Trong nhiệm kỳ của mình, ngoài việc hiện thực hóa ý chí thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, Quốc hội khóa VI còn thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân với việc thông qua bản Hiến pháp năm 1980 và quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước
Trong nhiệm kỳ 5 năm (1976-1981), Quốc hội khóa VI đã họp 7 kỳ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ủy ban thường trực của Quốc hội đã làm việc thường xuyên để nghiên cứu, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như: Thông qua nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ hai (1976-1980); phê chuẩn việc phân chia địa giới 2 thành phố là thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác.
Với mục tiêu thể chế hóa đường lối chiến lược của Đảng được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976), Quốc hội khóa VI đã hoàn thành trọng trách xây dựng bản Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất. Ngày 18/12/1980, tại kỳ họp thứ 7, với sự nhất trí cao, Quốc hội khóa VI đã biểu quyết thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thể hiện một bước phát triển mới trong công tác lập hiến. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, tổng kết và xác định những thành quả cách mạng của nhân dân Việt Nam đã giành được qua nửa thế kỷ đấu tranh để giành độc lập, tự do; thể chế hóa Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng; thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là Hiến pháp thứ ba được Quốc hội ban hành kể từ khi đất nước độc lập, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị cách mạng trong giai đoạn mới. Đồng thời, là sự kế thừa các bản hiến pháp trước đó của nước Việt Nam độc lập, tự do.
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI (Ảnh tư liệu)
Sự ra đời của Hiến pháp năm 1980 là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước và nhân dân Việt Nam. Bản Hiến pháp là vũ khí sắc bén để toàn dân, toàn quân ta tiếp tục thực hiện ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà được đề ra ngay từ thành lập Đảng, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.
Cùng với việc xây dựng thành công Hiến pháp 1980, Quốc hội khóa VI đã thảo luận và ban hành Luật bầu cử đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nguyên tắc chung của luật nêu rõ: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”[1]. Đây là những nguyên tắc cơ bản thể hiện tính chất thật sự dân chủ của chế độ bầu cử ở Việt Nam, thể hiện nguyên tắc cơ bản của Nhà nước, đó là: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.
Căn cứ chức năng, quyền hạn theo luật định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành 5 pháp lệnh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội: Pháp lệnh về việc xin ân xá tử hình và xét duyệt án tử hình (30/11/1978); Pháp lệnh về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (14/1/1979); Pháp lệnh sửa đổi và bổ sung một số điểm về thuế công thương nghiệp và thuế sát sinh (23/6/1980); Pháp lệnh về sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của pháp lệnh năm 1961 quy định thể thức bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp năm 1981 (22/01/1981); Pháp lệnh trừng trị hối lộ (23/5/1981).
Việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Hiến pháp và xây dựng các luật, các pháp lệnh nói trên đã tạo cơ sở pháp lý phát huy quyền dân chủ đối với nhân dân, bảo đảm quyền lợi của nhân dân theo tinh thần của Hiến pháp và pháp luật.
Trong 5 năm hoạt động của Quốc hội khóa VI, hoạt động đối ngoại của có những chuyển biến tích cực theo hướng mở rộng quan hệ với các nước và tổ chức quốc tế. Trong nhiệm kỳ (1976-1981), Quốc hội đã phê chuẩn 13 hiệp định, hiệp ước, công ước quốc tế tế, nghị định thư[2]. Điển hình là Quốc hội đã gia nhập Liên minh Nghị viện thế giới và có những đóng góp tích cực tại các diễn đàn của tổ chức này. Việc ký kết các hiệp ước, hiệp định và nghị định thư nói trên là những sự kiện quan trọng đánh dấu một giai đoạn mới của tinh thần đoàn kết và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Qua đó, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với sự nghiệp củng cố, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Kế tục một cách xứng đáng những thành tựu, bài học kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, Quốc hội khóa VI tiếp tục hoàn thành thống nhất đất nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội; có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính quyền mới ở miền Nam, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất bảo vệ chính quyền trong điều kiện hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn quốc.
Hiến pháp năm 1980 được Quốc hội Khóa VI thông qua
Như vậy, Quốc hội khóa VI (1976-1981) ghi dấu ấn trong lịch sử dân tộc với việc thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, đồng thời cũng đưa ra tuyên bố ghi lại bước đường đấu tranh vẻ vang của dân tộc, xác định những nét lớn về nhiệm vụ chiến lược, về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn các mạng mới. Quốc hội kêu gọi toàn dân hăng hái tiến quân vào các mặt trận lao động, sản xuất, công tác và học tập, vì sự toàn thắng của công cuộc xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Tích cực góp phần vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới. Trên cơ sở này, Quốc hội khóa VI đã đặt nền móng vững chắc cho hoạt động của các nhiệm kỳ quốc hội sau này, góp phần quan trọng đưa đất nước phát triển nhanh chóng, đột phá và bền vững.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Quốc hội Việt Nam, cuộc bầu cử đại biểu khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức vào ngày 23/5/2021 trên phạm vi cả nước. Cuộc bầu cử là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là nơi cử tri cả nước phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới. Qua đó, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, hào hùng của dân tộc, xứng đáng là cơ quan đại diện cho quyền lực của Nhân dân Việt Nam; xứng đáng với lời biểu dương của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Quốc hội ta hết lòng vì dân, vì nước, đã làm tròn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu nhân dân". Để Quốc hội trở thành nơi nhân dân gửi gắm niềm tin, nơi gặp gỡ của “ý Đảng, lòng dân” để thực hiện hóa khát vọng phát triển dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, như mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.
[1] Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Lịch sử Quốc hội Việt Nam, tập III (1976-1992), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.30
[2] Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào (ngày 15/9/1977); Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào (28/10/1977); Hiệp ước hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hoà dân chủ Ðức (ngày 13/12/1977); Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô (ngày 29/11/1978); Hiệp ước hoà bình, hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia (ngày 23/2/1979); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định lãnh sự giữa Việt Nam và Ba Lan (ngày 13/11/1979); Hiệp định lãnh sự giữa Việt Nam và Liên Xô (ngày 28/6/1979); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Mông Cổ (ngày 18/12/1979); Hiệp định lãnh sự Việt Nam và Bungari (ngày 01/10/1979); Hiệp định lãnh sự giữa Việt Nam và Cộng hoà dân chủ Ðức (ngày 31/10/1979); Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Tiệp Khắc (ngày 27/3/1980)…