Mặc dù ngày 6/8/1976, Việt Nam và Thái Lan mới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng từ rất sớm, ngày trong những năm 1947-1951, giữa Thái Lan và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có mối quan hệ khá tốt đẹp
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, với việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vừa ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đời đã phải đương đầu với những khó khăn, thách thức lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội; sự bao vây của các thế lực đế quốc; sự chống đối của các lực lượng phản động trong nước. Đặc biệt, chỉ sau hơn một năm giành được độc lập, trong điều kiện thế và lực còn yếu, Việt Nam đã phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra về ngoại giao cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là phải làm cho các nước trên thế giới biết đến đất nước Việt Nam độc lập, hiểu về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc chính nghĩa của nhân dân Việt Nam; phải nhanh chóng thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước để nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ.
Phương châm đối ngoại của Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định là mong muốn “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”[1].
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong khi các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á tiếp tục phải tiến hành phong trào giải phóng dân tộc thì Thái Lan vẫn giữ vững được nền độc lập, hòa bình. Tháng 3/1946, Priđi Phanômyông lên làm Thủ tướng Thái Lan. Vốn là người lãnh đạo “Phong trào Thái tự do” (Xeri Thai) đứng về phe Đồng Minh chống phát xít Nhật trong giai đoạn 1941-1945, Chính phủ Priđi Phanômyông đã thi hành chính sách đối ngoại tích cực, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Đông Nam Á, đặc biệt là phong trào chống thực dân Pháp xâm lược của ba nước Đông Dương. Tháng 9-1947, Thủ tướng Thái Lan là một trong những thành viên sáng lập Liên minh các dân tộc Đông Nam Á[2]. Thái Lan còn là địa bàn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng Việt Nam đã từng hoạt động trong giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong bối cảnh các quốc gia khu vực Đông Nam Á đang bị các nước tư bản phương Tây chiếm đóng, quốc gia Thái Lan độc lập với sự ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam là điều kiện vô cùng thuận lợi để Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành các hoạt động ngoại giao, từ đó, khai thông con đường ngoại giao với khu vực Đông Nam Á và vươn ra thế giới.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Thái Lan, tháng 9/1978 (Ảnh: TTXVN)
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã sớm thiết lập quan hệ với Chính phủ Thái Lan, thành lập Cơ quan đại diện tại thủ đô Băng Kốc. Được sự đồng ý của Chính phủ Thái Lan, ngày 14/4/1947, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở Cơ quan đại diện tại thủ đô Băng Kốc[3], gồm 7 thành viên, do ông Ông Nguyễn Đức Quỳ làm Trưởng Cơ quan đại diện[4]. Tổ chức và hoạt động của Cơ quan đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Thái Lan được thực hiện theo quy chế ngoại giao giữa chính phủ hai nước; làm việc công khai, tuân thủ đúng pháp luật của nước chủ nhà.
Cơ quan đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Thái Lan có nhiệm vụ cung cấp thông tin về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam với thế giới; đấu tranh chính trị, ngoại giao với Pháp; tranh thủ sự ủng hộ và tìm kiếm quan hệ ngoại giao với bên ngoài. Để thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ, Cơ quan đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành lập phòng thông tin liên lạc và phân thành hai bộ phận gồm: Bộ phận phụ trách thông tin có trụ sở tại số nhà 543, đường Silôm, Băng Kốc và Bộ phận thực hiện nhiệm vụ liên lạc, thiết lập quan hệ với nước ngoài có trụ sở đặt tại số nhà 222, đường Bắc Sa Thon, Băng Kốc[5]. Bộ phận phụ trách thông tin có nhiệm vụ thường trực tiếp nhận thông tin về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam từ trong nước và tin tức quốc tế qua hệ thống phát thanh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở căn cứ địa Việt Bắc; sau đó, biên tập thành bản tin tiếng Anh và tiếng Thái, gửi báo chí tại Thái Lan xuất bản và gửi hãng Reuters để thông tin đến nhân dân thế giới. Trên cơ sở đó, bộ phận phụ trách liên lạc thực hiện kết nối với các cơ quan ngoại giao của các nước trên thế giới, tranh thủ sự công nhận, ủng hộ. Từ Thái Lan, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục phát triển quan hệ ngoại giao qua việc lập cơ quan đại diện tại Myanma, Ấn Độ, Indonesia, Hồng Kông.
Cũng thông qua bộ phận thông tin của Cơ quan đại diện tại Thái Lan, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành đấu tranh chính trị, ngoại giao với Chính phủ Pháp. Bộ phận phụ trách thông tin còn thực hiện nhiệm vụ phỏng vấn và trả lời báo chí, làm cầu nối giữa báo chí Thái Lan và quốc tế với Chính phủ Việt Nam. Nhiều phóng viên nước ngoài muốn tìm hiểu về Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hoặc xin phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh đều thông qua bộ phận phụ trách thông tin của Cơ quan đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Thái Lan.
Trong điều kiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thông qua Cơ quan đại diện, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đề xuất với Chính phủ Thái Lan giúp đỡ vũ khí và được chấp nhận. Chính phủ Thái Lan đã giúp Việt Nam một số lượng vũ khí. Số vũ khí đó được giao cho Thiếu tướng hải quân Xăng-von Suvănsíp áp tải vận chuyển bằng đường xe lửa đến biên giới Patabon để chuyển về Việt Nam. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cảm ơn về số vũ khí nhận được. Ngoài ra, cơ quan đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Thái Lan đã được phép lập trụ sở tổ chức thu mua và nhận sự ủng hộ lương thực của Việt kiều và người dân Thái Lan tại kênh Xẻn Xẹp, Băng Kốc; qua đó, tích trữ lượng thực chuyển về trong nước phục vụ kháng chiến[6].
Quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Thái Lan ngày càng phát triển tốt đẹp.
Chính phủ Thái Lan còn tạo điều kiện cho Cơ quan đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập trụ sở chỉ đạo công tác Việt kiều[7] tại tỉnh Uđonthani để hỗ trợ Việt kiều những vấn đề liên quan đến pháp luật, các thủ tục hành chính, kinh tế đối với Chính phủ Thái Lan; giúp họ sớm ổn định cuộc sống; nắm bắt tình hình và tập hợp lực lượng, kêu gọi tinh thần yêu nước của người Việt kiều Thái Lan hướng về đất nước, ủng hộ cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc. Trên cơ sở đó, cộng đồng Việt kiều Thái Lan đã thành lập được tổ chức Việt Minh, tích cực quyên góp tiền, lương thực, mua sắm vũ khí chuyển về trong nước, đóng góp vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc.
Từ tháng 4/1948, tình hình chính trị Thái Lan diễn biến phức tạp. Chính phủ Phibun Xôôngkhram nắm quyền, thiết lập chế độ độc tài quân sự ở Thái Lan, ra lệnh giải tán nghị viện, xóa bỏ Hiến pháp, cấm các đảng phái chính trị hoạt động; đặc biệt là ban hành trở lại đạo luật chống cộng sản, đàn áp và khủng bố những người cộng sản. Điều đó gây lên khó khăn cho hoạt động của Cơ quan đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Thái Lan.
Ngày 28/2/1950, Chính phủ Thái Lan cắt quan hệ với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời chuyển sang công nhận Chính phủ Quốc gia Việt Nam trong Liên hiệp Pháp do Bảo Đại đứng đầu[8]. Ngày 20/6/1951, các thành viên của Cơ quan đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị trục xuất ra khỏi Thái Lan[9]. Đến đây, hoạt động của Cơ quan đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Băng Kốc chấm dứt hoàn toàn.
Như vậy, từ tháng 4/1947 đến tháng 6/1951, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với Chính phủ Thái Lan. Cơ quan đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nỗ lực hoạt động để mở cánh cửa ngoại giao của Việt Nam với khu vực và thế giới; đồng thời, tranh thủ được sự ủng hộ cả về chính trị và vật chất của Chính phủ Thái Lan trong nhưng năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5, tr.220
[2] Lê văn Quang: Lịch sử vương quốc Thái Lan, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr.202-203
[3] Nguyễn Trọng Phúc: Nhà nước cách mạng Việt Nam (1945-2010), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.84
[4] Thawi Swangpanyangkoon: Phái viên Chính phủ Việt Nam đầu tiên ở Thái Lan 56 năm về trước, Việt học, số 5/2002, tr.6
[5] Thawi Swangpanyangkoon: Phái viên Chính phủ Việt Nam đầu tiên ở Thái Lan 56 năm về trước, Việt học, số 5/2002, tr.6
[6] Thawi Swangpanyangkoon: Phái viên Chính phủ Việt Nam đầu tiên ở Thái Lan 56 năm về trước, Việt học, số 5/2002, tr.6
[7] Người Việt Nam đến Thái Lan sinh sống khá đông từ trước năm 1945, đến năm 1946, số lượng Việt kiều ở Thái Lan khoảng 50.000 người. Theo: Người Việt Nam tản cư tại Thái Lan và dân Việt Nam tản cư ngày 22-2-1946, Trung tâm Lưu trữ quốc gia Thái Lan, ký hiệu (3)S.R 0201.24/1
[8] Ngày 8-3-1949, Chính phủ Pháp công nhận Quốc gia Việt Nam nằm trong khối liên hiệp Pháp, do Bảo Đại làm Quốc trưởng.
[9] Phủ Thủ tướng: Việc ra khỏi Thái Lan của nhà lãnh đạo Việt Nam - Lào ngày 5/7/1951, Trung tâm lưu trữ quốc gia Thái Lan, Ký hiệu S.R0201.37.6/11 bí mật số 7500/1951.