Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, Trung ương Cục miền Nam, cơ quan lãnh đạo của Trung ương Đảng tại chiến trường Nam Bộ được thành lập ngày 7/6/1951. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam, tái lập Xứ ủy Nam Bộ. Qua hơn 3 năm tổ chức và hoạt động (6/1951-10/1954), Trung ương Cục miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình
Vào đầu năm 1951, cuộc kháng chiến chống thực dân của dân tộc ta chuyển sang một giai đoạn mới, tuy các cấp uỷ Đảng ở Nam Bộ đã nhiều lần được chấn chỉnh và tăng cường nhưng do vị trí trọng yếu của Nam bộ, thực dân Pháp muốn bình định, củng cố khu vực chiếm đóng để vơ vét nhân lực, vật lực đẩy mạnh cuộc chiến tranh ở miền Bắc. Miền Nam lại ở xa Trung ương nên tiếp thu sự lãnh đạo của Trung ương Dảng có nhiều khó khăn, trở ngại. Tình hình ấy đặt ra một nhiệm vụ là phải tổ chức lại cấp uỷ, tăng cường và mở rộng thêm quyền hạn để Đảng bộ Nam Bộ có thể hoàn thành được nhiệm vụ trong điều kiện mới.
Từ năm 1949, một số đồng chí lãnh đạo ở Trung ương và Nam Bộ đã nêu lên vấn đề nâng cấp tổ chức Đảng tại Nam Bộ cho tương xứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chủ trương này ngày càng được hình thành rõ nét về thành lập một mô hình cơ quan lãnh đạo mới của Đảng, với tầm mức cao hơn, đặt tại Nam Bộ, đáp ứng đòi hỏi về lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Trung ương Đảng đối với phong trào kháng chiến tại Nam Bộ. Đến đầu năm 1951 vấn đề càng trở nên cấp bách hơn.
Tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, tháng 2/1951, chủ trương nâng cấp và tổ chức cơ quan lãnh đạo Trung ương ở Nam Bộ được đặt ra và thông qua. Điều lệ Đảng được Đại hội thông qua quy định về Cơ quan Trung ương của Đảng nêu rõ: “Tùy theo sự cần thiết, Ban Chấp hành Trung ương có thể tổ chức các Cục trung ương để chỉ đạo các địa phương xa. Thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn và cách làm việc của các Cục trung ương sẽ do Ban Chấp hành Trung ương ấn định và thông tri cho các địa phương có quan hệ biết”.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất (khoá II) họp từ ngày 13 đến ngày 16/3/1951 đã bàn và ra Nghị quyết về việc bãi bỏ Xứ uỷ Nam Bộ và thành lập Trung ương Cục miền Nam.
Nghị quyết Hội nghị nêu rõ: “Trung ương Cục miền Nam gồm những Uỷ viên Trung ương ở Nam Bộ. Trung ương Cục miền Nam căn cứ các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị mà cụ thể chỉ đạo công tác cho Nam Bộ và bộ phận Đảng Lao động Việt Nam ở Cao Miên”.
Cũng trong thời gian này, ngày 27/3/1951, đồng chí Lê Đức Thọ gửi điện xin ý kiến Trung ương chuẩn bị thành lập Phân cục Trung ương ở Nam Bộ. Bức địên nêu rõ chủ trương của Đảng bộ Nam bộ chia Nam bộ thành 2 Phân Liên Khu Miền Đông, Phân Liên Khu Miền Tây và Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn, dự kiến bố trí, sắp xếp cán bộ như sau:
- Đồng chí Lê Đức Thọ: Bí thư Phân cục kiêm Chính uỷ Nam Bộ, phụ trách Đảng vụ.
- Đồng chí Phạm Hùng: Phó Bí thư phụ trách chính quyền.
- Đồng chí Tư Thượng Vũ (Nguyễn Văn Kỉnh): phụ trách Văn phòng Thường vụ Phân cục.
- Đồng chí Ung Văn Khiêm: phụ trách Mặt trận.
- Đồng chí Hà Huy Giáp: phụ trách Tuyên huấn.
Căn cứ Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, ngày 7/6/1951, Trung ương Cục miền Nam đã ra Thông cáo số 1 tuyên bố bãi bỏ Xứ uỷ Nam Bộ và thành lập Trung ương Cục miền Nam. Trung ương Cục được thành lập gồm 6 đồng chí Uỷ viên Trung ương:
- Đồng chí Lê Duẩn: Bí thư
- Đồng chí Lê Đức Thọ: Phó Bí thư
- Đồng chí Phạm Hùng
- Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh
- Đồng chí Ung Văn Khiêm
- Đồng chí Hà Huy Giáp
Giao cho đồng chí Tư Thượng Vũ, nguyên Phó Bí Thư Xứ uỷ Nam Bộ, thay mặt Trung ương Cục ký tên các giấy tờ của Đảng và lấy bí danh là Trung Nam.
Trung ương Cục miền Nam có nhiệm vụ chính là thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng nhằm lãnh đạo, chỉ đạo các Đảng bộ Nam Bộ và Cao Miên phát triển sâu rộng thực lực cách mạng, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng.
Tháng 5/1952, đồng chí Lê Duẩn Bí thư Trung ương Cục được điều động ra Trung ương công tác. Đồng chí Lê Đức Thọ, Phó Bí thư lên làm Bí thư, trực tiếp phụ trách công tác Đảng vụ, Chính uỷ kiêm Tư lệnh Nam Bộ thay đồng chí Lê Duẩn. Đồng chí Phạm Hùng làm Phó Bí thư phụ trách công tác chính quyền, kinh tế tài chính, đồng chí Hà Huy Giáp phụ trách tuyên huấn, đồng chí Tư Thượng Vũ (Nguyễn Văn Kỉnh) phụ trách Văn phòng Trung ương Cục.
Phạm vi lãnh đạo của Trung ương Cục vẫn như Xứ uỷ Nam Bộ trước đó.
Đồng chí Lê Đức Thọ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam trong những năm 1952-1954
Sau khi thành lập Trung ương Cục, theo chủ trương trước đó, Trung ương Cục miền Nam tiến hành sắp xếp bố trí lại chiến trường. 17 tỉnh, thành ở Nam Bộ được sáp nhập thành 11 tỉnh, thành và đặc khu Sài Gòn với mục đích tạo cho mỗi tỉnh có một chiến trường rộng, có vùng căn cứ liên hoàn, có điều kiện cơ động lực lượng, hỗ trợ nhau, giảm nhẹ bộ máy, tăng cường cán bộ cho cấp huyện và xã, khắc phục tình trạng địch chia cắt phong tỏa địa bàn.
Trung ương Cục miền Nam giải thể các khu 7, 8, 9 và thành lập hai phân liên khu (ngoài đặc khu Sài Gòn).
Phân liên khu miền Đông gồm các tỉnh Gia Định Ninh, Thủ Biên, Bà Chợ, Mỹ Tân Gò, Long Châu Sa.
Phân liên khu miền Tây gồm các tỉnh Vĩnh Trà, Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu và Long Châu Hà.
Về Đảng, Trung ương Cục miền Nam thành lập Phân liên khu ủy miền Đông và Phân liên khu ủy miền Tây để lãnh đạo các tỉnh trong phân liên khu.
Phân Liên khu ủy miền Đông thành lập ngày 27/6/1951 theo Nghị quyết số 04/NQ-TWC. Phân liên khu ủy miền Đông do đồng chí Lê Duẩn, sau đó là Phạm Hùng đứng đầu.
Phân liên khu ủy miền Tây do đồng chí Lê Đức Thọ đứng đầu. Đặc khu ủy Sài Gòn- Chợ Lớn do đồng chí Nguyễn Văn Linh đứng đầu.
Do vị trí quan trọng của Sài Gòn- Chợ Lớn, Hội nghị Thành uỷ mở rộng (tháng 8/1950) đã thành lập Đặc khu Sài Gòn- Chợn Lớn và bầu Đặc Khu uỷ gồm 13 đồng chí do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư. Đặc Khu uỷ thành lập Ban Cán sự nội thành do đồng chí Nguyễn Kiệm là Bí thư. Sau khi Trung ương Cục được thành lập, Đặc Khu Sài Gòn- Chợ Lớn vẫn được giữ nguyên, với tên gọi chính thức là Đặc Khu Sài Gòn.
Nhiệm vụ của các Phân Liên Khu là nhận định tình hình các tỉnh trong Phân Liên Khu và báo cáo về Trung ương Cục, thay mặt Trung ương Cục lãnh đạo các tỉnh uỷ và kiểm tra về mọi mặt các ngành Quân-Dân- Chính và Đảng trong các tỉnh theo chủ trương của Trung ương.
Sau khi thành lập, các ban chuyên môn giúp việc của Xứ uỷ Nam Bộ trở thành bộ phận giúp việc của Trung ương Cục. Một số ban chuyên môn giúp việc được kiện toàn, gồm các ban sau:
- Văn phòng
- Ban Giao thông liên lạc
- Ban Tài chính
- Ban Kiểm tra
- Ban Khảo huấn giáo dục
- Ban Đảng vụ
- Ban Tuyên huấn
- Ban Mặt trận
- Ban Hoa vận
- Ban Cán sự Miên: Lãnh đạo phong trào Cao Miên về tất cả các mặt như quân sự chính trị, dân vận, đảng…
- Ban Cán sự Xiêm (riêng Ban Cán sự Xiêm có Ban Mậu dịch chuyên lo hàng cho Nam Bộ, Trung Bộ và Miên)
Cơ cấu bộ máy tổ chức như trên của Trung ương Cục miền Nam tồn tại và hoạt động có hiệu quả cho đến khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi.
Tháng 10/1954, trước tình hình mới của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam, tái lập Xứ ủy Nam Bộ.
Bình Nguyễn