn, trong khi chờ đợi chỉ thị cụ thể của Đảng phải vận động quần chúng phản đối và nêu cao khẩu hiệu chính quyền nhân dân.”[4].
Nội các Chính phủ Trần Trọng Kim, từ trái sang phải: Hoàng Xuân Hãn, Hồ Tá Khanh, Trịnh Đình Thảo, Trần Trọng Kim, Vũ Ngọc Anh, Trần Văn Chương, Trần Đình Nam, Vũ Văn Hiền, Phan Anh, Nguyễn Hữu Thi (ảnh chụp 20/5/1945) (Ảnh BTLSQG Việt Nam)
Sự phân tích và nhận định nói trên của Đảng Cộng sản Đông Dương là rất sát hợp với những xu hướng, diễn biến chính của tình hình các nhóm thân Nhật, chính sách của người Nhật và đặc biệt là bản chất của Nội các Trần Trọng Kim.
Trong chỉ đạo thực tiễn, thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh đối với Nội các Trần Trọng Kim hết sức rõ ràng, dứt khoát. Trên báo Cờ Giải phóng, với bút danh Tân Trào, Tổng bí thư Trường Chinh viết: “Nội các Trần Trọng Kim không có những tên Việt gian nổi tiếng …. ở trong. Giặc Nhật không dám cho những tên chó săn quá lộ mặt lên “cầm quyền” e mất tín nhiệm với dân. Chúng cố cất nhắc những người như Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh, Vũ Văn Hiền để mua chuộc các giới tư sản bản xứ. Nhưng dù giặc Nhật có giở trò gì cũng không lừa phỉnh được dân ta. Rồi đây, Nội các Trần Trọng Kim có làm được công chuyện gì đáng kể không? Nhất định không! Thân phận bù nhìn, nó chỉ có thể giữ việc bù nhìn. Phương châm của nó là: hứa hẹn thật nhiều, thực hành rất ít, hay thực hành trái với lời hứa. Nhiệm vụ của nó là bọc nhung vào ách Nhật, đầu độc đồng bào. Thái độ của nó là: Ca ngợi giặc Nhật, vào hùa với giặc, áp bức bóc lột nhân dân”[5].
Thực hiện những chỉ dẫn nói trên, nhìn chung phong trào cách mạng do Đảng và Mặt trận Việt Minh lãnh đạo đều trực tiếp nhắm vào sự đả phá và đánh đổ quân phiệt Nhật và chính quyền bù nhìn thân Nhật.
Tuy nhiên, trong hoạt động thực tiễn, các cơ sở Đảng ở Hà Nội, Huế và một số địa phương đã khéo léo kết hợp giữa đấu tranh với vận động, lôi kéo những nhân sĩ yêu nước, tiến bộ trong Nội các và trong hệ thống chính quyền Nam triều.
Ở Hà Nội, thông qua những nhân mối đặc biệt, Việt Minh đã bắt liên lạc với Khâm sai Phan Kế Toại và sớm vận động được ông ngả dần theo ngọn cờ cứu nước của Mặt trận Việt Minh. Do vậy, trong thời khắc quyết liệt, Phan Kế Toại đã không những thoái vị mà còn bí mật ủng hộ cuộc vận động giành chính quyền của Việt Minh tại Hà Nội[6].
Ở Huế, ngay từ khá sớm, nhóm thanh niên Việt Minh trong Trường Thanh niên Tiền tuyến đã thành công trong việc vận động, “Việt Minh hóa” nhà trường và đưa toàn bộ số học viên nhà trường cùng với đội Bảo an binh ở kinh thành tới chỗ đứng hẳn về phía mặt trận Việt Minh. Thông qua mối quan hệ cá nhân giữa Tôn Quang Phiệt với Phạm Khắc Hòe và một số bộ trưởng là trí thức yêu nước trong Nội các, Mặt trận Việt Minh đã khôn khéo vận động được Hoàng đế Bảo Đại đi dần tới chỗ tự nguyện thoái vị. Đồng thời, góp phần tác động mạnh mẽ để Nội các Trần Trọng Kim nhanh chóng tới chỗ tự tan rã vào đầu tháng 8/1945. Đây là một sáng tạo có ý nghĩa to lớn, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của cuộc Cách mạng tháng Tám ở Huế cũng như trên phạm vi toàn quốc.
Bình Thi
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam :Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.367.
[2] Cụm từ “tương đối bị bôi nhọ trong trường chính trị” nhằm để chỉ những người, nhóm người không có quá khứ lộ mặt là tay sai cho thực dân Pháp hoặc phát xít Nhật.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.7, tr.387-388.
[4]Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.7, tr.426.
[5] Báo Cờ Giải phóng, số 13, ra ngày 18/4/1945.
[6] Lê Trọng Nghĩa, “Câu chuyện về những cuộc đấu tranh và tiếp xúc giữa Việt Minh với chính phủ Trần Trọng Kim ở Hà Nội”, in trong: Nhiều tác giả (1995), 19-8 – Cách mạng là sáng tạo, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hà Nội, tr.55-72.