Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cử tri cả nước đã tiến hành bầu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất. Quốc hội khóa VI đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước
Hoàn thành khát vọng thống nhất, đất nước trọn niềm vui!
Ngày 25/4/1976, nhân dân 2 miền Nam - Bắc nô nức tham gia ngày hội Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất (khóa VI). Đây là lần thứ 2 cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội được tổ chức trên phạm vi cả nước, là ngày hội biểu dương vĩ đại của lực lượng và ý chí của toàn thể nhân dân Việt Nam, ngày hội lớn hiện thực hóa ước vọng của nhân dân.
Trong không khí tưng bừng, trên 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ đất nước, đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình, bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất. Cử tri đã lựa chọn và bầu đủ 492 đại biểu trong vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm, trong đó, đại biểu có thành phần xuất thân là công nhân chiếm 16,26%, nông dân 20,33%, thợ thủ công 1,22%, cán bộ chính trị 28,66%, quân nhân cách mạng 10,97%, trí thức 18,50%, nhân sĩ dân chủ và tôn giáo 4,06%, đại biểu nữ 26,21%, đại biểu các dân tộc thiểu số 14,28%[1].
Như vậy, kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I (ngày 6/01/1946), sau 30 năm tranh đấu bảo vệ độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cuộc Tổng tuyển cử chung lại được tổ chức trên phạm vi cả nước. Đây là một trong những mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước sau khi đất nước thống nhất đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Đây là thắng lợi của đường lối cách mạng sáng tạo dưới sự lãnh đạo của Đảng và ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và thống nhất đất nước như Người đã khẳng định: “Nước Việt Nam ta là một, Dân tộc Việt Nam ta là một. Dù cho sông cạn đá mòn, Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà"[2].
Thành phần của đại biểu Quốc hội khóa VI được cử tri lựa chọn đã phản ánh đậm nét hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Lá phiếu cử tri thật sự là ý nguyện thống nhất của mỗi công dân Việt Nam. Đi bỏ phiếu là thực hiện quyền làm chủ của mình, nhằm chọn người xứng đáng thay mặt mình, mang trách nhiệm lớn lao là lập Quốc hội chung cho cả nước, lập nên một Chính phủ thật sự đại diện cho gần 50 triệu trái tim Việt Nam từ Nam chí Bắc.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa Vi (Ảnh tư liệu)
Tại kỳ họp thứ nhất[3], Quốc hội đã bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, 7 Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, 13 Ủy viên chính thức và 2 Ủy viên dự khuyết. Quốc hội thành lập các ủy ban: Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách, Ủy ban Dự án pháp luật, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Văn hóa và Giáo dục, Ủy ban Y tế và Xã hội, Ủy ban Đối ngoại.
Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các giai đoạn đấu tranh cách mạng, Quốc hội đã thảo luận và thông qua nghị quyết về tên gọi của Quốc hội được bầu trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 25/4/1976 là Quốc hội khóa VI - Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Quốc hội quyết định đổi tên nước “Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; quy định Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam “nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”; Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam “hình tròn, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội;Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “bài Tiến quân ca”[4].
Thể theo nguyện vọng thiết tha của nhân dân thành phố Sài Gòn – Gia Định với lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mong muốn thành phố được mang tên Người. Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, Quốc hội ra Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc hội thống nhất, đồng thuận với một ý chí rất cao, thể hiện niềm tin của nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đại biểu Quốc hội biểu quyết với tỷ lệ cao cho những quyết định quan trọng cho bước phát triển mới của đất nước. Việc để thống nhất đặt tên nước cho phù hợp với tình hình đất nước sau ngày giải phóng không đơn giản và dễ dàng để tiếp thu ngay. Nhưng các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết rất cao cho việc đặt tên nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tên nước là sự kết tinh bằng bao nhiêu xương máu của đồng bào, chiến sĩ ta mà không thể đo được, đếm được để bảo vệ nền độc lập cho dân tộc. Việc chọn Thủ đô Hà Nội, đặt tên Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội thể hiện vì ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đối với mỗi người dân Việt Nam, Bác Hồ là điều thiêng liêng nhất. Hà Nội là nơi Bác đã yên nghỉ, đây cũng nơi Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì thế mà việc quyết định đặt thủ đô tại Hà Nội đã được đại biểu đồng tình ủng hộ và biểu quyết rất cao. Tương tự, việc quyết định chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn-Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh cũng được đại biểu Quốc hội thống nhất cao, bởi đây chính là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng đất nước.
Đồng chí Lê Duẩn trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI (Ảnh tư liệu)
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử cùng với thắng lợi của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI đánh dấu sự thống nhất đất nước về mặt Nhà nước sau 30 năm chiến tranh chia cắt hai miền đất nước. Đây là thành quả vĩ đại của 45 năm nhân dân ta đấu tranh cách mạng không ngừng kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, là thắng lợi của 30 năm kháng chiến lâu dài, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với đường lối đúng đắn, chủ động, sáng tạo, Đảng đã quy tụ sức mạnh của toàn dân, thu non sông về một mối, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Kết quả cuộc tổng tuyển cử đưa đến sự ra đời của Quốc hội khóa VI- Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Đó là sự kế thừa và phát triển liên tục từ Quốc hội khóa I năm 1946, thể hiện sự nhất quán trong đường lối cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Quốc hội khóa VI đã tiếp tục thực hiện trọng trách to lớn của mình trong việc thiết lập cơ cấu lãnh đạo chung của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân và vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân.
Những kết quả của cuộc Tổng tuyển cử và kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI đã tạo thêm điều kiện thuận lợi để nhân dân ta tiếp tục thực hiện lời căn dặn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Đồng thời, còn có ý nghĩa chính trị to lớn, tiếp theo chiến thắng vĩ đại về quân sự vào mùa Xuân năm 1975, mở ra cơ hội cho quá trình hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế của Quốc hội Việt Nam, trong vị thế của một Nhà nước độc lập, thống nhất.
“Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng tha thiết bậc nhất của đồng bào cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển các mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam”[5]. Thống nhất đất nước tạo ra sức mạnh mới để phát triển kinh tế, xã hội và củng cố quốc phòng, tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
[1] Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Lịch sử Quốc hội Việt Nam, tập III (1976-1992), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.22
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr.12
[3] Họp từ ngày 24/6 đến 3/7/1976
[4] Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Lịch sử Quốc hội Việt Nam, tập III (1976-1992), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.30
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 37, tr.36, tr.395