Lịch sử đôi khi có những sự kiện trùng lặp đến lạ kỳ và những điều bí ẩn khó lý giải tường tận. Để hiểu được cuộc đời của bậc vĩ nhân chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, tác giả bài viết xin nêu lên những sự kiện gắn với con số 6 trên hai góc độ là ngày hoặc tháng trong hành trình 30 năm đó của Người
Một là, ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba rời bến cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước
Đây là một chuyến đi lịch sử, hiếm có và khác biệt hoàn toàn so với các bậc tiền bối. Người chọn hướng đến là phương Tây, điểm đến trước tiên là Pháp - nước đang đặt ách thống trị lên Việt Nam. Ngày 6-7-1911, con tàu mang tên Amiral Latouche Tréville đã đưa Người cập bến cảng Marseille. Người ra đi chỉ đơn độc một mình với đôi bàn tay lao động và hành trang là lòng yêu nước mãnh liệt, chí nguyện lớn lao muốn tìm ra con đường cứu nước đặng đem lại độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào. Với Người, mục đích ra đi năm 1911 là rất rõ ràng, nhưng mục tiêu hướng tới, tìm đến, con đường phải đi tiếp và lựa chọn con đường nào cho dân tộc thì có lẽ chưa thể định hình rõ được. Song, với lòng dũng cảm, ý chí kiên định, khát vọng giải phóng dân tộc, nhân dân, sau chín năm ròng bôn ba qua nhiều châu lục, làm nhiều nghề để sinh tồn, quan sát, tìm hiểu thực tiễn, Người đã tìm ra con đường cứu nước. Đó là sau khi Người đọc được bản “Sơ thảo lần thứ nhất các luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lê nin đăng trên báo Nhân đạo (Pháp) số ra ngày 16, 17/7/1920. Từ đây, Người từ chủ nghĩa yêu nước đã đến với chủ nghĩa Lênin, đánh dấu bước chuyển biến về chất trong nhận thức lý luận và con đường cứu nước đã được định hình.
Hai là, ngày 18/6/1919, thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, lần đầu tiên Người sử dụng tên Nguyễn Ái Quốc ký vào bản Yêu sách của nhân dân An Nam[1], gửi đến Hội nghị hoà bình của đại biểu các nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, họp tại Versailles (Pháp). Bản Yêu sách gồm 8 điểm, đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam như tự do về chính trị, tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp, tự do cư trú, tự do học tập… Tuy bản Yêu sách đã không được các nước tham dự Hội nghị, trong đó có Chính phủ Pháp, giải quyết, song đây là một sự kiện đặc biệt bởi: Nguyễn Ái Quốc là người trực tiếp đi chuyển, phân phát bản Yêu sách đến các địa chỉ[2]. Bản Yêu sách thực sự là một bản Tuyên ngôn của dân tộc Việt Nam và là Tuyên ngôn chính trị của Nguyễn Ái Quốc. Đặc biệt bản Yêu sách trở thành một sự kiện gây “hoảng sợ trong giới chức Paris” đến mức, ngay sau đó, ngày 23-6-1919[3], Tổng thống Pháp đã chỉ thị phải điều tra ngay lai lịch tác giả bản Yêu sách cùng nhóm người An Nam yêu nước và cử mật thám theo dõi mọi hoạt động của Nguyễn Ái Quốc. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc nằm trong danh sách quan tâm đặc biệt của mật thám, chính quyền Pháp ở chính quốc, cũng như ở Việt Nam. Người đã nhận ra các dân tộc muốn được giải phóng, chỉ có thể trông cậy vào lực lượng của chính mình.
Nguyễn Ái Quốc trong lễ mít tinh chào mừng Đại hội V Quốc tế Cộng sản (Ảnh tư liệu)
Ba là, ngày 06-9-1919, diễn ra cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Nguyễn Ái Quốc và Albert Sarraut[4]
Nội dung cuộc gặp được biết đến qua bức thư Nguyễn Ái Quốc gửi Albert Sarraut một ngày sau cuộc gặp, ngày 07-9-1919, trong đó Người yêu cầu Albert Sarraut trả lời “… trong 8 điểm yêu cầu của chúng tôi có điểm nào đã được thực hiện… Vì tôi xin khẳng định là cả 8 điểm đều còn nguyên vẹn và chưa có điểm nào được giải quyết một cách thoả đáng…”[5]. Đây là cuộc gặp có nhiều nét khác biệt, từ sự chênh lệch về tuổi đời (cách nhau 20 tuổi), đến sự cách biệt về ý thức hệ, lý tưởng giữa một chính khách “xảo quyệt”, dày dạn kinh nghiệm với một thanh niên An Nam nhỏ bé, tiếng Pháp còn chưa thạo, nhưng thẳng thắn, dũng cảm và kiên định thực hiện một khát vọng cháy bỏng là độc lập cho dân tộc, tự do cho người dân Việt Nam. Cuộc gặp là sự mở đầu cho một cuộc đấu tranh dài, nhiều thập kỷ quan hệ đầy sóng gió không chỉ giữa hai con người, mà còn là của hai đất nước Pháp - Việt. Sau này, Albert Sarrautcòn “tiếp đón” Nguyễn Ái Quốc hai lần nữa vào đầu năm 1921 và tháng 6-1922[6]. Điều thú vị là vào ngày 11-6-1946, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, trở lại nước Pháp, nhưng lần này với tư cách là nguyên thủ quốc gia, thượng khách của nước Pháp. Trong chuyến thăm lịch sử này, hai người gặp lại nhau. Albert Sarraut đã nói với Hồ Chí Minh: “A! Cuối cùng thì ông cũng đã ở đây rồi, ông bạn già! Tôi nghĩ rằng tôi đã dành một phần lớn cuộc đời tôi chỉ để chạy theo ông đấy. Theo dõi ông là một phần hạnh phúc của cuộc đời tôi…”[7]. Một cuộc gặp của những con người lịch sử, thời gian và nỗ lực đấu tranh chân thành, không mệt mỏi vì hoà bình, hữu nghị của Nguyễn Ái Quốc đã khiến họ - hai con người ở hai chiến tuyến đối lập trở nên hiểu nhau, chia sẻ với nhau như những người bạn tốt. Vào tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật cắt đuôi mật thám, rời nước Pháp đến nước Nga xôviết, đất nước của Lênin mà Người hằng tôn kính và ngưỡng mộ, nhận công tác tại Quốc tế cộng sản.
Bốn là, tháng 6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Trong thời gian công tác và sống ở nước Nga xôviết, Nguyễn Ái Quốc có những hiểu biết rõ hơn về con đường cách mạng vô sản. Từ đó, mong muốn sớm trở về Tổ quốc để giúp đồng bào của Nguyễn Ái Quốc ngày càng mạnh mẽ. Người đã chủ động đề xuất và được Quốc tế cộng sản đồng ý, tháng 11-1924, với nhiệm vụ làm phiên dịch cho đoàn cố vấn Liên Xô sang giúp Trung Hoa Dân quốc, do Mikhail Borodin làm Trưởng đoàn và theo dõi phong trào nông dân Quảng Đông, Nguyễn Ái Quốc đã đến Quảng Châu, Trung Quốc. Tại đây, Người gặp gỡ, giác ngộ những thanh niên yêu nước của Tâm Tâm xã[8], lập ra tổ chức Cộng sản đoàn (3/1925) và đến tháng 6-1925 thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (HVNCMTN). Hội có tôn chỉ, mục đích hoạt động rõ ràng, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin làm nền tảng tư tưởng, xuất bản số đầu tiên báo Thanh Niên ngày 21-6-1925, làm cơ quan ngôn luận của Hội; mở các lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ cách mạng rồi đưa về nước hoạt động. Đặc biệt, phong trào vô sản hoá của Hội đã góp phần tích cực trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về trong nước. HVNCMTN đã nhanh chóng phát triển thành một tổ chức hoàn chỉnh, rộng khắp cả nước từ Tổng bộ xuống đến các Kỳ bộ, Tỉnh bộ, Huyện bộ, Chi bộ. Đây chính là sự chủ động chuẩn bị về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức của Nguyễn Ái Quốc cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.
Năm là, ngày 06-6-1931, Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Anh bắt giữ tại Hồng Kông. Đúng 7 năm sau, ngày 06-6-1938, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho một đồng chí cán bộ của Quốc tế Cộng sản. Những năm 1930 có lẽ là những ngày tháng khó khăn, truân chuyên nhất trong cuộc đời Nguyễn Ái Quốc kể từ sau sự kiện Người chủ động đứng ra thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2/1930). Nguyễn Ái Quốc bị bắt là do ngày 02-6-1931, tại Singapore, cảnh sát Anh bắt được đồng chí Serge Lefranc [9] và thu được những giấy tờ có liên quan đến sự liên lạc giữa Serge Lefranc và Nguyễn Ái Quốc[10]. Ngay sau đó, ngày 06-6-1931, Nguyễn Ái Quốc đã bị cảnh sát Anh bắt giữ. Sự kiện này được chính quyền thực dân Pháp coi là một thắng lợi to lớn. Vì thế, thực dân Pháp đã tìm mọi cách vận động Chính phủ Anh giao Nguyễn Ái Quốc cho Pháp. Nếu không được, Pháp yêu cầu Chính phủ Anh giam giữ Người ở một thuộc địa xa xôi nào đó của Anh. Song, với sự giúp đỡ, bào chữa của luật sư Loseby cùng các cộng sự và các tổ chức khác, ngày 22-01-1933, Nguyễn Ái Quốc đã được trả tự do, được tự lựa chọn nơi bị trục xuất đến và được đảm bảo bí mật và cuối cùng Người cũng đến được Moskva vào mùa Thu năm 1934. Điều đáng nói là, trong quãng thời gian đó, nhiều tờ báo đã đăng tải thông tin Nguyễn Ái Quốc đã bị chết trong nhà tù Hồng Kông vào ngày 26-6-1932. Đến tháng 6-1933, Tạp chí Thư tín Quốc tế đăng tin cải chính lại về cái chết của Nguyễn Ái Quốc, đồng thời lên án mạnh mẽ hành động, thủ đoạn của chính quyền thực dân Pháp đối với Nguyễn Ái Quốc[11].
Báo Nhân Đạo có bài đăng về cái chết của Nguyễn Ái Quốc
trong nhà tù Hong Kong (Ảnh tư liệu)
Những năm sau đó, Nguyễn Ái Quốc gần như trong tình trạng “không hoạt động”, không được sự tín nhiệm của tổ chức, đồng chí. Ngày 06-6-1938, Nguyễn Ái Quốc gửi cho một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản bức thư có nội dung: “Hôm nay là ngày kỷ niệm lần thứ bảy việc tôi bị bắt giữ ở Hồng Công. Đó cũng là ngày mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của tôi… Xin đồng chí giúp đỡ tôi thay đổi tình cảnh đau buồn này… Hãy giao cho tôi làm một việc gì mà theo đồng chí là có ích… đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng…”[12]. Bức thư đã lột tả sâu sắc tình cảnh, mong mỏi được hoạt động của Nguyễn Ái Quốc.
Sáu là, tháng 6-1941, lần cuối cùng bút danh Nguyễn Ái Quốc được sử dụng. Theo thứ tự in trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, thì ngày 6-6-1941, văn bản Kính cáo đồng bào, tiếp sau là văn bản Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão, đề tháng 6-1941, ký tên Nguyễn Ái Quốc[13]. Sau đó, chúng ta không bắt gặp trở lại các văn bản ký tên Nguyễn Ái Quốc nữa, mà Người thường sử dụng danh xưng Hồ Chí Minh. Hai văn bản trên được viết ngay sau khi Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng sau ba thập kỷ ra đi tìm đường cứu nước và vừa chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng (5-1941). Nội dung cốt lõi của hai văn bản chỉ ra tình hình cơ bản của nước Pháp, Nhật, sự áp bức, câu kết của Pháp - Nhật bót lột nhân dân, vai trò, trách nhiệm của các bậc phụ lão trong sự hưng vong của đất nước và truyền thống oai hùng ngàn đời của dân tộc Việt Nam... Qua đó, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân, các bậc phụ lão cùng đoàn kết đứng lên đánh đuổi thực dân, phát xít giành độc lập dân tộc. Cho đến nay, chưa thấy có tư liệu nào lý giải tại sao sau hai văn bản đó, Người không sử dụng tên Nguyễn Ái Quốc nữa. Đây cũng là điều bí ẩn thú vị trong cuộc đời một vĩ nhân cần được nghiên cứu thêm.
Từ thực tiễn sinh động và phong phú ấy, chúng ta thấy: 1. Số 6 thường gắn với những sự kiện có ý nghĩa bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng 30 năm ở nước ngoài của Nguyễn Ái Quốc. 2. Phần lớn các sự kiện đó đều diễn ra vào tháng 6 của năm, phải chăng đó là một con số để nhìn lại những công việc đã làm của nửa năm đầu và định hình các công việc của nửa năm tiếp theo? 3. Ẩn chứa đằng sau những con số đó là cuộc đời hoạt động sôi nổi, phong phú, sáng tạo nhưng cũng đầy gian truân của Nguyễn Ái Quốc, nhằm thực hiện ý chí, khát vọng, lý tưởng đã lựa chọn. Con số 6 trong cuộc đời Người có lẽ vẫn là một ẩn số thú vị nhưng không dễ lý giải.
Nam Trang
[1]Bản Yêu sách của nhân dân An Nam được soạn thảo từ các ý tưởng của Nguyền Ái Quốc, do Người đại diện ký tên và luật sư Phan Văn Trường là người chấp bút. Nhóm người Việt Nam yêu nước tại Paris năm 1919 thường được nhắc đến với cái tên “Ngũ Long” gồm: Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Ái Quốc.
[2]Nguyễn Ái Quốc đi dọc các hành lang trong cung điện Versailles để gửi bản Yêu sách tới phái đoàn của các cường quốc lớn; sắp xếp để bản Yêu sách được xuất bản trên báo Nhân đạo - tờ báo cấp tiến ủng hộ chủ nghĩa xã hội; gửi tiền ủng hộ của các thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động để in thêm 6000 bản và phân phát trên các đường phố Paris. Sau đó bản Yêu sách cũng được gửi về Việt Nam. Xem: William J.Duiker, Hồ Chí Minh, Bản dịch của Phòng Phiên dịch - Bộ Ngoại giao, 5-2001, tr.39; Thu Trang (Công Thị Nghĩa), Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917-1923), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.82, 85
[3]Xem:William J.Duiker, Hồ Chí Minh, sđd, tr.39; Alain Ruscio, Hồ Chí Minh những bài viết và những cuộc đấu tranh, người dịch Nguyễn Đức Truyền, hiệu đính Lê Trung Dũng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2020,tr.53
[4]Albert Sarraut (1872-1962), đảng viên đảng Cấp tiến Pháp; làmToàn quyền Đông Dương hai nhiệm kỳ từ 11-1911 đến 12-1913 và từ 12-1916 đến 5-1919; Bộ trưởng Bộ thuộc địa từ 01-1920 đến 3-1924 và từ 6-1932 đến 9-1933. Xem Alain Ruscio, Hồ Chí Minh những bài viết và những cuộc đấu tranh, tr.60; https://vi.wikipedia.org/wiki/Albert_Sarraut, truy cập ngày 03/6/2021.
[5]Alain Ruscio: Hồ Chí Minh những bài viết và những cuộc đấu tranh, sđd, tr.62
[6]Alain Ruscio: Hồ Chí Minh những bài viết và những cuộc đấu tranh, sđd, tr.62
[7]Alain Ruscio: Hồ Chí Minh những bài viết và những cuộc đấu tranh, sđd, tr.67; William J.Duiker, Hồ Chí Minh, Sđd, tr.254
[8]Thành lập năm 1923, là tổ chức của những người yêu nước Việt Nam sang Nhật du học từ phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, khi Pháp – Nhật câu kết với nhau, phong trào Đông Du tan vỡ, họ bị Nhật trục xuất và đã trở về Quảng Châu hoạt động.
[9]Người Pháp - thanh tra của Quốc tế III, được cử theo dõi giúp đỡ Đảng Cộng sản Đông Dương đang gặp khó khăn do sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp. Từ những năm 1922-1923, Nguyễn Ái Quốc và Serge Lefranc đã biết nhau vì cùng hoạt động trong Đoàn Thanh niên cộng sản tỉnh Xen (Seine) của Pháp
[10]Xem:Bảo tàng Hồ Chí Minh: Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931-1933 (Tư liệu và hình ảnh), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.58
[11]Alain Ruscio: Hồ Chí Minh những bài viết và những cuộc đấu tranh, sđd, tr.293, 295.
[12]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.117
[13]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.229-233