Không phải ngẫu nhiên cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp còn được gọi với cái tên cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Thất bại của Pháp trong hai năm cuối của cuộc chiến, đặc biệt là tại Diện Biên Phủ, cũng là thất bại của cả Hoa Kỳ khi đã tài trợ đến 78 % chiến phí cho cuộc chiến tại Đông Dương
Ông chủ thực sự của Kế hoạch Navarre
Sau những nỗ lực của chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh, đến đầu những năm 50 (thế kỷ XX), quân đội Pháp liên tiếp bị thất bại trên chiến trường Đông Dương, và một thực tế là Pháp có thể thua tại Đông Dương. Hơn nữa, những khó khăn về kinh tế, chính trị tại chính quốc khiến Pháp khó có thể đảm đương được những khoản chi phí quân sự để tiếp tục duy trì cuộc chiến tranh ở Đông Dương và Việt Nam. Trong hoàn cảnh đó, Pháp đã toan tính đến giải pháp thoát khỏi cuộc chiến một cách danh dự nhất, đó là tiến hành thương lượng với Chính phủ Việt Nam bằng chiến thắng quyết định về quân sự. Để thực hiện được điều đó, Pháp chỉ còn cách là tiếp tục xin viện trợ của Mỹ, đồng nghĩa với việc Pháp sẽ phụ thuộc hơn vào Mỹ, như thế cũng có nghĩa là vai trò của Mỹ sẽ mang ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại cho cuộc chiến ở Đông Dương.
Đối với Mỹ, việc Pháp lệ thuộc vào Mỹ để duy trì chiến tranh Đông Dương chính là cơ hội tốt cho Mỹ can thiệp sâu và giữ lấy khu vực này như mục đích chính trị, kinh tế mà Mỹ đã đặt ra. Vì vậy, Mỹ hoàn toàn ủng hộ và tăng cường mạnh viện trợ quân sự cho Pháp. Thậm chí, trong tình huống xấu, Mỹ sẽ xem xét đến việc đơn phương hành động. Theo đó, Mỹ đã cử cố vấn giúp Pháp xây dựng Kế hoạch Navarre và đến tháng 7/1953, Mỹ chính thức phê chuẩn Kế hoạch Navarre của Pháp; đồng thời, cam kết gánh chịu mọi khoản chi phí cho kế hoạch đó.
Kế hoạch Navarre dự tính sẽ được thực hiện trong vòng 18 tháng, từ cuối năm 1953 đến giữa năm 1955. Trọng tâm của kế hoạch này là chiến lược tập trung quân, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự kiên cố, với hệ thống công sự vững chắc, hỏa lực mạnh, quân đông và bố phòng dày đặc, mục đích để nhử quân chủ lực Việt Nam đến tiêu diệt, giúp quân Pháp chuyển bại thành thắng. Mỹ đã cử gấp thiếu tá Volt - chuyên gia về xây dựng cứ điểm quân sự của Mỹ đến Điện Biên Phủ trực tiếp giám sát việc xây dựng hệ thống hầm ngầm và bố trí các trận địa hỏa lực của tập đoàn cứ điểm.
Trong vòng từ tháng 1 đến tháng 3/1954, đích thân Phó Tổng thống Mỹ Nixon, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Mỹ ở Đông Dương- Đại tướng Daniel, Trung tướng Chapnel đã đến thị sát tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cả giới tướng lĩnh Mỹ và Pháp đều tin tưởng tuyệt đối vào khả năng “bất khả xâm phạm” của Điện Biên Phủ.
Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower và Phó Tổng thống Richard M. Nixon.(Ảnh tư liệu)
Cùng với việc cố vấn trực tiếp về chiến lược, Mỹ tiến hành tăng cường chi viện quân sự cho Pháp, để tăng thêm sức mạnh quân sự cho Pháp ở Đông Dương nói chung và Điện Biên Phủ nói riêng. Năm 1953, viện trợ quân sự của Mỹ chiếm 43,8% ngân sách chiến tranh của Pháp ở Đông Dương. Năm 1954, Mỹ tiếp tục tăng viện trợ cho Pháp lên 400 triệu USD và 385 triệu USD viện trợ quân sự bổ sung riêng cho kế hoạch Nava, chiếm 78% trong toàn bộ ngân sách chiến tranh của Pháp ở Đông Dương.
Việc Mỹ quyết định can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương đã gặp phải sự bất đồng trong nội bộ chính giới Mỹ. Ngay trong nội bộ chính quyền của Tổng thống Eisenhower và Hội đồng tham mưu trưởng cũng có những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Những người tán đồng việc can thiệp vào Đông Dương như: Ngoại trưởng Dulles, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Radford, Phó Tổng thống Nixon…Số người không đồng ý có thể kể đến như Tham mưu trưởng lục quân Ridway, Tham mưu trưởng không quân Twining, Bộ trưởng Quốc phòng Wilson… Lí do mà họ không tán đồng việc Mỹ can dự vào chiến tranh Đông Dương là bởi sẽ phải tăng thêm lực lượng không giới hạn vào cuộc chiến, và quan trọng nhất là họ không tin vào chiến thắng của Pháp tại Đông Dương nói chung và ở Điện Biên Phủ.
Ridway - người từng giữ trọng trách Tư lệnh quân đội Mỹ ở Triều Tiên cho rằng: Muốn thắng Việt Minh ít nhất phải có 8 sư đoàn Mỹ tham chiến. Hơn nữa, việc Mỹ tham chiến sẽ dẫn đến việc Trung Quốc đưa lực lượng vào Đông Dương. Như thế, chiến tranh Đông Dương sẽ gay go hơn chiến tranh Triều Tiên và điều đó không có lợi cho Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ C.Wilson nêu quan điểm: Ở Đông Dương, phần lớn các vấn đề thuộc về lĩnh vực chính trị hơn là quân sự, nếu Mỹ can thiệp vào Đông Dương thì sẽ bị xem như là kẻ ủng hộ cho chế độ thực dân đang suy tàn[1].
Trước sự phản đối của Quốc hội và một số nhân vật quan trọng trong chính phủ, ngày 8/1/1954, Tổng thống Eisenhower đã nêu quan điểm tại cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia: “Nói đến việc các lực lượng Mỹ thay thế người Pháp ở Đông Dương thật chẳng có nghĩa lí gì. Nếu chúng ta làm việc này thì chúng ta sẽ thấy ngay là người Việt Nam sẽ chuyển sự hận thù của họ đối với người Pháp sang chúng ta”[2]. Vì vậy, Mỹ quyết định không can thiệp trực tiếp vào chiến tranh Đông Dương, mà muốn mượn tay người Pháp để duy trì cuộc chiến này. Nếu Pháp trụ được ở Đông Dương bằng tiền của Mỹ thì Đông Dương sẽ trở thành con đê ngăn chặn “làn sóng đỏ” từ Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á.
Tăng cường chi viện và trực tiếp tham chiến tại Điện Biên Phủ
Trước nguy cơ Điện Biên Phủ bị quân đội Việt Nam tấn công, ngày 30/01/1954, Ủy ban đặc biệt của Văn phòng Tổng thống Mỹ thông qua quyết định: Tăng cường thêm cho quân Pháp 10 máy bay ném bom B26, bổ sung đủ số cho phi đoàn B26 chiến đấu - mỗi phi đoàn 25 chiếc. Tiếp tục tập kết 25 chiếc máy bay B26 để gửi để gửi tới Đông Dương theo yêu cầu của Pháp, đây là số máy bay để Pháp thành lập phi đội thứ ba. Điều đến chiến trường Bắc Đông Dương 200 nhân viên kĩ thuật. Đưa lực lượng phi công thuộc đội tuần tra chiến đấu trên không (CAP) vào tham chiến dưới sự dàn xếp và chỉ huy trực tiếp của CIA[3].
Tuy nhiên, hai đợt tiến công đầu tiên của quân đội Việt Nam vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cho thấy một thực tế phũ phàng là “pháo đài bất khả xâm phạm” của Pháp - Mỹ sẽ bị đánh bại. Nguy cơ thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ và chiến tranh Đông Dương chỉ còn là thời gian. Pháp đã tính đến một giải pháp rút lui trong danh dự thông qua đàm phán ở Hội nghị Geneva. Tuy nhiên, Mỹ quyết liệt phản đối ý định đàm phán của Pháp, yêu cầu quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ phải giữ đến cùng và sẽ thực hiện chi viện tối đa, đáp ứng mọi yêu cầu của Pháp để giành cho được chiến thắng quân sự ở Điện Biên Phủ. Mỹ viện trợ gấp cho Pháp 100 máy bay ném bom, 50 máy bay vận tải C.47 và cho mượn phi đoàn gồm 29 chiếc máy bay vận tải B.29 (cả phi công). Chính thức từ ngày 26/3/1954, các phi đội máy bay chiến đấu và máy bay vận tải quân sự do phi công Mỹ lái đã trực tiếp tham chiến ở Điện Biên Phủ. Tính trung bình mỗi ngày có hơn 30 máy bay vận tải C.119 do phi công Mỹ lái đến trực tiếp thả dù tiếp tế từ 100-150 tấn hàng cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Lúc đầu, Mỹ chỉ mở cầu hàng không Hà Nội - Điện Biên Phủ, sau đó, do tình hình cấp bách nên đã mở thêm cầu hàng không từ Nhật Bản và Philippinnes, liên tục chở dù tiếp tế cho quân Pháp.
Một máy bay B24 của Mỹ bị bắn rơi tại Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)
Trong tình thế Pháp ngày càng sa lầy trong thất bại tại Điện Biên Phủ, từ chỗ chỉ giữ vai trò cố vấn, viện trợ quân sự cho quân đội Pháp, Mỹ buộc phải đưa một bộ phận lực lượng không quân tham chiến cùng với quân đội Pháp. Mỹ đã dự thảo một kế hoạch mang tên “Cuộc hành binh Chim kền kền”, dự tính sẽ dùng các phi đội máy bay cường kích không sơn phù hiệu, với khoảng 60 máy bay ném bom chiến lược B.29 cất cánh từ căn cứ quân sự Clark Field ở Philippin, theo sau là sự yểm trợ của 150 máy bay chiến đấu của Hạm đội 7 để oanh tạc ở Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không nhận được sự đồng tình của các nghị sĩ và một số tướng lĩnh cho rằng, nếu kế hoạch này được thực hiện, sẽ phải huy động 3 sư đoàn không quân ném bom với sự bảo vệ của 98 siêu pháp đài B29, mỗi chiếc mang 14 tấn bom, với sự bảo vệ của 450 máy bay tiêm kích phản lực. Như vậy, Mỹ sẽ bị cuốn vào cuộc chiến tranh đông Dương một cách trực tiếp.
Ngày 04/4/1954, Tổng thống Eisenhower đã có cuộc họp cùng với Bộ trưởng Ngoại giao J.F.Dulles, Đô đốc - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân và 8 nghị sĩ thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, để bàn về vấn đề có đưa quân đội Mỹ đổ bộ vào Đông Dương giải cứu cho quân đội Pháp hay không. Kết luận cuối cùng của Tổng thống Eisenhower là Mỹ không đưa quân đội vào Đông Dương, mà bất kì hành động can thiệp nào của Mỹ cũng phải dựa trên cơ sở của việc thành lập một lực lượng liên minh với các đồng minh của Mỹ. Sau tuyên bố thể hiện quan điểm sẽ không can thiệp đơn phương đối với chiến tranh Đông Dương, Mỹ đã ráo riết thực hiện mưu đồ quốc tế hóa cuộc chiến tranh này. Ngày 05/4/1954, Mỹ chính thức vận động Anh - Pháp lập khối quân sự Đông Nam Á để thực hiện thống nhất hành động, quốc tế hóa cuộc chiến tranh Đông Dương thông qua một liên minh quân sự ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, cả Anh và Pháp đều phản đối vấn đề này.
Sau ý đồ thiết lập liên minh quân sự ở Đông Nam Á không thành công, Mỹ bày tỏ quan điểm với Pháp rằng sẵn sàng đưa quân đội Mỹ vào Đông Dương nếu Pháp và các nước đồng minh khác yêu cầu, trong điều kiện Pháp phải cam kết quốc tế hóa cuộc chiến tranh, đẩy nhanh việc trao trả độc lập cho các quốc gia trong khối Liên hiệp Pháp. Bằng cách đó, Mỹ muốn hợp lí hóa việc can thiệp trực tiếp vào Đông Dương mà không phải thông qua Pháp. Đây là con bài cuối cùng trong chính sách can dự của Mỹ vào Đông Dương, trước khi Pháp thất bại hoàn toàn.
Tuy nhiên, những mặc cả chính trị của Mỹ đối với Pháp và những âm mưu, toan tính của Mỹ đối với cuộc chiến tranh Đông Dương đã không thành hiện thực bởi sự thất bại thảm hại của Pháp ở Điện Biên Phủ vào ngày 07/5/ 1954. Kế hoạch Navarre - hàm chứa trong đó tất cả những nỗ lực cuối cùng của Pháp và Mỹ nhằm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương, nhằm tiếp tục duy trì cuộc chiến để nắm giữ Đông Dương đã bị phá sản hoàn toàn.
Có thể thấy, Mỹ đã từng bước can thiệp vào chiến tranh ở Đông Dương và trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh (1953-1954), khi mà Pháp gần như buông xuôi, muốn thoát khỏi cuộc chiến ở Đông Dương, Mỹ đã nắm lấy vai trò quyết định sự tồn tại của cuộc chiến tranh này. Vừa gián tiếp, vừa trực tiếp, Mỹ can dự vào cuộc chiến tranh thông qua việc chi viện hàng tỉ đô la, cùng các phương tiện chiến tranh cho Pháp. Mỹ muốn xoay chuyển cuộc chiến tranh Đông Dương theo mưu đồ chiến lược của Mỹ, tự cho mình quyền quyết định số phận của cuộc chiến tranh này.
Quá trình can thiệp của Mỹ đối với chiến tranh Đông Dương trong giai đoạn 1953-1954, đặc biệt là Điện Biên Phủ đó là sự chuyển đổi từ sự can thiệp quân sự thông qua viện trợ mọi mặt cho Pháp đến âm mưu quốc tế hóa cuộc chiến thông qua một liên minh quân sự ở Đông Nam Á. Đây chính là quá trình chuẩn bị cho một dự tính lâu dài, từng bước thay chân Pháp để chiếm Đông Dương, nhằm biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ.
Thất bại của quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã không được Mỹ nhìn nhận như một bài học cần tránh của những kẻ đi xâm lược, chà đạp nên quyền tự quyết, quyền dân tộc của một đất nước anh hùng. Do đó, 21 năm sau, cũng như Pháp, Mỹ đã phải chấp nhận một thất bại thảm hại ở Việt Nam.
Nhẫn Ngân
[1] Trần Thị Vinh: Điện Biên Phủ trong nghiên cứu và giảng dạy lịch sử ở một số trường đại học khu vực Đông Nam Á, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 11-2004, tr.63tr.64
[2] Sự kiện và nhân chứng. Nguyệt san báo Quân đội nhân dân, số 122 (2-2004), tr. 27
[3] Theo: Tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ, văn kiện số 5 (bản dịch), Hà Nội, 1995, tr.44-45