Ngay từ khi mới thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của phụ nữ trong khối đại đoàn kết toàn dân nhằm mục tiêu giải phóng dân tộc. Cùng với quá trình trưởng thành về chính trị, tư tưởng và tổ chức, quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng ngày càng hoàn thiện hơn
Tháng 10 năm 1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết về vận động phụ nữ.
Nghị quyết nêu rõ: Phụ nữ Đông Dương chiếm một phần lớn trong giai cấp vô sản và đóng vai trò quan trọng trong quá trình đấu tranh cách mạng. Nghị quyết chỉ rõ: “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một cái lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được”.
Trước tình hình khủng hoảng kinh tế, thực dân Pháp thực hiện “hợp lý hóa", sử dụng công nhân là nữ để giảm chi phí lao động nên công nhân nữ ngày càng đông. Tình hình sinh hoạt của phụ nữ rất cực khổ, xã hội phong kiến khinh rẻ phụ nữ, cho họ là người tôi mọn, hèn kém, mất tự do. Thực tế các cuộc tranh đấu vừa qua, nhất là tại Nghệ An, Hà Tĩnh, chứng minh phụ nữ là một lực lượng quan trọng. Nếu quảng đại phụ nữ không tham gia cách mạng thì cách mạng không thể thành công. Cho nên, vận động phụ nữ là nhiệm vụ lớn và quan trọng của Đảng.
Nhưng trong thực tế, các cấp bộ Đảng ít chú ý tới vận động phụ nữ. Những tổ chức phụ nữ phần lớn không được huấn luyện, trong các cuộc đấu tranh không có những điều yêu cầu bênh vực riêng cho quyền lợi của phụ nữ. Đảng chủ trương phải tăng cường lãnh đạo công tác phụ nữ.
Trong các cơ quan lãnh đạo Đảng và thanh niên cộng sản từ địa phương cho đến Trung ương, phải tổ chức ra Ban Phụ nữ hoặc phân công người chuyên trách công tác vận động phụ nữ. Trong đấu tranh, phải đưa ra những yêu sách có gắn quyền lợi phụ nữ. Không dùng phụ nữ vào việc nguy hiểm và phải có chế độ nghỉ sinh đẻ cho phụ nữ; bỏ chế độ cưới vợ, gả chồng như mua, bán... muốn thu hút được đông đảo phụ nữ, Đảng phải tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ như “Phụ nữ hiệp hội” để đem lại quyền lợi cho phụ nữ, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Đảng ban hành Điều lệ Phụ nữ liên hiệp hội làm cơ sở phát triển phong trào phụ nữ và phát huy vai trò phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng.
Trong những năm 1930- 1935, hoạt động của phong trào phụ nữ có nhiều phương thức tổ chức thích hợp với chủ trương hoạt động bí mật của Đảng như Hội cấy, Hội gặt, Hội tương tế… đã tập hợp được số đông phụ nữ tham gia và góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức đối với phụ nữ. Tổ chức “Phụ nữ Giải phóng” được hình thành năm 1930 - 1931 đã thu hút đông đảo phụ nữ tham gia vào cao trào đấu tranh cách mạng (điển hình là Xôviết- Nghệ Tĩnh). Tổ chức đã tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế, đòi cải thiện đời sống, chống áp bức của đế quốc, phong kiến.
Tiếp đó, ngày 28-3-1935, Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua Nghị quyết về phụ nữ vận động.
Phụ nữ chiếm một nửa dân số. Dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến phụ nữ chịu một ách áp bức bóc lột như nam giới, lại bị phân biệt đối xử, do đó thân phận phụ nữ rất thấp kém, từ phạm vi gia đình tới xã hội, phụ nữ không có quyền lợi chính trị nào.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ nữ cần lao đã đứng dậy đấu tranh tham gia cao trào Xôviết Nghệ - Tĩnh và các phong trào đấu tranh khác. Có lúc phụ nữ lãnh đạo cuộc đấu tranh có những cuộc biểu tình, bãi công toàn phụ nữ. Hai năm 1933-1934, phong trào có thêm nhiều phụ nữ tham gia. Phụ nữ nghèo ở thành thị, phụ nữ dân tộc thiểu số cũng hăng hái tham gia đấu tranh cách mạng.
Tuy vậy, ở Nam Kỳ, không có tổ chức hội phụ nữ, ở các địa phương khác, các hội phụ nữ rất ít và không có sinh hoạt rõ rệt, phụ nữ ít được vào cơ quan lãnh đạo. Các cuộc đấu tranh thường không có khẩu hiệu riêng cho phụ nữ. Đảng còn theo đuôi các cuộc đấu tranh của quần chúng phụ nữ.
Nghị quyết nêu các nhiệm vụ: Mỗi cấp đảng bộ lập một Ban uỷ viên phụ nữ phụ trách vấn đề phụ nữ; Mỗi đảng bộ phải tăng cường kết nạp phụ nữ vào Đảng, vào Thanh niên Cộng sản Đoàn và các đoàn thể cách mạng. Cần phải đưa phụ nữ vào các cơ quan lãnh đạo. Tổ chức các hội phụ nữ lao động phụ nữ lao động giải phóng, học chữ, nữ công, cứu tế, hợp tác xã... cho phụ nữ; Các đảng bộ cần triệu tập các hội nghị đại biểu phụ nữ, kế hoạch tiến hành công tác vận động phụ nữ, khuyến khích tinh thần phụ nữ; Phải đấu tranh bảo vệ quyền lợi phụ nữ; Cần có tài liệu tuyên truyền riêng cho phụ nữ; Chống các xu hướng coi thường công tác vận động phụ nữ, chống ảnh hưởng của phong kiến, tư sản đối với phụ nữ.
Tại Đại hội lần thứ 7 Quốc tế Cộng sản tháng 8 năm 1935, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, dưới bí danh Phan Lan, đã đại diện phụ nữ Đông Dương báo cáo về phong trào phụ nữ. Đồng chí nêu rõ “Phụ nữ đã tham gia đáng kể vào công cuộc đấu tranh cách mạng, họ tham dự các cuộc biểu tình và đã lãnh đạo một số cuộc ấy, đã diễn thuyết trong các cuộc mít tinh. Nhiều lần phụ nữ đã dũng cảm đi hàng đầu trong các cuộc biểu tình và buộc binh lính phải thoái lui, phải đồng tình,. Họ tham gia các cuộc bãi công của thộ thuyền và tranh đấu của dân cày. Nữ công nhân và nữ dân nghèo thành thị đang say sưa tranh đấu”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức tập hợp phụ nữ đã phát triển với nhiều hình thức từ Hội Phụ nữ giải phóng, đến Hội phụ nữ Dân chủ, Hội phụ nữ phản đế, rồi Hội phụ nữ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nữ đại biểu tại
Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 9/1960 (Ảnh tư liệu)
Có thể nói, ngay trong những năm đầu sau khi ra đời, Đảng đã đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Trên cơ sở đó, công tác vận động phụ nữ ngày càng được nhận thức rõ hơn và đẩy mạnh hơn. Thắng lợi của sự nghiệp cách mạng tháng Tám năm 1945 là thắng lợi khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó phụ nữ Việt Nam đóng góp vai trò xứng đáng. Chúng ta có thể thấy rõ vai trò phụ nữ qua những tấm gương hoạt động cách mạng của Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Khoa Diệu Hồng và hàng trăm phụ nữ tiêu biểu khác. Họ đã tham gia công tác cách mạng trên tất cả các lĩnh vực cụ thể, từ nuối giấu cán bộ, làm liên lạc cho cách mạng, đến trực tiếp hoạt động cách mạng, anh dũng đương đầu với kẻ thù trên mặt trận chiến đấu cũng như trong nhà tù đế quốc, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành chính quyền.
Cho đến nay, nhiều quan điểm của Đảng về phụ nữ và vai trò phụ nữ trong giai đoạn này vẫn còn nguyên giá trị, là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nguyễn Quỳnh Chi