Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, “Ba sẵn sàng” là phong trào cách mạng sâu rộng của tuổi trẻ miền Bắc. Từ phong trào “Ba sẵn sàng”, nhiều phong trào thi đua sôi nổi đã diễn ra trong lớp lớp đoàn viên, thanh niên trên khắp các lĩnh vực, trong đó có phong trào “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu” của sinh viên các trường đại học ở Thủ đô Hà Nội
Khởi nguồn từ một phong trào thi đua yêu nước của tuổi trẻ miền Bắc
Từ cuối năm 1964, đầu năm 1965, trước sự phá sản của chiến lược Chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mỹ và tay sai chủ trương chuyển sang tiến hành chiến lược Chiến tranh cục bộ ở Việt Nam. Với chiến lược chiến tranh mới này, Mỹ âm mưu đẩy cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam lên một mức độ cao nhất; đồng thời, tiến hành mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Trước tình hình đó, cả miền Bắc sục sôi căm thù, quyết tâm sát cánh cùng nhân dân miền Nam đánh bại quân xâm lược.
Trong bối cảnh đó, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước và sự cống hiến trong sinh viên, Ban Chấp hành Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng”[1] trong sinh viên toàn trường. Ngày 30/ 4/1964, Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức lễ phát động phong trào “Ba sẵn sàng” tại Nghĩa trang Mai Dịch, với nội dung: (1) Sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng chiến đấu đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược (2) Sẵn sàng hy sinh bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (3) Sẵn sàng làm bất cứ việc gì, đi bất cứ nơi nào mà Đảng, nhân dân, Tổ quốc cần đến mà không đòi hỏi đãi ngộ.
Sau trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các trường đại học khác ở Hà Nội như Đại học Bách khoa, Đại học Y Dược, Đại học Giao thông, Đại học Xây dựng… đều làm lễ ra quân “Ba sẵn sàng”; từ đó, tạo nên một phong trào cách mạng có sức cuốn hút sức trẻ rộng rãi. Trên cơ sở phong trào “Ba sẵn sàng” đang diễn ra sôi nổi trong giới sinh viên Thủ đô, tối ngày 7/8/1964, Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội họp phiên bất thường quyết định phát động phong trào “Ba sẵn sàng” với nội dung:
1. Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm.
2. Sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang.
3. Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến[2].
Sinh viên Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế quốc dân) trước giờ
lên đường nhập ngũ tháng 9/1971 (Ảnh tư liệu)
Khi phong trào “Ba sẵn sàng” được phát động, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao ý nghĩa của phong trào này. Trong bức thư gửi thanh niên nhân dịp Quốc khánh 2/9/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, theo tiếng gọi của Tổ quốc, thanh niên cả nước đã giương cao ngọn cờ chủ nghĩa anh hùng cách mạng lập nhiều thành tích xuất sắc. Hàng triệu thanh niên miền Bắc đã hăng hái tham gia phong trào “Ba sẵn sàng”, hàng triệu cháu trai và cháu gái đã tình nguyện vào Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước”[3]. “Ba sẵn sàng” thực sự trở thành tiếng kèn xung trận, là lời hiệu triệu của Tổ quốc; ở đó, tuổi trẻ miền Bắc xã hội chủ nghĩa được thể hiện khát vọng, lý tưởng và được cống hiến!
Đến phong trào “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”
Trong khí thế sục sôi của phong trào “Ba sẵn sàng”, giới sinh viên các trường đại học ở Hà Nội đã hưởng ứng mạnh mẽ bằng một phong trào hết sức thiết thực, đó là: Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu! Hàng vạn sinh viên đã viết đơn tình nguyện tạm dừng việc học tập để xung phong vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Dù biết ra tiền tuyến là phải đối mặt với sự hy sinh, mất mát, nhưng được cầm súng chiến đấu chống quân thù để bảo vệ độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân, đã trở thành lý tưởng sống cao đẹp của tuổi trẻ miền Bắc nói chung và thế hệ sinh viên các trường đại học ở Hà Nội khi đó. Nhiều người đủ tiêu chuẩn được cử đi học tập, nghiên cứu sinh ở nước ngoài, song, họ vẫn sẵn sàng gác lại ước mơ vươn tới chân trời tri thức để xung phong vào bộ đội với mục đích được ra tiền tuyến chiến đấu. Khi non sông đang bị chia cắt, đất nước còn chưa sạch bóng kẻ thù ngoại xâm thì “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” đã trở thành chân lý sống của cả một thế hệ đoàn viên - sinh viên Hà Nội.
Từ năm 1965 đến năm 1975, hàng vạn sinh viên các trường đại học Thủ đô tạm xa mái trường, giảng đường thân yêu lên đường tòng quân, tham gia cùng lớp lớp thanh niên cả nước đi chống Mỹ, cứu nước. Riêng từ năm 1970 đến năm 1972, có hơn 1 vạn sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ[4]. Nhập ngũ đông nhất là sinh viên Trường Đại học Bách Khoa với khoảng 700 người; Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm Hà Nội 1(nay là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) và Trường Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), mỗi trường khoảng 500 người[5]. Ngoài ra, còn có sinh viên các trường Đại học Xây dựng, Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân), Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Y, Đại học Tổng hợp... Ngày 31/12/1970, có 700 sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ nộp đơn tình nguyện nhập ngũ[6]. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngay sau khi phát động phong trào “Ba sẵn sàng” đã thành lập Trung đoàn “Ba sẵn sàng”, cung cấp cho Bộ Quốc phòng hàng trăm cán bộ, sinh viên ưu tú cho các binh chủng: Bộ binh, Pháo binh, Phòng không-không quân, Ra đa, Tên lửa, Hóa học…; hàng trăm phiên dịch Nga văn, Trung văn, Anh văn, Pháp văn. Các đồng chí Lê Đăng Bảng, Nguyễn Tề, Xuân Đỉnh (khoa Văn); Triệu Đình Khuê-cán bộ giảng dạy, Bí thư chi đoàn khoa Toán; Nguyễn Thị Hường, đồng chí Tâm (khoa Địa); Thái Doãn Hộ- cán bộ giảng dạy, Bí thư Liên chi đoàn khoa Hóa… đã xung phong nhập ngũ ngay đợt đầu.
Cảnh chia tay nhau lên đường nhập ngũ tại Trường Ngoại ngữ (Nay là Đại học
Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) (Ảnh tư liệu)
Trong số sinh viên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, có nhiều người mới học xong năm thứ nhất, nhưng cũng có người sắp tốt nghiệp, chuẩn bị đi tu nghiệp nước ngoài, làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Họ được biên chế vào các đơn vị bộ đội chủ lực phù hợp với chuyên ngành được đào tạo như: Sinh viên trường Đại học Bách khoa vào pháo binh và thông tin; sinh viên trường Đại học Y vào quân y; sinh viên trường Đại học Mỏ-Địa chất vào công binh… Nhưng phần đông là có mặt ở hầu hết các đơn vị, binh chủng như bộ binh, đặc công, xe tăng, pháo binh, tên lửa, cao xạ, hải quân, không quân… Họ có mặt tham gia chiến đấu trên tất cả các chiến trường từ Bình Trị Thiên, Huế, Tây Nguyên, đến đồng bằng Nam Bộ, khu V. Ở đâu, lớp sinh viên Hà Nội đều phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiến đấu anh dũng, kiên cường. Trong số họ, nhiều người đã trở thành Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân như: Vũ Xuân Thiều, Trần Thanh Hải (sinh viên Trường Đại học Bách khoa), Bùi Ngọc Dương (sinh viên Trường Đại học Xây dựng), Vương Đình Cung (sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp 1)[7], Nhà thơ Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), nguyên giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; Nhà thơ Trần Tiến (Chu Cẩm Phong), cựu sinh viên khoa Văn khóa 5 - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội…
Cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt, không ít sinh viên Hà Nội bị thương hoặc anh dũng ngã xuống khi chưa kịp nhìn thấy ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Trong hơn 1 vạn sinh viên nhập ngũ giai đoạn 1965-1975, có hơn một nửa đã hy sinh tại các mặt trận phía Nam, trên chiến trường Lào, nhưng nhiều nhất là trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972. Có người ngã xuống ở trước cửa ngõ Sài Gòn như như Liệt sĩ Nguyễn Văn Tư (sinh viên Trường Đại học Bách Khoa) - khi chỉ cách giờ phút giải phóng miền Nam chưa đầy hai tiếng[8].
Như vậy, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, sinh viên Hà Nội đã tạo lên một phong trào cách mạng “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu” vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, giành độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước. Các anh, các chị đã ghi dấu một mốc son chói lọi vào trang sử vàng truyền thống của sinh viên Thủ đô.
Nhẫn Trần
[1] Khởi nguồn từ phong trào “Tam bất kỳ” của sinh viên khoa Văn, đầu năm 1964, BCH Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 đã phát động phong trào “Tam bất kỳ” trong sinh viên toàn trường. Đến cuối tháng 4-1964, BCH Đoàn trường Đại học sư phạm Hà Nội 1 quyết định đổi tên phong trào “Tam bất kỳ” thành “Ba sẵn sàng”. Dẫn theo: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Kỷ yếu Hội thảo: Phong trào “Ba sẵn sàng”. Lịch sử và ý nghĩa thời đại, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2014, trang 88.
[2] Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Kỷ yếu Hội thảo: Phong trào “Ba sẵn sàng”. Lịch sử và ý nghĩa thời đại, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2014, trang 88.
[3]Hồ Chí Minh: Về giáo dục thanh niên, Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 1980, trang 133.
[4] Hoàng Phương, Quỳnh Trang: Lớp sinh viên “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu” (Nguồn: https://vnexpress.net/giao-duc/lop-sinh-vien-xep-but-nghien-len-duong-chien-dau-3206385.html).
[5]Theo, Hồng Hạnh,Nhớ thời sinh viên Hà Nội gác bút nghiên ra trận (Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Nho-t...4/43361.vnplus).
[6] Báo Hà Nội Mới, số 915, năm 1970.
[7]Nguồn:https://www.nhandan.com.vn/nation_news/item/26183902-tri-an-the-he-nhung-nguoi-linh-sinh-vien-phong-trao-xep-but-nghien-len-duong-danh-my.html
[8]Hoàng Phương, Quỳnh Trang: Lớp sinh viên “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu” (Nguồn: https://vnexpress.net/giao-duc/lop-sinh-vien-xep-but-nghien-len-duong-chien-dau-3206385.html).