Trong pho lịch sử bằng vàng của Đảng, có những danh xưng đã trở thành biểu tượng văn hóa, đúc kết thành giá trị truyền thống lịch sử. Cuộc đời, sự nghiệp, khí tiết người chiến sĩ cộng sản và tấm gương hy sinh của đồng chí Tô Hiệu cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam là một biểu tượng sáng ngời của những giá trị thiêng liêng ấy
Từ một thanh niên với ý chí, hoài bão lớn, với khát vọng cứu nước, cứu dân trở thành người cộng sản (1930)
Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước và cách mạng tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Ở tuổi thiếu niên, 14 tuổi, trước cảnh đô hộ, áp bức của thực dân, với tình yêu quê hương đất nước sâu sắc, Tô Hiệu bắt đầu hoạt động yêu nước, tham gia truy điệu cụ Phan Châu Trinh, nên bị đuổi học.
Lên Hà Nội, tiếp xúc với những tư tưởng tiến bộ, Tô Hiệu có điều kiện tích lũy kiến thức, kinh nghiệm hoạt động cách mạng.
Năm 1929, Tô Hiệu trở thành đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng (tổ chức yêu nước do Nguyễn Thái Học sáng lập theo khuynh hướng tư sản), vì hoạt động tích cực, Tô Hiệu bị bắt ở Sài Gòn và bị đi đày ở Côn Đảo vào cuối năm 1930.
18 tuổi, tuổi thanh niên bay nhảy trước bầu trời bao la, thì Tô Hiệu bị giam ở nhà tù Côn Đảo, được ví như “địa ngục trần gian” tại miền Nam của Tổ quốc.
Cuối năm 1932, sau thời kỳ theo dõi và thử thách, Chị bộ Nhà tù Côn Đảo đã kết nạp Tô Hiệu vào Đảng. Đây là bước ngoặt đánh dấu sự chuyển biến quan trọng của quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí, từ một thanh niên yêu nước nhiệt thành trở thành người chiến sỹ cộng sản, sẵn sàng hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng, vì lợi ích Tổ quốc, của nhân dân, theo con đường cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khai mở cho những thanh niên yêu nước như Tô Hiệu lúc bấy giờ.
Tháng 8/1934, đồng chí Tô Hiệu mãn hạn tù và bị đưa về quê quản thúc.
Trở thành cán bộ chủ chốt của Xứ uỷ Bắc Kỳ, Liên Xứ uỷ Bắc Kỳ-Bắc Trung Kỳ (1937-1938)
Năm 1935, đồng chí Tô Hiệu thoát ly lên Hà Nội, đồng chí cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Đặng Xuân Khu… và một số đồng chí khác tích cực hoạt động xây dựng lại hệ thống tổ chức Đảng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Từ cuối năm 1936, các cơ sở Đảng dần dần được tái lập, khôi phục và phát triển. Tháng 5/1937, Xứ ủy Bắc Kỳ được thành lập, do đồng chí Hoàng Tú Hưu làm Bí thư. Tham gia Xứ uỷ có các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hạ Bá Cang, Nguyễn Văn Minh, Tô Hiệu, Lương Khánh Thiện, Đặng Xuân Khu... Đồng chí Tô Hiệu được cử vào Ban Thường vụ Xứ uỷ.
Xứ uỷ Bắc Kỳ được tái lập đóng vai trò quan trọng, góp phần củng cố sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng với phong trào cách mạng.
Tháng 11/1937, Liên Xứ uỷ Bắc Kỳ-Bắc Trung Kỳ được thành lập theo chủ trương của Trung ương Đảng để chỉ đạo phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ cho phù hợp với điều kiện lúc bấy giờ, đồng chí Tô Hiệu được cử vào Ban Thường vụ Liên Xứ uỷ.
Giai đoạn 1937-1938, đồng chí Tô Hiệu là một trong những lãnh đạo cốt cán của Đảng, đã cùng Xứ uỷ chỉ đạo thành công phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đẩy mạnh việc thành lập các hội Ái hữu, đấu tranh nghị trường… góp phần tập hợp, tổ chức lực lượng, nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng của nhân dân, phát triển tổ chức Đảng ở các vùng Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng… tạo điều kiện, cơ sở thuận lợi cho sự phát triển của phong trào cách mạng các tỉnh sau đó.
Đồng chí Tô Hiệu (1912-1944)
Trên cương vị Bí thư Liên tỉnh ủy B, Bí thư Thành ủy Hải Phòng (1939)
Đầu năm 1939, đồng chí Tô Hiệu được cử phụ trách miền duyên hải Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hải Phòng.
Đồng chí rất quan tâm công tác công vận, lấy đó làm nòng cốt cho phong trào cách mạng của quần chúng.
Từ tháng 2 đến tháng 8/1939, Đảng bộ Hải Phòng lãnh đạo và tổ chức 30 cuộc đấu tranh, như cuộc bãi công của 1.000 thợ xẻ (4/1939), cuộc đấu tranh của 1.500 công nhân Cảng (5/1939), cuộc bãi công của 3.000 công nhân nhà máy Tơ…
Ngày 30/9/1939, đồng chí Tô Hiệu lãnh đạo tổ chức và trực tiếp diễn thuyết tại cuộc đấu tranh chống chủ tăng thuế đèn, thuế nước của hàng nghìn tiểu thương và nhân dân lao động thành phố Hải Phòng… Các cuộc đấu tranh của công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng để lại nhiều bài học kinh nghiệm về tập hợp lực lượng, mục tiêu và phương pháp đấu tranh… Đồng chí chú trọng công tác tuyên truyền bằng cách rải truyền đơn, dán áp phích, ra báo… Đồng chí đã tổ chức chỉ đạo báo Chiến đấu, bí mật tuyên truyền ở Hải Phòng, số đầu tiên ra ngày 7/11/1939 nhân dịp kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công.
Lúc này, đồng chí Tô Hiệu bị lao phổi nặng, Xứ ủy Bắc Kỳ cho phép đồng chí nghỉ chữa bệnh, nhưng công việc đang dồn dập, đồng chí thiết tha xin được tiếp tục công tác. Hải Phòng là yết hầu kinh tế, nơi phong trào cách mạng phát triển mạnh, địch tập trung đàn áp, nhiều cơ sở cách mạng bị vỡ, nhiều đồng chí lãnh đạo Xứ ủy, Thành ủy lần lượt bị bắt.
Đồng chí bị bắt ngày 1/12/1939, tại xóm thợ Thượng Lý (Hải Phòng), bị địch tra tấn rất dã man, chuyển hết Đề lao Hải Phòng lại lên Hỏa Lò (Hà Nội), nhưng không lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường của người cộng sản.
Cuối tháng 12/1939, chính quyền thực dân đưa đồng chí ra xét xử, kết án 5 năm tù và đày lên Nhà tù Sơn La.
Nhà tù Sơn La-nơi tỏa sáng bản lĩnh, khí tiết, tinh thần người cộng sản Tô Hiệu (1940-1944)
Đồng chí Tô Hiệu hai lần trải qua ngục tù, những nơi “địa ngục trần gian”, nhưng cũng chính tại nơi đặc biệt đó đã đánh dấu sự giác ngộ vì lý tưởng cộng sản và hy sinh vì lý tưởng cộng sản của đồng chí.
Bản án 5 năm của thực dân Pháp dành cho đồng chí Tô Hiệu tại Nhà tù Sơn La thực chất cũng chính là án tử hình bởi lúc này đồng chí đã lâm trọng bệnh. Đồng chí đã biến những năm tháng cuối đời của mình để gieo mầm xanh cho Đảng, cho cách mạng.
Giai đoạn đồng chí Tô Hiệu ở đây đã tạo những chuyển biến tích cực đối với sự lãnh đạo của Đảng. Đồng chí là một trong số những người cộng sản có công lao lớn trong việc thành lập chi bộ Đảng cộng sản chính thức đầu tiên tại Sơn La.
Trong thời gian làm Bí thư Chi bộ từ tháng 5/1940 đến 10/1941, đồng chí đã tích cực lãnh đạo cuộc đấu tranh của tù nhân chống chế độ lao tù, tổ chức đại hội bầu Ủy ban nhà tù, dưới là các Ban Kinh tế, Ban cứu tế, Ban văn hóa giáo dục, Ban trật tự trong, Ban trật tự ngoài…
Di tích lịch sử đặc biệt Nhà tù Sơn La
Tháng 5/1941, Chi bộ Nhà tù Sơn La dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tô Hiệu xuất bản báo Suối reo, để tuyên truyền cách mạng, cổ vũ tù nhân đấu tranh…
Đồng chí Tô Hiệu tán thành chủ trương vượt ngục để bổ sung lực lượng cán bộ cho cách mạng. Năm 1943, Chi ủy nhà tù tổ chức cuộc vượt ngục thành công, các đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu, Nguyễn Lương Bằng trở về hoạt động, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Ngày 7/3/1944, đồng chí Tô Hiệu trút hơi thở cuối cùng, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho bạn bè, đồng chí.
Tinh thần cách mạng của đồng chí đã trở thành linh hồn cho các cuộc đấu tranh tại nhà tù Sơn La. Với tầm nhìn xa, đồng chí Tô Hiệu đã định hướng cho chi bộ công tác phát triển các tổ chức yêu nước ở Sơn La, góp phần phát triển phong trào cách mạng ở Sơn La và vùng Tây Bắc, tạo tiền đề Đảng bộ tỉnh Sơn La ra đời, góp phần quan trọng cho sự phát triển cách mạng.
32 tuổi đời, 18 năm hoạt động cách mạng bền bỉ, liên tục, một nửa thời gian ở tù, đấu tranh trong điều kiện hà khắc, cuộc đời, sự nghiệp đó chính là tấm gương sáng, lãnh đạo nhân dân bằng phương thức nêu gương.
Những năm cuối đời, dù biết sẽ hy sinh, đồng chí vẫn luôn tỏa sáng một tinh thần lạc quan cách mạng, với ý chí, nghị lực kiên cường, với niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng chí hăng hái viết tài liệu tuyên truyền cách mạng, cần mẫn làm việc và trau dồi tri thức, động viên cổ vũ và truyền lửa nhiệt huyết cho đồng chí, đồng bào.
Cây đào ở nhà tù Sơn La sau này được mang tên Cây đào Tô Hiệu để tưởng nhớ tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường của một con người bất tử-bất tử trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Máu đào của đồng chí đã tô thắm lá cờ cách mạng, làm cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do.
Gương yêu nước nồng nàn, tinh thần xung kích, ý chí kiên cường và nghị lực to lớn của đồng chí Tô Hiệu tỏa sáng mãi trong những trang sử vàng của lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng Việt Nam, đồng hành cùng dân tộc không chỉ trong lịch sử mà cả trong hiện tại và tương lai.
Hồng Thu