Khởi nghĩa diễn ra thắng lợi ở Quảng Bình đã góp phần tạo nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám trên phạm vi cả nước, hiện thực hóa thành công đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng. 78 năm đã trôi qua, nhưng những sự kiện hào hùng năm xưa và những giá trị lịch sử vẫn là “mạch nguồn” tiếp bước sự nghiệp xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng phát triển giàu đẹp hôm nay
Nguồn lực cách mạng từng bước được hình thành và phát triển qua các thời kỳ
Từ giữa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp xâm lược và đô hộ Việt Nam, chia cả nước ra làm 3 kỳ, Quảng Bình thuộc xứ Trung Kỳ tự trị và chịu hai tầng áp bức, bóc lột là thực dân, phong kiến vô cùng khắc nghiệt.
Thời kỳ này, các phong trào đấu tranh yêu nước diễn ra dưới nhiều “màu sắc” khác nhau đều được nhân dân Quảng Bình hưởng ứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, các phong trào đều thất bại vì thiếu một đường lối cách mạng đúng đắn, hợp thời đại và một tổ chức lãnh đạo đủ bản lĩnh, sức mạnh và trí tuệ.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tạo ra bước ngoặt trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Sau khi Đảng ra đời, dù trong diều kiện khó khăn, nhưng Đảng lãnh đạo thực hiện hai nhiệm vụ lớn là phát triển tổ chức Đảng cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu lớn mạnh trong phạm vi toàn quốc và xây dựng lực lượng, hiện thực hóa đường lối cách mạng đề ra trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên 2/1930.
Sau khi thành lập, Trung ương Đảng tiếp tục thực hiện chủ trương “vô sản hóa” cử đảng viên cốt cán về các địa phương nhằm xây dựng hệ thống tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở.
Trong những năm 1930-1931 có ba tổ chức đảng lần lượt ra đời ở Quảng Bình là Chi bộ ga Bố Trạch1, chi bộ Bãi Đức và chi bộ Mỹ Trung. Sau khi các chi bộ cộng sản ra đời, trực tiếp lãnh đạo, phong trào cách mạng tại Quảng Bình có sự chuyển biến nhanh chóng, các nguồn lực cách mạng tiếp tục được xây dựng và phát triển từng bước lớn mạnh.
Trong những năm 1930-1931, phong trào đấu tranh của nhân dân Quảng Bình ngày càng phát triển mạnh với các hình thức như: bãi công, bãi khóa...nhằm đấu tranh phản đối chiến tranh đế quốc, ủng hộ Liên Xô, ủng hộ các dân tộc thuộc địa, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thắng lợi của công nông Nghệ- Tĩnh...
Trong những năm 1932-1935, trước sự khủng bố khóc liệt của thực dân Pháp và tay sai, nhiều đảng viên thuộc các chi bộ, các hội viên của các hội quần chúng như Nông hội, Công hội, Cứu tế đỏ...bị kẻ thù bắt bớ, giam cầm trong các nhà tù, nhất là nhà lao Đồng Hới.
Trước tình hình đó, các phong trào vẫn tiếp tục diễn ra phù hợp với đặc điểm tình hình với nhiều phong trào như phong trào đấu tranh của các đảng viên trong nhà tù với các hình thức như phong trào học tập văn hóa, lý luận, giữ vững khí tiết cách mạng. Chi bộ Đảng ở nhà lao Đồng Hới ra đời năm 1930 và tồn tại suốt 1932-1935 đã thể hiện tinh thần đấu tranh của các đảng viên.
Bên cạnh đó, các chi bộ tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống thực dân, phong kiến đòi ruộng đất, kêu gọi nhân dân đi theo cách mạng với rất nhiều hình thức đa dạng. Chi bộ Lũ Phong ra đời năm 1933, chi bộ đầu tiên ở huyện Quảng Trạch, minh chứng cho sự phát triển của các nguồn lực cách mạng.
Trong những năm 1936-1939, tính hình thế giới, trong nước có những chuyển biến thuận lợi. Tháng 7/1936, Đảng Cộng sản Đông Dương có những chủ trương lớn thể hiện sự chuyển hướng chỉ đạo phù hợp với tình hình, mở ra thời kỳ đấu tranh mới cho cách mạng Việt Nam và Quảng Bình nói riêng.
Thực hiện chủ trương của Đảng, các tổ chức đảng phát động các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ; các phong trào đấu tranh nghị trường vào Viện dân biểu Trung Kỳ... tạo nên không khí phấn khởi, hồ hởi trong dân chúng.
Mặc dù chưa có tổ chức đảng thống nhất nhưng các phong trào đấu tranh qua trong những năm 1930-1939 đã từng bước hình thành, củng cố và phát triển các nguồn lực cách mạng, bước đầu đem lại quyền lợi thiết thực cho quầng chúng, tác động đến tư tưởng chính trị, nâng cao tinh thần dân tộc, hình thành lực lượng cách mạng. Đội ngũ đảng viên ngày càng trưởng thành từ thực tiễn đấu tranh.
Quảng trường Hồ Chí Minh tại Trung tâm thành phố Đồng Hới (Ảnh báo Quảng Bình)
Chủ động, sáng tạo chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền
Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, tác động mạnh mẽ đến cách mạng nước ta, nhất là sau khi thực dân Pháp tham chiến và phát xít Nhật xâm lược Việt Nam.
Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương tháng 5/1941của Đảng đã hoàn chỉnh đường lối chiến lược cho cuộc cách mạng vô sản mang tính chất giải phóng dân tộc ở Việt Nam với nhiều nội dung quan trọng về nhiệm vụ, dự báo thời cơ, xây dựng lượng lượng chính trị, vũ trang, phương thức khởi nghĩa...
Đầu năm 1942, nội dung và tinh thần của Hội nghị đến với Quảng Bình như một luồng gió mới, vạch đường, chỉ lối cho các tổ chức đảng, đảng viên đưa phong trào cách mạng tỉnh nhà chuyển sang bước ngoặt lịch sử.
Các tổ chức d1 tại địa phương đã nhanh chóng quán triệt và tổ chức, lãnh đạo quần chúng bước vào giai đoạn đấu tranh mới trên cơ sở thực tiễn của địa phương. “Chỉ một thời gian ngắn, phong trào cách mạng ở Quảng Bình đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Tổ chức đảng được củng cố, có nơi phát triển, các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh được tổ chức, có nơi đã thành lập Việt Minh huyện, thị. Quần chúng phấn khởi tin tưởng vào Việt Minh, sẳn sàng ủng hộ Việt Minh”2.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Trong bối cảnh đó, Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh đã phân tích tình hình, ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” với chủ trương “phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc khởi nghĩa”.
Tháng 6/1945, đồng chí Hồng Xích Tâm, phái viên Xứ ủy Trung Kỳ, mang Chỉ thị và các tài liệu của Tổng bộ Việt Minh vào Quảng Bình.
Ngày 2/7/1945, Hội nghị cán bộ đảng toàn tỉnh được triệu tập tại chùa An Xá (Lệ Thuỷ), quyết định nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là quyết định thành lập Ban vận động thống nhất Đảng, mở ra bước ngoặt lịch sử, chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.
Tiếp đó, ngày 4/7/1945, tại trại sản xuất An Sinh (Trường Thủy, Lệ Thủy), Hội nghị Việt Minh toàn tỉnh được tổ chức. Hội nghị quyết định thống nhất lực lượng Việt Minh trong toàn tỉnh, lấy bí danh là “Việt Minh cô Tám”, xuất bản tờ báo “Vì nước” làm cơ quan ngôn luận. Ban vận động thống nhất Đảng và “Việt Minh cô Tám” ra đời đã phát huy được vai trò lãnh đạo, chủ động, sáng tạo, nhanh chóng tập hợp lực lượng, cán bộ và nhân dân, thúc đẩy khẩn trương quá trình chuẩn bị lực lượng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền, nhằm bắt kịp với phong trào cách mạng toàn quốc.
Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào xác định “những điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi”, quyết định phát động khởi nghĩa trong cả nước.
Ngày 15/8/1945, cơ sở Việt Minh thị xã Đồng Hới nắm được tin Nhật đầu hàng đã báo cho Tỉnh bộ Việt Minh ở khu căn cứ Võ Xá. Ngay trong ngày, Tỉnh bộ Việt Minh mở hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa, nhận định thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã đến, xin ý kiến của Trung ương và Xứ ủy.
Ngày 17/8/1945, Hội nghị cán bộ Việt Minh được triệu tập tại thị xã Đồng Hới để tiếp nhận lệnh khởi nghĩa của Trung ương do đồng chí Tố Hữu trực tiếp truyền đạt, Hội nghị bàn kế hoạch lãnh đạo và quyết định lấy ngày 23/8 làm ngày khởi nghĩa chung cho toàn tỉnh.
Đêm 22 rạng ngày 23/8/1945, lệnh khởi nghĩa được ban bố, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, các tầng lớp nhân dân từ Đồng Hới đến các phủ, huyện trong tỉnh đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. Đến 8 giờ ngày 23/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa làm lễ ra mắt và tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời ra mắt. Đến ngày 25/8/1945, hệ thống chính quyền cách mạng từ tỉnh xuống phủ, huyện, tổng, xã được thiết lập. Cách mạng tháng Tám thắng lợi hoàn toàn ở Quảng Bình.
Một góc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hôm nay (nguồn: baoquangbinh.vn)
Ý nghĩa lịch sử
Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, cùng với cả nước, nhân dân Quảng Bình đã “tạo nên cơn bảo táp cách mạng”, giành lại độc lập dân tộc, thiết lập chính quyền, mở đường cho những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc cũng như xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa với cơ đồ vị thế như hôm nay.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Quảng Bình là dấu mốc lớn, “biến đổi” thân phận người dân trong tỉnh từ thân phân nô lệ trở thành công dân của nước độc lập, tự do, làm chủ đất nước và vận mệnh bản thân, tạo ra sức sống mới, niềm tin mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Thắng lợi minh chứng cho truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, kiên trung, anh dũng của nhân dân Quảng Bình, được tiếp nối qua các giai đoạn lịch sử và phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Quảng Bình là do đường lối cách mạng đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trên cơ sở đó, Đảng bộ tỉnh đã vận dụng sáng tạo, nhạy bén, chớp thời cơ, lãnh đạo nhân dân giành chính quyền nhanh chóng, trọn vẹn, phù hợp với thực tiễn địa phương.
Ngày nay, quê hương, đất nước sau 37 năm Đổi mới “đã có cơ đồ, tiềm lực, vị thế” lớn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, Quảng Bình nói riêng và đất nước ta còn đứng trước nhiều khó khăn, thử thách cả bên trong lẫn bên ngoài. Trong vận hội mới, điều kiện mới, cần thiết phải phát huy cao độ các giá trị lịch sử, tinh thần cách mạng tháng Tám của nhân dân Quảng Bình trong thời đại mới, từng bước xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Văn Giang
_______________________
1. Tỉnh ủy Quảng Bình: Thông báo số 411-TB/TU về Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả thẩm định sự kiện chi bộ ga Kẻ Rấy, ngày 27/11/2012.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình: Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình, tập 1 (1930-1945), xuất bản năm 1995.