Có nhiều hình thức tuyên truyền trong nhân dân, song việc sử dụng một loại hình văn hóa dân gian như Bài Chòi để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là cách làm mới và đem lại hiệu quả bất ngờ. Với cách làm này, chúng ta không những đã sáng tạo nên một hình thức tuyên truyền, mà còn linh hoạt trong cách bảo tồn văn hóa dân gian trong cuộc sống đương đại.
Duy Xuyên tuyên truyền pháp luật bằng hô hát Bài Chòi. Ảnh: duyxuyenrt.vn
Bài viết “Lính biên phòng sáng tác dân ca Bài Chòi tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19” trên Báo điện tử Biên phòng, đề cập đến một chiến sĩ biên phòng - Thiếu tá Mai Thọ, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, đang cắm chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới Việt - Lào tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, đã viết tác phẩm dân ca “Có các anh nơi tuyến đầu chống dịch”. Nội dung tác phẩm thật sự là nguồn động viên cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đang chốt chặn các nẻo đường biên giới, ngăn người nhập cảnh trái phép gây nguy cơ làm lây lan Covid-19 trong cộng đồng. Điều đáng nói ở đây, là anh chiến sĩ đã sử dụng một làn điệu dân ca dân gian của miền Trung – Bài chòi, để chuyển tải các thông điệp nhân văn vào tác phẩm. Một lần nữa, Bài Chòi lại thể hiện sức sống của mình trong cuộc sống đương đại, điều mà không phải loại hình dân gian nào cũng làm được.
Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam là hình thức nghệ thuật dân gian, chứa đựng cả âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học, chuyển tải các thông điệp về tình yêu quê hương đất nước và sự gắn kết cộng đồng. Bài Chòi vốn phổ biến khắp miền Trung vì đây vừa là hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng làng xã, vừa là môi trường thực hành và sáng tạo nghệ thuật. Các làn điệu dân ca Bài Chòi thường được người miền Trung trình diễn trong các tiết mục văn nghệ quần chúng, các liên hoan văn nghệ dân gian… Ngày 07/12/2017, Di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đi cùng với niềm tự hào là trách nhiệm lớn lao của chúng ta trước quốc tế. Làm thế nào để loại hình này không chỉ nằm trong ký ức con người mà phải hiện hữu trong đời sống, phát huy sức sống của mình trong thực tế. Quả thật đây là điều không dễ trong bối cảnh hiện nay, khi các loại hình nghệ thuật dân gian đang dần mất vị thế. “Đất sống” của Bài Chòi ngày càng thu hẹp, người biểu diễn cũng ít mà khán giả càng ít. 9 tỉnh sở hữu di sản Bài Chòi đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy trong cuộc sống hiện tại. Hưởng ứng Chương trình hành động quốc gia Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ, Việt Nam (giai đoạn 2018 - 2023) của Bộ VH,TT&DL, các tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động làm sống dậy Bài Chòi trong cộng đồng như: Đưa Bài Chòi vào trường học; tổ chức liên hoan hô, hát Bài Chòi; tổ chức văn nghệ quần chúng với các tiết mục dân ca Bài Chòi, phục hồi trò chơi Bài Chòi trong các tour du lịch… Trong sự cố gắng nỗ lực đó, sử dụng Bài Chòi trong hoạt động tuyên truyền đã bất ngờ ra đời, và đem lại hiệu quả hơn cả mong đợi.
Phong trào bắt đầu từ một vài địa phương ở Quảng Nam rồi lan tỏa dần sang các địa phương khác. Tỉnh Quảng Nam là nơi có truyền thống hát Bài Chòi khá mạnh, nhất là ở những vùng thôn quê. Từ những năm 80 bà con đã có phong trào đi xem ca kịch Bài Chòi ở các sân bãi. Trong các chương trình văn nghệ quần chúng lúc bấy giờ, dân ca Bài Chòi cũng khá phổ biến, có rất nhiều xã có cả đội ca kịch Bài Chòi. Sau này, khi các công nghệ nghe nhìn phát triển, phong trào này dần chìm lắng. Có lẽ niềm yêu thích loại hình dân ca này có sẵn trong dân chúng, nên cách làm sáng tạo là dùng Bài Chòi để tuyên truyền đạt được hiệu quả khá cao. Năm 2019, xã Đại Đồng huyện Đại Lộc tổ chức “Đêm hội hát Bài Chòi gắn với tuyên truyền pháp luật” thu hút hơn 1.000 cán bộ, nhân dân trong xã và ngoài xã đến dự[i]. Năm 2020, tại xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Hội đồng phổ biến kiến thức pháp luật huyện Duy Xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật bằng dân ca Bài Chòi, do các diễn viên của Trung tâm Văn hóa - thể thao và truyền thanh - truyền hình huyện Duy Xuyên trực tiếp biểu diễn. Buổi biểu diễn đã lồng ghép chuyển tải một số quy định của pháp luật có liên quan đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày như Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại - tố cáo, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, quy định về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông… Năm 2021, Ủy ban bầu cử huyện Duy Xuyên, tuyên truyền bầu cử bằng làn điệu dân ca Bài Chòi. Đội tuyên truyền lồng ghép những thông tin, quy định về luật bầu cử quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào các làn điệu dân ca Bài Chòi mượt mà dễ nhớ. Sau đó, rất nhiều huyện ở Quảng Nam đã triển khai cách làm này.
Bình Định đã tuyên truyền pháp luật bằng Bài Chòi từ năm 2015. Những năm gần đây, tỉnh còn sử dụng Bài Chòi vào công tác truyền thông xây dựng đời sống văn hóa, với cách đặt lời mới là nội dung thực hiện công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Ông Hồ Văn Nên, Ủy viên Thường trực Hội Luật gia huyện Vĩnh Thạnh, hơn 10 năm qua, đã sáng tác hơn 20 bài ca theo làn điệu Bài Chòi và tiểu phẩm với nội dung tuyên truyền pháp luật[ii]…
Đây là cách tuyên truyền rất mới mẻ trong dân chúng, mặc dù thời Nguyễn đã thực hiện tuyên truyền luật cho dân chúng bằng thơ (Tác phẩm nghiên cứu Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn ca của TS Phạm Ngọc Hường mô tả cách “diễn ca” luật pháp tuyên truyền trong dân chúng lúc bấy giờ). Tuy nhiên, việc chuyển tải những nội dung khô cứng qua làn điệu mềm mại, ngọt ngào như dân ca và biểu diễn trực tiếp được xem là một sáng tạo mới. Hiện chúng ta sử dụng rất nhiều các hình thức tuyên truyền trong nhân dân: pano, áp phích, tờ rơi, khẩu hiệu, băng rôn, màn hình Led, loa gắn trên xe ôtô lưu động, xe hoa diễu hành tuyên truyền… Đặc biệt là tuyên truyền qua trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, truyền hình). Ở nông thôn, phổ biến là tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh: phát sóng các chương trình phát thanh trên hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã. Các thông tin tuyên truyền vốn khó nhớ như các điều luật trong Luật pháp hiện hành; các chính sách của Nhà nước ban hành; các thông tin bầu cử, thông tin các kỳ đại hội Đảng, v.v…, người nghe xong dễ bỏ qua, khó thực hiện. Nên việc chuyển thể thành bài hát, thành kịch bản, tiểu phẩm vui tươi đem lại hiệu quả khá cao.
Một buổi hô hát bài chòi lồng ghép nội dung tuyên truyền ở xã Bình Lâm. Ảnh: baoquangnam
Lợi thế của Bài Chòi là loại hình dân gian có biến tấu linh hoạt và "độ mở" lớn trong sự tương tác với công chúng. Với phương thức trình diễn có sự linh động mở rộng không gian trình diễn, Bài Chòi dễ khơi dậy sự sáng tạo, ứng tác của thế hệ trẻ khi tham gia. Làn điệu dân ca đi cùng các kịch bản vui tươi làm người dân dễ tiếp nhận, phù hợp với trình độ dân trí, biến những điều khô khan, khó hiểu thành dễ hiểu, dễ nhớ. Với cách này, người dân vừa được xem hát, xem kịch, vừa được nghe thông tin về pháp luật, chính sách của Đảng, của Nhà nước. Những điều luật gắn bó mật thiết với đời sống hàng ngày của người dân được lồng ghép thành vần, điệu trong từng câu hát dễ dàng cảm nhận, suy ngẫm và vận dụng vào trong cuộc sống hàng ngày, góp phần xây dựng ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân. “Diễn viên” tuyên truyền là những người có ít nhiều năng khiếu văn nghệ cùng với lòng nhiệt tình, không cần qua luyện tập công phu. Lời hát được biên soạn cũng đơn giản, dễ hiểu. Chẳng hạn câu dân ca Bài Chòi trong tuyên truyền giao thông như sau: “Quanh co đèo dốc đường này khó qua/ Tai nạn liên tục xảy ra/ Người dân ý thức thật là mỏng manh/ Tai nạn ập đến cho mình/ Tài sản của cải gia đình bỏ ra/ Một là thiệt hại cho ta/ Hai là bồi đủ cho người mình gây...” (Ông Huỳnh Nên viết trong tuyên truyền các dân tộc thiểu số tại huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định).
Với khả năng tuyên truyền, Bài Chòi đã trở thành hình thức sinh hoạt cộng đồng mang tính giáo dục cao. Nếu được lan tỏa cách làm này, sẽ thêm một hình thức tuyên truyền hiệu quả, đồng thời thêm một cách bảo tồn văn hóa dân gian trong cuộc sống đương đại.
Quay trở lại câu chuyện của Thiếu tá Mai Thọ và tác phẩm dân ca Bài Chòi: “Có các anh nơi tuyến đầu chống dịch”, chúng ta càng thấy sức sống của một loại hình văn hóa dân gian. Mở rộng ra, loại hình nào cũng vậy, đi cùng với đời sống, thì nó sẽ tồn tại. Còn không, thì dù bỏ ra bao nhiêu công sức, tiền của để lưu giữ, bảo tồn, phát huy, vẫn khó thực hiện được trong dòng chảy cuồn cuộn của văn hóa hiện đại ngày hôm nay.
[i]Lưu Thị Kim Dung(2019), Đêm hội hát Bài Chòi gắn với tuyên truyền pháp luật, http://www.sotuphapqnam.gov.vn
[ii] Lê Phương (2020), Phát huy Nghệ thuật Bài Chòi để xây dựng đời sống văn hóa. Nguồn: https://baodantoc.vn
Triều Nguyễn