Trong nông thôn Việt Nam truyền thống, không gian văn hóa luôn gắn bó mật thiết với Đình làng, nơi diễn ra các hoạt động vì mục đích chung của làng. Ngày nay, không gian ấy đang có sự biến đổi từ thiết chế Đình làng sang thiết chế Nhà văn hóa.
Đình Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) là một trong số những ngôi đình lớn của xứ Kinh Bắc xưa. Ảnh: hanoimoi
Làng quê Việt Nam ngàn đời nay vốn gắn liền với hình ảnh giếng nước, cây đa, mái đình. Đặc biệt là hình ảnh mái đình bởi đó là thiết chế văn hoá cổ, nơi diễn ra các sự kiện văn hoá, chính trị của cả làng. Hầu hết các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đều thống nhất cho rằng Đình làng với một thực thể kiến trúc thường được tọa lạc ở trung tâm làng, trên vùng đất cao, bằng phẳng và khoảng sân rộng trước Đình là một không gian sinh hoạt cộng đồng trong làng xã với ba chức năng: “hành chính, tôn giáo và văn hóa”. Về chức năng hành chính, Đình là chỗ để họp bàn các “việc làng”, để xử kiện, phạt vạ… theo những quy ước của làng. Về chức năng tôn giáo, Đình là nơi thờ thần của làng, thường là một vị, nhưng cũng có khi nhiều vị, được gọi là “Thành hoàng” làng. Về chức năng văn hóa, Đình là nơi biểu diễn các kịch hát, như chèo, hay hát cửa đình – tức ca trù, một hình thức đã phát triển trong các thế kỷ trước, nơi tiến hành các lễ hội, các trò chơi… các chức năng này thường không được tách bạch, mà đan xen hòa quyện vào nhau…
Vai trò là một trung tâm sinh hoạt cộng đồng ở làng xã Việt Nam của Đình làng kéo dài suốt từ thế kỷ 15 cho đến giữa thế kỷ XX. Theo dòng lịch sử hình thành và phát triển, mỗi ngôi làng vùng Đồng bằng Bắc bộ (ĐBBB) ngày nay vẫn còn duy trì các không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng cổ kính như Đình làng, Đền, Chùa. Quan trọng là các không gian kiến trúc này vẫn giữ được nguyên vẹn những chức năng khởi thủy của chúng. Tuy nhiên, dưới sự tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường và sức ép của đô thị hóa, làng xã dần mai một đi các giá trị văn hóa truyền thống ban đầu. Nền tảng của các không gian kiến trúc sinh hoạt văn hóa cộng đồng trở nên đa dạng, thậm chí là pha tạp, du nhập những nét văn hóa ngoại lai và tạo nên các tiếp biến văn hóa sinh động. Ví dụ, ở khu vực ngoại thành Hà Nội, tốc độ đô thị hóa nhanh khiến cho không gian làng truyền thống bị thu hẹp. Rất nhiều nơi được gọi là làng, nhưng không còn “dấu vết” của làng truyền thống. Tuy vậy, giữa không gian đô thị phía tây Thủ đô, người dân Đường Lâm (Sơn Tây) vẫn giữ được cấu trúc, cảnh quan, không gian của làng gần như nguyên vẹn. Làng Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm) vẫn còn những con đường lát gạch bát, những cổng xóm có niên đại hơn 100 năm cùng hàng chục nhà thờ, nhà cổ. Làng Cự Đà (Thanh Oai), Làng Cựu (Phú Xuyên)… vẫn hiện diện nhiều ngôi nhà lưu dấu thời gian. Đặc biệt, không gian làng với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình ở thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm (Đông Anh) đã trở thành điểm đến du lịch lý thú.
Tuy vậy, trong đường lối phát triển kinh tế, xây dựng đất nước giàu mạnh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận thức rõ các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò to lớn, có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng của các không gian sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn Việt Nam, và đáp ứng nhu cầu về một không gian sinh hoạt cộng đồng ở làng xã, ngày 28/10/2008, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong chương trình có vấn đề xây dựng các nhà văn hóa tới tận các thôn làng. Nhà văn hoá là những thiết chế văn hoá mới, là 1 trong 19 tiêu chí của xây dựng Nông thôn mới. Các Nhà văn hóa thôn, xã này có chức năng:
- Góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức khoa học, kỹ thuật; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh trên địa bàn thôn.
- Tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
- Tổ chức hội họp, học tập cộng đồng và tổ chức các hoạt động sinh hoạt khác ở thôn.
Với chủ trương trên của Đảng và chính phủ, được sự hỗ trợ của nhà nước, các Nhà văn hóa đã xuất hiện trong khắp các thôn làng. Các nhà văn hoá, ngoài việc phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, còn đáp ứng nhu cầu tập luyện, vui chơi, giải trí của nhân dân và thanh thiếu niên, nhất là vào dịp nghỉ hè. Nhà Văn hoá giờ đây trở thành nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền cổ động, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt cộng đồng, địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, thông tin, các hội thi, liên hoan, tập luyện, giao lưu văn hoá, thể thao thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Nhà văn hóa cũng là nơi phổ biến đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, các sinh hoạt chính trị như bầu cử, tiếp xúc cử tri… Cũng có nơi, nhà văn hoá là nơi tổ chức các lớp học nghề, các buổi phổ biến kiến thức về khoa học kỹ thuật… Hiện các nhà văn hoá đang làm khá tốt nhiệm vụ là nơi tiến hành các cuộc họp, các cuộc gặp gỡ của cư dân trong làng xã, nơi giao tiếp xã hội, thực sự là ngôi nhà chung, là không gian sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn Việt Nam.
Tuy vậy, hoạt động của các thiết chế này, chưa phát huy đúng tầm quy mô đầu tư xây dựng, gây tốn kém, lãng phí. Trong đó phải kể tới hàng nghìn nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng với mức kinh phí hơn 100 triệu đồng mỗi nhà đang hoang vắng, hư hỏng dần tại nhiều buôn làng ở năm tỉnh Tây Nguyên, do công tác quản lý, khai thác các thiết chế văn hóa này còn bị bỏ ngỏ. Điều nghịch lý là trong khi số lượng Nhà văn hóa tăng lên thì hiệu quả hoạt động lại có phần sút giảm. Việc xây dựng và vận hành các thiết chế văn hóa mới chỉ đáp ứng được phần “vỏ”. Nội dung hoạt động của các nhà văn hóa và công tác quản lý, vận hành thiết chế này hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế; thể hiện qua tình trạng nhiều nhà văn hóa ở cơ sở đang tồn tại một cách lắt lay, hoạt động đơn điệu, nghèo nàn; nhiều công trình chỉ “xây lên để đó” đã gây bức xúc dư luận.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng hoạt động kém hiệu quả, lãng phí công năng các thiết chế văn hóa này, và một trong các nguyên nhân chủ yếu là không phù hợp với thực tiễn địa phương. Từ trước đến nay, nhà văn hóa thường được xây dựng bằng nguồn ngân sách phân bổ từ trên xuống, thường thì nhà văn hóa cấp huyện (còn gọi là Trung tâm văn hóa huyện) sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng trước với quy mô hoành tráng, rồi mới đến nhà văn hóa xã, và cuối cùng là nhà văn hóa thôn, bản. Trong 19 tiêu chí để một địa phương (hiện nay đang cố gắng đạt chỉ tiêu “phủ kín” ở cấp xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có tiêu chí: Nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tiêu chí này, một mặt, góp phần thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới; tạo điều kiện giúp người dân nông thôn nâng cao mức thụ hưởng văn hóa, khắc phục tình trạng chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa của người dân thành thị và nông thôn. Nhưng mặt khác tiêu chí này lại dẫn đến tình trạng “chạy đua” xây dựng nhà văn hóa xã, cốt làm sao “đạt chỉ tiêu” để được công nhận. Sự gấp rút cho “kịp tiến độ” dẫn đến việc xây dựng tràn lan, lãng phí là điều không tránh khỏi. Nhiều nơi, ở các địa phương miền núi, vùng xa vùng sâu, nơi có mật độ dân cư thấp, lại không đủ nguồn kinh phí để xây dựng nhà văn hóa-khu thể thao với quy mô như vậy, và càng thiếu kinh phí duy trì hoạt động của các thiết chế này. Gần đây, nhiều kênh thông tin đã phản ánh tình trạng “nợ” của nhiều xã, nhiều nơi khi cố gắng vay mượn kinh phí để xây dựng các hạng mục công trình (trong đó có nhà văn hóa xã, thôn). Tổng số nợ này cộng lại trên cả nước là không nhỏ và gây bức xúc. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu tìm ra một mô hình tổ chức và nội dung hoạt động phù hợp, hiệu quả cho nhà văn hóa càng trở nên cần thiết.
Nhìn từ chiều sâu lịch sử, sức sống của các giá trị văn hóa Việt Nam xưa nay thường nằm ở cộng đồng, được cộng đồng nuôi dưỡng, duy trì, bảo tồn. Trong cơ cấu tổ chức cộng đồng của người Việt, làng (thôn) xóm là thành tố cơ bản. Vì vậy các hoạt động văn hóa được tổ chức ở làng (thôn) dễ phù hợp, gắn bó với cộng đồng, cụ thể và sống động. Điều này lý giải tại sao khi hoạt động của câu lạc bộ ở cơ sở được linh hoạt tổ chức tại lớp học, sân trường, trung tâm khu dân cư,... lại có hiệu quả hơn so với khi được tổ chức tại hội trường, trên sân khấu. Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của hệ thống nhà văn hóa hiện nay, cần có cách tiếp cận khác so với trước đây, cụ thể hơn là vai trò, ý nghĩa hoạt động của nhà văn hóa cấp cơ sở cần được nhìn nhận theo chiều “từ dưới lên”. Việc chú ý đầu tư xây dựng và định hướng, triển khai hoạt động cũng cần theo hướng này chứ không nên “từ trên xuống” như lâu nay. Những người làm công tác liên quan đến hoạt động, cũng như việc quản lý các nhà văn hóa cấp cơ sở cần có sự am hiểu các yếu tố truyền thống, như: trật tự, thói quen, tập tục, tập quán,... của các cộng đồng dân cư mới có thể làm tốt việc điều hành. Đây là công việc không đơn giản song không phải là không thể làm được. Mặt khác, nhà văn hóa cơ sở muốn có những hoạt động tốt và phong phú cần mở rộng chức năng, không chỉ bó hẹp trong phạm vi văn nghệ, thể thao (có tính hình thức) đơn thuần, mà phải mang tính chất đa năng, đa dạng, thiết thực để phục vụ, đáp ứng được các nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân./.
Tài liệu tham khảo:
ĐTT