Là địa bàn sớm phải đối mặt với cuộc tái xâm lược của thực dân Pháp, nhưng Nam Bộ chiến đấu không đơn độc. Sát cánh cùng Nam Bộ kháng chiến có nhân dân cả nước, có kiều bào ta ở nước ngoài, có bạn bè quốc tế. Sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc đã cổ vũ Nam Bộ thành đồng Tổ quốc vững tin vào chiến thắng
Nam Bộ kháng chiến anh dũng
Ngày 23/9/1945, chỉ sau 3 tuần Việt Nam tuyên bố độc lập, thực dân Pháp nổ súng tấn công các trụ sở của chính quyền cách mạng tại Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai.
Trước tình hình đó, Xứ ủy Nam Bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại Nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh). Hội nghị thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”, xác định rõ nhiệm vụ hàng đầu lúc này kháng chiến, tiêu diệt giặc Pháp và tay sai, ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.
Sau khi phân tích những âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp, thái độ của đế quốc Anh, Hội nghị quyết định phát động toàn dân tổng đình công, bãi công, bãi chợ, không hợp tác với quân Pháp; phát động cuộc chiến tranh du kích rộng khắp, bao vây địch trong thành phố; tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của chúng.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, đông đảo nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Ngày 23/9/1945, khi một đại đội quân Anh định hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống để kéo lá cờ tam tài lên, vì danh dự lá cờ Tổ quốc, chỉ với vũ khí thô sơ, các chiến sĩ cảm tử của Tiểu đội bảo vệ cột cờ Thủ Ngữ đã hy sinh đến người cuối cùng để ngăn cản quân địch.
Sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ trong Tiểu đội bảo vệ cột cờ Thủ Ngữ đã khiến viên chỉ huy người Anh cảm phục, phải cho đại đội xếp hàng, bồng súng chào hương hồn những người anh hùng của đối phương đã ngã xuống dưới chân cột cờ.
Trận chiến đấu bảo vệ lá cờ Tổ quốc - biểu tượng của nền độc lập đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân dân Nam Bộ và cả nước.
Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ thành lập bốn mặt trận ở ngoại thành Sài Gòn. Lực lượng vũ trang trên 4 mặt trận thực hiện kế hoạch chốt giữ các cầu chính để vây địch trong nội thành, đồng thời triển khai lực lượng tiến vào nội thành, phối hợp với các tổ, đội du kích bám trụ, tiến hành các cuộc đột kích vào những nơi địch đóng quân, đốt phá các kho tàng quân sự và cơ sở kinh tế của địch rồi nhanh chóng rút lui. Nhân dân tích cực cùng các đội tự vệ tổ chức chốt chặn, canh giữ các ngả đường; triệt để thực hiện tổng đình công; phá hủy một số cơ sở kinh tế như nhà máy đèn, nhà máy nước, hoạt động chợ búa ngưng trệ, xe điện ngưng chạy, v.v.
Với ý chí quyết tâm chiến đấu chống xâm lược, quân dân Nam Bộ đã tạo nên một vòng vây quân sự kết hợp với vòng vây kinh tế đẩy quân địch vào tình thế bị động, bất ngờ.
Nhân dịp 100 ngày kháng chiến toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen ngợi: “Sự anh dũng của đồng bào trong đó đã làm gương cho đồng bào toàn quốc noi theo. Chúng ta đồng tâm hiệp lực, không sợ gian nan, kiên quyết tranh đấu đến cùng, thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất, độc lập nhất định thành công”.
Tinh thần chiến đấu bất khuất của quân và dân Nam Bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”.
Cả nước cùng Nam Bộ kháng chiến
Ngày 26/9/1945, qua Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ… Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hi sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”2.
Hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào Nam tiến diễn ra sôi động khắp nơi trên toàn quốc, với nhiều hình thức phong phú.
Nhân dân các tỉnh ở Bắc Bộ, Trung Bộ đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh, biểu tình biểu thị ý chí kiên quyết chiến đấu chống xâm lược với các khẩu hiệu "Đả đảo thực dân phản động Pháp xâm lược", "Nước Việt Nam của người Việt Nam", "Triệt để ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh".
Tỉnh Thái Phiên (nay là tỉnh Quảng Nam), có địa phương đã biểu tình tới bốn lần, mỗi lần trên năm, sáu vạn người tham gia. Tại Quy Nhơn (Bình Định), 1.000 tự vệ, công an, cựu binh sĩ biểu tình phản đối phái bộ Anh, thề sẵn sàng Nam tiến.
Để thành lập các đơn vị Nam tiến, hầu hết các tỉnh đều lập Phòng Nam Bộ. Các phòng Nam Bộ đã lập danh sách hàng vạn người tình nguyện vào Nam giết giặc; tiếp nhận tiền bạc, thuốc men, lương thực do nhân dân quyên góp để chuyển vào ủng hộ Nam Bộ. Các đơn vị Nam tiến được thành lập ở nhiều tình. Bình quân ở Bắc Bộ, Trung Bộ, mỗi tỉnh thành lập được 1 đến 2 chi đội Nam tiến. Ở Quảng Ngãi, có 10 chi đội với 15.000 chiến sĩ; thành phố Huế có 3 chi đội; Hà Nam gửi 1 Tiểu đoàn cùng 35 cán bộ; Quảng Nam gửi 5 chi đội. Ninh Bình gửi 3 đại đội, Thủ đô Hà Nội có 1.000 chiến sĩ, phần lớn là thanh niên, công nhân, học sinh, sinh viên[1]. Nhiều phụ nữ mang tiền, vàng, thuốc men ủng hộ Nam Bộ kháng chiến[2].
Thanh niên cả nước sôi sục khí thế kháng chiến chống Pháp sát cánh
cùng nhân dân Nam Bộ (Ảnh tư liệu)
Ngày 26/9, Chi đội Nam tiến đầu tiên gồm 3 đại đội do Chi đội trưởng Hoàng Thơ phụ trách, hành quân bằng tàu hỏa từ ga Hàng Cỏ. Dọc đường, bổ sung 2 đại đội của Thanh Hóa, Nghệ An. Chi đội đã chiến đấu tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Tiếp sau Chi đội Nam tiến đầu tiên là nhiều đơn vị thuộc các Chi đội Giải phóng từ các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ đã lên đường sát cánh cùng đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ. Trong hàng ngũ những đoàn quân Nam tiến có cả những Việt kiều mới về nước, những cựu binh sĩ Việt Nam đã rời bỏ hàng ngũ quân đội Pháp đóng tại Vân Nam về với kháng chiến.
Cuộc kháng chiến ở Nam Bộ còn nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhiều người Pháp và nhiều Pháp kiều đang sinh sống trên đất nước Việt Nam. Ngày 10/10/1945, hàng trăm phụ nữ, trẻ em Pháp biểu tình phản đối thái độ bất nhân của quân đội Pháp, trưng và hô vang khẩu hiệu “Trả lại độc lập cho người Việt Nam”, “Nước ta bị Đức đô hộ bốn năm đã chịu bao nhiêu sự đàn áp, tại sao nay ta còn muốn đô hộ người Việt Nam?”. Bọn cầm quyền Pháp đến đàn áp và bắt nhốt những người biểu tình. Một số kiều dân Pháp phản đối chính quyền thực dân đã quyết định rời Việt Nam trở về Pháp[3]. Đặc biệt, Sauteray – một phi công người Pháp đã chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám đến hơi thở cuối cùng[4].
Một bộ phận trong hệ thống chính quyền Nam triều cũ cũng đã lên tiếng tuyên bố bất hợp tác với thực dân Pháp. Họ ra bản Tuyên ngôn như sau đây: “Chúng tôi thay mặt cho tất cả các hàng quan lại của triều đình cũ xin một lòng ủng hộ Chính phủ Dân chủ Cộng hòa nước Việt Nam do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chúng tôi xin đem hết tinh thần và năng lực để hợp tác với Chính phủ trong tất cả các phương diện và xin cương quyết chống ngoại xâm. Chúng tôi thề nhất định không hợp tác với bọn thực dân”[5].
Được sự ủng hộ của quân dân cả nước, quân và dân Nam Bộ đã tiêu diệt, tiêu hao được một bộ phận sinh lực địch, giam chân địch trong các thành phố, thị xã, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang và các cơ quan kháng chiến ở Nam Bộ chuyển ra các căn cứ, chiến khu để chuẩn bị kháng chiến lâu dài cùng cả nước.
Tạp chí Sự thật, số ra ngày 6-9/1/1946, khẳng định: “Và từ đêm 23/9/1945, tất cả các đảng phái, từ Cao Đài, Phật giáo, Gia tô đến Việt Nam Quốc gia đảng, Thanh niên ái quốc và Thanh niên Tiền phong, đều sát cánh nhau chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo duy nhất của Hồ Chủ tịch, của Chính phủ Lâm thời và Ban Chấp hành Kỳ bộ Việt Minh Nam Bộ… Sự đoàn kết ấy, cùng với sự đoàn kết mới đây giữa các đảng phái miền Bắc nhất định sẽ đưa toàn thể dân tộc tới thắng lợi trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”[6].
Lịch sử đã lùi xa 76 năm nhưng ngày Nam Bộ kháng chiến luôn là niềm tự hào về tinh thần yêu nước, chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc của quân dân Nam Bộ nói riêng, của quân và dân cả nước nói chung.
Xuân Nguyễn
[1] Ban Dân Vận Trung ương: Lịch sử công tác dận vận của Đảng Cộng sản việt Nam (1930-2010), Nxb. Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2015, tr.115.
[2] Báo Cứu quốc, số 52, ngày 27/9/1945.
[3] Báo Cứu quốc, số 66, ngày 13/10/1945
[4] Báo Cứu quốc, số 84, ngày 6/11/1945
[5] Báo Cứu quốc, số 84, ngày 6/11/1945
[6] Tạp chí Sự thật, số 10, ngày 6-9/1/1946