Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954- 1975), nhân dân Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó lớn nhất là của Liên Xô, Trung Quốc. Sự giúp đỡ toàn diện và vô tư của Liên Xô đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử với Hoa Kỳ, cường quốc tư bản hàng đầu, mà chỉ nghe đến tên, hầu hết các nước trong phe xã hội chủ nghĩa đã phải e ngại
Mâu thuẫn giữa Đảng Cộng sản Liênxô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, bắt đầu vào cuối những năm 1950 đặt Đảng Lao động Việt Nam vào tình thế phải khéo léo, linh hoạt trong mối quan hệ với hai quốc gia hàng đầu trong phe xã hội chủ nghĩa sẽ hậu thuẫn cuộc đấu tranh bảo vệ miền Bắc và giải phóng miền Nam.
Cho rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa "nghiêng" về Trung Quốc hơn, lãnh đạo Liên Xô thời Khơrusov chưa cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.
Đến cuối năm 1964, khi Khơrusov bị bãi miễn khỏi tất cả các chức vụ lãnh đạo, thì ngay lập tức đã diễn ra một sự cải thiện đáng kể quan hệ giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Lao động Việt Nam. Đầu tháng 2/1965, một phái đoàn cấp cao của Liên Xô đã đến Hà Nội, trong đó có Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.N. Kosygin và Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Yu.V. Andropov.
Lợi dụng mâu thuẫn giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hoa Kỳ đã gây ra “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” và nhanh chóng được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua, cho phép Tổng thống Mỹ được trao quyền sử dụng không giới hạn lực lượng vũ trang cho các cuộc không kích ở miền Bắc Việt Nam. Trong những ngày này (cụ thể là vào ngày 7 và 8 tháng 2/1965), không quân Mỹ đã bắn phá thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bằng một cuộc bắn phá theo kế hoạch. Các cuộc tiến công này đã phát động một cuộc chiến tranh trên không quy mô lớn chống lại Bắc Việt, kéo dài gần 8 năm.
Tuy nhiên, kết quả là ngược lại. Kosygin và Andropov kiên quyết lên tiếng ủng hộ việc viện trợ quân sự và các hỗ trợ khác tối đa có thể cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quan điểm này đã được thể hiện rõ ràng vào ngày hôm sau trong một tuyên bố của chính phủ Liên Xô, và vào ngày 10 /2, được nhắc lại trong một tuyên bố chung của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên Xô.
Chuyên gia tên lửa Liên Xô tại miền Bắc Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Ngay sau đó, Quân đội Nhân dân Việt Nam được trang bị vũ khí hiện đại của Liên Xô: tên lửa phòng không, pháo phòng không, máy bay chiến đấu và các loại thiết bị quân sự khác. Trong một thời gian ngắn, hàng nghìn chiến sĩ Việt Nam đã sử dụng thành thạo các loại vũ khí hiện đại của Liên Xô và tự tin bước vào trận chiến với máy bay địch. Dựa vào sự hỗ trợ vô tư của Liên Xô, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dần dần biến thành một pháo đài thực sự bất khả xâm phạm, mà suốt trong 8 năm, máy bay và tàu của Hạm đội 7 của Hoa Kỳ đã không thể đưa nó về thời kỳ đồ đá như lời một tướng Mỹ đã hùng hổ tuyên bố. Hệ thống phòng không ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được các tướng lĩnh Mỹ đánh giá là một trong những hệ thống phòng không mạnh nhất trong lịch sử chiến tranh.
Quy mô thực tế sự giúp đỡ kỹ thuật quân sự của Liên Xô cho Việt Nam là rất to lớn về khối lượng và hiệu quả. Từ 1953 đến 1991 đã chuyển giao: 2.000 xe tăng, 1.700 xe bọc thép, 7.000 súng và mìn, hơn 5.000 súng phòng không và bệ phóng, 158 hệ thống tên lửa phòng không, hơn 700 máy bay chiến đấu, 120 máy bay trực thăng, hơn 100 tàu chiến, được phiên chế vào 117 đơn vị quân đội.
Đồng thời, không thể không tính đến sự đóng góp quan trọng cho chiến thắng của nhân dân Việt Nam bởi các chuyên gia quân sự Liên Xô gửi đến Việt Nam và tình nguyện hoàn thành nghĩa vụ quân sự của mình để hỗ trợ quốc tế cho nhân dân Việt Nam. Theo Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô, từ ngày 11/7 /1965 đến ngày 31/12/1974, có 6.359 tướng lĩnh, sĩ quan và hơn 4.500 binh sĩ, hạ sĩ quan của lực lượng vũ trang Liên Xô đã tham gia chiến đấu tại Việt Nam.
Ngoài vũ khí và trang thiết bị quân sự cần thiết để tăng cường sức mạnh quốc phòng, Liên Xô còn hỗ trợ kinh tế toàn diện cho nhân dân Việt Nam trong những năm chiến tranh. Điều này đã góp phần làm ngừng trệ các kế hoạch của kẻ thù nhằm làm tê liệt nền kinh tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và gây ra nạn đói và phá hoại trong nước. Hàng trăm nghìn tấn thực phẩm, sản phẩm hóa dầu, hàng chục nghìn ô tô, máy kéo, máy phát điện di động, kim loại đen và kim loại màu, vật liệu xây dựng, thuốc men, vải vóc, phân bón hóa học và nhiều thứ khác đã được gửi đến miền Bắc Việt Nam. Một phần đáng kể sự hỗ trợ kinh tế của Liên Xô đã được vận chuyển dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh và bằng đường biển đến miền Nam Việt Nam cho nhu cầu của quân du kích và nhân dân của những vùng được giải phóng.
Điều quan trọng không kém là sự hỗ trợ thường xuyên về chính trị-ngoại giao và tinh thần của Liên Xô cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Trong bối cảnh này, các tuyên bố định kỳ của các đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô về sự kiên trì hỗ trợ Việt Nam đấu tranh, cũng như những lời đoàn kết trong các tuyên bố chung sau kết quả của các cuộc họp Xô-Việt ở cấp cao nhất và các cấp khác thường xuyên diễn ra trong những năm đó ở Matxcơva hoặc Hà Nội, đã có được ý nghĩa quốc tế quan trọng. Một tuyên bố đặc biệt quyết đoán và có tính tiên tri đã được Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XXIII (1966) thông báo: “Bằng cách “leo thang” cuộc chiến đáng xấu hổ chống lại nhân dân Việt Nam, những kẻ xâm lược sẽ gặp phải sự ủng hộ Việt Nam ngày càng tăng từ phía Liên Xô và các nước anh em bạn bè xã hội chủ nghĩa khác. Và sẽ không ai có thể dập tắt ngọn đuốc của chủ nghĩa xã hội được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giương cao”.
Sự ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh, đối với hàng triệu người dân Liên Xô, đã trở thành không chỉ là nghĩa vụ quốc tế mà còn là vấn đề sống còn. Các tổ chức xã hội, trước hết là công đoàn, đoàn thanh niên và hội phụ nữ, những người ủng hộ hòa bình, Hội hữu nghị Xô-Việt và rất nhiều chi nhánh của nó ở các nước cộng hòa thuộc liên bang, Ủy ban ủng hộ Việt Nam của Liên Xô (thành lập năm 1965) và quy tụ các nhà hoạt động xã hội, khoa học và văn hóa nổi tiếng, đóng vai trò là những người vận động trong thực hiện chiến dịch đoàn kết toàn quốc.
Trong quá trình cuộc chiến thất bại to lớn đã buộc chính quyền Hoa Kỳ vào ngày 31/3/1968 phải đưa ra tuyên bố đồng ý bắt đầu đàm phán với các đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 13/5 /1968, tại Paris bắt đầu cuộc họp đầu tiên của đại diện Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy làm đại diện tại cuộc đàm phán. Sau đó, ông tham gia chính thức với tư cách là cố vấn cho Trưởng đoàn, Ủy viên Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Đức Thọ.
Phái đoàn Việt Nam tại Paris có một lợi thế khác, không kém phần quan trọng - họ có sức mạnh chính trị và ngoại giao khổng lồ của Liên Xô ủng hộ. Ngoại giao Liên Xô đã làm việc chặt chẽ với ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các quan chức Việt Nam tại các cuộc đàm phán ở Paris thường xuyên gặp gỡ các đại diện của lãnh đạo Liên Xô để trao đổi thông tin về tình hình ở Việt Nam, về các vấn đề được chú ý tại các cuộc đàm phán ở Paris, về chiến thuật đàm phán. Các cơ quan ngoại giao của Liên Xô tại Washington, Paris, Hà Nội và các thủ đô lớn khác trên thế giới đã thực hiện rất nhiều công việc để hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề. Họ kịp thời thông báo cho Matxcơva về những thay đổi trong tình hình hiện thời về vấn đề Việt Nam và về lập trường của các bên liên quan. Sau đó, các nhà lãnh đạo của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhận thông tin cần thiết đầu tiên tại Matxcơva và với thông tin đó, họ tự tin bước vào vòng đàm phán tiếp theo với kẻ thù.
Giới lãnh đạo Liên Xô cũng sử dụng mọi cơ hội để gây áp lực lên lãnh đạo Mỹ, dần dần thúc đẩy Washington đưa ra quyết định đúng đắn duy nhất- ký thỏa thuận chấm dứt chiến tranh.
Thể hiện rõ nét nhất trong vấn đề này là các cuộc hội đàm của L.I. Bregiơnev với R. Nixon vào tháng 5/1972 tại Matxcơva. Ngay từ những phút đầu tiên của cuộc hội đàm ở Điện Kremlin, ông đã nói một cách gay gắt với Nixon rằng, giải pháp cho vấn đề Việt Nam chỉ có thể có ở bàn đàm phán và rằng lối thoát thực sự khỏi tình trạng bế tắc mà người Mỹ đã tự đưa mình vào, chỉ có thể là trên điều kiện công bằng do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam đề xuất.
Sau đó, lãnh đạo Liên Xô đã quyết định cung cấp cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thêm hỗ trợ quân sự nhằm củng cố vị thế của phía Việt Nam. Đồng thời cũng đưa ra các biện pháp để tiếp tục mở rộng hợp tác quân sự giữa Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Để tăng sức nặng của mình trên bàn đàm phán, tháng 4/1972, Hoa Kỳ đã mở lại các chiến dịch ném bom vào lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lần này với việc sử dụng rất nhiều máy bay ném bom chiến lược B-52. Nhưng quân đội Mỹ lại tính toán sai. Đến thời điểm này, ở Hà Nội và Hải Phòng, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, do Tướng Hupenen A.I. chỉ huy, đã xây dựng được một hệ thống phòng không mạnh mẽ. Chỉ trong 12 ngày đêm của tháng 12, Hoa Kỳ đã chịu tổn thất lớn: tên lửa và phi công Việt Nam đã bắn hạ 81 máy bay địch, trong đó có 34 máy bay ném bom B-52. Do đó, đại diện Mỹ buộc phải quay trở lại bàn đàm phán vào ngày 2/1/1973.
Các chuyên gia quân sự Liên Xô đang xem xét mảnh vỡ một máy bay B52
bị bắn rơi tại miền Bắc Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Ai cũng biết rằng một trong những yếu tố quyết định trong chiến thắng của Việt Nam là áp lực mạnh mẽ của chiến dịch đoàn kết quốc tế phát triển từ năm này qua năm khác. Đến đầu những năm 1970, nó đã đạt được một quy mô chưa từng có đến mức cuối cùng nó đã trở thành một trong những yếu tố phi vật chất quyết định, buộc giới cầm quyền Hoa Kỳ phải quyết định chấm dứt chiến tranh và ký Hiệp định Paris về khôi phục hòa bình ở Việt Nam.
Tháng 7/1973, một phái đoàn cấp cao của Việt Nam đã đến Matxcơva do đồng chí Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Khách Việt Nam được đón ở Liên Xô như những người chiến thắng. Trong một tuyên bố chung giữa Liên Xô và Việt Nam, các vị khách cấp cao Việt Nam đã bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc và đánh giá cao Đảng Cộng sản Liên Xô, Chính phủ Liên Xô, toàn thể nhân dân Liên Xô về sự hỗ trợ và giúp đỡ to lớn, có giá trị và hiệu quả cho nhân dân Việt Nam trên mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, đó là một đóng góp quan trọng cho chiến thắng lịch sử của nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ độc lập, tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhưng điểm quan trọng nhất sau kết quả đàm phán là chính phủ Liên Xô đã tuyên bố với các vị khách cấp cao Việt Nam quyết định “xem xét các khoản vay do Liên Xô cung cấp cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong những năm trước với mục đích phát triển kinh tế như là viện trợ không hoàn lại”.
Các nhà lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ca ngợi tầm quan trọng của sự giúp đỡ và hỗ trợ của đất nước Liên Xô đối với kết quả chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, kết thúc vào ngày 30/4/1975 với việc giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.
Tiến Duy