Ngày 14/3/1988, Trung Quốc tiến công, chiếm đóng trái phép bãi cạn Gạc Ma tại Quần Đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt nam, chứ không phải chỉ là “cuộc xung đột giành quyền kiểm soát Gạc Ma”, một bãi đá vô chủ như báo chí Trung Quốc và thông tin trên mạng xã hội vẫn nêu
Từ trong lịch sử, Gạc Ma đã thuộc chủ quyền Việt Nam
Tiếp nối truyền thống bảo vệ biển đảo, từ thế kỷ XVI, các chúa Nguyễn đã thành lập các đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải đi khai thác nguồn lợi kinh tế, đóng cọc đánh dấu chủ quyền ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thời chúa Nguyễn Hoàng trở đi, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (trong đó có Gạc Ma) đã tồn tại với tư cách là một đơn vị hành chính của Việt Nam.
Thời vua Gia Long càng đẩy mạnh bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa và Hoàng Sa, ban hành nhiều chỉ dụ, yêu cầu giữ chủ quyền biển đảo.
Năm 1816, vua Gia Long ban lệnh cho thuỷ quân cùng với sự hướng dẫn của dân binh đội Hoàng Sa đi xem xét, đo đạc thuỷ trình ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Từ năm 1836, thời vua Minh Mạng đã thành thông lệ, hằng năm thuỷ quân đều ra Hoàng Sa, Trường Sa vãng thám, đo đạc thuỷ trình, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và tiến hành một số hoạt động khác.
Trong quá trình bảo vệ các vùng biển đảo ấy, không ít tiền nhân đã hy sinh trên biển.
Thấu hiểu được công lao của nhân dân đi làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, năm 1837 vua Minh Mạng ra chỉ dụ, gọi người hoạt động trong đội Hoàng Sa đã hy sinh khi làm nhiệm vụ là các “Hùng binh Trường Sa”. Sau này còn lấy tên người có công lớn với biển, đảo đặt tên cho đảo như đảo Hữu Nhật (Chánh đội Nguyễn Hữu Nhật), đảo Quang Ảnh (cai đội Phạm Quang Ảnh) ...
Tranh vẽ các chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo tại Gạc Ma
Nhớ sự kiện Gạc Ma để biết ơn người hy sinh và cảnh giác kẻ xâm lược
Ngày 14/3/1988, khi ở đất liền, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, người dân Việt Nam đang cử quốc tang nguyên thủ quốc gia - lễ viếng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, thì ở Biển Đông, tàu chiến Trung Quốc hung tợn nổ súng đánh Gạc Ma, làm những người con đất Việt ngã xuống, hy sinh.
Đối với dân tộc Việt Nam, sự kiện Gạc Ma là một sự kiện quan trọng trong lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo gắn liền với cuộc chiến đấu, hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ Việt Nam ngày 14/3/1988. Nó không phải là một cuộc “tranh giành chủ quyền biển đảo”, càng không phải là một “cuộc xung đột giành quyền kiểm soát Gạc Ma” như một số thông tin trên mạng xã hội. Bởi vì trước khi Trung Quốc tấn công hòng chiếm đảo, thì chủ quyền đã thuộc về Việt Nam, chứ không phải nó vô chủ! Cũng không gọi đây là một “cuộc hải chiến”, vì Việt Nam không dùng tàu chiến, không khiêu khích, không gây chiến, không mắc mưu đối phương, không nổ súng trước, mà chỉ chủ trương quyết tâm đóng giữ đảo, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam bằng phương pháp hòa bình.
Đối với Trung Quốc, đây là sự kiện xâm lược, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Thực tế, rạng sáng ngày 14/3/1988, hải quân Trung Quốc bất ngờ đánh chiếm các đảo, bãi đá Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc dùng 6 tàu chiến có trang bị tên lửa và pháo 100mm, vô cớ tiến công các tàu vận tải của Hải quân nhân dân Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ tại đây.
Do hải quân Trung Quốc ưu thế hơn về hỏa lực và trang bị phương tiện nên cuộc tiến công ấy làm 3 tàu vận tải Hải quân nhân dân Việt Nam bị cháy, chìm; 64 cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã anh dũng hy sinh, 9 người bị tàu hải quân Trung Quốc bắt đưa đi và nhiều người bị thương.
Nhiều người còn coi đây là một “cuộc thảm sát” của Trung Quốc đối với bộ đội Việt Nam bảo vệ Gạc Ma, được trang bị kém hơn phía Trung Quốc nhiều lần. Trung Quốc còn trắng trơn tung lên mạng video cảnh tàu chiến Trung Quốc bắn xối xả vào những người lính công binh Việt Nam tại bãi cạn Gạc Ma.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma, ngày 12/3/2022
(Ảnh Dương Giang/TTXVN)
Nhớ về sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988, không chỉ thể hiện lòng biết ơn hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam mà còn là để giáo dục thế hệ sau bài học quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.
Dù lịch sử có lùi xa, dù ai cố tình hiểu sai, xuyên tạc về sự kiện Gạc Ma năm 1988 thì vẫn không thể phủ nhận được thực tế Trung Quốc dùng lực lượng hải quân tấn công xâm lược, hòng xâm chiếm biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Còn hải quân Việt Nam chiến đấu chống lại hải quân Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền, đó là điều chính nghĩa, tất yếu.
Vì vậy, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải khẳng định: với Việt Nam, đây là cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền; với Trung Quốc đây là cuộc xâm lược chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Nhận thức khách quan về chủ quyền và quyết tâm đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo Việt Nam là nhiệm vụ của các thế hệ người Việt và cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình, tuân thủ công lý. Đó cũng là thực hiện ý chí, truyền thống của tiền nhân đã tạo dựng, đồng thời lấy đó làm căn cứ phản bác các luận điệu xuyên tạc vấn đề Biển Đông.
Trong hành trình bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn thể dân tộc Việt Nam luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ:“Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ” [1],“Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa”[2], “Là chiến sỹ hải quân, các chú phải yêu quý đảo như yêu quý nhà mình”[3]. Đó cũng là tiếp nối tinh thần “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” của Lý Thường Kiệt, “Kẻ nào đánh mất một tấc đất của dân tộc vào tay kẻ thù đều đáng bị tru di” của Lê Thánh Tông, “Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác” của Nguyễn Trãi... Đồng thời đây còn là sự kế thừa, phát triển lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và tiếp thu tinh hoa nhân loại[4].
Lê Mật
([1]) PGS, NGND Lê Mậu Hãn trong bài: Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn, Báo Nhân Dân, ra ngày 05/02/2013.
([2])Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1956, tập 3, tr.262-264.
([3]) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.310.
([4]) Bùi Văn Mạnh: Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, Tạp chí Cộng sản, http://www.tapchicongsan.org.Việt Nam/Home