Cách đây 92 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Với tầm cao tư tưởng, kinh nghiệm hoạt động và phương pháp lãnh đạo cách mạng của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã để lại những dấu ấn lịch sử trong sự kiện ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam
Thành lập Đảng khi chưa nhận được chỉ thị của Quốc tế Cộng sản
Nhiều công trình lịch sử và lịch sử Đảng trước đây, trong đó có cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (1920-1954), Sơ thảo, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1985, đều viết rằng Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam sau khi nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản.
Thoạt nghe có vẻ hợp lô gic, nhưng sự thực Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam khi chưa nhận được chỉ thị của Quốc tế Cộng sản.
Trước tình hình phân liệt, tan rã của các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã khẩn trương từ Thái Lan đến Trung Quốc ngày 23/12/1929 và triệu tập Hội nghị hợp nhất, có đại biểu của 2 tổ chức cộng sản là An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Đảng tham dự.
Hội nghị họp từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930 tại Hồng Kông. Ngày 8/2, các đại biểu lên đường về nước.
Việc triệu tập hội nghị hoàn toàn do sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc.
Hồng Thế Công (tức Hà Huy Tập) trong tác phẩm Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương viết: "Cố đồng chí Nguyễn Ái Quốc có sáng kiến đề ra và lãnh đạo công cuộc thống nhất".
Sở dĩ Hồng Thế Công viết "cố đồng chí Nguyễn Ái Quốc" vì tưởng rằng Nguyễn Ái Quốc đã hy sinh trong nhà tù của nhà cầm quyền Anh tại Hồng Kông sau khi bị bắt hồi tháng 6 /1931.
Tài liệu của Đảng Cộng sản Đông Dương Kỷ niệm bảy năm thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, viết ngày 30/12/1936, cũng cho biết: "Đồng chí Nguyễn Ái Quốc vì muốn thống nhất cuộc cộng sản vận động, nên đồng chí tự sáng kiến chiêu tập hội nghị hợp nhất ngày 6 tháng Giêng năm 1930. Đó là một sáng kiến đúng với đại ý của Quốc tế Cộng sản".
Trong lúc Nguyễn Ái Quốc đang tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thì Quốc tế Cộng sản cũng chỉ đạo việt thành lập một Đảng Cộng sản tại Đông Dương, lấy tên là Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tháng 10/1929, Quốc tế Cộng sản dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương.
Nghị quyết về việc thành lập một Đảng Cộng sản ở Đông Dương của Quốc tế Cộng sản, ngày 27/10/1929, chỉ là bản dự thảo, cho nên, ngày 31/10/1929, Quốc tế Cộng sản gửi công văn đến các uỷ viên Uỷ ban (Ban Chính trị) lấy ý kiến về bản dự thảo Nghị quyết thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó có đoạn viết: “đề nghị các đồng chí khẩn trương xem bản nghị quyết này. Những chỗ cần sửa đổi và chỉ dẫn bổ sung, nếu cần thiết, xin các đồng chí gửi lại cho chúng tôi, trước khi Ban Bí thư chính trị thông qua bản nghị quyết chính thức”.
Qua nhiều lần thảo luận, đến ngày 28/11/1929, Quốc tế Cộng sản mới thông qua Nghị quyết. Trong điều kện giao thông liên lạc khó khăn, khi Nghị quyết đó về đến trong nước thì việc thống nhất các tổ chức Đảng đã thực hiện rồi.
Đến ngày 24/2/1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc hợp nhất ba tổ chức cộng sản hoàn tất.
Thành công nổi bật tại Hội nghị thành lập Đảng với những dấu ấn của Nguyễn Ái Quốc
Với tinh thần chủ động, sáng tạo, Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời giải quyết yêu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam là thành lập một đảng cộng sản; chấm dứt tình trạng “hai nhóm cộng sản sử dụng nhiều - nếu không nói là cả - nghị lực và thời gian trong cuộc đấu tranh nội bộ và bè phái”1; xây dựng đội tiền phong thống nhất, tập trung của giai cấp công nhân để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Qua đó, Người cũng tạo dựng cơ sở và phương pháp đoàn kết, nhất trí trong Đảng.
Phương pháp hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam là phương pháp tối ưu trong tình hình lúc bấy giờ. Vì Đảng Cộng sản Đông Dương và An Nam Cộng sản Đảng đều ra đời và hoạt động vì mục tiêu giải phóng dân tộc và nhân dân lao động, xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, đều mong muốn thống nhất thành một đảng, điều khác nhau là cách thống nhất và tổ chức nào đóng vai trò chủ thể quyết định quá trình đó. Nguyễn Ái Quốc chuyển nguyên khối các tổ chức đó vào Đảng Cộng sản Việt Nam, chứ không giải thể rồi lựa chọn những phần tử ưu tú để kết nạp vào Đảng như điều kiện thành lập Đảng Cộng sản ở Đông Dương do Quốc tế Cộng sản nêu ra trong Nghị quyết mà sau này người mới nhận được.
Nguyễn Ái Quốc, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và chính Người đã lãnh đạo Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản vạch ra cương lĩnh cách mạng, định hướng cho cách mạng Việt Nam đi từ cách mạng dân tộc dân chủ lên chủ nghĩa xã hội.
Trong thời kỳ cách mạng dân tộc, dân chủ, nhiệm vụ giải phóng dân tộc giữ vị trí hàng đầu và được thực hiện bằng sự tập trung cao độ sức mạnh của dân tộc, của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân thiết tha với độc lập tự do, chống ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và bè lũ tay sai. Nhiệm vụ dân chủ được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với việc thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, nói một cách khác là thực hiện cách mạng ruộng đất, đáp ứng nguyện vọng thiết tha nhất của giai cấp nông dân phải bảo đảm thúc đẩy sự phát triển của cách mạng giải phóng dân tộc đi tới thắng lợi, và giữ vững khối đoàn kết dân tộc. Chủ trương đó của Nguyễn Ái Quốc là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn quan điểm dân tộc và quan điểm giai cấp trong điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam trên lập trường vô sản, chứ không phải là “chỉ lo đến việc phản đế, mà quên mất lợi ích giai cấp tranh đấu”2.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra sức thu phục, đoàn kết giai cấp nông dân, tiểu tư sản và phú nông, tư sản, trung và tiểu địa chủ là dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá các giai cấp đó theo phương pháp khách quan, biện chứng mà Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành từ khi Người tiếp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin và được trình bày trong các tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, Đường Cách mệnh và nhiều tác phẩm khác.
Quan điểm của Người về vấn đề trên là phù hợp với tình hình cụ thể của nước Việt Nam bị đế quốc Pháp xâm lược và biến thành thuộc địa, quyền tự do của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân bị thủ tiêu, sự phát triển kinh tế, văn hóa của dân tộc Việt Nam bị cản trở. Chỉ trừ những phần tử cam tâm làm tay sai cho chính quyền thuộc địa, toàn thể nhân dân Việt Nam, đồng bào Việt Nam đều thiết tha tranh đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc và xây dựng đất nước giàu mạnh. Điểm tương đồng quan trọng đó là cơ sở tư tưởng chính trị để tạo lập khối đại đoàn kết dân tộc.
Tư duy chính trị sáng tạo sắc sảo đó của Nguyễn Ái Quốc là nét vượt trội mà người đương thời chưa đạt tới. Cũng có thể nói thêm rằng, quan điểm đó của Nguyễn Ái Quốc là một yếu tố quan trọng nên bản sắc và giá trị cao cả của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc.
Ở đây có sự khác biệt giữa quan điểm của Nguyễn Ái Quốc và Quốc tế Cộng sản. Về vấn đề thái độ của Đảng đối với các giai cấp và tầng lớp xã hội như phú nông, địa chủ, tư sản, Nghị quyết về Đông Dương của Quốc tế Cộng sản cho rằng với phú nông, “không bao giờ liên minh với họ”, “phải đánh đổ địa chủ, tịch thu không bồi thường ruộng đất của địa chủ” còn tư sản thì gắn với địa chủ, chịu ảnh hưởng của tư sản Trung Quốc phản cách mạng, một bộ phận hợp tác với đế quốc, một bộ phận cải lương, phản cách mạng, vì vậy không thể tranh thủ, đoàn kết họ được 3.
Những luận điểm của Nguyễn Ái Quốc về cách mạng Việt Nam cũng chi phối việc xác định tên gọi Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không lấy tên Đảng Cộng sản Đông Dương như trong Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản được gửi đến sau này.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua kiểm nghiệm, xác nhận giá trị khoa học và cách mạng của những quan điểm, chủ trương đó của Nguyễn Ái Quốc, một trong những cơ sở quan trọng xây dựng nên đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bình Thi
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t. 2, tr. 21.