Trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một sự kiện nổi bật là sự kiện giới học sinh, sinh viên chiếm giữ Tòa đại sứ Campuchia để phản đổi chính quyền Lon Non sát hại Việt Kiều. Chúng tôi giới thiệu hồi ức của Lê Anh Nuôi, nguyên Chủ tịch Tổng đoàn học sinh Sài Gòn về sự kiện này
Tháng 3/1970, được Hoa Kỳ hậu thuẫn, Lon Non tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính quyền trung lập Sihanouk. Không dừng lại ở đó, chính quyền Lon Non còn có những hành động tàn sát Việt Kiều tại Campuchia, làm thức tỉnh tinh thần dân tộc của học sinh, sinh viên miền Nam, dẫn tới sự kiện chấn động chiếm Tòa đại sứ Campuchia tại Sài Gòn để phản đối.
Ngày 18/4/1970, Đại hội sinh viên, học sinh kỳ III kết thúc bằng một cuộc xuống đường tiến thẳng ra Hạ nghị viện với các khẩu hiệu: "Đả đảo Lon Non, chặt đầu Lon Non để trả thù cho đồng bào chúng ta!". Đêm hôm đó, sinh viên Đại học xá Minh Mạng tổ chức đêm "uất hận", làm lễ truy điệu Việt kiều, đốt hình nộm Lon Non, Sêrik Matak, Cheng Heng rồi kéo đi tuần hành ở ngã Sáu.
Chính quyền Sài Gòn điều lực lượng Cảnh sát dã chiến bắn phi tiễn, đạn cay vào đoàn biểu tình, lập tức bị sinh viên, học sinh chống trả bằng gạch đá, gậy gộc và những tiếng thét phẫn nộ. Chúng phải rút lui, bỏ lại những chiếc mặt nạ đầu heo, dùi cui, khiên mây...
Một cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên chống chính quyền Sài Gòn (Ảnh tư liệu)
Đêm 24/4/1970, "Một đêm không ngủ" được tổ chức tại Đại học Khoa học và cũng là nơi xuất phát của một chiến dịch mới: "Chống tàn sát Viêt kiều ở Campuchia". Mặc dù chính quyền cắt điện để phá buổi lễ, nhưng đống lửa đã được đốt lên giữa sân, các micro pin vẫn hoạt động. Bàn thờ Tổ quốc rất uy nghi trên có các dòng chữ: "Dân tộc Việt Nam bất khuất", "Đồng bào ơi! máu chảy ruột mềm", cả rừng người vây quanh đài kỷ niệm và bàn thờ gồm thanh niên sinh viên, học sinh, công nhân và các tầng lớp đồng bào khác đã đến dự với tấm lòng nồng nàn yêu quê hương, dân tộc. Những chiếc khăn tang được phân phát. Những ngọn đuốc nhỏ làm bằng lon sữa bò được tỏa ra thắp sáng cuộc đấu tranh.
Đúng 7 giờ tối, sau lời khai mạc của ban tổ chức, đốt nến, nhang, mặc niệm là đến phần phát biểu của đại diện sinh viên, học sinh, các dân biểu tiến bộ và các tầng lớp nhân dân cùng với những tiếng hô "Đả đảo Lon Non". Hình nộm Lon Non bị đốt trong tiếng hát hào hùng "Dậy mà đi ! Dậy mà đi ! Hỡi đồng bào ơi!".
Một học sinh Pétrus Ký phát biểu: "Đến bây giờ sự phẫn nộ không thể chỉ bằng tiếng thét. Chúng ta phải hành động! Phải chiếm Tòa đại sứ Campuchia để đòi hỏi chính quyền Sài Gòn phải can thiệp, yêu cầu Lon Non chấm dứt tàn sát đồng bào chúng ta". Tiếng vỗ tay vang dội.
Tổng hội sinh viên phát động cuộc xuống đường tiến chiếm Tòa đại sứ Lon Non. Mặc cho Đoàn Kỉnh - sinh viên khoa học, nằm trong Ủy ban đấu tranh chống đàn áp học sinh, sinh viên nhưng chống lại phong trào - tìm cách ngăn cản và lên tuyên bố không chịu trách nhiệm về cuộc xuống đường này, đoàn biểu tình vẫn tràn ra Đại lộ Cộng Hòa tiến tới Tòa đại sứ Lon Non.
Anh Nguyễn Hoàng Trúc cùng một nhóm xung kích đi xe gắn máy, túc trực sẵn trước cổng Đại học Sư phạm, được lệnh chạy trước đến Tòa đại sứ Lon Non để hỗ trợ đoàn biểu tình, mang theo đèn pin, kìm cắt dây kẽm gai, cưa sắt, bao ni lông, chanh để đối phó với hơi cay.
Một cuộc hành quân nước rút của đoàn biểu tình bằng phương tiện sẵn có: xe gắn máy, xe đạp, chạy bộ... Sinh viên chạy xe honđa cầm micro pin hướng dẫn đoàn và kêu gọi đồng bào tham gia xuống đường. Nhiều thanh niên lao động hai bên đường, sau khi hiểu được tình hình, đã gia nhập đoàn đấu tranh.
Một cuộc xung đột với cảnh sát của học sinh, sinh viên (Ảnh tư liệu)
Cảnh sát dã chiến ngăn chặn đoàn từ ngã tư Trần Quý Cáp - Lê Văn Duyệt bằng hàng rào kẽm gai và lựu đạn cay, nhưng sinh viên vẫn xông tới. Các xe gắn máy rú ga mở hết tốc lực phóng thẳng vào cảnh sát dã chiến làm chúng hoảng hồn dãn ra. Thế là vòng vây thứ nhất bị phá.
Tuyến cảnh sát dã chiến thứ hai đã chờ sẵn đoàn ở gần cổng Tòa đại sứ, bắn phi tiễn từ xa và ném lựu đạn cay dồn dập. Đồng bào các nơi và bà con bán quán hai bên đường đã tiếp tế cho đoàn những bọc ni lông, nước đá, chanh và cả những chai bia đã đập gẫy cổ dùng để chống đàn áp. Lực lượng xung kích học sinh, sinh viên đi xe gắn máy vừa lạng xe, vừa giơ chân đạp mạnh làm té nhào mấy tên cảnh sát dã chiến, dùng võ thuật đánh giáp lá cà với chúng. Thế là vòng vây thứ hai cũng bị chọc thủng.
Anh em xung kích cùng đoàn biểu tình đã phá kẽm gai và phá tung hai cánh cửa lớn của Tòa đại sứ, ào vào chiếm trận địa và phản công cảnh sát dã chiến.
Lúc đó là 20 giờ 30 phút đêm 24/4/1970, chỉ khoảng một tiếng đồng hồ sau khi xuất phát, 300 học sinh, sinh viên Sài Gòn đã hoàn toàn làm chủ Tòa đại sứ Lon Non. Lực lượng học sinh, sinh viên đã cố thủ ở Tòa đại sứ này 12 ngày trong vòng vây và sự tiến công liên tục của cảnh sát dã chiến. Đó là một điều khó tưởng tượng nổi ở một "Thủ đô" mà lính tráng được "trang bị đến răng!".
Sinh viên, học sinh tuyên bố chiếm Tòa đại sứ này làm trụ sở Tổng hội học sinh, sinh viên Sài Gòn cho đến khi được cấp trụ sở mới và kẻ hẳn một hàng chữ đỏ to tướng dài mấy chục mét phía trước Tòa đại sứ: TỔNG HỘI SINH VIÊN, HỌC SINH SÀI GÒN.
Tổ chức cố thủ trên sân thượng được bố trí khá chu đáo bằng mọi thứ vũ khí sẵn có và cướp được của cảnh sát dã chiến. Anh chị em còn chế được hàng trăm bom xăng bằng các nhiên, nguyên liệu dễ kiếm như: mốp, crêp cao su nhồi vào những chai côca, xá xị đầy xăng..., một loại vũ khí đáng sợ đối với cảnh sát dã chiến. Cuộc chiến đấu diễn ra liên tục, khi thì để tự vệ, khi thì chủ động tiến công, kể cả dùng bom xăng đốt cháy xe Jeep cùa cảnh sát dã chiến. Tuổi trẻ học đường đã chứng tỏ khả năng tổ chức và sự sáng tạo của mình. Một hệ thống lao phóng thanh với những chiếc loa có công suất lớn đặt trên 4 nóc sân thượng tòa nhà hằng ngày phát thanh những bài tố cáo chính quyền, kêu gọi đồng bào đấu tranh, hát những bài ca yêu nước, .. Anh chị em còn đặt bàn thờ Việt kiều bị tàn sát và làm lễ cầu siêu với biểu ngữ: ’Lon Non vay nợ mau, phải trả bằng máu". Cũng tại đây, trong những ngày chiếm giữ, học sinh, sinh viên đã tổ chức những cuộc họp báo, tiếp nhiều phái đoàn đến thăm, có cả những dân biểu đối lập với những lời hứa "Mỗi ngày sẽ cung cấp vài cây nước đá để mấy em uống chơi cho mát".
Bên ngoài, cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên diễn ra liên tục, hội thảo, biểu tình, kéo đến bổ sung lực lượng cho đoàn quân cố thủ cùng với sự hỗ trợ của phong trào các giới đồng bào đã gây sức ép lớn đối với chính quyền.
Bên trong, do tổ chức chặt chẽ, có kế hoạch hành động, chỉ huy thống nhất nên đã giữ vững được trận địa. Gian khổ như thế nhưng sinh hoạt văn nghệ cũng sôi nổi phong phú. Có nhiều cuộc lửa trại làm không khí cuộc đấu tranh thật sôi nổi.
Quanh đống lửa đốt bằng vỏ xe hơi cũ, đã trình diễn vở hoạt cảnh xử án Lon Non, Sêrik Matak, Cheng Heng. Có đủ các vai: chánh án, biện lý, luật sư, bị cáo... với những câu đốỉ thoại khôi hài, cười ngặt nghẽo. Kết cuộc, tòa tuyên án Lon Non phải làm trâu cày ruộng để đền tội ngược đãi và tàn sát Việt kiều.
Đồng bào các nơi đã gửi đến giúp hàng tấn gạo, thực phẩm. Riêng sữa hộp có thể sử dụng cả tháng vẫn không hết, thuốc men thì có hàng mấy tủ.
Việc vận chuyên hàng tiếp tế từ ngoài vào được tổ chức chu đáo, từ một lỗ khá lớn được đục thủng sau tòa nhà với sự giúp đỡ ngầm của đồng bào xung quanh. Nhiều bà má và chị em bên ngoài thay phiên nhau vào nấu cơm nước, vá quần áo cho học sinh, sinh viên. Một số thiếu nhi đã đến tình nguyện làm liên lạc, trinh sát quanh Tòa đại sứ.
Nhiều bài thơ, ban nhạc hay đã được sáng tác ngay trong chiến dịch này như bài Bà mẹ Bàn Cờ (nhạc của Trần Long Ẩn, phổ thơ của Nguyễn Kim Ngân): "Có người mẹ Bàn Cờ, Tay gầy, tóc bạc phơ, Chuyền cơm qua vách cấm, Khi ngoài trời đổ mưa..."
Sau khi phái đoàn cảnh sát quốc gia đến gặp học sinh, sinh viên chiếm giữ, đề nghị đổi Tòa đại sứ lấy căn nhà 207 đại lộ Hồng Bàng để làm trụ sở Tổng hội, nhưng không được chấp thuận, chính quyền đã dùng mấy trăm cảnh sát dã chiến biệt đoàn 222 để tiến công chiếm lại Tòa đại sứ.
Mặc dù được mật báo trước, trừ một số phải chuyển ra ngoài làm nhiệm vụ khác, tất cả chiến sĩ nam nữ đã sẵn sàng chống trả. Cảnh sát dã chiến nổ súng lúc 2 giờ 30 phút sáng 5/5/1970. Cuộc chiến đấu ngoan cường đã diễn ra, trừ một số thoát ra được phía sau và trốn vào nhà đồng bào, số còn lại gồm 72 nam nữ học sinh, sinh viên bị bắt và đánh đập tàn nhẫn.
Có thề nói, vụ chiếm giữ Tòa đại sứ Lon Non là một đỉnh cao đầy sáng tạo của phong trào học sinh, sinh viên chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu trong thời gian đó. Trong số người trực tiếp chỉ huy chiến dịch này có: Nguyễn Hoàng Trúc, Nguyễn Văn Thắng, phụ trách Tiểu đoàn sinh viên, Lê Văn Nuôi và Trương Anh Dũng, phụ trách Tiểu đoàn học sinh và người chỉ huy hậu cần xuất sắc: Nguyễn Thị Yến.
An Lê (tổng hợp, biên tập)