Tự do là điều kiện để văn nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đích thực vì sự tiến bộ của xã hội. Quan điểm Đại hội XIII một lần nữa khẳng định, với tính đảng, tự do sáng tạo càng phản ánh sâu sắc hơn trách nhiệm công dân, trách nhiệm đối với cộng đồng của người nghệ sĩ.
Quan điểm Đại hội XIII về tự do sáng tạo trong văn học, nghệ thuật. Ảnh minh họa
Vấn đề tự do sáng tạo được nêu ra rất sớm trong các văn kiện của Đảng. Tác phẩm Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam của Trường Chinh lần đầu tiên đề cập đến vấn đề tự do sáng tạo ở Việt Nam như một lời mở đầu cho các quan điểm sau này của Đảng: “Những văn nghệ sĩ tự do nhất chính là những văn nghệ sĩ đứng hẳn về quyền lợi của quần chúng nhân dân cách mạng, đem nghệ thuật của mình phục vụ cho một lý tưởng cách mạng…”[1]. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, III, IV, V của Đảng đều đề cập đến tự do sáng tạo trong văn hóa văn nghệ thông qua các quan điểm về phát triển nền văn nghệ mới, nền văn nghệ với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, có tính đảng và tính nhân dân sâu sắc.
Các Đại hội đại biểu toàn quốc từ sau Đổi Mới đến nay của Đảng đã triển khai luận điểm này trong các nhiệm vụ dành riêng cho công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đi cùng là các nghị quyết về văn học nghệ thuật (Nghị quyết TW5 K.VI Về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới; Nghị quyết TW4 K.VII Về một số nhiệm vụ văn hóa - văn nghệ những năm trước mắt; Nghị quyết 23-NQ/TW Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới) hay các nghị quyết chuyên đề về văn hóa (Nghị quyết TW5 K.VIII; Nghị quyết TW9 K.XI), luôn đề cập đến luận điểm bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn hóa nghệ thuật.
Tiếp nối tinh thần của Đại hội XII trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng vừa bảo đảm để văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng vừa bảo đảm quyền tự do dân chủ cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân...”[2], ở Đại hội XIII của Đảng, luận điểm bảo đảm tự do sáng tạo trong hoạt động văn học, nghệ thuật trở thành định hướng, nhiệm vụ khá trọng tâm của công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ở mục VII: Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, nhấn mạnh: “Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường”[3].
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030: “Nâng cao vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Bảo đảm quyền hưởng thụ, tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng”[4].
Như vậy, Đại hội XIII đã rất chú trọng đến lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong nhiệm vụ phát triển văn hóa nói chung, nhấn mạnh luận điểm bảo đảm tự do sáng tạo. Đó được hiểu như một quy luật của sự phát triển văn học, nghệ thuật, đồng thời cũng muốn nhắc nhở, vấn đề này phải luôn luôn được nhận thức đúng đắn, đầy đủ trong bối cảnh mới.
Văn nghệ có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Ảnh minh họa
Điều này hoàn toàn trái ngược với các quan điểm sai trái mà các thế lực thù địch thường sử dụng để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật. Khi các luận điểm này luôn muốn chứng tỏ: Đảng định hướng chính trị và tước bỏ tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ; Đảng lãnh đạo là đã can thiệp vào cá tính sáng tạo, áp đặt sáng tạo và làm triệt tiêu cảm hứng sáng tác; rằng những tác phẩm được sáng tác dưới sự định hướng của Đảng là những tác phẩm minh họa, không đạt tới giá trị nghệ thuật vì bị can thiệp vào các quy luật sáng tác v.v… Từ đó có những biểu hiện cực đoan trong sáng tác và phê bình văn học, nghệ thuật như: sáng tác, cổ súy cho những tác phẩm thuần túy chức năng giải trí, xem nhẹ chức năng nhận thức, giáo dục (mà họ gọi là nặng tính tuyên truyền); rời xa những chủ đề mang tính thời đại lớn lao của đất nước, ngợi ca những thành tựu nhất định sau mấy mươi năm đổi mới của đất nước; tập trung vào những chủ đề đời thường, nhỏ nhặt, khoét sâu những mảng tối của xã hội nhằm phủ nhận thành quả của Đảng và nhân dân; nặng hơn nữa, tìm mọi cách tách văn học, nghệ thuật ra khỏi đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng… Khi lý giải tại sao chúng ta đang thiếu vắng những tác phẩm hay, tương xứng với thời đại, các luận điệu đã tập trung cho rằng: vì thiếu tự do, vì bị kiểm duyệt gắt gao nên văn nghệ sĩ khi sáng tác đã tránh đi những vấn đề gai góc, chọn giải pháp an toàn cho mình v.v…
Thực tế đường lối lãnh đạo của Đảng và thực tiễn đời sống văn học nghệ thuật đã chứng minh: “Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”[5]. Sự nghiệp văn học, nghệ thuật từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp, nhất là đóng góp không nhỏ vào công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước trước đây, và trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước từ sau Đổi Mới. Đối với thực tế ít những tác phẩm hay, xuất sắc như trong tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TW5 K.VIII, phải nhìn nhận vào nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố thiếu vắng tài năng sáng tác văn học, nghệ thuật là một hiện thực mà các luận điệu phản động thường né tránh. Thực sự trong bối cảnh công nghệ 4.0 hôm nay, với sự phát triển của mạng xã hội, các văn nghệ sĩ nếu đổ lỗi cho sự mất tự do làm họ không thể sáng tác được tác phẩm hay là điều phi lý.
Có thể nói, bảo đảm quyền tự do sáng tạo là quan điểm nhất quán trong các văn kiện của Đảng, là một nhận thức về mặt khoa học của Đảng ta đối với đặc trưng của văn học, nghệ thuật. Đây là điều kiện cần để tạo ra được những giá trị lớn, những tác phẩm lớn trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Nhưng đồng thời, để bảo đảm văn học, nghệ thuật phát triển đúng quy luật của nó, thì phải gắn liền tự do sáng tạo ấy với trách nhiệm công dân và với quyền con người. Không thể có thứ tự do tuyệt đối, tự do đến mức bỏ qua cả trách nhiệm của một công dân bình thường, là phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân! Không thể tồn tại cái văn học, nghệ thuật đứng ngoài chính trị, tách khỏi sự lãnh đạo của Đảng hiện nay. Đó là một tất yếu khách quan.
Văn học, nghệ thuật có trọng trách đấu tranh bảo vệ, nuôi dưỡng, khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp và chống cái ác, cái xấu xa, thấp hèn. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho văn học, nghệ thuật một nhiệm vụ “chính trị” khô khan, giản đơn, nhất thời nào, mà hiểu nó như một sứ mệnh, một sức mạnh vốn có của văn học, nghệ thuật chân chính, đặc biệt trong cuộc đấu tranh ngày hôm nay”[6].
Cho nên, luận điệu chống lại sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật thực chất là: hoặc thể hiện sự nhận thức không đến nơi về quy luật phát triển, về tính chính trị tất yếu của một lĩnh vực đặc biệt; hoặc muốn cổ súy cho các luận điệu lợi dụng tự do để truyền bá tư tưởng chống Đảng, chống chế độ; và hướng đến mục đích cao hơn, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực.
Trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, văn học, nghệ thuật là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng và nhạy cảm. Vì thế, kiên định và linh hoạt trong lĩnh vực này là góp phần trực tiếp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Quản triệt các quan điểm của Đại hội XIII về văn hóa, văn học, nghệ thuật nói chung hay luận điểm bảo đảm tự do sáng tạo trong sự phát triển của lĩnh vực này nói riêng là việc cần làm. Bởi đây là cơ sở vững chắc thể hiện tôn trọng quy luật khách quan của một một đảng cầm quyền, thể hiện năng lực lãnh đạo của Đảng trên một lĩnh vực quan trọng.
[1] Trường Chinh, Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, Nxb Sự thật, H, 1974, tr.24
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, tr. 131
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, T.1, tr. 143
[4] Sđd, T.1, tr.263-264
[5] http://tuanbaovannghetphcm.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-le-ky-niem-70-nam-ngay-thanh-lap-lien-hiep-cac-hoi-van-hoc-nghe-thuat-viet-nam-so-509/
[6] http://tuanbaovannghetphcm.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-le-ky-niem-70-nam-ngay-thanh-lap-lien-hiep-cac-hoi-van-hoc-nghe-thuat-viet-nam-so-509/
Triều Nguyễn