Trong cao trào đấu tranh dân sinh, dân chủ những năm 1936-1939, phong trào công nhân mỏ than Quảng Ninh là một trong những ngọn cờ đầu. Đặc biệt, cuộc đấu tranh của hơn 3 vạn công nhân vùng mỏ ngày 12/11/1936 là cuộc đấu tranh lớn, tiêu biểu cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” của công nhân mỏ được thắp sáng, nuôi dưỡng từ đây
Đầu năm 1936, những chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới và những tác động tích cực của tình hình nước Pháp đến Đông Dương đã tạo những điều kiện chủ quan và khách quan cho cách mạng Đông Dương bước sang một thời kỳ mới – thời kỳ đấu tranh vì dân sinh, dân chủ.
Tháng 7/1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Lê Hồng Phong chủ trì tại Thượng Hải (Trung Quốc). Hội nghị dựa trên Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản, căn cứ tình hình cụ thể của Việt Nam để định ra đường lối và và phương pháp đấu tranh.
Trên cơ sở xác định kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này không phải là thực dân Pháp nói chung, mà là lực lượng phản động thuộc địa Pháp, tay sai của những phần tử phản động ở “chính quốc”; cũng không phải là giai cấp tư sản và địa chủ nói chung, mà là một bộ phận tư sản mại bản, đại địa chủ - tay sai đắc lực của chính quyền thuộc địa.
Mục tiêu đấu tranh trước mắt là chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chống chiến tranh đế quốc, đòi dân sinh, dân chủ và bảo vệ hòa bình. Hình thức tổ chức và phương pháp đấu tranh thích hợp với quần chúng và hoàn cảnh hiện thời là: kết hợp hình thức tổ chức bí mật với tổ chức công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp và không hợp pháp. Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương. Đồng thời, xây dựng Đảng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng.
Thực hiện chủ trương của Đảng, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ đã lôi kéo hàng triệu người tham gia mít tinh, biểu tình, đình công, bãi công bao gồm tất cả tầng lớp nhân dân, “hiệu triệu toàn dân không kỳ giai cấp nào, đảng phái nào ra cùng nhau tranh đấu chống chế độ thuộc địa phản động”[1], trong đó nổi bật là những phong trào đấu tranh của công nhân ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, đồn điền, hầm mỏ… Chỉ trong 6 tháng cuối năm 1936, đã nổ ra 361 cuộc đấu tranh, trong đó có hơn 236 cuộc bãi công của công nhân[2].
Nằm trong bối cảnh chung của cả nước, đến những năm 30 của thế kỷ XX sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tại các vùng mỏ nhiều chi bộ Đảng cộng sản được bí mật thành lập, thu hút những người thợ mỏ giác ngộ, có tinh thần đấu tranh, những người tiên tiến nhất trong đội ngũ công nhân tham gia. Phong trào vô sản hoá của Đảng đã đưa nhiều đảng viên về vùng mỏ làm công nhân, sống gần gũi với thợ mỏ để tuyên truyền vận động giác ngộ họ, cùng họ tổ chức những cuộc đấu tranh.
Tranh của họa sĩ Bùi Đình Lan mô tả cuộc đấu tranh ngày 12/11/1936
Tại vùng đất mỏ, sau những cuộc khủng bố trắng, giới chủ mỏ thi hành chính sách bóc lột, áp bức rất tàn nhẫn, tìm cách ngăn cản ảnh hưởng của Đảng và phong trào cách mạng trong nước thâm nhập vùng “đất nhượng” của các công ty mỏ thực dân. Chủ mỏ bỏ qua các đạo luật xã hội mà Chính phủ Mặt trận Nhân dân mới ban hành, ra sức bóc lột sức lao động của thợ mỏ, trong khi đó tiền lương thì cắt giảm[3]. Không những thế, chủ mỏ và tay sai tìm cách cúp phạt, bớt xén tiền lương, hoặc đánh đập thợ không thương xót. Cùng với tình trạng hạ lương là chế độ tăng giờ làm, tăng mức khoán… là giá cả leo thang, đồng tiền mất giá, người thợ mỏ bị đẩy vào cảnh đói rét, khổ cực.
Bị áp bức, bóc lột thậm tệ, đời sống vốn đã đói khổ lại thường xuyên bị đe dọa bởi bệnh tật, tai nạn… thợ mỏ và nhân dân lao động Quảng Ninh căm thù chế độ thực dân. Họ tha thiết hướng về sự lãnh đạo của Đảng và sẵn sàng tham gia tranh đấu.
Một trong những cuộc đấu tranh sôi nổi là cuộc tổng bãi công của hơn 3 vạn công nhân mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả, Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh đã dũng cảm đứng lên yêu cầu chủ mỏ phải tăng lương, chống đánh đập, ngược đãi công nhân, cải thiện điều kiện lao động. Cuộc tổng bãi công được mở đầu tại vùng Cẩm Phả từ chiều 12/11/1936, đây là một trung tâm khai thác lớn của Công ty than Bắc kỳ, nơi tập trung đông công nhân nhất và cũng là nơi diễn ra nhiều mâu thuẫn gay gắt giữa thợ và bọn chủ mỏ. Hơn một vạn thợ mỏ Cẩm Phả tuyên bố bãi công với lời kêu gọi:
“Hỡi anh chị em!
Chúng ta làm lụng cực khổ, lương không đủ sống. Chúng ta không muốn chết đói, chết bệnh.
Vậy tất cả hãy bãi công…
Anh chị em hãy đồng tâm, đừng để người ta phá cuộc đấu tranh của chúng ta…
Kỷ luật và đồng tâm! Chúng ta sẽ thắng”[4].
Cuộc tổng bãi công nổ ra tại đây có tác động mạnh mẽ toàn khu mỏ và lan rộng như một đám cháy lớn. Sau gần 10 ngày đấu tranh quyết liệt bất chấp mọi thủ đoạn mua chuộc và đàn áp dã man của địch, cuộc bãi công đã thắng lợi vào 3 giờ chiều ngày 20/11/1936. Chủ mỏ và cả chính quyền thống trị Pháp ra thông báo chấp nhận tất cả mọi yêu sách của cuộc bãi công.
Sau khi công nhân Cẩm Phả kết thúc cuộc bãi công, từ ngày 22/11 đến ngày 24/11, tại các mỏ Mông Dương, Hòn Gai, Cửa Ông, Bãi Cháy... Công nhân mỏ cùng lần lượt nghỉ việc để hưởng ứng. Trước ý chí và quyết tâm mạnh mẽ của công nhân mỏ nên sáng ngày 28/11/1936 công nhân mỏ vùng Hòn Gai, Mông Dương, Cửa Ông đã cùng giành được thắng lợi.
Cuộc tổng bãi công đã toàn thắng trên một địa bàn rộng thu hút hơn 3 vạn người tham gia kéo dài gần 17 ngày căng thẳng, quyết liệt thể hiện ý chí sắt đá của những người thợ mỏ than Việt Nam. Đánh dấu dấu bước trưởng thành của đội ngũ công nhân ngành than về ý thức chính trị, trình độ giác ngộ và đấu tranh giai cấp dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm mỏ than Đèo Nai, tháng 3/1959 (Ảnh tư liệu)
Thắng lợi vang dội của cuộc tổng bãi công đã làm rung chuyển hệ thống cai trị của chính quyền thuộc địa và tay sai, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân cả nước trong thời kỳ 1936- 1939. Thắng lợi của cuộc tổng bãi công không phải chỉ ở chỗ đạt được những mục tiêu kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc như báo LeTravall đã nhận định: “Lần đầu tiên ở Đông Dương giai cấp vô sản đã giành được thắng lợi rực rỡ. Lần đầu tiên kỷ luật vô sản đã thắng sự kháng cự của bọn chủ…”[5].
Thắng lợi của cuộc tổng bãi công chứng tỏ sức mạnh to lớn của công nhân và nhân dân lao động khu mỏ một khi họ ý thức được vai trò lịch sử của mình, khi họ được Đảng giáo dục, giác ngộ và tổ chức thành lực lượng để đấu tranh giành quyền lợi. Thắng lợi của cuộc tổng bãi công tháng 11/1936 ở khu mỏ đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh ở khu mỏ và góp vào thắng lợi chung của cả nước trong cuộc vận động đấu tranh đòi quyền dân chủ, dân sinh do Đảng phát động.
Qua cuộc đấu tranh anh dũng này, đội ngũ công nhân mỏ than đã thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của mình. Tiêu biểu là truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần chủ động sáng tạo, ý thức tổ chức kỷ luật cao và tinh thần đoàn kết đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng.
Với ý nghĩa đó, ngày 6/11/1961, Ban Thường vụ Khu ủy Hồng Quảng đã ra Nghị quyết số 31-NQ/KU về việc: “Tổ chức kỷ niệm ngày 12/11, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân Vùng Mỏ” và quyết định: Từ năm 1961 trở đi, toàn Khu Mỏ sẽ lấy ngày 12/11 hằng năm để tổ chức kỷ niệm cuộc đấu tranh anh dũng năm 1936, coi ngày đó là Ngày Hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân khu Mỏ.
Để ghi lại mốc son lịch sử, ngày 4/11/1982, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 292- CT chính thức công nhận ngày 12/11 hằng năm là Ngày Hội Truyền thống của Ngành than trong cả nước[6].
Năm 1994, khi Tổng Công ty Than Việt Nam ra đời, tiếp đến là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam rồi Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) như hiện nay, Tỉnh ủy Quảng Ninh, Bộ Công nghiệp rồi Bộ Công thương và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã thống nhất lấy ngày 12/11 hằng năm là Ngày truyền thống Công nhân Vùng Mỏ - Truyền thống Ngành Than để tổ chức kỷ niệm cuộc đấu tranh anh dũng năm 1936, coi ngày đó là ngày hội lớn của những người thợ mỏ và nhân dân Quảng Ninh.
Chi Mai
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr.144.
[2] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I (1930-1954), Quyển 1 (1930-1945), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.397.
[3] Từ năm 1931 đến năm 1935, tiền lương công nhân các loại đều bị hạ gần 50%. Thợ cuốc lò từ 59 xu còn 32 xu; thợ chống lò từ 60 xu còn 32 xu; thậm chí những thợ làm những việc khác chỉ nhận 24 xu/một ngày công… Theo: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, tập 1 (1928-1945), 1985, tr.120.
[4] Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Quảng Ninh: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, tập 1 (1928-1945), 1985, tr.121-12
[5] Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Quảng Ninh: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, tập 1 (1928-1945), 1985, tr.129.
[6] Xem: http://www.vinacomin.vn/tin-tuc-vinacomin/nho-ve-ngay-vung-mo-bat-khuat-6609.htm