Cô gái ấy là Tôn Nữ Tường Vy - gương mặt 9X đã đi qua 36 quốc gia và vùng lãnh thổ để tìm hiểu về giáo dục, văn hóa và cuộc sống của người dân bản địa.
Danh tính của Việt Nam nằm trong những câu chuyện nhỏ, tính cách cá nhân và những gì mỗi bạn trẻ thể hiện khi bước ra thế giới.
TÔN NỮ TƯỜNG VY
Khóa học tiếng Việt tại UNC được tổ chức trong khuôn khổ chương trình Fulbright trợ giảng tiếng Việt tại Hoa Kỳ (FLTA) dài 9 tháng. Vì là môn học tự chọn nên sinh viên có trách nhiệm và nỗ lực rất nhiều. Lớp học của Vy phần lớn là người Mỹ gốc Việt nhưng cũng có hai sinh viên bản địa, với đủ lý do chọn học tiếng Việt.
Một bạn có bạn thân là người Việt, muốn hiểu bạn mình hơn. Một bạn khác có bà nội người Việt và từng không hiểu thứ tiếng bà mình nói. Vì tình thương dành cho người bà quá cố, bạn học tiếng Việt như tìm về một phần rất nhỏ trong gốc gác của bản thân.
"Dù là người duy nhất không hề có cơ hội nói hoặc viết tiếng Việt trong nhà như các bạn khác nhưng bạn này lại cố gắng học tiếng Việt hơn bất kỳ ai trong lớp", Vy nói.
Tường Vy kể cách đây 15 năm, một thầy giáo người Mỹ sau chuyến sang Việt Nam trở về đã quyết định mở lớp dạy tiếng Việt để giúp người Mỹ hiểu hơn về quốc gia hình chữ S này. Rồi giáo sư này về hưu, lớp học không có ai tiếp quản, chương trình gián đoạn từ đó.
Mãi đến năm 2021, số sinh viên ở UNC có nhu cầu học tiếng Việt tăng cao nên trường lần đầu tiên mở lại chương trình dạy tiếng Việt. Vy đến Mỹ và bắt đầu nhận công việc từ đầu tháng 8. Lần đầu tiên dạy một chương trình khá đặc biệt, Tường Vy phải tự tìm các nguồn sách, tài liệu để soạn giáo trình.
Cô đi nhiều nhà sách, tìm trên Internet, hỏi người quen và tổng hợp kiến thức, chắt lọc, điều chỉnh làm bài giảng. Cô giáo Vy kết hợp với hoạt động ngoại khóa, cho sinh viên xem và thảo luận các bộ phim Mắt biếc, Dạ cổ hoài lang rồi tổ chức những buổi sinh hoạt có chủ đề về Tết, Valentine. Vy mời cả sinh viên ĐH Fulbright Việt Nam chia sẻ trực tuyến về văn hóa dân gian.
Sau mỗi lần như thế, nhiều câu hỏi được đặt ra. Như hôm xem phim Mắt biếc, sinh viên hỏi nhiều về Trường ĐH Sư phạm Huế xuất hiện trong phim, thắc mắc sao áo dài của cô nhiều màu còn nữ sinh cấp III lại chỉ mặc áo dài trắng đến trường... Thế là thêm cơ hội trao đổi, luyện phát âm cho sinh viên.
Mà Vy luôn sẵn sàng kèm thêm cho bạn nào chưa học kịp. Buổi học ở lớp 50 phút, còn buổi kèm thêm dù chỉ một bạn nhưng mất đứt hai tiếng. "Tôi tự nguyện làm, luôn mong vốn tiếng Việt, hiểu biết về tiếng Việt và phương pháp sư phạm của mình tốt hơn để có thể làm được nhiều điều hơn cho các bạn", cô trải lòng.
rong dự án cuối kỳ với đề bài khuyến khích sự sáng tạo, Vy nói thật sự bất ngờ và ấn tượng với những ý tưởng, câu chuyện mà sinh viên thể hiện. Có bạn sinh ra trong gia đình có nguồn gốc cả Việt, Hoa, Khmer và bạn rất mê ngôn ngữ nên làm bài thuyết trình so sánh ba ngôn ngữ này với nhau.
Một bạn khác chia sẻ công thức nấu phở của mẹ với bí quyết gia truyền bằng cách vẽ lại hình ảnh từng nguyên liệu như lá sách bò, hoa hồi, thảo quả, miếng thịt bò cần cắt với độ dày bao nhiêu. Hay bạn khác vẽ màu nước và làm video về lịch sử gia đình mình.
Chín tháng làm việc tại UNC, Vy nói đã nhận được sự hỗ trợ lớn của đồng nghiệp và sinh viên khi họ biết đây là năm đầu tiên cô giảng dạy tiếng Việt tại trường và không dễ để có thể đặt chân đến Mỹ. Sau khóa học, khả năng đọc, viết của các bạn khá lên hẳn.
Điều Vy hài lòng nhất chính là các bạn ấy đã kết nối được nhiều hơn với gia đình và bản sắc Việt Nam. Một số bạn cho biết nhất định sẽ sắp xếp để đến Việt Nam cùng gia đình.
Cũng trong khoảng thời gian này, Tường Vy tranh thủ làm sinh viên một số môn: giáo dục, ngôn ngữ học, lịch sử tôn giáo, Hoa Kỳ học và âm nhạc. Cô cũng tham gia hội thảo nghiên cứu châu Á ở Hawaii để bổ trợ kỹ năng sư phạm và hiểu biết thêm về nước Mỹ. Bạn còn tranh thủ đến một số trường trung học địa phương giao lưu, trò chuyện về Việt Nam.
Cô Elizabeth Hunter - giáo viên Trường trung học Lakewood Montessori - nói những chia sẻ của Tường Vy giúp học sinh trường mình biết thêm nhiều về Việt Nam, sự thay đổi của xã hội qua thời gian.
Cô giáo này nói đoạn phim do Vy trình chiếu giúp họ thấy hình ảnh tuyệt vời về vẻ đẹp của đất nước cùng câu chuyện về sự kiên cường của người Việt Nam, nỗ lực không ngừng cải thiện bản thân, nền văn hóa và quốc gia qua mỗi câu chuyện Vy mang đến.
"Chúng tôi đều có cảm giác như đã được Vy mở rộng tầm mắt một cách kỳ diệu về vùng đất đặc sắc này. Chúng tôi rất biết ơn về cơ hội được giao lưu cùng cô ấy", cô Hunter chia sẻ.
Nguồn TTO