Sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ và những nỗ lực tái chiếm thất bại, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã đi đến quyết định rút bỏ Tây Nguyên, mở đầu cuộc triệt thoái trong hỗn loạn của Quân đoàn 2 Quân lực Việt Nam Cộng hòa với những hậu quả nặng nề
Quyết định và kế hoạch lui binh
Vào những năm cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam, Quốc hội Hoa Kỳ đã cắt giảm tối đa viện trợ cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Hoa Kỳ đã quyết tâm rút ra khỏi cuộc chiến tranh đã làm chia rẽ sâu sắc nước Mỹ, không có phản ứng gì đáng kể trước việc Quân giải phóng đánh chiếm tỉnh Phước Long vào đầu tháng 01/1975.
Đây là thời điểm Việt Nam Cộng Hòa đang ở vào giai đoạn khó khăn nhất trong suốt cuộc chiến đã kéo dài gần 20 năm. Việt Nam Cộng hòa không còn đủ khả năng và phương tiện để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ miền Nam. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã có ý quyết định rút bỏ Quân khu I và II, chỉ giữ lại Quân khu III và IV.
Trong hai cuộc họp vào ngày 11/3 và 14/3/1975 với Đại tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng và Trung tướng Đặng Văn Quang, Cố vấn an ninh quân sự, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu - Tổng tư lệnh tối cao của Quân lực Việt Nam cộng hòa đã trực tiếp ra lệnh cho Thiếu tướng Phạm Văn Phú rút bỏ cao nguyên. Nhiệm vụ chỉ huy cuộc triệt thoái này được Tướng Phú giao cho Chuẩn tướng Phạm Duy Tất.
Lệnh của Tổng thống Thiệu là giữ bí mật tuyệt đối, phải rút lui nhanh gọn để bảo toàn sự bất ngờ. Tuy nhiên, tính chất tối mật này không giữ được lâu, vì trên thực tế, không thể nào có thể giữ được bí mật việc di chuyển cả một quân đoàn. Chỉ có Sư đoàn 6 không quân sẽ tự lo liệu để di chuyển toàn bộ lực lượng về căn cứ không quân Phan Rang, tất cả các lực lượng còn lại của Quân đoàn 2 sẽ đi chung với nhau.
Toàn bộ các lực lượng chủ lực của Quân đoàn 2 có mặt trong vùng Pleiku, Kom Tum lúc đó bao gồm: 1 tiểu đoàn bộ binh thuộc trung đoàn 44, Sư đoàn 23 Bộ binh; 6 liên đoàn Biệt động quân; Thiết đoàn 21 chiến xa M48 thuộc Lữ đoàn 2 kỵ binh; 2 tiểu đoàn pháo binh 155 mm và 1 tiểu đoàn pháo binh 175 mm tầm xa cùng với Liên đoàn 2 Công binh chiến đấu và Liên đoàn 231 yểm trợ tiếp vận.
Theo kế hoạch mà tướng Phạm Văn Phú đã đề nghị tại cuộc họp, liên tỉnh lộ 7 là con đường đã được chọn để rút quân. Lý do là vì hai quốc lộ huyết mạch nối liền cao nguyên với duyên hải là quốc lộ 19 và 21 điều đã bị các đơn vị quân giải phóng đóng chốt, cắt đứt và phong tỏa. Liên tỉnh lộ 7B là một con đường bỏ hoang, nhưng đó là con đường duy nhất còn lại và có thể tạo ra yếu tố bất ngờ và cần thiết cho cuộc rút quân.
Cuộc lui binh trong thảm họa, cầu phao bắc qua sông Ba thuộc tỉnh Phú Yên (Ảnh tư liệu)
Kế hoạch rút quân gồm có bốn bước.
Bước đầu tiên, vào ngày 16/3, Liên đoàn 20 Công binh đi tiền tiêu, mở đường và sửa chữa cầu đường nếu cần, Liên đoàn 6 biệt động quân đi theo để yểm trợ. Cùng đi có một số đơn vị tiếp vận, quân vụ, di chuyển trên khoảng 200 xe quân sự, cùng với một số đơn vị pháo binh và một chi đoàn xe thiếp giáp thuộc Thiết đoàn 21 đi theo để bảo vệ đoàn xe.
Ngày 17/3, các đơn vị còn lại của tiếp vận, pháo binh và quân y với một chi đoàn chiến xa, di chuyển trên khoảng 250 xe quân sự và 1 chi đoàn thiết giáp M48 đi theo bảo vệ.
Ngày 18/3, đến lượt các đơn vị của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 một vài đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 bộ binh, các đơn vị quân cảnh, tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 44 của Sư đoàn 23 và một đơn vị thiết giáp đi theo bảo vệ, tổng số khoảng 250 xe quân sự.
Bước cuối cùng, ngày 19/3, các liên đoàn biệt động quân còn lại và các đơn vị thiết giáp còn lại đi sau cùng để ngăn chặn quân giải phóng truy kích.
Cuộc lui binh trong hỗn loạn và hậu quả nặng nề
Ngày đầu tiên, cuộc rút quân chiến lược diễn ra theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, vào cuối ngày, dân chúng ở Pleiku đã biết và kéo nhau chạy theo đoàn quân rút lui.
Cũng trong buổi chiều ngày hôm đó, Tướng Văn Tiến Dũng đã nắm được kế hoạch Quân đoàn 2 Việt Nam Cộng hòa rút bỏ Tây Nguyên, nên ra lệnh cho bộ đội ta thuộc Sư đoàn 320, cấp tốc truy kích, tiêu diệt sinh lực địch ở mức cao nhất, không cho Quân đoàn 2 Quân đội Sài Gòn rút lui an toàn.
Ngày hôm sau, dân chúng bắt đầu nhập vào đoàn quân và rút chạy bằng đủ tất cả những phương tiện di chuyển mà họ có, khiến cho đoàn quân không thể di chuyển nhanh được. Ngày 18/3, đoàn quân đến được Cheo Reo và ngừng lại vì công binh chưa làm kịp cầu để bắc qua sông Ba ở phía Nam. Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân đoàn 2, dưới sự chỉ huy của Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm đặt ngay tại một trường học trong thị trấn Hậu Bổn, nhưng ngay tối hôm đó, các đơn vị của Sư đoàn 320 quân giải phóng đã bắt kịp đoàn quân triệt thoái tại Cheo Reo và bắt đầu tấn công bằng hỏa lực mạnh mẽ, gây thiệt hại rất nặng cho đoàn quân rút chạy. Rất nhiều nhiều xe quân sự bốc cháy, nhiều trọng pháo và thiết giáp bị phá hủy, xe cộ và xác quân lính ngổn ngang trên tỉnh lộ và trong thị trấn.
Liên đoàn 23 biệt động quânđược lệnh chiếm một con đèo phía Tây Cheo Reo để ngăn chặn sự truy kích của quân giải phóng, kéo dài thời gian để công binh làm cầu phao qua sông Ba.
Những đoàn xe khổng lồ, hỗn độn trên đường rút chạy khỏi Tây Nguyên (Ảnh tư liệu)
Ngày 19/3, chiến sự ác liệt vẫn tiếp tục tại Cheo Reo giữa các liên đoàn biệt động quân và các đơn vị của sư đoàn 320 quân giải phóng đang truy kích.
Trong thời gian đó, không quân Việt Nam Cộng hòa được lệnh ném bom phá hủy tất cả các phương tiện quân sự bị bỏ lại để tránh lọt vào tay quân giải phóng.
Sáng ngày 20/3, đoàn quân rút chạy cố gắng phá vòng vây của các đơn vị Sư đoàn 320 quân giải phóng kịp thoát ra khỏi Hậu Bổn để tiến về Củng Sơn, nhưng mới được khoảng nửa đường thì bị chặn lại vì Phú Túc đã bị quân giải phóng chiếm. Liên đoàn 7 biệt động quân được lệnh tiến lên tấn công chiếm lại Phú Túc cùng ngày để cuộc lui binh tiếp tục.
Ngày hôm sau 21/03, đoàn quân tiếp tục tiến về Củng Sơn, vẫn tiếp tục bị truy kích mãnh liệt bởi quân giải phóng.
Trên đường đi ra khỏi Phú Túc, tình hình rất hỗn loạn. Liên đoàn 6 biệt động quân tại Tây Củng Sơn phải chống trả Trung đoàn 64 quân giải phóng nhằm giúp công binh hoàn thành cầu phao qua sông Ba.
Ngày 22/3, đoàn xe pháo bắt đầu vượt sông Ba, sử dụng tỉnh lộ 436 để tiến về Tuy Hòa. các tiểu đoàn 35 và 51 thuộc Liên đoàn 6 biệt động quân tiếp tục bám giữ phòng tuyến Củng Sơn để bảo vệ phía sau của đoàn quân. Tiểu đoàn 34 thuộc Liên đoàn 7 biệt động quân tiến về phía trước, tiến công phá bỏ các chốt chặn của quân giải phóng để giúp đoàn quân di tản tiến về Tuy Hòa.
Ngày 27/3/1975, vào lúc 9:00 tối, những chiếc xe quân sự đầu tiên của đoàn quân về đến được Tuy Hòa.
Quyết định rút bỏ cao nguyên của Nguyễn Văn Thiệu sau này được đánh giá là một sai lầm chiến lược, hậu quả của nó vô cùng nặng nề và to lớn với sự tồn tại của Việt Nam Cộng hòa.
Cuộc triệt thoái này là bước đầu của tiến trình sụp đổ nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng của Việt Nam Cộng hòa. Ít nhất 75% lực lượng chiến đấu của Quân đoàn 2 đã bị thiệt hại.
Theo tính toán của Hoa Kỳ, trong số khoảng 60.000 quân khởi hành trong cuộc lui binh thảm họa thì chỉ có 20.000 về đến đích và hầu như không còn sức chiến đấu. Thiệt hại về người nặng nhất là các đơn vị biệt động quân. Trong số 7.000 biệt động quân chỉ còn 700 quân về đến đích. Sức chiến đấu của Quân đoàn II gần như bị loại bỏ.
Về phương diện lãnh thổ, Quân đoàn 2 đã mất gần hết các tỉnh thuộc vùng cao nguyên, đó là các tỉnh Pleiku, Kon Tum, Đắk Lắk và Phú Bổn. Các tỉnh còn lại là Lâm Đồng và Tuyên Đức cùng toàn bộ các tỉnh ở vùng duyên hải đang bị đe dọa rất nặng nề.
Các hậu quả tiếp theo là việc Việt Nam Cộng hòa phải rút lui khỏi tất cả các vùng lãnh thổ ở Quân đoàn I và Quân đoàn II sau khi bị áp lực nặng nề của quân giải phóng.
Cuộc triệt thoái quân sự khỏi Tây Nguyên là bước khởi đầu, dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn không đầy hai tháng sau, vào ngày 30/4/1975.
Lê Minh