Từ bỏ ngai vàng không bao giờ là một việc dễ dàng. Trong những ngày sôi sục trước và trong Cách mạng tháng Tám, vị Hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam đã đi đến quyết định thoái vị như thế nào ?
Cách mạng tháng Tám đã xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm ở Việt Nam . Nhưng không như những quốc gia khác, việc xoá bỏ chế độ quân chủ được thực hiện bằng một con đường riêng biệt của Việt Nam: Vận động Vua thoái vị.
Chính phủ Trần Trọng Kim tập hợp nhiều trí thức tiến bộ. Một số trí thức như Hồ Tá Khanh, Nguyễn Hữu Thi, Trần Đình Nam, Phạm Khắc Hoè... ít nhiều chịu ảnh hưởng của phong trào Việt Minh, chủ trương vận động vua Bảo Đại tự nguyện thoái vị.
Tuy nhiên, trong nội các, có nhiều người, đứng đầu là Trần Trọng Kim chống lại việc vận động Bảo Đại thoái vị, muốn duy trì chế độ quân chủ, qua đó, duy trì địa vị của mình.
Trước những biến đổi nhanh chóng của thời cuộc, ngày 5-8-1945, nhiều bộ trưởng xin từ chức[1], nội các Trần Trọng Kim đứng trước nguy cơ tan rã.
Ngày 6-8-1945, Bảo Đại chấp nhận đơn từ chức của toàn thể nội các Trần Trọng Kim và giao cho Trần Trọng Kim thành lập nội các mới. Mặc dù Nhật đang đại bại ở mặt trận châu Á - Thái Bình Dương và phong trào cách mạng của quần chúng trong nước ngày càng lên mạnh, Bảo Đại vẫn trông chờ vào sự che chở của người Nhật, hy vọng quân đội Nhật sẽ không “khoanh tay ngồi nhìn để cho dân chúng muốn làm chi thì làm”[2].
Ngày 15-8-1945, Chính phủ Nhật đầu hàng Đồng Minh. Cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam bùng nổ. Hy vọng của Bảo Đại giành độc lập từ Nhật ngày càng tàn lụi.
Trong khi Trần Trọng Kim cùng Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Duy Quang, Phạm Quỳnh muốn “cứu vãn tình thế”, ngăn cản làn sóng của Việt Minh và duy trì chế độ quân chủ, thì Phạm Khắc Hoè và Trần Đình Nam nhận thấy cần phải ngăn chặn việc “lợi dụng Bảo Đại để lừa bịp nhân dân, gây khó khăn cho bước tiến của dân tộc”, nên tích cực xúc tiến vận động Bảo Đại thoái vị.
Tại cuộc họp sáng ngày 16-8-1945 do Bảo Đại chủ trì, Trần Đình Nam đề nghị toàn bộ nội các và Bảo Đại rút lui để nhường hẳn quyền bính cho Việt Minh.
Tranh vẽ sự kiện Bảo Đại thoái vị, trao ấn kiếm được tái hiện tại bảo tàng
Lịch sử - Cách mạng Thừa Thiên - Huế.
Trần Trọng Kim kiên quyết phản đối, “lên án Trần Đình Nam dám đòi nhà Vua bỏ ngôi báu”. Luật sư Vũ Văn Hiền thì chủ trương “đồng ý giao quyền bính cho Việt Minh, nhưng về mặt hình thức, vẫn phải giữ chế độ quân chủ với nội các Việt Minh thì mới “hợp pháp”.
Với sự thuyết phục của các luật sư Vũ Văn Hiền, Trịnh Đình Thảo và Phan Anh, toàn thể nội các đồng ý giao cho Phạm Khắc Hoè thảo Đạo dụ số 105 ngày 17-8-1945, gồm hai điểm chính: một là, Bảo Đại sẵn sàng giao chính quyền cho Việt Minh và mời các lãnh tụ Việt Minh về Huế thành lập nội các; hai là, vấn đề chính thể sẽ do nhân dân quyết định sau, Bảo Đại cam đoan sẽ làm theo ý chí của nhân dân. Đạo dụ này tạo điều kiện cho Bảo Đại vẫn giữ được ngai vàng mà không phải làm gì cả, nên ông “tỏ ra hào hứng khi hạ bút phê chuẩn”[3].
Đến lúc này, niềm tin của Bảo Đại đối với quân phiệt Nhật Bản đã tiêu tan, nhưng vẫn hy vọng giữ được ngôi vị Hoàng Đế với một nội các của Việt Minh.
Trên cơ sở bàn bạc và thống nhất với Trần Đình Nam, Phạm Khắc Hoè dự thảo một tờ Chiếu kêu gọi động viên toàn dân, trong đó có đoạn viết: “Muốn củng cố nền độc lập của nước nhà và bảo vệ quyền lợi của dân tộc, Trẫm sẵn sàng hy sinh về tất cả các phương diện. Trẫm để hạnh phúc của dân Việt Nam lên trên ngai vàng của Trầm. Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ. Trẫm chắc rằng toàn thể quốc dân cùng một lòng hy sinh như Trẫm…”[4].
Chiều 17-8-1945, Bảo Đại ký bản Chiếu, nhưng vẫn băn khoăn, không biết lãnh tụ của Việt Minh là ai và có đồng ý giữ chính thể quân chủ hay không?
Ngày 19-8-1945, nhận được tin quần chúng cách mạng giành chính quyền ở Hà Nội, nhưng “với quyết tâm sắt đá nhằm duy trì vị trí lung lay của mình”, Bảo Đại “ra lời kêu gọi dân chúng ủng hộ”.
Ngày 20-8-1945, Bảo Đại gửi điện cho Tổng thống Mỹ Truman, Vua Anh George VI, Thống chế Tưởng Giới Thạch và Đại tướng Pháp De Gaulle để tranh thủ sự công nhận đối với vị trí của ông[5].
Nhưng tất cả đều im lặng.
Ý tưởng của Bảo Đại về “bảo vệ nền độc lập giành được từ trong tay Nhật” và niềm tin “lãnh tụ Việt Minh sẽ vào Huế thành lập nội các”[6] theo chế độ quân chủ cuối cùng đã tiêu tan.
Trong khi Bảo Đại vẫn đang trăn trở về việc giữ chế độ quân chủ với một nội các mới của Việt Minh, bão táp của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám dồn dập nổi lên và giành thắng lợi ở nhiều nơi, kể cả thành thị và nông thôn.
Buổi sáng ngày 20-8-1945, tại Việt Nam học xá Hà Nội, các sinh viên đại học dưới sự dẫn dắt của Phan Anh và Tạ Quang Bửu tổ chức một cuộc míttinh quần chúng với danh nghĩa Tổng hội sinh viên. “Họ đưa ra một quyết nghị mạnh mẽ kêu gọi Bảo Đại thoái vị và thành lập một Chính phủ kiểu Cộng hoà dưới sự bảo trợ của Mặt trận Việt Minh, yêu cầu Mặt trận Việt Minh mở các cuộc thảo luận với tất cả các đảng phái chính trị để lập ngay một Chính phủ lâm thời, và cuối cùng là kêu gọi nhân dân và các đảng phái chính trị hãy ủng hộ Chính phủ lâm thời để thực hiện sự độc lập của dân tộc”[7]. Chiều hôm đó, bốn trí thức là Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Hữu Tường đánh một bức điện vào Huế, yêu cầu Bảo Đại thoái vị. Bức điện viết: “Một Chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời đã được thành lập. Chủ tịch là Cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu đức Vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập nước nhà”[8].
Sức ép đòi Bảo Đại thoái vị ngày càng gia tăng từ nhiều phía. Trong những ngày 19 và 20-8-1945, thư kêu gọi tổng khởi nghĩa của Nguyễn Ái Quốc được dán ở nhiều địa điểm công cộng ở Huế. Không khí cách mạng trong quần chúng cố đô ngày một lên cao. Phạm Khắc Hoè tích cực vận động Bảo Đại nên tự thoái vị, “nhường tất cả quyền bính cho Việt Minh”, giải thích cho Bảo Đại biết về nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc là người đứng đầu Việt Minh, chỉ cho Bảo Đại thấy khi thoái vị “vẫn được an toàn vô sự nhờ có sự che chở của cách mạng”. Bảo Đại nói: “Nếu quả người cầm đầu Việt Minh là “thánh Nguyễn Ái Quốc” thì tôi sẵn sàng thoái vị ngay”[9]. Có được tín hiệu này, Phạm Khắc Hoè tập trung hoàn thành dự thảo chiếu thoái vị cho Bảo Đại ngay trong đêm ngày 20-8-1945.
Bảo Đại sống lưu vong tại Hồng Kông, tháng 6-1948, Ảnh Tạp chí Time (Mỹ)
Sáng ngày 23-8-1945, giữa lúc khí thế cách mạng của quần chúng tại Huế đang ngùn ngụt bốc cao, Thành bộ Việt Minh tỉnh Nguyễn Tri Phương (Thừa Thiên) gửi thư cho Bảo Đại, yêu cầu ông trả lại chính quyền cho nhân dân và hứa sẽ bảo đảm tính mạng, tài sản cho hoàng gia.
Bức tối hậu thư hạn cho Bảo Đại phải trả lời trước 13 giờ 30 phút ngày 23-8-1945 và cử ông Phạm Khắc Hoè làm liên lạc giữa Bảo Đại và chính quyền cách mạng.
Nhận được bức thư trên, 12 giờ 15 phút trưa ngày 23-8-1945, Bảo Đại chủ trì cuộc họp nội các lâm thời gồm Trần Trọng Kim, Trần Văn Chương, Trần Đình Nam, Trịnh Đình Thảo, Vũ Văn Hiền và Nguyễn Hữu Thi, thống nhất chấp nhận những điều kiện của Việt Minh và bàn về dự thảo Chiếu thoái vị.
Sáng ngày 24-8-1945, theo lời khuyên của Ngự tiền Văn phòng Đổng lý Phạm Khắc Hoè, nhất là khi biết Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc, Bảo Đại nói: “Ca vaut bien le coup alors” (“Như thế thì thật đáng thoái vị”). Được sự đồng ý của Bảo Đại, Phạm Khắc Hoè gửi ngay cho Uỷ ban Nhân dân cách mạng Bắc Bộ bức điện, toàn văn như sau:
“Khâm phụng Hoàng đế sắc văn phòng tôi trả lời bức điện số 6 DT của quý Uỷ ban rằng: Ngài vui lòng thoái vị ngay và đã sắp đặt sẵn sàng, nhưng vì có trách nhiệm đối với lịch sử và toàn thể quốc dân và muốn Chính phủ mới chính thức ra mắt quốc dân một cách long trọng, ngài mong ông Chủ tịch Chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời gấp về Thuận Hoá để ngài giao chính quyền và ngài muốn ông cho biết ngày làm lễ ấy. Đồng thời Hoàng đế lại sắc văn phòng tôi sao chuyển bức điện văn này cho nhà đương chức Nhật Bản và Ủy ban nhân dân cách mạng tại Thuận Hoá biết”[10].
Như vậy, trong những tuần đầu tháng Tám năm 1945, Bảo Đại vẫn giằng xé trong việc thoái vị để níu giữ chế độ quân chủ và quyền lực cá nhân. Nhưng sức mạnh vô địch của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cuối cùng đã buộc Bảo Đại thoái vị, chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam trong hòa bình. Đây cũng là một điểm đáng chú ý trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Vũ Quang
[1] Những bộ trưởng xin từ chức là Trần Đình Nam (Bộ Nội vụ), Hồ Tá Khanh (Bộ Kinh tế), Nguyễn Hữu Thi (Bộ Tiếp tế). Bộ trưởng Bộ Y tế - Cứu tế Vũ Ngọc Anh bị máy bay Mỹ bắn chết.
[2] Phạm Khắc Hoè: Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1987, tr. 53.
[3] Phạm Khắc Hoè: Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1987, tr.45-57.
[4] Trần Trọng Kim: Một cơn gió bụi, Nxb. Vĩnh Sơn, Sài Gòn, 1969, tr.195-196.
[5] Patti Archimedess L. A: Tại sao Việt Nam? Nxb. Đà Nẵng, 2001, tr.388.
[6] Phạm Khắc Hoè: Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Sđd, tr.55, 60.
[7] Patti Archimedes L. A: Tại sao Việt Nam? Nxb. Đà Nẵng, 2001, tr.389.
[8]Báo Cứu quốc, ngày 27-8-1945.
[9] Phạm Khắc Hoè: Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Sđd, tr.60-61.
[10] Báo Cứu quốc, ngày 27-8-1945.