Thái Lan là một trong những đồng minh của Hoa Kỳ, trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh tại miền Nam Việt Nam. Vậy sự can dự của Thái Lan vào cuộc chiến tranh như thế nào ?
Cho phép Hoa Kỳ xây dựng và sử dụng các căn cứ quân sự trên đất Thái Lan
Từ tháng 5/1962, Thái Lan chính thức cho phép Hoa Kỳ xây dựng các căn cứ quân sự trên đất Thái.
Từ năm 1962 đến năm 1965, Hoa Kỳ đã tiến hành xây dựng tại Thái Lan các căn cứ quân sự: Takri, Nakhonrachasima, Nakhonphanôm, căn cứ hải quân Xatahip và các căn cứ không quân Utapao, Udonthani, Ubon.
Các căn cứ quân sự được Mỹ xây dựng tại Thái Lan nằm trong hệ thống phòng thủ chung ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, với vị trí ở trung tâm bán đảo Trung Ấn, giáp Lào, Campuchia và rất gần Việt Nam, các căn cứ quân sự của Mỹ tại Thái Lan trở thành nơi lý tưởng cho việc Mỹ triển khai các kế hoạch quân sự trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương nói chung và chiến tranh xâm lược Việt Nam nói riêng.
Năm 1965, Mỹ còn thành lập Trung tâm chỉ huy viễn thông chiến lược (Strategic Communication Command) tại Rammasun, mục đích để nghe trộm làn sóng điện, thu thập thông tin tình báo ở khu vực Đông Dương[1].
Giai đoạn 1965-1968, Mỹ đã sử dụng máy bay tại các căn cứ không quân Utapao, Udonthani và Ubon để ném bom đánh phá Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc Việt Nam. Do vị trí rất gần Việt Nam, từ những sân bay này, những chiếc máy bay B-52 của Mỹ cất cánh đi ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam mà không cần tiếp nhiên liệu trên không, cường độ xuất kích cao hơn, khả năng tiếp vận cũng sẽ nhanh và nhiều hơn. Hơn 80% các phi vụ máy bay xuất kích oanh tạc miền Bắc Việt Nam của Mỹ được thực hiện từ các căn cứ quân sự ở Thái Lan[2].
Đặc biệt là trong chiến dịch Line Baker II cuối năm 1972, sân bay Utapao cùng với sân bay Andersen (Guyam) được sử dụng để các máy bay B52 và máy bay cường kích cất cánh. Mỹ cho rằng Utapao là căn cứ quân sự bất khả xâm phạm và thường xuyên để trong căn cứ khoảng 20 chiếc máy bay B-52. Mỗi đêm, Mỹ sử dụng từ 3 đến 5 chiếc B-52 đi đánh phá ở Việt Nam.
Quân đội Thái Lan vào tham chiến tại mền Nam Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Số quân đội Mỹ được đưa vào Thái Lan với số lượng ngày càng tăng. Năm 1968, số lính Mỹ đóng tại các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Thái Lan là 44.994 người; đến năm 1969, tăng lên 49.000 người[3]. Mỹ sử dụng lực lượng này để tăng cường đến chiến trường Đông Dương nói chung và miền Nam Việt Nam nói riêng nhằm triển khai các chiến lược chiến tranh, các cuộc hành quân tiêu diệt Quân giải phóng miền Nam và lực lượng cách mạng Việt Nam.
Ủng hộ phương tiện chiến tranh và đưa quân đội tham chiến trực tiếp tại miền Nam Việt Nam
Với vai trò là một đồng minh thân cận của Mỹ, Thái Lan đã đóng góp lực lượng và một số phương tiện chiến tranh cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn để chống lại cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Từ tháng 9/1964, quân đội Thái Lan bắt đầu hiện diện tại miền Nam Việt Nam với một đội 16 người (gồm 10 phi công và 6 nhân viên kỹ thuật) thuộc Không lực Hoàng gia Thái Lan tới Sài Gòn để giúp Không lực Việt Nam Cộng hòa vận hành và bảo dưỡng một số máy bay vận tải; đồng thời, huấn luyện chuyển loại cho các phi công sử dụng máy bay chiến đấu.
Tiếp theo, vào tháng 8-1965, Thái Lan cử một số quân nhân thuộc lực lượng hải quân sang giúp lực lượng hải quân của Việt Nam Cộng hòa sử dụng tàu tuần tiễu và tàu đổ bộ do Mỹ trang bị.
Tính đến tháng 10/1966, lực lượng quân đội Thái Lan ở Việt Nam có khoảng 100 người. Ngoài ra, tháng 5/1966, Thái Lan gửi đến chính quyền Sài Gòn với ý nghĩa tiếp trợ tượng trưng 2 tàu chiến và 2 máy bay C123[4].
Đáp ứng lời kêu gọi của Tổng thống Jhonson trong chiến dịch “thêm nhiều ngọn cờ”, Thái Lan đồng ý gửi quân chiến đấu sang tham chiến trực tiếp tại miền Nam Việt Nam.
Từ tháng 7 đến tháng 11/1967, trung đoàn “Hổ mang vàng” (Gold Cobra) với 2.300 quân (gồm các tiểu đoàn bộ binh, các đơn vị hỏa lực, thiết xa vận, hậu cần, thông tin - kỹ thuật, y tế) có mặt tại miền Nam Việt Nam. Lực lượng này đóng quân tại Bàu Cát, chịu sự điều hành tác chiến của Sư đoàn 9 quân đội Mỹ.
Trung đoàn “Hổ mang vàng” của Thái Lan đã tham gia các cuộc hành quân càn quét, bình định, đốt phá tài sản, giết hại nhiều người dân vô tội Việt Nam; điển hình là cuộc hành quân quy mô lớn vào Nhơn Trạch (Đồng Nai) tháng 10/1967.
Từ tháng 7/1968, Thái Lan tiếp tục cử sang Việt Nam Sư đoàn “Báo đen” (Black Panthers) thuộc quân đội Hoàng gia Thái Lan, thay cho Trung đoàn “Hổ mang vàng” rút về nước.
Quân đội Thái Lan rút về nước từ sân bay Long Thành, năm 1971 (Ảnh tư liệu)
Tính đến tháng 8/1969, tổng số quân của Sư đoàn “Báo đen” có mặt ở miền Nam Việt Nam lên đến 17.040 người. Địa bàn tác chiến của các đơn vị Sư đoàn “Báo đen” chủ yếu được triển khai ở Vùng III chiến thuật (gồm các tỉnh Đông Nam Bộ)[5].
Nếu so sánh với các đồng minh Mỹ tham chiến trực tiếp ở miền Nam Việt Nam, lực lượng quân đội Thái Lan không phải chiếm số lượng lớn nhất[6], . nhưng đã tích cực tham gia đàn áp phong trào cách mạng miền Nam Việt Nam trong những năm 1967-1973, gây nhiều tội ác với dân tộc Việt Nam.
Khi Hoa Kỳ chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, rút dần quân Mỹ về nước, cùng với làn sóng phản đối Chính phủ Thái Lan đưa quân đội tham chiến tại Việt Nam diễn ra ngày càng mạnh mẽ ngay tại Thái Lan, ngày 21/12/1969, Chính phủ Thái Lan tuyên bố rút quân về nước. Kế hoạch rút quân được Thái Lan thực hiện từ tháng 3 đến tháng 9/1971.
Tuy nhiên, Thái Lan vẫn để lại một số cố vấn quân sự và những đơn vị quân y9. Đến năm 1973, cùng với việc quân viễn chinh Mỹ rút khỏi Việt Nam theo Hiệp định Paris, Thái Lan cũng rút hoàn toàn những lực lượng quân sự còn lại về nước.
Tại Việt Nam, quân đội Thái ít Lan đụng độ lớn với các đơn vị chủ lực quân giải phóng, chủ yếu đụng độ với du kích và các đơn vị bộ đội địa phương. Trong cuộc chiến, có 1.351 lính Thái tử trận, 1.358 lính bị thương. Đổi lại, ngoài lương cho đội quân đánh thuê, Thái Lan nhận được hàng tỷ USD viện trợ kinh tế, quân sự từ Hoa Kỳ.
Phân biệt đối xử với Việt kiều ở Thái Lan
Thực hiện chính sách thân Mỹ, Thái Lan công nhận và đồng ý cho Việt Nam Cộng hòa mở đại sứ quán tại thủ đô Băng Cốc, Thái Lan; ngược lại, thực hiện chính sách thù địch với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Chính phủ Thái Lan thực hiện chính sách phân biệt đối xử với Việt kiều tại Thái Lan, gọi đó là người “Việt Nam tản cư”, cho rằng họ đều là cộng sản, có quan hệ mật thiết với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì vậy, từ năm 1954 đến năm 1964, Thái Lan buộc người Việt Nam tản cư về nước một cách quyết liệt.
Ngày 24/6/1959, Thống chế Sarit Thanarat phát biểu: "Người Việt Nam tản cư đang cư trú tại Thái Lan đã bị ảnh hưởng của cộng sản cho nên đều phải chuyển ra ngoài nước ngay"[7]. Tuy nhiên, từ năm 1964 trở đi, sau sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” (8/1964), việc hồi hương của Việt kiều tại Thái Lan trở về miền Bắc Việt Nam gặp khó khăn và phải dừng lại. Chính phủ Thái Lan đã câu kết với Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa thực hiện kế hoạch dồn Việt kiều còn lại ở Thái Lan ra tập trung trên đảo Tura Tau (thuộc Ấn Độ Dương), mục đích để dễ quản thúc.
Không dừng ở đó, Thái Lan bắt tay với chính quyền Sài Gòn ép buộc người Việt Nam tản cư trở về miền Nam Việt Nam. Điển hình là vụ diễn ra vào tháng 9/1968, chính quyền Thái Lan đã cưỡng bức 99 người Việt Nam lên máy bay chở sang miền Nam Việt Nam giao cho chính quyền Sài Gòn quản thúc.
Trong giai đoạn từ năm 1970 đến năm 1975, những người Việt Nam tản cư còn lại ở Thái Lan bị chính quyền Thái Lan quản lý, giám sát chặt chẽ, bị phân biệt đối xử.
Như vậy, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với vai trò đồng minh của Hoa Kỳ, Thái Lan đã tích cực ủng hộ và can dự ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam: từ chỗ ủng hộ gián tiếp, cho Hoa Kỳ sử dụng lãnh thổ của mình để xây dựng những căn cứ quân sự; đến việc ủng hộ trực tiếp, đưa quân tham chiến trên chiến trường miền Nam Việt Nam.
Nhẫn Trần
[1] Thanavan Boon wanna, Quan hệ Thái Lan - Việt Nam (1976 - 2004), Luận án tiến sỹ Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.52.
[2] Lê Văn Quang, Lịch sử vương quốc Thái Lan, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr.226.
[3] 5. Xem: Pheđôrốp V.A, Quân đội và thể chế chính trị ở Thái Lan (1945-1980), Nxb. Nauka Mátxcơva, 1982, tr.37 (Bản tiếng Nga).
[4] Xem: Thanavan Boon wanna, Quan hệ Thái Lan - Việt Nam (1976 - 2004), Luận án tiến sỹ Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.52 và Nguyễn Huy Hồng, Nguyễn Hoàng Kim, Thái Lan: Những sự kiện lịch sử 1945-1975, Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, Viện Đông Nam Á, Hà Nội, 1983, tr.39
[5] Xem: Stanton Shelby, Order of Battle: U.S Army and Allied Ground Forces in Vietnam, 1981, p.270 và Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Quân đội đồng minh Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam (1964-1973), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009, tr.145-146, 149-150.
[6] Tính đến năm 1971, ngoài quân đội Thái Lan, số lượng quân đội các nước đồng minh của Mỹ tham chiến tại miền Nam Việt Nam như sau: Hàn Quốc: 48.500 quân; Australia: 6.700 quân; New Zealand: 400 quân; Philippinnes: 80 quân (năm 1966 là 2.000). Theo: Sức mạnh Việt Nam, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1976, tr.124.
[7] Thanavan Boon wanna, Quan hệ Thái Lan - Việt Nam (1976 - 2004), Luận án tiến sỹ Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr. 50.