Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng trên bán đảo Đông Dương, có chung đường biên giới trên biển và đất liền. Vị trí địa lý đã tạo tiền đề cho mối quan hệ gắn bó lâu đời giữa hai đất nước, hai dân tộc. Vượt qua những thăng trầm của lịch sử, mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam, Campuchia đã được duy trì, phát triển suốt hơn nửa thế kỷ qua. 55 năm tình hữu nghị giữa hai quốc gia đã được vun đắp bởi các thế hệ lãnh đạo, bởi nhân dân hai nước. Sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực đã được khởi tạo và thu được nhiều kết quả khả quan, trong đó có sự hợp tác trên lĩnh vực văn hóa.
Một điệu múa cổ điển trong Tuần văn hóa Campuchia tại TP.HCM. Ảnh: TTXVN.
Với tư cách là những quốc gia trong khu vực ASEAN, Việt Nam và Campuchia có nhiều điểm tương đồng về văn hóa. Hơn thế nữa, cùng nằm trong khu vực sông Mê Kông, Việt Nam và Campuchia từ rất lâu đã chia sẻ những đặc sắc văn hóa của vùng văn minh sông Mê Kông. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để tiến hành hợp tác trên lĩnh vực văn hóa.
Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác song phương Việt Nam – Campuchia trên lĩnh vực văn hóa gần đây tiếp tục được đẩy mạnh. Phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” đã được cụ thể hóa, hiện thực hóa trong các chương trình, kế hoạch, hoạt động giao lưu, hợp tác trên lĩnh vực văn hóa.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã phối hợp với Bộ Văn hóa và Nghệ thuật, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao, Bộ Du lịch Campuchia, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và các cơ quan liên quan triển khai nhiều hoạt động hợp tác văn hóa, thể thao, du lịch giữa Việt Nam và Campuchia.
Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, kế hoạch hợp tác văn hóa nghệ thuật giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam với Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia giai đoạn 2018-2022 được ký kết và triển khai. Việt Nam và Campuchia luân phiên tổ chức Tuần Văn hóa tại Thủ đô và nhiều địa phương của hai nước. Đồng thời, hai nước thường xuyên cử các đoàn nghệ thuật biểu diễn ở các liên hoan, các sự kiện văn hóa quốc tế và quốc gia được tổ chức ở mỗi nước. Hàng năm, Việt Nam dành hàng trăm suất học bổng cho học sinh, sinh viên Campuchia, trong đó có những học bổng đào tạo về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Campuchia cũng dành cho sinh viên Việt Nam 35 suất học bổng, bao gồm 15 suất học bổng đại học và sau đại học, 20 suất học bổng đào tạo ngôn ngữ, văn hóa Khơ – me trong vòng 2 năm.
Trong lĩnh vực thể dục, thể thao, hai bên cũng có những hoạt động hợp tác thiết thực. Việt Nam thường xuyên hỗ trợ Campuchia trong việc tổ chức các khóa tập huấn tại Việt Nam trước mỗi kỳ SEA Games và cử chuyên gia huấn luyện các vận động viên đội tuyển quốc gia các bộ môn như: Vật, Vovinam, Đá cầu, Bóng đá, Điền kinh, Bóng chuyền bãi biển… Ngay sau lễ bế mạc SEA Games 31, Việt Nam đã chia sẻ với Campuchia – nước chủ nhà của SEA Games 32 - những kinh nghiệm trong công tác tổ chức tại kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cũng đã cam kết chủ động, tích cực trao đổi, hỗ trợ để Campuchia tổ chức thành công SEA Games 32 tới đây.
Trong lĩnh vực du lịch, hai quốc gia đã có sự hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy phát triển du lịch. Được biết đến là những quốc gia có nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên hấp dẫn, trong đó có nhiều di sản được UNESCO công nhận, Việt Nam và Campuchia đều chú trọng phát triển du lịch. Các chương trình truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam và Campuchia đã được các cơ quan, đơn vị hữu quan của hai quốc gia đẩy mạnh. Hợp tác du lịch Việt Nam – Campuchia tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như: lữ hành, xúc tiến du lịch, thiết lập cơ chế và điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến hai nước, đầu tư và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trước khi đại dịch Covid 19 bùng phát, số lượng khách du lịch từ Việt Nam đến Campuchia và ngược lại đều gia tăng. Theo báo cáo của Bộ Du lịch Campuchia, 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đứng đầu trong số 10 nước có lượng du khách tới Campuchia đông nhất.
Những thành tựu hợp tác trong lĩnh vực văn hóa đã góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển của hai đất nước. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, hợp tác Việt Nam – Campuchia trên lĩnh vực văn hóa cũng còn đối mặt với không ít những thách thức.
Trước hết, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của cả hai quốc gia là tất yếu, nhưng mặt trái của quá trình hội nhập này có thể làm phai nhạt bản sắc văn hóa của cả hai quốc gia. Và nếu điều này xảy ra thì sẽ làm “suy kiệt khả năng sáng tạo của các nền văn hóa” như khuyến cáo của UNESCO, đồng thời nó cũng sẽ là trở lực cho quá trình đối thoại và hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Campuchia.
Thứ hai, một số vấn đề xã hội chưa được giải quyết dứt điểm cũng ảnh hưởng không tốt đến hợp tác trên lĩnh vực văn hóa như: tệ nạn buôn lậu qua biên giới, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em, vấn đề địa vị pháp lý của cộng đồng người Việt ở Campuachia, …
Thứ ba, do nguồn lực hợp tác phát triển của cả hai quốc gia đều hạn chế (kể cả nguồn nhân lực và tài lực) nên cũng gây khó khăn cho việc triển khai các chương trình, kế hoạch hợp tác, trong đó có hợp tác về văn hóa.
Mặc dù còn có những khó khăn, thách thức nhất định nhưng với lịch sử mối quan hệ lâu đời giữa hai quốc gia, với những điều kiện địa văn hóa đặc biệt, với sự ổn định chính trị xã hội và đường lối đối ngoại của mỗi nước, hợp tác trên lĩnh vực văn hóa trong thời gian tới giữa Việt Nam và Campuchia là hết sức cần thiết. Giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa là con đường hòa bình, hữu nghị để vun đắp cho mối quan hệ truyền thống giữa hai nước láng giềng Việt Nam – Campuchia, góp phần vào sự phát triển của hai quốc gia cũng như hướng tới một cộng đồng văn hóa ASEAN. Chính vì vậy, cả hai quốc gia cần phải tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong hợp tác về văn hóa, khắc phục những khó khăn, vượt qua thách thức. Thiết nghĩ, thời gian tới, chính phủ hai nước cũng như các cấp có liên quan cần tập trung vào những nhiệm vụ sau:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân hai nước về tình hữu nghị, sức mạnh đoàn kết của các quốc gia trong khu vực ASEAN nói chung và giữa hai nước nói riêng.
Hai là, tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng giữa hai quốc gia, tạo điều kiện cần thiết, thuận lợi để phát triển hợp tác về văn hóa.
Ba là, cần xây dựng, ký kết các chương trình hợp tác văn hóa cấp quốc gia chứ không chỉ dừng lại sự hợp tác giữa các ngành, các địa phương. Hai quốc gia cần ký kết các Hiệp định, Nghị định thư để gia tăng giá trị pháp lý trong hợp tác về văn hóa thay cho các thỏa thuận, các biên bản ghi nhớ đã được ký kết trước đây.
Bốn là, kết hợp giữa hợp tác song phương và đa phương. Việt Nam, Campuchia cùng với Lào, Thái Lan, … nghiên cứu xây dựng các chương trình hợp tác để khai thác thế mạnh của mỗi quốc gia. Trong phát triển du lịch, phối hợp xây dựng các sản phẩm du lịch dựa trên việc khái thác giá trị di sản ở mỗi quốc gia, ví dụ như tour “Hành trình di sản Đông Dương” hoặc “Hành trình kết nối các di sản thế giới” ở các quốc gia này.
Năm là, trước mắt, trong năm 2022, nhân kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia và “năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia”, cần tổ chức tốt các sự kiện văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch như: Tuần văn hóa Việt Nam tại Campuchia, Tuần văn hóa Campuchia tại Việt Nam, tuần lễ phim, thi đấu thể thao giao hữu, trao đổi các đoàn nghệ thuật, giới thiệu xúc tiến du lịch … để khẳng định và lan tỏa về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia.
Quan hệ Việt Nam – Campuchia là mối quan hệ đã được thử thách qua thời gian. Sự gắn bó, hợp tác giữa hai quốc gia trong hơn nửa thế kỷ qua là minh chứng cho tình đoàn kết hữu nghị truyền thống và quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam – Campuchia. Mặc dù tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, cả hai quốc gia còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức,… nhưng với khát vọng phát triển của đảng, chính quyền và nhân dân hai nước, mối quan hệ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” của Việt Nam - Campuchia nhất định sẽ tiếp tục được giữ gìn và nâng lên một tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Lâm Minh Khuê