Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của tinh thần đại đoàn kết dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quy tụ dưới ngọn cờ Mặt trận Việt Minh. Với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam chớp thời cơ, giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Khái lược các hình thức Mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ 1930- 1945
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã quan tâm xây dựng tổ chức mặt trận nhằm tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân nhân dân Việt Nam đấu tranh thực hiện đường lối, Cương lĩnh của Đảng để đoàn kết, tập hợp nhân dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất.
Trong lịch sử cách mạng Việt Nam thời kỳ đấu tranh giành chính quyền 1930-1945, căn cứ tình hình cụ thể của mỗi giai đoạn, Mặt trận dân tộc thống nhất có nhiều tên gọi và hình thức khác nhau.
Năm 1930-1931, Mặt trận dân tộc thống nhất mang tên Hội phản đế đồng minh. Từ tháng 7-1936, Mặt trận dân tộc thống nhất mang tên Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương. Từ tháng 3-1938, Mặt trận dân tộc thống nhất mang tên Mặt trận dân chủ Đông Dương. Từ tháng 11-1939, là Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương. Từ tháng 5-1941, với chủ trương mỗi dân tộc Đông Dương tự quyết vận mệnh dân tộc của mình, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương xây dựng tại mỗi nước một mặt trận dân tộc thống nhất với tên gọi khác nhau. Tại Việt Nam, Mặt trận mang tên Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh.
Với nhiều hình thức, tên gọi khác nhau cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, nhưng mặt trận có vai trò quan trọng trong việc đoàn kết, tập hợp các giai cấp, các tầng lớp nhân dân.
Những sáng tạo của Đảng trong xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất
Sáng tạo của Đảng trong xây dựng Mặt trận thể hiện trên hai phương diện: quan điểm, chủ trương và tổ chức thực hiện.
Sáng tạo về quan điểm, chủ trương
Sách lược vắn tắt của Đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930 ghi rõ: “Đảng phải đoàn kết được đại đa số nông dân, phải dựa vững vào nông dân nghèo, phải hết sức lãnh đạo nông dân nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ đại địa chủ và phong kiến, Đảng phải “hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản c.m thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản c.m (Đảng Lập hiến, v.v.) thì phải đánh đổ”[1].
Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh, nêu rõ tổ chức cách mạng vẫn nặng về tập hợp công nhân và nông dân, cần phải được tổ chức rộng rãi hơn nữa, thu hút các tầng lớp trí thức dân tộc, tư sản dân tộc, kể cả địa chủ, những người mong muốn đất nước được độc lập. Chỉ thị ra đời, thể hiện sự phát triển nhận thức của Đảng Cộng sản Đông Dương từ chỗ chỉ nhấn mạnh vấn đề đoàn kết giai cấp đến chỗ thấy được tầm quan trọng của vấn đề đại đoàn kết dân tộc trong cách mạng giải phóng dân tộc.
Trong những năm1932-1935, Đảng lãnh đạo phong trào quần chúng thông qua một số tổ chức như Tổng Công hội Đông Dương, Tổng Nông hội Đông Dương, Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương, Cứu tế đỏ Đông Dương, chủ trì xây dựng và ban hành Cương lĩnh, Điều lệ, Chương trình hành động của các tổ chức này.
Đại hội lần thứ nhất của Đảng tháng 3-1935 ban hành nhiều Nghị quyết về vận động các tầng lớp nhân dân: công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh lính, đồng bào các dân tộc thiểu số.
Từ năm 1936 đến năm 1939, Đảng chủ trương đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong các tổ chức công khai, hợp pháp và đẩy mạnh hoạt động công khai, hợp pháp.
Trong Thư ngỏ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi các tổ chức chính trị và các phần tư cách mạng biệt lập ở Đông Dương, Đảng chỉ rõ, mặc dù có sự khác nhau về cương lĩnh, song tất cả các tổ chức đều có mục đích chung: đánh đổ đế quốc Pháp, giành độc lập hoàn toàn cho Đông Dương, vì vậy, các đảng phái, tổ chức chính trị có thể đoàn kết thống nhất với nhau thành lập mặt trận duy nhất để đấu tranh cách mạng chống đế quốc Pháp. Tiếp đó, ngày 26-7-1936, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi thư ngỏ cho các đảng phái và dân tộc ở Đông Dương, kêu gọi tất cả các đảng phái, tất cả các tổ chức quần chúng, tất cả các hội từ thiện, tất cả các liên đoàn các nhà văn, các nghệ sĩ, ….thành lập Mặt trận Nhân dân thống nhất hành động.
Tháng 10-1936, Đảng Cộng sản Đông Dương giải thích chủ trương của Đảng về Mặt trận dân tộc thống nhất là: lập Mặt trận Nhân dân phản đế rộng rãi bao gồm các giai cấp, đảng phái, đoàn thể chính trị, tín ngưỡng tôn giáo khác nhau.
Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất phản đế với các đảng phái quốc gia cải lương, song chống sự thiếu triệt để của các này. Đảng nhấn mạnh, ở Đông Dương nhiệm vụ quan trọng của người cộng sản là giải phóng dân tộc, nên Đảng phải liên hệ mật thiết với các đảng quốc gia, nhưng không bao giờ bỏ tranh đấu giai cấp trong xây dựng Mặt trận thống nhất với tư sản bản xứ.
Ngày 16-11-1936, trong Thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi đảng viên và đoàn viên Thanh niên Cộng sản Nam Kỳ, Trung ương Đảng nêu rõ: thành lập Mặt trận thống nhất chống đế quốc là sách lược cách mạng khôn khéo nhất, mềm dẻo nhất, hiệu nghiệm nhất, để bảo đảm sự thống nhất hành động và lôi cuốn tất cả các quần chúng Đông Dương vào cuộc đấu tranh. Vì vậy, Mặt trận nhân dân chống đế quốc có một ý nghĩa quan trọng.
Tháng 3-1937, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xuất bản cuốn sách Chủ trương tổ chức mới của Đảng, nêu rõ chủ trương và cách thức xây dựng các tổ chức trong Mặt trận dân tộc thống nhất của thanh niên, công nhân, nông dân, phụ nữ, binh lính, cứu tế bình dân. Mỗi tầng lớp và giới có thể sáng tạo, tập hợp giới mình với nhiều hình thức, nhiều tên gọi khác nhau, với mục đích quy tụ đông đảo nhất thành viên của giới mình đấu tranh đòi tự do, cơm áo, hòa bình.
Đến tháng 10-1937, Đảng Cộng sản Đông Dương báo cáo Quốc tế Cộng sản chủ trương tập hợp tất cả các đảng phái, các giai cấp vào Mặt trận Nhân dân, đấu tranh cho các quyền tự do dân chủ, chống phản động thuộc địa, ủng hộ Mặt trận Nhân dân Pháp, ủng hộ những cải cách tiến bộ của Chính phủ Lêông Bơlum.
Tháng 3-1938, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương, coi đó là một nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong giai đoạn hiện tại.
Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11-1939 quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương, dựa trên cơ sở liên minh công nông là “hai lực lượng chính của cách mạng” để đoàn kết tất cả các giai cấp, đảng phái, dân tộc, các phần tử phản đế chĩa mũi nhọn của cách mạng vào kẻ thù chủ yếu là đế quốc và tay sai.
Tuyên ngôn của Đảng tháng 11-1939 nêu rõ: Đảng Cộng sản chúng tôi nhận thấy sự sống còn của dân Đông Dương trong lúc này là phải chống đế quốc chiến tranh, chống chính sách tàn ác cướp của giết người của đế quốc Pháp và phải đánh đổ ách thống trị của đế quốc Pháp...". Đảng kêu gọi tất cả các dân tộc Việt Nam, Miên, Lào, tất cả các tôn giáo, đảng phái đoàn kết trong "Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương” và Đảng là “một đội quân trung thành dũng cảm của Mặt trận ấy”.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 5-1941, quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Các tổ chức quần chúng yêu nước chống đế quốc trong Mặt trận đều lấy tên là Hội Cứu quốc như Hội Công nhân Cứu quốc, Hội Nông dân Cứu quốc, Hội Phụ nữ Cứu quốc, Hội Thanh niên Cứu quốc, Hội Phụ lão Cứu quốc, Hội Nhi đồng Cứu vong, Hội Quân nhân Cứu quốc... Với các dân tộc Lào, Cao Miên, Đảng chủ trương thành lập Mặt trận ở mỗi nước, tiến tới thành lập một Mặt trận chung Đông Dương.
Ngày 1-12-1941, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị về công tác tổ chức, chỉ rõ: cần phải có nhiều hình thức thích hợp với từng giai cấp, từng tầng lớp nhân dân, từng lứa tuổi. Nhưng trong một giai cấp, một giới lại có nhiều tầng lớp trình độ giác ngộ và xu hướng có khác nhau nên có thể có nhiều tổ chức khác nhau, những tổ chức của quần chúng cần phải rộng rãi và nhẹ nhàng. Ngoài các đoàn thể cứu quốc, Đảng cần tổ chức nhiều đoàn thể công khai hoặc nửa công khai để thu hút đông đảo quần chúng. Đảng phải cử người vào các tổ chức quần chúng của địch để cảm hoá số quần chúng ấy, vận động họ đấu tranh.
Tháng 2-1943, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tại Võng La (Đông Anh) chủ trương liên minh với tất cả các đảng phái và các nhóm yêu nước trong và ngoài nước chưa gia nhập Việt Minh, nhằm tăng cường sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Đông Dương thoát khỏi ách thống trị của phát xít Nhật - Pháp; đẩy mạnh công tác vận động thanh niên, phụ nữ, các dân tộc thiểu số, phát triển Hội Quân nhân Cứu quốc và một số tổ chức hình thức thấp, rộng rãi để tập hợp đông đảo binh lính. Hội nghị quyết định lập Hội Văn hóa Cứu quốc ở các thành phố, nhằm đoàn kết trí thức và các nhà văn hoá vào Mặt trận. Hội nghị khẳng định việc mở rộng Mặt trận phải dựa trên cơ sở không ngừng củng cố và phát triển các đoàn thể công nhân và nông dân là “xương sống của Mặt trận Dân tộc thống nhất chống Nhật - Pháp” giữ vững quyền lãnh đạo của Đảng trong Mặt trận.
Đảng không chỉ vận động đồng bào trong nước mà còn chú ý đến kiều bào Việt Nam làm ăn, sinh sống ở nước ngoài. Ngày 25-10-1944, Tổng bộ Việt Minh gửi thư cho các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở ngoài nước kêu gọi đoàn kết cứu quốc. Bức thư viết: “Bài học thiêng liêng của lịch sử đã dạy ta muốn độc lập cần phải thống nhất”, “chúng ta mau xếp lại thành Mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật, Pháp”; phải “gạt bỏ thành kiến đảng phái, đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên hết thảy, dịch lại cùng nhau, đặng đúc thành một khối cứu quốc vô địch”[2].
Tháng 5-1945, Xứ uỷ Nam Kỳ (Tiền Phong) chủ trương tổ chức "Thanh niên Tiền phong”, một tổ chức công khai, hợp pháp tại Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ.
Sáng tạo trong tổ chức thực hiện
Qua phong trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ -Tĩnh, Đảng đã xây dựng được liên minh công nông. Từ cuối năm 1930, thành lập Hội phản đế đồng minh theo Chỉ thị ngày 18/11/1930, mở rộng hơn Mặt trận dân tộc thống nhất.
Tháng 11-1932, Đảng công bố Cương lĩnh Công hội giai cấp Đông Dương, chỉ ra con đường đi tới thắng lợi của giai cấp công nhân Đông Dương. Trước hết, toàn thể giai cấp công nhân phái đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng lập ra các chi bộ trong Công hội, vận động, tổ chức công nhân nhất là thanh niên, phụ nữ đấu tranh. Tổ chức Công hội ở mọi nhà máy xí nghiệp đồn điền, nếu chưa có điều kiện thành lập Công hội đỏ thì lập ra các Hội tương tế, ái hữu, các câu lạc bộ Hội đồng hương, Hội thể thao... lợi dụng hết các hình thức tổ chức công khai hợp pháp có thể được. Mặt khác phải đấu tranh để Công hội đỏ được ra hoạt động công khai, bảo vệ quyền lợi của công nhân. Hễ là công nhân bị áp bức, không phân biệt quốc tịch, nghề nghiệp, tôn giáo, giới tính, tuổi tác, nếu “muốn tranh đấu để cải thiện số phận mình" đều được tham gia Công hội.
Ngày 1-5-1933, Đảng Cộng sản Đông Dương xuất bản Chương trình hành động của Nông hội. Chương trình hành động kêu gọi: “Làn sóng cách mạng trước đã qua, làn sóng sau đương ào tới. Anh em, chị em hãy mau phá tan thối chí, đánh vỡ ngã lòng, kịp dựng ngọn hồng kỳ, kéo nhau ra giáp chiến một trận cuối cùng với quân thù giai cấp kỳ đoạt lại được ruộng đất với tự do quyền”[3].
Ngày 1-8-1933, Đảng Cộng sản Đông Dương ban hành Điều lệ của Nông hội. Tuy còn chưa đầy đủ, nhưng bản Điều lệ của Nông hội đề ra những nội dung có tính nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của một đoàn thể quần chúng. Xây dựng Điều lệ Nông hội, Đảng Cộng sản Đông Dương có điều kiện tổ chức và vận động quần chúng tham gia đấu tranh cách mạng một cách có tổ chức, có kỷ luật, tạo thành khối sức mạnh đoàn kết thống nhất trong cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc quyết liệt.
Trong năm 1933, Đảng Cộng sản Đông Dương ban hành Chương trình hành động của Thanh niên Cộng sản Đoàn Đông Dương, khẳng định Thanh niên Cộng sản Đoàn là đội quân tiên phong của thanh niên lao động, có nhiệm vụ tập hợp thanh niên lao động đấu tranh theo đường lối của Đảng Cộng sản và Quốc tế Cộng sản Thanh niên. Chương trình hành động kêu gọi toàn thể thanh niên Đông Dương tập hợp đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Thanh niên Cộng sản Đoàn Đông Dương để thực hiện hai nhiệm vụ cách mạng là đánh đổ đế quốc, phong kiến, sau đó tiến lên xã hội cộng sản. Sự ra đời Chương trình hành động của Thanh niên Cộng sản Đoàn khẳng định bước trưởng thành của Đảng trong nhiệm vụ lãnh đạo toàn dân thực hiện đường lối cách mạng.
Đảng Cộng sản Đông Dương đã xây dựng, ban hành Chương trình hành động và Điều lệ của Công đoàn. Chương trình hành động nêu rõ: “Giai cấp vô sản chúng ta chỉ thừa nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là đảng duy nhất, đội tiên phong tuyệt vời của chúng ta... Công hội cách mạng chìa bàn tay cho Đảng Cộng sản, tổ chức mặt trận tranh đấu thống nhất của hàng chục triệu công nhân và phu cu li, kêu gọi anh chị em tranh đấu chống chính phủ, chống giai cấp tư sản, để đòi lợi ích trước mắt của chúng ta, kiên trì tranh đấu, noi theo “tấm gương quang vinh” của giai cấp vô sản Nga, tranh đấu cho đến khi cuộc cách mạng giải phóng giành được thắng lợi hoàn toàn”[4].
Đến cuối năm 1934, theo Báo cáo của Ban Chỉ huy ở ngoài gửi Quốc tế Cộng sản,tổ chức Thanh niên Cộng sản đang được chú ý xây dựng nhất là ở Bắc Kỳ. Tổ chức Công hội đỏ còn yếu, một vài nơi chưa tổ chức được công nhân. Tổ chức Hiệp hội nông dân mặc dù phát triển khá mạnh ở một số địa phương, nhưng chưa tổ chức được tới cấp tỉnh. Các tổ chức Liên minh phản đế, Cứu tế đỏ, các hội thể thao, hội tương tế bắt đầu phát triển ở một số địa phương như Cao Bằng, Sài Gòn Gia Định, Ai Lao...Cứu tế đỏ Đông Dương đã có nhưng phát triển chưa đều. Ở Nam Kỳ, Lào, Cứu tế đỏ có ảnh hưởng khá mạnh. Ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Cao Miên, Cứu tế đỏ còn kém. Cứu tế đỏ Đông Dương chưa có hệ thống, chưa sinh hoạt độc lập.
Trong những năm 1936-1939, trong bối cảnh chính trị thuận lợi cho hoạt động công khai, hợp pháp, Đảng lãnh đạo thành lập các tổ chức theo hình thức hợp pháp và nửa hợp pháp, đòi chính quyền thuộc địa giải quyết các quyền dân sinh, dân chủ.
Tại Bắc Kỳ, tháng 8-1936, thành lập Ủy ban sáng kiến Bắc Kỳ.
Tại Nam Kỳ, trong cuộc vận động Đông Dương Đại hội, chỉ trong một thời gian ngắn, 600 uỷ ban hành động được tổ chức, phát triển mạnh nhất là Sài Gòn - Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Châu Đốc, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc... Hơn một nửa số uỷ ban hành động có trụ sở hoạt động công khai, phát hành báo chí, diễn thuyết, tuyên truyền...
Tại Trung Kỳ, Ủy ban lâm thời của Đông Dương Đại hội được thành lập, lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh đòi các quyền lợi chính trị và kinh tế.
Bên cạnh cuộc đấu tranh công khai, hợp pháp tại các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp, trong giai đoạn cách mạng 1936-1939, đồng bào các dân tộc thiểu số cũng góp phần to lớn vào quá trình xây dựng và phát triển tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng và đấu tranh cách mạng. Tiêu biểu là đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và phía Tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum…
Đến tháng 9-1937, Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản cho biết, ảnh hưởng của Đảng rất lớn trong quần chúng, nhưng số người gia nhập các tổ chức của Đảng lại rất ít. Công đoàn, trong cả nước có 5.070 đoàn viên; tổ chức nông dân có 9.000 hội viên; phụ nữ ở Nam Kỳ có 945 hội viên, Nghệ An 75 hội viên, tổ chức thanh niên ở Nam Kỳ có 250 đoàn viên, Nghệ An 25 đoàn viên[5].
Tháng 4-1938, Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản cho biết về các tổ chức quần chúng, Đảng chỉ đạo tổ chức theo hình thức công khai và bán công khai. Công nhân tổ chức các hình thức ái hữu, tương tế, hợp tác xã. Ở Nam Kỳ có 3.622 công nhân tham gia tổ chức, Bắc Kỳ có 1.900 người. Ở Trung Kỳ, công nhân cũng bắt đầu tranh đấu có tổ chức.
Các tổ chức công khai hợp pháp của nông dân như Hội ái hữu, Hội tương tế, Hội lợp nhà, đưa ma, đám cưới, đọc sách báo... cũng phát triển mạnh, Bắc Kỳ có 2.000 người, Trung Kỳ có 8.823 người, Nam Kỳ có 15.735 người. Tổng cộng là 26.558 người.
Phụ nữ tổ chức theo hình thức: hội đưa ma, đám cưới, học quốc ngữ, hộ sinh... Ở Nghệ An có 9 hội với 200 hội viên, Hà Nội 100 hội viên, Nam Kỳ 2.042 hội viên. Tổng cộng là 2.342 hội viên.
Công tác vận động thanh niên chưa được các đảng bộ chú trọng, vì vậy chỉ tổ chức được 487 hội viên ở 4 tỉnh.
Hội cứu tế, giúp đỡ tài chính cho Đảng có 100 hội viên, chỉ có ở Nam Kỳ[6].
Tháng 5-1938, thành lập Hội Truyền bá quốc ngữ. Hệ thống tổ chức của Hội được xây dựng từ trung ương tới địa phương, Ban liên lạc của Hội đặt tại số 4 phố Nguyễn Trãi - Hà Nội (nay là phố Nguyễn Văn Tố). Trụ sở chính của Hội đặt ở Hội quán Trí Tri số 47 Hàng Quạt và có chi nhánh ở các địa phương. Phong trào Truyền bá quốc ngữ phát triển rất nhanh. Riêng ở Hà Nội trong hai năm 1938-1939 đã mở được 4 khoá học cho hơn 4.000 người học, phần lớn là công nhân và nhân dân lao động.
Trong những năm 1939-1940, Mặt trận phản đế Đông Dương được chú ý phát triển, tuy nhiên, Trung ương Đảng thấy rằng một số tổ chức khác như Công hội, Nông hội chưa được các Đảng bộ chú ý củng cố và phát triển.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng kết thúc ngày 19-5-1941. Đây cũng là ngày đánh dấu sự ra đời của Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Phương pháp tổ chức các hội quần chúng trong mặt trận rất mềm dẻo, có cả những đoàn thể không có điều lệ, hoạt động công khai hoặc bán công khai... nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân, các đảng phái tham gia Mặt trận. Trong mối quan hệ với Việt Minh, Đảng xác định là một bộ phận trong Mặt trận Việt Minh và là bộ phận trung kiên, lãnh đạo.
Ngày 25-10-1941, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, nêu rõ tôn chỉ, mục đích: “Việt Minh kết nạp từng đoàn thể, không cứ đảng phái, đoàn thể nào của người Việt Nam hay của các dân tộc thiểu số sống trong nước Việt Nam, không phân biệt giai cấp, tôn giáo và xu hướng chính trị, hễ thừa nhận mục đích, tôn chỉ và chương trình của Việt Minh và được Tổng bộ Việt Minh thông qua, thì được gia nhập Việt Minh”[7].
Lời hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh (Ảnh tư liệu)
Cuối năm 1941, Xuất hiện nhiều xã, tổng, châu toàn dân tham gia Việt Minh ở Cao Bằng. Năm 1942, Cao Bằng đã có 3 châu (Hoà An, Nguyên Bình, Hà Quảng) trong số 9 châu trở thành “châu hoàn toàn”. Đây là một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử cách mạng, Việt Minh phát triển rầm rộ trong hoàn cảnh hết sức bí mật. Phong trào Việt Minh phát triển mạnh ở Cao Bằng, lan sang các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, xuống miền xuôi, phát triển rộng trong cả nước.
Giữa năm 1943, Hội Văn hóa cứu quốc được thành lập tại Hà Nội. Cùng với quá trình hoạt động, đội ngũ hội viên Hội Văn hoá Cứu quốc ở Hà Nội ngày càng tăng lên. Đến đầu năm 1945, có khoảng 30 văn nghệ sĩ được tập hợp trong tổ chức Hội Văn hoá Cứu quốc ở Hà Nội. Từ Hà Nội, cơ sở của Hội Văn hoá Cứu quốc còn được xây dựng trong giới trí thức văn nghệ sĩ ở các thành phố Hải Phòng, Nam Định.
Cùng với các đoàn thể khác của Mặt trận Việt Minh, Hội Văn hoá Cứu quốc ra đời đã làm tăng thêm ảnh hưởng của cách mạng trong các thành phố, thu hút ngày càng đông đảo đội ngũ trí thức vào hàng ngũ cách mạng.
Từ cuối năm 1943, sau khi thành lập, Xứ uỷ Nam Kỳ (Tiền Phong) đẩy mạnh công tác vận động công nhân, xây dựng các tổ chức công đoàn chủ yếu là ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Các tổ chức của công nhân với các hình thức biến tướng như “Nghiệp đoàn”, "Hội ái hữu”, “Hội tương tế” được thành lập và phát triển trong các khu phố, trong các xí nghiệp lớn. Đến cuối năm 1944, vùng Sài Gòn-Chợ Lớn đã có 40 công đoàn xí nghiệp với 5.000 đoàn viên. Để thống nhất chỉ đạo phong trào công đoàn, công nhân, vào tháng 4-1944, dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Nam Kỳ, 20 đại biểu các tổ chức công đoàn họp tại Hãng thuốc lá MIC thành lập Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Nam Kỳ. Sự ra đời của Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Nam Kỳ đánh dấu bước phát triển mới của phong trào công nhân Sài Gòn và Nam Kỳ.
Từ sau Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tháng 2-1943, Đảng chú trọng tìm hiểu khả năng, nguyện vọng của tầng lớp trí thức, dẫn dắt họ vào con đường đấu tranh. Được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản, sau một thời gian chuẩn bị, ngày 30-6-1944, một số trí thức yêu nước và tiến bộ hoạt động ở Hà Nội thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam. Mục tiêu, tôn chỉ của Đảng Dân chủ Việt Nam là đấu tranh cho độc lập dân tộc, tự do dân chủ, dân sinh hạnh phúc. Đảng hoạt động trong giới sinh viên, trí thức, tiểu tư sản lớp trên. Ngay sau khi ra đời, Đảng Dân chủ Việt Nam tự nguyện đứng vào hàng ngũ Việt Minh, hoạt động theo Chương trình của Mặt trận Việt Minh. Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít thêm sâu rộng, tạo điều kiện để Đảng tranh thủ tầng lớp trung gian, làm thất bại âm mưu của phát xít và tay sai lôi kéo tư sản dân tộc và tầng lớp trí thức Việt Nam.
Cuối năm 1941, Kỳ bộ Việt Minh Nam Kỳ được thành lập. Sau khi Kỳ bộ Việt Minh Nam Kỳ ra đời, cơ sở của Mặt trận Việt Minh đã phát triển ở cả ba miền Đông, Trung và Tây Nam Kỳ, bắt đầu lan vào các đồn điền, xí nghiệp và một số nơi trong các đô thị. Tuy nhiên, đến thời điểm đầu 1945, Việt Minh Nam Kỳ vẫn phát triển chủ yếu ở nông thôn, trong nông dân và ngay trong tầng lớp này cũng không thu hút được đông đảo.
Phong trào đô thị phát triển sôi nổi hơn. Ngày 1-6-1945, Thanh niên Tiền phong ra mắt nhân dân tại Sài Gòn. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xử uỷ Nam Kỳ (Tiền phong), Thanh niên Tiền phong phát triển vô cùng mạnh mẽ, thu hút mọi tầng lớp, lứa tuổi, giới tính vào tổ chức. Bắt đầu từ nội thành Sài Gòn, phong trào lan ra các vùng ngoại ô như Phú Lâm, Rạch Cát, Bình Đăng, Chánh Hưng, Khánh Hội... Từ Sài Gòn- Chợ Lớn, phong trào nhanh chóng lan ra hầu hết các tỉnh Nam Kỳ. Đến tháng 8-1945, Thanh niên Tiền phong thu hút 1.200.000 hội viên. Riêng ở Sài Gòn có 200.000 hội viên với 200 trụ sở ở các công xưởng, trường học[8].
Ngày 1-7-1945, Thanh niên Tiền phong tổ chức lễ tuyên thệ tại Sài Gòn với lời thề phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ngày 4-8-1945, Thanh niên Tiền phong lại tổ chức tuyên thệ tại Sài Gòn, ca ngợi những gương anh hùng như Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai. Ngày 22-8-1945, Thanh niên Tiền phong ra tuyên bố tự nguyện chiến đấu trong Mặt trận Việt Minh với khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập”, “Chính phủ cộng hoà dân chủ”, “Chính quyền về Việt Minh”. Thanh niên Tiền phong chính là lực lượng cách mạng hùng hậu nhất ở Nam Bộ, Sài Gòn trong cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám.
Ngày 16-8-1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào được tổ chức. Hơn 60 đại biểu ở Bắc, Trung, Nam; đại biểu kiều bào ở nước ngoài; đại biểu các đảng phái; các đoàn thể dân tộc, tôn giáo quy tụ tại Đại hội. Trước các đại biểu của nhân dân, Đảng nêu lên chủ trương lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền từ tay Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, Đại hội nhiệt liệt tán thành và ủng hộ chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng; thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh.
Mười chính sách lớn của Việt Minh (Ảnh Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam)
Đại hội quyết định thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sáng ngày 17-8, Uỷ ban Giải phóng dân tộc ra mắt quốc dân tại đình Tân Trào. Đại hội Quốc dân Tân Trào đã thể hiện sự đoàn kết nhất trí của toàn thể dân tộc trong giờ phút quyết định. Đại hội là biểu hiện cho lòng tin tưởng tuyệt đối của toàn dân vào Đảng, đồng thời tượng trưng cho quyết tâm sắt đá của toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đứng lên giành tự do, độc lập.
Trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, các tầng lớp nhân dân Việt Nam trên cả nước đã đoàn kết, dưới ngọn cờ Mặt trận Việt Minh, chớp thời cơ thuận lợi, nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Sức mạnh đoàn kết trong mặt trận dân tộc thống nhất đã đem lại thành quả là cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi nhanh chóng, ít đổ máu trong toàn quốc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả của 15 năm lãnh đạo đấu tranh gian khổ của Đảng, trong đó có lãnh đạo xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất. Hoàn toàn không có cơ may nào cả nếu không có sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, vùng lên làm cách mạng trong bối cảnh thuận lợi.
Trong quá trình lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chủ trương đoàn kết toàn dân với việc thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi là hoàn toàn đúng đắn. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế của mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng đã sáng tạo trong chủ trương và tổ chức thực hiện đoàn kết toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất, đỉnh cao là Mặt trận Việt Minh, quy tụ toàn dân, tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc. Cùng với sự sáng tạo, linh hoạt là bảo đảm những nguyên tắc như xây dựng liên minh công nông làm nòng cốt cho Mặt trận dân tộc thống nhất, đồng thời luôn bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận.
Bình Nguyễn
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tập 2, tr. 4.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr. 508.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tập 4, tr. 102.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tập 4, tr. 82.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr. 304.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr. 373-374.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr. 472.
[8] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh-Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, Đảng lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giành chính quyền và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, (1930-1945), xuất bản lần thứ hai, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr. 951.