Những ngày qua, cụm từ “sao kê” trở thành từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội. Nó thu hút sự quan tâm của nhiều người về hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ, đồng thời phản ánh một xu hướng dư luận trong xã hội - xu hướng đòi hỏi tính minh bạch trong các hoạt động thiện nguyện.
Xu hướng “sao kê” bắt nguồn từ việc một số nghệ sĩ bị “réo tên” khi làm từ thiện. Có người cho rằng có một số nghệ sĩ đã lợi dụng uy tín của mình để kêu gọi từ thiện nhưng lại không công khai số tiền nhận được hay không giải ngân số tiền theo đúng mục đích ban đầu... Do đó, để minh chứng cho sự trong sạch của mình, có nghệ sĩ đã công khai bản “sao kê” hoạt động từ thiện. Điều này nhanh chóng trở thành một trào lưu khiến nhiều công chúng cũng đòi hỏi các nghệ sĩ mà mình đóng góp cho họ phải công khai “sao kê”.
Đây là một hiện tượng xã hội đặc biệt mà hầu như chưa xảy ra trước đó. Nếu như trước đây, các nghệ sĩ thường làm từ thiện bằng chính số tiền của mình hoặc nếu có kêu gọi từ thiện thì quy mô cũng nhỏ, số tiền thu được cũng không nhiều thì ngày nay, ngoài việc tự làm từ thiện trên danh nghĩa cá nhân, các nghệ sĩ cũng thường vận động nhiều người cùng tham gia, với số tiền lớn, lại được hiệu ứng của truyền thông, mạng xã hội tuyên truyền, lan tỏa nên thu hút sự chú ý của nhiều người.
Đòi hỏi đó của công chúng là hợp lý, bởi trong bất cứ hoạt động giao dịch tài chính nào, ở bất cứ lĩnh vực nào đều cần sự minh bạch. Khi góp tiền thiện nguyện cho các nghệ sĩ, họ trao gửi vào đó niềm tin song họ cũng cần được biết số tiền mình đóng góp - dù ít dù nhiều - được sử dụng vào mục đích gì, như thế nào?
Chưa xét đến chuyện đúng sai nhưng về bản chất, “sao kê” là một giải pháp cần thiết giúp các nghệ sĩ chứng minh được sự trong sạch của mình với công chúng, tạo niềm tin cho xã hội và lan tỏa hình ảnh, uy tín của chính các nghệ sĩ với cộng đồng. Những ngày qua, đã có nhiều nghệ sĩ công khai các bản “sao kê” nặng vài cân, thậm chí vài chục cân nhưng có không ít nghệ sĩ còn chần chừ với lý do “không muốn làm khó ngân hàng”. “Sao kê” hay “không sao kê”, đó là quyền lựa chọn của mỗi nghệ sĩ nhưng thực tiễn cho thấy, việc “sao kê” đã thực sự làm xáo trộn tâm lý, cuộc sống của nhiều nghệ sĩ. Có không ít nghệ sĩ đã bật khóc, mất ăn mất ngủ và chắc cũng không ít người tỏ ra hoang mang, mất niềm tin khi nghĩ đến việc làm từ thiện.
Khách quan mà nói, việc làm tự thiện còn thiếu chuyên nghiệp của nhiều nghệ sĩ dẫn đến hệ quả tất yếu của hiện tượng yêu cầu “sao kê”. Có những nghệ sĩ rất giỏi biểu diễn, có nhiều năm kinh nghiệm đứng trên sân khấu nhưng lại thiếu kinh nghiệm trong việc làm từ thiện. Dù họ huy động được số tiền từ thiện rất lớn nhưng lại hoạt động đơn lẻ, theo cá nhân hoặc một nhóm người. Họ minh chứng cho việc chi tiêu các hoạt động từ thiện chỉ bằng những mẩu giấy viết tay, không có sự chứng thực của cấp chính quyền nào. Chưa kể, không ít nghệ sĩ lợi dụng hoạt động từ thiện để đánh bóng tên tuổi, chậm trễ giải ngân số tiền từ thiện. Thậm chí, trước sức ép của dư luận xã hội, có những nghệ sĩ còn có những phát ngôn phiến diện: Nếu không có nghệ sĩ làm từ thiện thì sẽ chẳng có ai khác làm từ thiện. Những hành động, lời nói đó vô hình trung đã càng thổi bùng dư luận của công chúng về việc “sao kê” của các nghệ sĩ khi làm từ thiện.
Chuyện “sao kê” của các nghệ sĩ là một chỉ báo cho thấy sự khủng hoảng niềm tin của công chúng với hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ trong thời gian gần đây. Có nhiều nghệ sĩ bị khủng bố tinh thần, bị tấn công trang cá nhân bằng những lời lẽ xúc phạm, thóa mạ. Nguy hại hơn, điều này còn tạo cơ hội cho một số nghệ sĩ vốn có hiềm khích với nhau được dịp lên tiếng công kích, bôi nhọ uy tín, danh dự của nhau... Hệ lụy của nó là tạo nên một sự nhiễu loạn thông tin, phải - trái, trắng - đen, thật - giả lẫn lộn làm cho hình ảnh một số nghệ sĩ, trong đó có cả những nghệ sĩ lớn, có uy tín trở nên méo mó. Từ nghĩa cử cao đẹp khi làm từ thiện nhanh chóng trở thành hình ảnh méo mó thật sự rất đáng tiếc!
Làm việc thiện nguyện vốn thuộc về cái tâm bởi con người ai cũng có lòng trắc ẩn. Nghệ sĩ là người của công chúng thì ở họ còn có trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng. Sau cuộc khủng hoảng “sao kê” từ thiện này, có lẽ nhiều nghệ sĩ sẽ như “con chim sợ cành cong” nên không tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nữa. Âu đó cũng là tâm lý lo ngại thường tình, dễ hiểu nhưng cũng phải nói lại rằng “vàng thật không sợ lửa”. Nếu làm từ thiện, quyên góp tiền từ thiện một cách minh bạch, làm bằng cái tâm trong sáng thì cũng không phải “mất ăn mất ngủ” về chuyện “sao kê”. Minh bạch chính là “chìa khóa” để gỡ bỏ những hoài nghi, thắc mắc mà nhiều nghệ sĩ nói riêng và những người làm công việc thiện nguyện nói chung phải lấy đó làm “kim chỉ nam” nếu tiếp tục muốn làm từ thiện.
Cũng cần phải nói thêm rằng, trong việc kêu gọi tiền từ thiện, nếu muốn thực sự minh bạch để tránh những rắc rối về sau thì ngay từ đầu các nghệ sĩ nên lường trước hệ lụy với những số tiền quyên góp được. Làm từ thiện cũng phải cần chuyên nghiệp để mọi thu chi có chứng cứ, thông tin rõ ràng và có một bộ phận chuyên trách hỗ trợ, thậm chí là về pháp lý để bảo vệ những người làm tự thiện. Thực tiễn cũng đặt ra yêu cầu cần phải có những quy định chặt chẽ dành cho cá nhân, tổ chức làm thiện nguyện để hạn chế những hoạt động thiện nguyện mang tính cá nhân, tự phát. Nhà nước cũng cần có những quy định pháp luật để bảo vệ những người làm từ thiện chân chính, giúp cho họ có thêm động lực, niềm tin để tiếp tục những hoạt động thiện nguyện.
Thiện nguyện là một hành động cao đẹp rất đáng được trân trọng! Để “sao kê” trở thành một chuyện rất bình thường, là minh chứng cho sự minh bạch của các nghệ sĩ khi làm từ thiện, cần có sự thay đổi cả về tư duy, tâm lý và hành động của không chỉ các nghệ sĩ mà của toàn xã hội.
Chiên Lê