Đảng ta luôn khẳng định văn hóa có vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng rất quan tâm đến xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa. Đây là yếu tố quan trọng để quản lý văn hóa cũng như phản ánh đặc trưng, tính chất của chế độ ta.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: daibieunhandan
Đảng ta khẳng định quản lý đất nước bằng thể chế
Ngay từ khi đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định quan điểm quản lý đất nước bằng pháp luật:
“Bảy xin hiến pháp ban hành,
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”[1].
Hiện thực hóa tư tưởng của Người trong thời kỳ đổi mới, Đảng càng chú trọng đến xây dựng và hoàn thiện thể chế. Đại hội Đảng lần thứ VI đã xác định: “Ổn định tình hình kinh tế - xã hội bao gồm cả ổn định sản xuất, ổn định phân phối, lưu thông, ổn định đời sống vật chất và văn hóa, tăng cường hiệu lực của tổ chức quản lý, lập lại trật tự, kỷ cương và thực hiện công bằng xã hội”[2]. Rõ ràng, nhu cầu tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, lập lại trật tự, kỷ cương nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội đang đặt ra bức thiết.
Để làm được điều đó thì việc hoàn thiện thể chế được đặt lên hàng đầu. Đại hội đã nhấn mạnh “Quản lý đất nước bằng pháp luật, chứ không chỉ bằng đạo lý. Pháp luật là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, thể hiện ý chí của nhân dân, phải được thực hiện thống nhất trong cả nước. Tuân theo pháp luật là chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng. Quản lý bằng pháp luật đòi hỏi phải quan tâm xây dựng pháp luật. Từng bước bổ sung và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để bảo đảm cho bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động theo pháp luật”[3]. Việt Nam vốn là một dân tộc trọng tình. Do đó, việc quản lý đất nước không chỉ dựa trên pháp luật mà còn dựa trên đạo đức, đạo lý, chuẩn mực xã hội. Đây là những yếu tố quan trọng đảm bảo ổn định xã hội. Tuy nhiên, trước những khó khăn, thử thách mà đất nước đang phải đối diện, Đảng xác định phải quản lý đất nước bằng pháp luật chứ không chỉ dựa vào đạo lý. Pháp luật của Nhà nước không phải từ trên trời rơi xuống hay do một cá nhân, tổ chức nào tạo ra. Pháp luật của Nhà nước là sự thể chế hóa quan điểm của Đảng, thể hiện ý chí của nhân dân. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải bổ sung và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật. Khi có pháp luật rồi thì mọi cá nhân, tổ chức đều phải tuân thủ pháp luật, bộ máy Nhà nước cũng phải được tổ chức và vận hành theo pháp luật. Có như vậy, xã hội mới sớm ổn định và phát triển.
Củng cố, hoàn thiện thể chế văn hóa
Để văn hóa phát triển và thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững đất nước, Đảng ta đã chú trọng đến việc hoàn thiện thể chế văn hóa. Trong những năm đổi mới, đây là một trong những nội dung luôn được Đảng quan tâm. Năm 1998, Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đã chỉ rõ: “Củng cố, hoàn thiện thể chế văn hóa bảo đảm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý có hiệu quả của Nhà nước, vai trò làm chủ của nhân dân và lực lượng những người hoạt động văn hóa, tạo nhiều sản phẩm và sinh hoạt văn hóa phong phú, đa dạng, theo định hướng chủ nghĩa xã hội”[4]. Như vậy, củng cố, hoàn thiện thể chế chính là tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, tính hiệu quả của quản lý nhà nước, vai trò làm chủ của nhân dân. Hoàn thiện thể chế là yếu tố cơ bản nhằm đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh cho giữ gìn, sáng tạo, truyền bá, thụ hưởng các giá trị văn hóa.
Đặc biệt, Đảng ta đã định hướng việc hoàn thiện thể chế văn hóa phải phù hợp với cơ chế thị trường. “Hoàn chỉnh các văn bản luật pháp về văn hóa, nghệ thuật, thông tin trong điều kiện của cơ chế thị trường; ban hành các chính sách khuyến khích sáng tạo văn hóa và nâng mức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân”[5]. Điều này đòi hỏi cơ quan lập pháp phải thay đổi tư duy xây dựng luật pháp để đáp ứng nhu cầu thực tiễn đang đặt ra. Mặt khác, việc hoàn chỉnh hệ thống pháp luật trên lĩnh vực văn hóa phải xác định được vị trí là chủ thể sáng tạo, giữ gìn, biểu hiện, thụ hưởng các giá trị văn hóa của nhân dân.
Trong từng giai đoạn phát triển đất nước, Đảng ta luôn có quan điểm sát hợp với thực tiễn về hoàn thiện thể chế văn hóa. Đại hội Đảng lần thứ X khẳng định: “Xây dựng cơ chế, chính sách, chế tài ổn định, phù hợp yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới”[6]. Năm 2014, Đảng ta hướng tới “hoàn thiện thể chế, chế định pháp lý và thiết chế văn hóa bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”[7]. Trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc hoàn thiện thể chế cũng có nhiều thay đổi. Lúc này, thể chế không chỉ sát hợp với tình hình trong nước mà còn phải tiệm cận với luật pháp quốc tế, luật hóa các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đây là đòi hỏi mới đối với thể chế của quốc gia nói chung và lĩnh vực văn hóa nói riêng.
Nền văn hóa Việt Nam được vun đắp qua hàng ngàn năm lịch sử đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc, là nguồn lực to lớn. Ảnh: TTXVN
Hoàn thiện các luật liên quan đến lĩnh vực văn hóa
Không chỉ xác định rõ yêu cầu hoàn thiện thể chế phù hợp với từng giai đoạn phát triển đất nước, Đảng còn quan tâm đến hoàn thiện từng luật cụ thể nhằm phát triển các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Năm 1998, Đảng đã xác định các giải pháp lớn để xây dựng và phát triển văn hóa. Một trong các giải pháp đó là: “Xây dựng các luật, pháp lệnh, các văn bản pháp quy điều chỉnh các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa. Bổ sung những luật đã ban hành cho phù hợp với tình hình mới. Nghiên cứu xây dựng Luật di sản văn hóa dân tộc, Luật quảng cáo, Pháp lệnh Thư viện… Xây dựng thể chế giải thưởng, tặng thưởng trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, báo chí; quy chế kỷ niệm các sự kiện lịch sử và danh nhân (trong nước và thế giới), đặt tên đường phố, lập nhà bảo tàng, xây dựng tượng đài, v.v..
Bổ sung, hoàn thiện hoặc xây dựng mới các quy chế, quy định về lễ hội, việc tang, việc cưới, việc cúng bái ở các đền chùa, việc đốt vàng mã, việc giữ gìn trật tự vệ sinh nơi công cộng, v.v..”[8]. Có thể thấy, Đảng đã rất chú trọng đến hoàn thiện thể chế văn hóa từ vĩ mô đến vi mô. Phải có hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, điều chỉnh các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa thì các quan điểm của Đảng mới được hiện thực hóa, ý chí của nhân dân mới được cụ thể hóa. Từ đó, Nhà nước mới quản lý tốt các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa.
Khi các văn bản pháp luật trên đã được hình thành và thực thi trong đời sống xã hội, những vấn đề mới lại tiếp tục nảy sinh. Từ năm 2014, Đảng chủ trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Do đó, Đảng ta nhấn mạnh đến “hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa, về quyền tác giả và các quyền liên quan, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam”[9]. Từ đó, các luật được hình thành từ trước tiếp tục được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, xây dựng mới cho phù hợp với thực tiễn trong và ngoài nước.
Năm 2021, Đảng khẳng định việc đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Do đó, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, Đảng chủ trương “phát huy ý thức tự giác của toàn dân xây dựng và thực hiện các chế tài, quy định, quy ước xã hội”[10]. Không chỉ chú trọng hoàn thiện thể chế, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, Đảng ta đã nhấn mạnh đến “tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”[11]. Thực hiện được điều này, thể chế văn hóa của Việt Nam sẽ toàn diện, đầy đủ, hiệu quả hơn. Từ đó góp phần vào phát triển văn hóa, con người Việt Nam, thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững của quốc gia.
Xây dựng và hoàn hiện thể chế văn hóa là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước. Thể chế văn hóa phải thể hiện được quan điểm của Đảng, ý chí của nhân dân và không ngừng được đổi mới, phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Thanh Bình