Sau khi Hiệp định Genève ký kết (20-7-1954), đất nước Việt Nam bị chia cắt làm hai miền. Nhiệm vụ cách mạng ở miền Bắc là hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, tiến lên chủ nghĩa xã hội; ở miền Nam là tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Miền Nam những năm 1954-1975 có những biến động xã hội to lớn, có nhiều luồng tư tưởng cùng ảnh hưởng và gây ra những tác động phức tạp đến đời sống người dân. Song, ý thức hệ Mác-Lênin và lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vẫn là chủ đạo. Ngay trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, cảm hứng yêu nước, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của các nhà văn kháng chiến hoạt động bí mật hay những nhà văn có tinh thần dân tộc vẫn là một khuynh hướng lớn.
Nguyễn Văn Xuân là một cây bút tự do, vừa viết văn, vừa là nhà nghiên cứu, phê bình. Ông sống ở Đà Nẵng nhưng tác phẩm xuất bản và cộng tác với các tạp chí chủ yếu là ở Sài Gòn, có nhiều tác phẩm gây được tiếng vang trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, Phong Lê (Nguyên Viện trưởng Viện Văn học) đã khẳng định ông là “một gương mặt tiêu biểu trong đời sống văn chương - học thuật của miền Nam 1954-1975”. Các tác phẩm của ông thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc nhưng thầm kín để có thể qua các khâu kiểm duyệt về tư tưởng của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Vì vậy, một trong những đề tài ông thường khai thác đó là cái chết của các nhân vật là sĩ phu yêu nước trong lịch sử. Cái chết đã trở thành một biểu tượng mang nhiều ý nghĩa, nó tiếp tục khẳng định tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh trong văn xuôi của ông.
Bức hoạ nhà văn Nguyễn Văn Xuân
Tập truyện Hương máu có bảy truyện ngắn thì tất cả đều đề cập về cái chết của các nhân vật chính và nhiều nhân vật khác trong bối cảnh những “ngày tàn của Nghĩa Hội”. Nguyễn Văn Xuân có cảm hứng lớn, bộc lộ mối quan tâm, sự ám ảnh sâu sắc về cái chết. Truyện ngắn Hương máu được lấy làm nhan đề cho cả tập truyện, có bốn cái chết được nhà văn tập trung miêu tả, thì có tới ba cái chết của các thủ lĩnh, chiến tướng của phong trào Nghĩa Hội vùng Quảng Nam đến Bình Định.
Cái chết của ông Phan Bá Phiến uống thuốc độc tự vẫn trước mặt toàn thể bá quan văn võ của Nghĩa Hội, các quan chức địa phương dự và dân chúng được diễn ra trong buổi lễ trọng đại. Trong buổi lễ ấy, ông Hường (Nguyễn Duy Hiệu) và ông Phan, hai vị thủ lĩnh của phong trào Cần Vương tuyên bố đã đến giai đoạn thoái trào, đã thất bại, “đại cuộc đã hỏng”. Họ quyết định giải tán Nghĩa Hội vì không muốn người của Hội phải chết thêm nữa, họ muốn gìn giữ lực lượng, để phát triển phong trào theo một hướng khác phù hợp hơn trong thời đại mới. Ông Phan là người ghi chép và giữ tất cả các loại giấy tờ, danh sách hội viên, nên ông đốt đi và chết ngay trong đại lễ này để tất cả các hội viên ở ba tỉnh tin tưởng là không ai còn bằng chứng tố cáo những người theo Nghĩa Hội. Cái chết của ông Phan gây xúc động mãnh liệt cho những người có mặt. Khi ông Phan ngã xuống, ông Hường đỡ lấy xác, thì một người đã thét lên: “Phan đại nhân! Tôi nguyện sẽ giết hết, giết hết chúng nó để trả thù cho ông! Một tiếng “Giết hết” như gầm, như thét đáp ứng lại từ hàng các quan văn võ, quân lính đến cả dân chúng già trẻ tụ tập tới xem”. Như vậy, một người ngã xuống sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người đứng lên chống giặc cứu nước. Đây là truyền thống đã trở thành một hằng số, thành nét đặc trưng nhất trong giá trị tinh thần người Việt, mà sau cái chết của ông Phan thì ngọn lửa âm ỉ ấy đã bùng cháy lên trong tâm trí mọi người.
Cái chết của người thủ lĩnh cao nhất là ông Hường lại thể hiện chiều kích khác của lòng yêu nước. Ông đã cố ý để bị giặc bắt ở gần Hội An, sau đó giải ra kinh thành tại Huế. Ông Hường muốn được xét xử để ông nhận tất cả tội về mình, “vừa bảo toàn sinh mạng các đảng nhân, vừa biểu lộ ý chí cứu quốc công khai”. Cái chết ấy được người dân đứng chật đường nhưng nghiêm trang, “im lặng, kính cẩn và nhiều kẻ khóe mắt rưng rưng” nhìn thần tượng của họ. Cái chết của ông “diễn ra theo cái truyền thống oanh oanh liệt liệt với nụ cười lặng lẽ của các chí sĩ Việt Nam. Cái chết không còn có tính cách bị chặt đầu một cách thảm hại mà cốt đạt cho được bốn chữ “thung dung tựu nghĩa” để gây một xúc động bất tuyệt trong lòng kẻ hậu sinh, cốt truyền tiếp một niềm tin tưởng không bao giờ dứt”.
Cái chết của quan Tổng đốc Hoàng Diệu (truyện ngắn Viên đội hầu) thể hiện tinh thần tử chiến giữ thành Hà Nội, dù biết rằng triều đình nhà Nguyễn đã đầu hàng giặc. Ông quên ăn, quên ngủ đi đốc thúc mọi người kiên quyết giữ thành bằng mọi giá, dù rằng hỏa lực, sức tấn công của Pháp rất dữ dội. Cuối cùng, thành bị phá, ông đã đến Võ Miếu để “chịu tội với các tiên liệt”. Sau khi tạ tội trong điện thờ, ông lấy khăn nhiễu quấn đầu làm dây thắt cổ tự vẫn trên cây đại thụ vì không giữ được Thành. Cái chết thể hiện tấm lòng yêu nước nồng nàn, mãnh liệt, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, làm lay động lòng người.
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân và tập truyện ngắn "Hương Máu"
Các biểu tượng cái chết nói trên đều thể hiện tinh thần xả thân vì đất nước. Họ sẵn sàng đón nhận cái chết nhẹ tựa hồng mao nhưng lại nặng nợ núi sông, đúng như tinh thần “Non sông đã chết sống thêm nhục” (Phan Bội Châu). Những cái chết ấy đã “hóa thân cho dáng hình xứ sở”, là niềm tin, là cơ sở để dòng dõi con Lạc cháu Hồng “làm nên Đất nước muôn đời” (Nguyễn Khoa Điềm). Các nhân vật không lo sợ trước khi chết, họ ung dung lựa chọn cách chết cho mình. Vấn đề họ quan tâm là làm sao cái chết ấy có ý nghĩa nhất với dân, với nước. Ấy là sự tụng ca dành cho những người xác tín lòng yêu nước, sẵn sàng lấy cái chết để bảo vệ, để duy trì xác tín ấy. Cái chết không có gì là đáng sợ, cái đáng sợ là có dám chết vì dân, vì nước không, hay cố kéo dài sự sống mà chẳng để lại một dấu ấn nào với cuộc đời. Những cái chết đó đã chứng minh một sự lựa chọn đã trở thành hằng số của dân tộc Việt Nam: “Chết đứng còn hơn sống quỳ”…
Đó là một vài cái chết của các “anh hùng” có tính biểu tượng trong tập truyện Hương máu của Nguyễn Văn Xuân, phản ánh những nét tính cách mãnh liệt của con người xứ Quảng. Càng ý nghĩa hơn khi những truyện ngắn này ra đời ở các đô thị miền Nam những năm 1960, giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến tranh chống mỹ cứu nước. Đó chính là những biểu hiện ý chí sắt đá của con người xứ Quảng luôn phải đi đầu “gánh vác sứ mệnh lịch sử”. Năm 1858, tại Đà Nẵng, họ đã chặn đứng cuộc tấn công của thực dân Pháp, làm thất bại kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh ngay khi mở đầu đánh chiếm nước ta. Đến giai đoạn chống Mỹ, vùng đất này lại tiếp tục được tuyên dương danh hiệu: “Quảng Nam trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Sau này, tổng kết về những hy sinh, mất mát trong chiến tranh, Quảng Nam là địa phương chịu nhiều tổn thất nhất với hơn 65.000 liệt sĩ (là tỉnh có nhiều liệt sĩ nhất cả nước). Về danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, Quảng Nam cũng là tỉnh có nhiều nhất cả nước với hơn 14.500 Mẹ. Với truyền thống yêu nước nồng nàn của quê hương như vậy, Nguyễn Văn Xuân đã ghi lại bằng nhiều tác phẩm có giá trị với những hình tượng anh hùng, những cái chết lẫm liệt làm lay động lòng người, thức tỉnh lương tâm.
Tài liệu trích dẫn:
Nguyễn Văn Xuân (1969), Hương máu, Trường Sơn xuất bản, Sài Gòn.
Anh Vũ