Đẩy mạnh các mô hình kinh tế nông nghiệp tập thể
Tổ hợp tác trồng cây dược liệu Kim Sơn (TX Đông Triều) được thành lập từ đầu năm 2023, trên cơ sở phát triển mô hình trồng cây Cát Sâm, do anh Trịnh Xuân Dương khởi xướng, và 54 thành viên khác góp vốn.
Mô hình nhận được sự hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi từ Hội nông dân (HND) TX Đông Triều để sản xuất. Mặc dù mới trồng gần 8 tháng, nhưng đến nay vườn cát sâm Kim Sơn với trên 1.000 gốc đang phát triển tươi tốt, cây hợp đất, khỏe mạnh, nhiều cây đã ra hoa, kết quả và hiện đang vào giai đoạn tạo củ.
Còn HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Dương, TX Đông Triều đang thực hiện ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Đơn vị này trồng ớt Hàn Quốc, ngô ngọt, nuôi cá, ếch, lươn trong bể bạt không bùn. Đây là mô hình HTX được HND TX Đông Triều đặt nhiều kỳ vọng bởi sự năng động của mỗi xã viên, đã chủ động, sáng tạo trong các mô hình sản xuất, đặc biệt là việc tiếp cận và ứng dựng công nghệ hiện đại vào sản xuất thực tế.
Kể từ năm 2021 đến nay, hàng chục các HTX, tổ hợp tác, mô hình liên kết sản xuất, chi, tổ hội nghề nghiệp... đã được HND các cấp tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ, đỡ đầu để hình thành mới hoặc duy trì, tăng cường sự phát triển. Cụ thể, năm 2021, các cấp HND tỉnh trực tiếp tư vấn, hướng dẫn, vận động cán bộ hội viên nông dân thành lập mới 17 hợp tác xã, 25 tổ hợp tác. Năm 2022, hỗ trợ thành lập mới 21 hợp tác xã và 24 tổ hợp tác, tổ liên kết. Năm 2023, tính đến thời điểm này, HND các cấp tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ thành lập 16 hợp tác xã, 15 tổ hợp tác.
Các mô hình kinh tế tập thể do tổ chức HND tư vấn, hướng dẫn thành lập, hỗ trợ, định hướng hoạt động cơ bản hoạt động có chất lượng, hiệu quả, các thành viên liên kết chặt chẽ trong sản xuất, giúp nhau về kiến thức, kinh nghiệm, nguồn vốn. Nhiều HTX, tổ hợp tác xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất và đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, tạo việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống cho hội viên nông dân.
Điểm chung của các HTX, Tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất nông nghiệp là đã chú trọng phát triển và huy động nguồn vốn góp của thành viên, hoạt động liên kết giữa các HTX, tổ hợp tác được mở rộng.
Thông qua các HTX, tổ hợp tác đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị, thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Sự hỗ trợ của các cấp hội nông dân là động lực để các mô hình kinh tế nông nghiệp tập thể phát triển.
Hỗ trợ, đồng hành để phát triển
Tính đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có 667 HTX, 210 tổ hợp tác và 3 Liên hiệp HTX. Tổng số vốn điều lệ đăng ký hoạt động trên 1.800 tỷ đồng; doanh thu bình quân của mỗi HTX là 850 triệu đồng/năm; lãi bình quân một HTX đạt trên 300 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân một thành viên, lao động trong HTX là 68 triệu đồng/năm. Khu vực kinh tế này là kênh huy động các nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, đóng góp tích cực vào hoàn thành mục tiêu quốc gia trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tham gia tích cực vào chương trình mỗi xã, phường 1 sản phẩm (OCOP) của tỉnh.
Nhiều HTX đã quan tâm hỗ trợ cho thành viên HTX khi gặp khó khăn, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn; xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Thời gian quan, Hội Nông dân tỉnh đã sớm tập trung chỉ đạo, triển khai tích cực các hoạt động tư vấn, hướng dẫn thành lập, định hướng hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể; chủ động tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức kinh tế tập thể, hợp tác xã cho nông dân; chủ động hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, các câu lạc bộ, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp trong hoạt động đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất.
Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tín dụng trên địa bàn để nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ nhóm tín chấp vay vốn, tạo nguồn lực về vốn cho các mô hình HTX, tổ hợp tác phát triển sản xuất.
Hội Nông dân các cấp đã tổ chức trên 40 hội nghị tuyên truyền công nghệ số cho trên 1.500 hội viên nông dân là chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất, trang trại, gia trại; tổ chức 23 hội nghị tập huấn hướng dẫn tạo tài khoản quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Trong đó, 108 sản phẩm OCOP của 53 nhà cung cấp đã giao dịch thương mại trên sàn Postmart.
Hội Nông dân phối hợp tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý, điều hành các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã; tổ chức các hội thảo liên kết 6 nhà trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; tổ chức các buổi tư vấn, đối thoại, phổ biến kiến thức quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thực phẩm chất lượng, an toàn theo chuỗi cho gần 1.000 chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh...
Theo đánh giá, sự phát triển của khu vực kinh tế này cho thấy, Quảng Ninh đã dành sự quan tâm sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương một cách kịp thời, đầy đủ, bài bản.
Hiện tỉnh đang thuộc top 10 toàn quốc về số lượng HTX, tổ hợp tác, với tốc độ nhanh, bền vững, khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của tỉnh, cho thấy nhu cầu thực tiễn, thực chất, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 20/NQ-TW.
Đặc biệt, Quảng Ninh đang là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm được sản xuất bởi các HTX, tổ hợp tác của tỉnh.
Để tiếp tục tạo động lực cho khu vực kinh tế này phát triển, tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khoá XIV đã ban hành Nghị quyết số 155/NQ-HĐND (ngày 12/7/2023) về “Một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025”. Nghị quyết đề ra 7 mục tiêu cụ thể và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh.
Trong đó nổi bật như tiếp tục quan tâm nắm bắt và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa trong thực hiện TTHC liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh; ứng dụng hiệu quả công nghệ số, nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường khả năng tiếp cận vốn, đất đai và mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng và triển khai một số chương trình, kế hoạch, đề án…
Đây tiếp tục là nguồn động lực quan trọng tiếp sức giúp doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh phục hồi ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Nguồn TTXVN