Chiến tranh thế giới thứ hai đã lùi xa hơn 75 năm, nhưng nhiều chuyện xung quanh việc Hoa Kỳ ném hai quả bom nguyên tử xuống đất Nhật Bản vẫn còn gây tranh cãi, rằng có cần thiết sử dụng hai quả bom nguyên tử đó không, Nhật Bản có bị bất ngờ khi hứng chịu bom nguyên tử hay vai trò của hai quả bom nguyên tử đối với việc đầu hàng của quân phiệt Nhật Bản.
Ngày 6 tháng 8 năm 1945, không lực Hoa Kỳ ném quả bom nguyên tử đầu tiên mang tên Little Boy xuống thành phố Hiroshima. Quả bom đã làm 140.000 người thiệt mạng khi bom nổ và trong những ngày sau đó.
Ba ngày sau, ngày mùng 9 tháng 8 năm 1945, Hoa Kỳ ném quả bom nguyên tử thứ hai được đặt tên là Fat Man, xuống thành phố Nagasaki, lấy đi sinh mạng của trên 70.000 người.
Hậu quả và di chứng của hai vụ thả bom còn kéo dài nhiều chục năm sau.
Nhật Bản có bất ngờ khi hứng chịu 2 quả bom nguyên tử của Hoa Kỳ hay không ?
Trước đây, nhiều người cho rằng Nhật Bản hoàn toàn bị bất ngờ khi hứng chịu 2 quả bom nguyên tử của Hoa Kỳ và chịu thiệt hại nặng nề về nhân mạng, nhưng mọi chuyện không hoàn toàn như vậy.
Trước khi Hoa Kỳ ném hai quả bom nguyên tử xuống đất Nhật Bản, không quân Hoa Kỳ đã cho máy bay rải hàng triệu truyền đơn kêu gọi người dân Nhật Bản hãy tránh xa những thành phố và trung tâm quân sự. Tuy nhiên, những truyền đơn này không có tác dụng gì nhiều. Bởi thứ nhất, những trận oanh kích khốc liệt của của không quân Hoa Kỳ và Đồng minh, mặc dù tàn phá nặng nề các thành phố của Nhật Bản, nhưng số người thiệt mạng so với thời gian kéo dài của chiến tranh chưa thực sự làm người Nhật khủng khiếp. Người dân Nhật vẫn có thể bám trụ tại các thành phố, bất chấp các cuộc không kích ác liệt của Đồng minh, bất chấp hàng chục thành phố đã bị san phẳng. Vì vậy, mặc dù đã sơ tán một phần nhưng dân số tại các thành phố của Nhật Bản vẫn ở mức rất cao. Khi quả bom nguyên tử phát nổ, mới chỉ có 130.000 người rời khỏi Hirosima và trong thành phố vẫn còn tới trên 250.000 người. Tương tự, Nagasaki khi hứng chịu quả bom nguyên tử, vẫn có đến gần 200.000 người bám trụ lại thành phố. Nhật Bản hoàn toàn coi nhẹ những lời cảnh báo của Hoa Kỳ.
Hình ảnh bom nguyên tử phát nổ trên bầu trời Hiroshima (trái) và Nagasaki (phải)
(Ảnh Internet)
Tuy nhiên, có thể nói, Nhật Bản cũng bị bất ngờ trước thứ vũ khí mới khủng khiếp là bom hạt nhân của Hoa Kỳ. Mặc dù đã có đến 60 thành phố bị san phẳng và hàng trăm nghìn người thiệt mạng, nhưng đó cả một thời gian dài không gây tâm lý khủng khiếp. Cho nên người Nhật hoàn toàn không ý thức được sức công phá khủng khiếp của vũ khí hạt nhân khi được sử dụng, nên việc sơ tán người dân khỏi các thành phố lớn và trung tâm công nghiệp không được thực hiện một cách triệt để.
Hoa Kỳ đã giữ được hoàn toàn bí mật trong việc sản xuất và sử dụng hai quả bom nguyên tử đầu tiên. Pháo đài bay B 29 chở bom nguyên tử đã bị phát hiện từ rất sớm, nhưng không quân Nhật Bản đã không cất cánh tiến hành đánh chặn từ xa như thông lệ. Thông thường, không lực Hoa Kỳ tiến công Nhật Bản thường với đội hình lớn hàng trăm chiếc máy bay, nhưng việc ném 2 quả bom nguyên tử chỉ được tiến hành với đội hình 3 chiếc máy bay, trong đó có một chiếc có nhiệm vụ ghi hình. Và Nhật Bản đã cho rằng đó chỉ là một phi vụ trinh sát thông thường, không ai nghĩ tốp máy bay đó sẽ giáng xuống đầu người Nhật một đòn khủng khiếp.
Vai trò của hai quả bom nguyên tử đối với việc kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai
Đây là vấn đề cho đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi.
Ngày 9 tháng 5 năm 1945, khi Hồng quân Liên Xô đánh chiếm thủ đô Berlin, phát xít Đức tuyên bố đầu hàng, cuộc chiến tranh cơ bản kết thúc ở châu Âu. Nhưng ở Châu Á, Nhật Bản vẫn duy trì được một lực lượng quân sự rất mạnh tới hơn 7.000.000 quân và vẫn đang chiếm giữ những khu vực rộng lớn. Đặc biệt, đạo quân quan Đông của Nhật Bản hầu như còn nguyên vẹn ở vùng Đông Bắc Trung Quốc.
Sau khi đánh bại phát xít Đức, lực lượng Đồng minh và Liên Xô có điều kiện dốc toàn lực để tiến công quân phiệt Nhật Bản. Lực lượng đồng minh lần lượt lấy lại những phần đất do quân phiệt Nhật Bản chiếm đóng ở Châu Á và oanh kích dữ dội lãnh thổ của Nhật Bản.
Về phần mình, ngày 9 tháng 8 năm 1945, Liênxô tuyên chiến với Nhật Bản và triển khai lực lượng quân sự, tiến công đạo quân Quan Đông của Nhật Bản ở Mãn Châu, Trung Quốc. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt và đến ngày 19 tháng 8 năm 1945, Hồng quân Liênxô đã đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật.
Phía Mỹ và Đồng minh cho rằng tác động của hai quả bom nguyên tử là rất lớn, đã buộc Nhật Bản phải đầu hàng ngày 15 tháng 8. Họ cho rằng Liênxô tuy có lục quân mạnh, nhưng không quân và hải quân lúc đó kém hơn Nhật Bản rất nhiều, riêng lực lượng hải quân chỉ bằng khoảng 1/10 của Nhật Bản, nên Liênxô chỉ có thể đánh bật quân phiệt Nhật khỏi đất liền Châu Á, chứ khó có thể tiến công, đổ bộ, chiếm đóng lãnh thổ Nhật như Đồng Minh.
Tuy nhiên, Liênxô cho rằng sự đầu hàng của Nhật còn có tác động to lớn từ việc Hồng quân Liên Xô tuyên chiến với Nhật, khiến cho Nhật phải đối phó trên hai mặt trận và việc Liên xô đánh tan đạo quân Quan Đông khét tiếng của Nhật Bản.
Có thể nói ý chí chiến tranh của Nhật Bản bị đánh sụp bởi hai đòn mạnh là bom nguyên tử của Hoa Kỳ và việc Hồng quân Liên Xô tuyên chiến, đánh tan đạo quân Quan Đông. Do vậy, mặc dù còn tranh cãi quanh vai trò của hai quả bom nguyên tử đối với việc kết thúc chiến tranh nhưng dư luận đều đồng ý rằng sự đầu hàng của Nhật Bản là do tác động của cả hai sự kiện nói trên. Tác động tâm lý của hai quả bom nguyên tử của Hoa Kỳ thực sự là khủng khiếp. Nhưng ý chí xâm lược của Nhật Bản chỉ thực sự bị đánh bại khi những lực lượng quân sự tinh nhuệ, ưu tú cuối cùng của quân phiệt Nhật Bản bị tiêu diệt. Điều đó dẫn tới sự kiện Nhật đầu hàng Đồng Minh ngày 15 tháng 8 năm 1945.
Hình ảnh thành phố Nagasaki - trước và sau vụ nổ nguyên tử
(Ảnh Internet)
Việc sử dụng hai quả bom nguyên tử có thực sự cần thiết không ?
Ngày nay, các nguồn tin tình báo cho thấy Nhật Bản chắc chắn không tránh khỏi thất bại sau khi khối phát xít ở châu Âu đã bị đánh bại. Các nguồn tin tình báo còn cho biết Nhật Bản sẽ đầu hàng không muộn hơn cuối năm 1945. Trên thực tế, các cuộc thương thuyết về điều kiện Nhật đầu hàng Đồng minh vẫn đang diễn ra và Nhật Bản muốn ra khỏi cuộc chiến tranh theo hướng có lợi nhất.
Vì lẽ đó, nhiều viên tướng trong giới quân sự Mỹ như Đại tướng Dwight D. Eisenhowwer, Đại tướng Douglas Mac Arthur, Đô đốc hạm đội William D. Leahy, , Đại tướng Calr Spaatz, Trung tướng Carter Clarke, cho rằng không cần thiết phải sử dụng đến hai quả bom nguyên tử lấy đi nhiều sinh mạng dân thường đến như vậy. Chỉ cần Đồng minh và Liênxô tiến công mạnh mẽ hơn nữa là chắc chắn Nhật Bản sẽ sớm đầu hàng.
Nhưng những người chủ trương sử sụng bom nguyên tử lại nghĩ khác. Họ cho rằng cần sử dụng bom nguyên tử, tạo ra một chấn động khủng khiếp, buộc Nhật Bản phải nhanh chóng đầu hàng để giảm thiểu thương vong cho lực lượng Đồng minh. Lý lẽ này cũng không phải không có cơ sở, vì trước đó, chỉ để tiến công một hòn đảo của Nhật Bản, Hoa Kỳ đã phải chịu 72.000 thương vong và Hoa Kỳ không muốn cuộc chiến kéo dài, tiêu hao thêm lực lượng chiến đấu nữa.
Thực tế lịch sử cho thấy có vẻ như việc sử dụng hai quả bom nguyên tử là cần thiết để nhanh chóng kết thúc chiến tranh, khi Nhật Bản đã buộc phải tuyên bố đầu hàng Đồng minh sớm hơn các nguồn tin tình báo cho thấy rất nhiều, trước khi đạo quân Quan Đông thiện chiến bị Hồng quân Liênxô đánh tan.
Lời kết
Cho đến nay, sự kiện Hoa Kỳ ném hai quả bom nguyên tử xuống lãnh thổ Nhật Bản là lần đầu tiên và duy nhất vũ khí hạt nhân được sử dụng. Tác động khủng khiếp của nó là lời cảnh báo với loài người nếu chiến tranh thế giới thứ ba nổ ra. Ý thức được vấn đề đó, trong cuộc “chiến tranh lạnh” trước đây giữa Liên xô với Mỹ và các nước Tây Âu, mặc dù chạy đua vũ trang, đã có lúc gay gắt như cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cu Ba năm 1962, nhưng nguy cơ cuộc tranh hạt nhân luôn được tháo ngòi nổ trước khi nó có thể xảy ra vì ai cũng ý thức được rằng nếu để chiến tranh hạt nhân xảy ra, sẽ không có người chiến thắng.
BN (tổng hợp- biên soạn)